Lại một "Mùa xuân Arab" ở Lục địa đen?

Thứ Ba, 16/04/2019, 10:40
Sau Algeria, đến lượt Sudan, nơi tổng thống vừa bị phế truất dưới áp lực của hàng vạn người biểu tình trên đường phố. Báo chí châu Phi cho rằng “Mùa xuân Arab” đang tái diễn tại châu lục này.

Trong một cuộc họp khẩn ngày 11-4, quân đội Sudan thông báo đã quyết định phế truất, tạm giam tại gia Tổng thống Omar al-Bashir và giải tán nội các, tờ báo Al-Hadath cho biết. Theo tờ báo của Sudan này, một số bộ trưởng và người thân của nguyên thủ quốc gia cũng đã bị bắt giữ.

Trước đó, phát biểu trên truyền hình nhà nước Sudan, Bộ trưởng Quốc phòng Sudan Awad Ibnouf thông báo Hội đồng Quân sự mới thành lập sẽ thay tổng thống điều hành đất nước trong 2 năm và hiến pháp năm 2005 của Sudan đã bị đình chỉ.

“Chúng tôi thông báo tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong 3 tháng. Chúng tôi cũng đã ra lệnh đóng cửa biên giới và không phận của đất nước cho đến khi có thông báo mới”, ông Ibnouf nói thêm.

Từ giữa tháng 12-2018, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục nổ ra rộng khắp, bắt đầu bằng lời kêu gọi hạ giá bánh mì nhưng dần dần dẫn đến yêu cầu thay đổi chế độ chính trị của Tổng thống Omar al-Bashir, người đã cầm quyền trong 30 năm. Omar al-Bashir, 75 tuổi, trở thành tổng thống sau cuộc đảo chính năm 1989, là một trong những tổng thống cầm quyền lâu nhất ở Sudan và bị Tòa Hình sự quốc tế truy nã về tội diệt chủng và tội ác chiến tranh.

Cuối tuần trước, hàng ngàn người đã xuống đường ở Khartoum và các thành phố khác, yêu cầu Tổng thống al-Bashir từ chức. Người biểu tình đã kéo đến trước tòa nhà của Bộ Tổng tham mưu và kêu gọi quân đội “đứng về phía nhân dân”.

Người biểu tình tại Algeria ngày 5-4.

Sự kiện tại Sudan diễn ra chỉ chưa đầy 10 ngày sau khi Tổng thống Abdeleziz Bouteflika của Algeria, cũng dưới sức ép của người biểu tình và quân đội, đã phải tuyên bố từ chức. Theo báo Courrier International của Pháp, Tổng thống Abdelaziz Bouteflika từ chức không có nghĩa là khủng hoảng chính trị chấm dứt. Trái lại, sự kiện này thể hiện một cuộc leo thang chiến tranh bè phái cực kỳ nguy hiểm từ khi Tổng Tham mưu trưởng Salah nhập trận.

Tuy nhiên, âm mưu đảo chính chưa thực hiện được vì Hội đồng Bảo hiến không bật đèn xanh thì ông Bouteflika thông báo sẽ từ chức vào ngày hết nhiệm kỳ, 28-4. Việc tổng thống Algeria cần thêm 1 tháng và hứa sẽ ra nhiều quyết định quan trọng mang ý nghĩa gì? Thông cáo của Phủ Tổng thống rất rõ: một trong những quyết định đó là thay thế tướng Salah.

Tác giả bài báo “Bouteflika là người thứ nhất”... tin chắc người thứ hai ra đi là tướng Salah. Không ngờ tướng Salah lại tạo sức ép ông Bouteflika từ chức ngay. Ông Bouteflika ra đi, tướng Salah, ngoài nhiệm vụ bảo vệ đất nước, không còn hy vọng đóng một vai trò chính trị nào cả. Vấn đề là phe Salah có thể cố giữ đặc quyền đặc lợi hay không?

Hai đài truyền hình Echourouk và El Bilad của phe Salah khẳng định là trong trường hợp bị cách chức, Salah sẽ không tuân thủ. Sự ổn định của quốc gia có vẻ như chẳng có ý nghĩa gì trong cuộc tranh giành này nữa.

