Lại nóng vấn đề Nga trong nội bộ nước Mỹ

Thứ Tư, 20/12/2017, 11:53
Cuộc điều tra giả thuyết Nga can thiệp bầu cử theo hướng có lợi cho Tổng thống Donald Trump ở Mỹ đang bước vào giai đoạn quan trọng. Trong khi đó, trên bình diện ngoại giao, Nga mới đây nói “cảm ơn” Mỹ đã giúp họ phá vỡ âm mưu khủng bố nhưng trong chiến lược an ninh mới, Washington vẫn coi Nga là đối thủ cạnh trạnh số một.

Một động thái hiếm thấy

Điều tra về mối liên quan giữa Tổng thống Trump và Nga đã đi vào giai đoạn hai sau khi công tố viên đặc biệt điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, Robert Mueller hồi cuối tháng 10-2017, đã phát lệnh khởi tố 3 cố vấn thân cận trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump với những cáo buộc khá nghiêm trọng như âm mưu chống lại Mỹ, rửa tiền, khai báo gian dối về các cuộc tiếp xúc với Moskva...

Ba người này bị xem là có dính dáng, liên hệ chặt chẽ với chính quyền Nga - đã bị 17 cơ quan tình báo Mỹ chính thức xem là xen vào bầu cử 2016 với mục tiêu lũng đoạn cơ cấu dân chủ Mỹ, triệt hạ đối thủ Hillary Clinton và giúp ông Trump lên làm tổng thống.

Tổng thống Putin phủ nhận cáo giác Nga can dự bầu cử Mỹ trong cuộc họp báo cuối năm diễn ra ngày 14-12-2017.

Phương thức điều tra của FBI dưới quyền ông Mueller và nhóm luật sư là sẽ đi từ vòng ngoài, trước khi xoắn tới trung tâm: gia đình và Tổng thống Trump.

Ở giai đoạn đầu, ba nhân vật quan trọng sẽ được coi là tội nhẹ đúng luật pháp để đổi lấy những tin tức, bằng chứng về những đồng lõa khác. Cựu Cố vấn ngoại giao George Papadopoulos đã nhận tội “khai gian” về liên hệ với Nga, hợp tác đeo máy nghe lén nghi can khác đổi lấy 6 tháng tù.

Cựu chủ tịch tranh cử, Paul Manaford và phụ tá Rick Gates bị buộc 12 tội nặng, gồm rửa tiền, đồng lõa phạm tội, gian lận thuế, lốp-bi không đăng ký. Mỗi người có thể bị cả chục năm tù, nhưng chưa nhận tội; ông Manafort phải đóng 10 triệu USD tiền thế chân. Tội lớn nhất chưa kể: làm “môi giới” móc nối gia đình Trump với các tỷ phú Nga.

Theo giới bình luận, ở tuổi gần 70, với tài sản cả trăm triệu, ông Manafort quen đời sống xa hoa và chắc sẽ không muốn ngồi tù. Vài tuần sau, đến lượt Michael Flynn, cựu Cố vấn an ninh của Tổng thống Trump, đã thừa nhận khai gian với FBI về các tiếp xúc của ông với Đại sứ Nga tại Mỹ. Ông Flynn chấp nhập hợp tác với nhóm điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller.

Điều tra đợt hai gồm những nghi can gần cận với ông Trump nhất; hai người làm việc trực tiếp với ông ở Nhà Trắng gồm con rể Jared Kushner và cố vấn Michael Flynn. Người thứ ba, con trưởng Donald Trump Junior. Diễn biến vụ việc được đẩy nhanh có chiều hướng dường như đang nhằm vào Tổng thống Mỹ, trong khi chỉ còn ít ngày nữa đánh dấu tròn một năm ông Donald Trump đắc cử tổng thống. Nhà Trắng thực sự lúng túng cố biện minh vụ việc không dính dáng gì đến tổng thống.

Ngày 16-12-2017, CNN cho biết các luật sư đại diện Tổng thống Donald Trump sẽ gặp điều tra viên đặc biệt Robert Mueller trong tuần này với hy vọng biết được thêm một số thông tin liên quan đến cuộc điều tra, và đặc biệt muốn biết những bước kế tiếp là gì. Các luật sư này từng gặp ông Mueller trước đây, nhưng buổi họp sắp tới diễn ra vào lúc các nhà điều tra hoàn tất một số yêu cầu ban đầu, muốn phỏng vấn nhân viên Nhà Trắng và sau khi một số hồ sơ được nộp cho điều tra viên đặc biệt. Nhóm luật sư của ông Trump hy vọng ông Mueller và các cộng sự của ông sớm chấm dứt cuộc điều tra.

