Washington Post (4/2/2007) cho biết gần 2 triệu người Iraq (8% dân số trước thời điểm chiến tranh năm 2003) đã tay đùm tay xách kéo nhau qua các nước láng giềng (chủ yếu là Jordan, Syria và Liban). Thành phần tị nạn chiến tranh có cả bác sĩ, giới nghiên cứu và nhiều ngành quan trọng cần thiết cho công cuộc tái thiết Iraq.
1,7 triệu người khác buộc phải rời nhà để đến những vùng khác an toàn hơn trong phạm vi Iraq. Trong căn hộ lạnh lẽo tại Amman (Jordan), Saad Ali 35 tuổi, từng là ca sĩ nổi tiếng Baghdad, Saad Ali bây giờ trở thành kẻ thất nghiệp khố rách áo ôm.
Để trả tiền thuê nhà 45 USD/tháng, Saad Ali phải vay bạn bè. Khi tắm, Saad Ali đun nước từ cái lò sưởi nhỏ xíu. Anh ngủ trên tấm nệm mòn rách và đắp tấm chăn cũ kỹ không kém. Khi ra đường, Saad Ali phải né tránh cảnh sát và giả giọng bằng tiếng địa phương.
Anh trở về nhà trước 22 giờ để tránh bị xét hỏi tại các chốt kiểm soát. Như hàng trăm ngàn người Iraq sống bất hợp pháp tại nước này, Ali nơm nớp sợ bị phát hiện và bị tống về nước. Cách đây 6 tháng, gần nhà tại Baghdad, hai kẻ đã dọa giết Ali bởi tội hát nhạc lãng mạn “phi Hồi giáo”.
“Dù khổ thế nào, tôi cũng không trở về Baghdad. Chúng sẽ cắt cổ tôi. Tôi biết làm gì bây giờ. Chẳng còn chọn lựa nào khác”. Ali là trường hợp điển hình của làn sóng tị nạn kinh khủng nhất Trung Đông kể từ cuộc đào thoát của người Palestine khỏi Israel năm 1948.
Những người giàu có từng bỏ đất nước mà đi thời Saddam Hussein, khi Iraq khốn khó với tình trạng cấm vận. Sau cuộc chiến 2003, dân Iraq tiếp tục bỏ của chạy lấy người. Bây giờ, đối mặt tình trạng an ninh bất an, người nghèo cũng cuốn gói tản cư.
LHQ đang tìm cách hỗ trợ người tị nạn chiến tranh Iraq nhưng đến nay chỉ không đến 500 người được tái định cư tại Mỹ kể từ năm 2003. Sau cuộc chiến, Mỹ và đồng minh phương Tây chỉ tập trung vào vấn đề bình ổn chính trị và gần như không quan tâm làn sóng tị nạn.
Trong nhiều thập niên, Jordan là địa điểm quen thuộc của dân tị nạn tại Trung Đông nói chung. Gần 1/3 trong 5,9 triệu cư dân nước này là thành phần tị nạn người Palestine. Theo LHQ, hiện Jordan chứa từ 500.000 đến 700.000 người Iraq nhưng cơ quan viện trợ nhân đạo cho biết, con số thật có thể lên đến gần 1 triệu người.
Sự kiên nhẫn của Jordan đã đến ngưỡng giới hạn, từ khi một nhóm khủng bố Iraq đánh bom 3 khách sạn nước này vào tháng 11/2005, giết chết 60 nạn nhân. Chính phủ Jordan lo ngại thành phần tị nạn (chủ yếu người Sunni) sẽ lưu trú vĩnh viễn ở nước mình hoặc trở thành lực lượng tân binh cho các nhóm chống đối ở Iraq.