Không có diễn biến giống như hai quốc gia Tây Phi trên nhưng tình hình chiến sự tại Libya cũng đang nóng trên các diễn đàn quốc tế. Được hình thành sau “Mùa xuân Arab” lần thứ nhất năm 2011, các chính quyền đối nghịch ở Libya đang bước vào giao đoạn “loại trừ” lẫn nhau sau bao năm đấu tranh.

Chiến dịch tấn công thủ đô Libya của tướng Khalifa Haftar, thủ lĩnh quân sự hùng mạnh miền Đông Libya, khởi sự ngày 4-4, đang gây chấn động. Mọi nỗ lực quốc tế từ nhiều năm nay tìm kiếm hòa giải giữa các phe phái ở Libya có nguy cơ tan thành mây khói. Kể từ khi chế độ Gaddafi sụp đổ bởi làn sóng “Mùa xuân Arab” và bản thân nhà độc tài Gaddafi bị giết chết tháng 10-2011, đất nước Libya trở thành bãi chiến trường xâu xé giữa các phe phái Libya.

Không kể sự hiện diện của binh sĩ nhiều cường quốc, như Mỹ, Pháp, Algeri, Ai Cập, có hai lực lượng vũ trang Libya chính, tranh giành quyền lực: một bên là quân đội quốc gia Libya, trực thuộc chính quyền trung ương, đóng tại thủ đô Tripoli và được nhiều nước phương Tây ủng hộ. Bên kia là lực lượng của tướng Khalifa Haftar, sau tự xưng là thống chế, với thành trì là Benghazi, ở phía đông Libya và không được chính quyền ở Tripoli công nhận.

Theo nhiều nhà quan sát, rất có thể tại Libya sẽ tái diễn dưới một hình thức khác cuộc chiến tàn khốc tại Yemen giữa Saudi Arabia và các đồng minh với phe Iran, trong đó các lực lượng tại chỗ chỉ là những con tốt trong cuộc cờ. Nhà báo Frédéric Bobin của tờ Le Monde cho biết, theo một nguồn tin phương Tây, cuộc gặp gỡ của tướng Haftar với quốc vương Saudi Arabia Salman hồi cuối tháng 3 có ý nghĩa quan trọng đối với quyết định tấn công Tripoli. Theo nguồn tin này, “không có sự bảo đảm” của Riyad, tướng Haftar sẽ không bao giờ dám mạo hiểm mở một chiến dịch như vậy.

Trong bối cảnh tình hình ở Algeria, Libya và Sudan, tờ tin tức Ledjely của Guinée đặt câu hỏi: chúng ta đang chứng kiến một “Mùa xuân Arab” mới? Theo Ledjely thì rõ ràng những gì đang diễn ra tại Algeria và Sudan đúng với tinh thần cuộc cách mạng diễn ra cách nay 9 năm.

“Mùa xuân Arab”, khởi phát từ năm 2010, là làn sóng cách mạng với các cuộc nổi dậy, diễu hành và biểu tình phản đối chưa có tiền lệ tại các quốc gia ở thế giới Arab: Tunisia, Algeria, Ai Cập, Yemen và Jordan, Mauritanie, Saudi Arabia, Oman, Sudan, Syria, Iraq, Libya và Morocco. Các cuộc biểu tình phản đối có chung một cách sử dụng rộng rãi kỹ thuật chống đối dân sự trong các chiến dịch bao gồm đình công, biểu tình và các cách thức khác. Nhiều yếu tố dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối, bao gồm các cáo buộc tham nhũng chính phủ, các vi phạm nhân quyền và tình trạng đói nghèo cùng cực.

Việc gia tăng giá lương thực và nạn đói toàn cầu cũng là lý do chính, liên quan đến các đe dọa cho an ninh lương thực khắp thế giới và giá cả đã đạt mức giá trong khủng hoảng giá lương thực thế giới 2007-2008. Cuộc cách mạng này đã dừng lại khi 3 chính phủ bị lật đổ, Tunisia, Ai Cập và Libya cùng nhiều cải cách ở những quốc gia Arab còn lại.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.