Tổng thống Trump liên tục bác bỏ quan điểm cho rằng ban vận động của ông phối hợp với Nga trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, và từng mô tả cuộc điều tra của ông Mueller là “vạch lá tìm sâu”. Tối 17-12-2017, Tổng thống Donald Trump khẳng định không có ý định cách chức ông Robert Mueller như một số lời đồn đại trước đó.

Từ nhiều tuần qua, những người thân cận của Tổng thống Trump và một số đại biểu đảng Cộng hòa đã đặt dấu hỏi về độ khả tín và tính công minh của cuộc điều tra do ông Mueller lãnh đạo. Họ đòi hỏi chấm dứt cuộc điều tra mà theo họ là chẳng đi đến đâu cả.

Ngày 18-12, luật sư Kory Langhofer, thuộc nhóm phụ trách giai đoạn chuyển tiếp của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào Nhà Trắng, đã viết một bức thư gửi tới các ủy ban của Quốc hội nói rằng, đội ngũ của công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã nhận một cách không thỏa đáng những email từ cơ quan hỗ trợ việc chuyển giao chính quyền (GSA), một cơ quan của chính phủ.

Nhưng phát ngôn viên của ông Robert Mueller thẳng thừng phản đối, nói rằng cuộc điều tra tuân thủ nghiêm ngặt quy trình. "Khi chúng tôi thu giữ những email này trong lúc tiến hành cuộc điều tra hình sự đang tiếp diễn, chúng tôi đã bảo đảm được sự đồng ý của chủ sở hữu tài khoản hoặc tiến trình hình sự thích hợp", Peter Carr, phát ngôn viên của văn phòng công tố viên đặc biệt, nói.

Trước đó, vào ngày 16-12-2017, website thông tin Axios của Mỹ đưa tin, nhóm điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller có trong tay hàng chục nghìn thư điện tử cá nhân các cộng sự của ông Donald Trump, những người phụ trách chuyển giao chính quyền. Trong số tài liệu này có cả các thư điện tử của Jared Kushner, con rể đồng thời là cố vấn đặc biệt của Tổng thống Donald Trump, cũng như của các thành viên phụ trách vấn đề chính trị và chính sách đối ngoại.

Theo Axios, GSA - quản lý các tài khoản thư điện tử của nhóm phụ trách chuyển giao chính quyền, đã cung cấp các thư này cho công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Có thể công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã có các thư điện tử từ 12 tài khoản khác nhau. Các nhà điều tra dường như sử dụng các thư điện tử để thẩm vấn các nhân chứng, cũng như để kiểm chứng thông tin, mở thêm các hướng điều tra mới.

Tổng thống Donald Trump công bố chiến lược an ninh quốc gia ngày 18-12.

Ngày 14-12, trả lời trong cuộc họp báo cuối năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi các cáo giác cho rằng có sự liên lạc giữa giới chức Chính phủ Nga và ủy ban tranh cử của Tổng thống Trump là điều tưởng tượng, do những người chống lại Tổng thống Trump bịa đặt ra để tạo tiếng xấu cho ông. Ông Putin cũng cáo buộc những người cho rằng có sự thông đồng giữa Nga và ủy ban tranh cử của ông Trump là “không tôn trọng các cử tri từng bỏ phiếu cho ông Trump”.

Tổng thống Putin cũng ngỏ lời ca ngợi sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, nêu lên việc thị trường chứng khoán Mỹ đang tăng mạnh là một thí dụ điển hình.

Trong một động thái có thể nói là hiếm thấy trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Nga hiện nay, ngày 17-12, trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Mỹ, Tổng thống Putin cảm ơn ông Donald Trump vì nhờ các thông tin tình báo Mỹ cung cấp mà Nga "phát hiện kịp thời, bắt giữ một nhóm khủng bố âm mưu tấn công tại thành phố Saint Petersbourg".

Trước đó ngày 15-12, mật vụ Nga thông báo phá vỡ một đường dây khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Các nghi phạm dự trù ra tay cùng lúc tại nhiều địa điểm đông người qua lại. Một trong những mục tiêu quân khủng bố nhắm tới là nhà thờ Đức Bà Kazan, biểu tượng của cố đô Saint Petersbourg.