Không chỉ có vậy, dân Iraq tị nạn còn khiến kinh tế quốc gia sở tại hỗn loạn. Để kiếm cơm, họ chấp nhận làm bất cứ việc gì với giá rẻ mạt, khiến lực lượng nhân công sở tại bị đẩy ra rìa... Dân nhà giàu Iraq có thể được cấp giấy phép tạm trú khi đặt cọc 70.000 USD trong một ngân hàng Jordan; mua bất động sản hoặc đầu tư.
Với người nghèo, họ chỉ có thể nộp phạt 2 USD khi bị phát hiện giấy tạm trú hết hạn. Nhiều quốc gia láng giềng cũng đang ôm gánh nặng thành phần tị nạn Iraq. Ngày 13/1/2007, hàng nhóm người Iraq tay xách nách mang chờ 14 chiếc xe buýt đưa họ đến Syria.
Trong phòng chờ của một hãng du lịch, Raghed Moyed 23 tuổi ngồi lặng thinh cùng cậu em trai Amar 12 tuổi. An ninh Baghdad khủng khiếp và nguy hiểm nên Moyed không thể tiếp tục học đại học và phải sang Damascus tiếp tục con đường học vấn. Vừa khóc nức nở, Moyed vừa kể lại đêm từ giã bạn bè.
Cô cho biết mình không muốn rời xa nơi chôn nhau cắt rốn nhưng cũng chẳng thể ở lại. Nhân viên du lịch Sameer Humfash cho biết mỗi ngày có khoảng 50-60 gia đình rời Iraq sang Syria bằng xe buýt...
Với tình hình an ninh hiện nay, dân Iraq không bỏ nhà đi mới là chuyện bất thường! Ngày 3/2/2007, một vụ đánh bom man rợ tại khu chợ thuộc trung tâm Baghdad lại xảy ra, làm thiệt mạng ít nhất 130 người và làm bị thương hơn 300 nạn nhân.
Đối tượng bị khủng bố là dân Hồi giáo Shiite. Đây là vụ tấn công nghiêm trọng trong vòng không đầy 3 tuần. Việc người Sunni và Shiite “xử” nhau như cơm bữa thậm chí đang khoét hố sâu trong cộng đồng Hồi giáo Sunni và Shiite định cư tại Mỹ – theo New York Times (4/2/2007).
Với Chính phủ Mỹ, giải pháp bây giờ cũng chỉ tập trung vào vấn đề ngân sách. Tờ Reuters (5/2/2007) cho biết, Tổng thống George W. Bush hy vọng có thể được Quốc hội chuẩn y 245 tỉ USD cho cuộc chiến Iraq lẫn Afghanistan và một số chương trình quốc phòng.
Ngày 2/2/2007, Nhà Trắng tung ra báo cáo "Đánh giá tình báo quốc gia" (NIE) với các điểm tập trung chiến lược mới, đặc biệt khi thay đổi ngôn từ cho cuộc xung đột Sunni-Shiite-Kurd bằng sự phân định giữa thành phần “cực đoan” và “ôn hòa”.
Đối tượng “ôn hòa” được định nghĩa là thành phần thuộc tất cả tôn giáo và chính kiến tại Iraq có chủ trương hạn chế tối đa bạo lực. Với hỗ trợ từ nhóm chuyên gia về Iraq, Washington đã lập ra danh sách thành phần ôn hòa đang hoạt động hoặc chưa được chú ý đúng mức tại khắp Iraq.
Lầu Năm Góc lẫn Bộ Ngoại giao Mỹ đều có kế hoạch tài trợ cho các nhà ôn hòa nhằm giúp họ mở rộng vị thế chính trị địa phương cũng như hoạt động doanh nghiệp. Đây có thể xem là bản thiết kế mới nhất của Mỹ cho tương lai Iraq...
Có một điều chắc chắn: Tổng thống Bush sẽ rời Nhà Trắng (khi hết nhiệm kỳ) mà không bao giờ có thể chứng kiến Iraq bình yên. Còn rất ít thời gian cho Tổng thống Bush đối với một Iraq ngổn ngang phức tạp khó lường...