Lại chuyện văn hóa giao thông…
- Thực hiện nếp sống văn minh đô thị bắt đầu từ văn hóa giao thông và không xả rác
- Ngày hội thanh niên với văn hóa giao thông 2019
- Văn hóa giao thông – Hồi chuông cảnh báo
Điều đáng buồn đây không phải là điều hiếm gặp trên các tuyến cao tốc ở Việt Nam. Đã có tài xế lùi xe, thậm chí đi ngược chiều trên đường cao tốc và đã gây ra những hậu quả thảm khốc.
1. Khi tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chính thức thông xe, tôi và nhóm đồng nghiệp có công việc tại thành phố Cảng nên rất phấn khởi để được trải nghiệm con đường cao tốc được cho là hiện đại bậc nhất Việt Nam. Đường đẹp, xe tốt khiến cho quãng thời gian di chuyển thật thoải mái.
Thế rồi, thời gian qua, trên nhiều diễn đàn cũng như mạng xã hội Facebook liên tục đăng tải những vi phạm nghiêm trọng trên hệ thống đường cao tốc, trong đó có cả con đường tôi vừa nhắc đến ở trên.
Còn nhớ vào ngày mùng 2 Tết Kỷ Hợi (ngày 6/2/2019) anh H.C.V. (sinh năm 1971, trú tại TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển xe ôtô mang BKS 36A-090.48 du xuân từ quê nhà đi thị trấn Sapa (tỉnh Lào Cai).
Khoảng 12h30 cùng ngày, anh V. đã dừng xe tại Km64 gầm cầu vượt QL2, trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Lúc này, 4 người trong gia đình đã mang đồ ăn xuống và "mở tiệc" ở làn dừng xe khẩn cấp.
Hình ảnh bữa tiệc đã được đưa lên mạng và ngay lập tức gặp phải làn sóng phản đối, chỉ trích vì gây mất an toàn giao thông. Nhận được thông tin trên, Phòng Hướng dẫn TTKS giao thông đường bộ, Cục CSGT đã mời tài xế lên làm việc đồng thời lập biên bản và ra quyết định phạt theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP.
Nữ tài xế thản nhiên dừng xe, chụp ảnh trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. |
Một vụ việc khác, ngày 2/1/2020, Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 2 thuộc Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ Cục CSGT đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với lái xe bồn về hành vi điều khiển xe lùi trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Theo đó, ngày 1/1 tài xế Vũ Quý H. (sinh năm 1996, trú tại huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) đã điều khiển xe bồn đi lùi tại Km49+300 trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo hướng Hải Phòng đi Hà Nội. Rất may không có tai nạn nào xảy ra do việc đi lùi này.
Đặc biệt cuối năm 2016 một vụ TNGT thảm khốc đã xảy ra trên tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Tài xế Lê Ngọc Hoàng điều khiển chiếc xe đầu kéo kéo theo rơ moóc đi thuận chiều trên cao tốc đã tông vào đuôi một chiếc xe Innova đang đi lùi. Chiếc Innova do tài xế Ngô Văn Sơn điều khiển chở 10 khách từ Bắc Ninh lên TP Thái Nguyên ăn cưới. Cú tông mạnh đã khiến 4 người tử vong tại chỗ, 2 người bị thương.
Hành vi lái xe đi lùi trên cao tốc đã vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, đe dọa tính mạng và tài sản của người tham gia giao thông trên tuyến vì loại đường này cho phép phương tiện lưu thông tốc độ cao, chỉ cần không tuân thủ quy tắc sẽ xảy ra các vụ va chạm, hậu quả để lại thường rất đau đớn.
Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan chức năng đã nắm bắt sự việc và đưa ra các quyết định xử phạt người điều khiển phương tiện rất nặng nhưng dường như tình hình không có thay đổi. Cơ quan quản lý đường cao tốc cũng như người đi đường liên tục đăng tải nhiều hình ảnh, clip vi phạm của không ít tài xế vi phạm trên mạng xã hội gây bức xúc cho dư luận.
2. Có thể nói đa số người Việt khi đón nhận và sử dụng hệ thống đường cao tốc còn nhiều bỡ ngỡ bởi sự hiện đại, những biển báo, tiện nghi tại đây.
Nhưng thói quen "nhờn" với những qui định của luật giao thông trên đường dường như cố hữu tồn tại với không ít người, họ đã làm được "điều đó" ngoài phố thì cũng không có gì phải ồn ào nếu ứng xử như vậy trên cao tốc(?!) Đó là một sai lầm nghiêm trọng, bởi những thảm họa từ tai nạn giao thông trên tuyến đường mà các phương tiện ôtô di chuyển với tốc độ rất cao đều vô cùng khốc liệt.
Cuối năm 2019, tôi có dịp trò chuyện với một phóng viên người Mỹ đã làm việc tại Việt Nam gần 20 năm về các câu hỏi xung quanh góc nhìn giao thông. Anh phóng viên người Mỹ chia sẻ ý thức cũng như văn hóa giao thông tại Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều so với nhiều năm trước, có thể bắt đầu từ sự phản ứng của dư luận đối với những vi phạm bị ghi hình xuất hiện trên mạng xã hội. Đó cũng là lời cảnh tỉnh về ý thức.
"Giống như một cậu học sinh kém môn toán chẳng hạn, cậu ta chỉ đạt 2 tới 3 điểm rồi chịu khó học hành hơn. Sẽ lên 5 rồi 7 điểm, sau đó mới có thể đạt điểm 10. Văn hóa giao thông tại Việt Nam cũng vậy, đừng đòi hỏi ngay lập tức 9-10 điểm ngay được. Người Việt đang chấp hành luật lệ giao thông tốt hơn rất nhiều, biết nhường nhịn, đi đúng làn, chấp hành tín hiệu đèn…". Đó cũng là góc nhìn tương đối khả quan của một người bạn nước ngoài am hiểu văn hóa Việt.
Kỹ năng lái xe, nắm bắt các qui định, biển báo cũng như các lối rẽ trên đường cao tốc đòi hỏi tương đối cao đối với không ít tài xế. Tôi đã lái xe hơn 20 năm, đi lại cũng không ít thế nhưng phải tự nhận thấy khi di chuyển trên cao tốc cũng không ít bỡ ngỡ. Những lần đầu di chuyển, đôi khi vì chủ quan không xem trước bản đồ trên điện thoại, thế là bị "lố" tại đường rẽ để ra ngoài tới địa điểm cần tới. Đôi khi tôi tự đổ lỗi do hệ thống biển báo chưa được thuận tiện cho lắm.
Khi bị lố vài trăm mét, trong đầu thoáng suy nghĩ hay là lùi lại, tự đấu trí với bản thân và cuối cùng xem lại bản đồ, chấp nhận "học phí dốt" là đi thêm tới vài chục KM còn hơn là có thể sẽ có khả năng "nổi tiếng" theo cách nào đó trên mạng xã hội.
Hy vọng người dân tham gia giao thông trên cao tốc sẽ rút được những kinh nghiệm sâu sắc. Và văn hóa giao thông sẽ ngày một nâng cao hơn.