Cũng trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ, nguyên thủ Nga đã nói thêm: “Washington có thể trông cậy vào Moskva trong trường hợp tương tự”. Nghĩa là nếu như phía Nga thu thập được thông tin về đe dọa khủng bố nhắm vào Mỹ hay các công dân Mỹ, thì tình báo Nga cũng sẽ lập tức chuyển những thông tin đó tới phía Mỹ.

Mặc dù bang giao Nga - Mỹ đang trong giai đoạn căng thẳng, nhưng Tổng thống Vladimir Putin đã đặc biệt nhấn mạnh đến một sự hợp tác cần thiết trong mục tiêu chống khủng bố.

Chiến lược an ninh mới của Nhà Trắng: “Nước Mỹ trên hết”

Tinh thần hảo hữu của Tổng thống Putin không khiến Mỹ coi Nga là bạn. Trong chiến lược an ninh mới được công bố 2 giờ chiều ngày 18-12, chính quyền của Tổng thống Donald Trump gọi Nga là “một quốc gia chơi xấu trên sân khấu thế giới”.

Những chỉ trích về Nga phản ánh quan điểm từ lâu của các nhà ngoại giao Mỹ rằng Nga tích cực phá hoại những quyền lợi của Mỹ trong nước và ở nước ngoài. Những trích đoạn của tài liệu chiến lược mới không đề cập trực tiếp đến những cáo buộc của Mỹ là Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái.

Chiến lược của ông Trump phản ánh những ưu tiên về “Nước Mỹ trên hết”, bảo vệ nội địa và biên giới, xây dựng lại quân đội, sức mạnh của Mỹ ở nước ngoài và theo đuổi những chính sách mậu dịch thuận lợi hơn cho Mỹ, theo như một trích đoạn của chiến lược được Nhà Trắng công bố.

Chiến lược mới của Mỹ xác định Nga và Trung Quốc là các đối thủ chính trị có ý đồ thách thức sức mạnh, an ninh và thịnh vượng của Mỹ. Văn kiện nêu rõ: "Trung Quốc và Nga muốn định hình một thế giới đối chọi với các giá trị và lợi ích của Mỹ. Trung Quốc muốn thay thế Mỹ ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, mở rộng tầm với của mô hình kinh tế do nhà nước quản lý của họ và thiết lập lại trật tự trong khu vực theo hướng có lợi cho nước này... Nga muốn khôi phục vị thế cường quốc lớn và thiết lập tầm ảnh hưởng gần các đường biên giới của họ".

Công tố viên đặc biệt Robert Mueller (người đứng sau) điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Việc lựa chọn Trung Quốc và Nga là các "cường quốc xét lại", tức là các cường quốc muốn thay đổi trật tự hiện hữu, trong bản chiến lược phản ánh thái độ cảnh giác của chính quyền Tổng thống Trump với hai nước này, bất chấp các nỗ lực riêng của nhà lãnh đạo Mỹ trong việc xây dựng các mối quan hệ mạnh mẽ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Trump thường xuyên nói về ý muốn cải thiện quan hệ với ông Putin, ngay cả khi Nga bất bình về những tham vọng của Mỹ tại Syria và Ukraine và không giúp ích Washington gì nhiều trong cuộc đối đầu với Triều Tiên. Quốc hội Mỹ buộc mỗi chính quyền Mỹ phải đưa ra chiến lược an ninh quốc gia. Chiến lược mới của ông Trump chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi ý kiến của các giới chức an ninh quốc gia hàng đầu hơn là chính ý kiến của Tổng thống, một giới chức có liên hệ với việc soạn thảo tài liệu cho biết.

Chiến lược mới của Mỹ bác bỏ việc mô tả của cựu Tổng thống Barack Obama cho rằng biến đổi khí hậu là một mối đe dọa an ninh quốc gia. Ông Trump đã cam kết rút Mỹ khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris trừ phi có những thay đổi trong thỏa thuận này.

Theo một số nhận định, các mối đe dọa mà ông Trump ưu tiên trùng với những gì được chính quyền Tổng thống Barack Obama trình bày vào năm 2015, nhưng chính quyền Obama nói về việc chia sẻ và mở rộng các lợi ích kinh tế của Mỹ. Cách tiếp cận của chính quyền Trump hạn chế hơn, nhấn mạnh rằng sự thịnh vượng của Mỹ phải được bảo vệ, không phải mở rộng.

M.T. (tổng hợp)
.
.