Lệnh cấm vũ khí hạt nhân có tính pháp lý là chuyện phi thực tế?
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley là người đầu tiên bác bỏ đề xuất với luận điểm: “Là một người mẹ phải chăm lo tương lai cho những đứa con trong gia đình nhỏ của tôi, hơn ai hết, tôi mong muốn gia đình và xã hội phát triển trong một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Nhưng chúng ta cần phải thực tế. Có ai tin Triều Tiên sẽ nhất trí với một lệnh cấm vũ khí hạt nhân?”.
Theo các nhà quan sát, ước tính gần 40 nước không tham gia đàm phán, trong đó có Anh, Pháp, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia Đông Âu.
Hồi tháng 10-2016, 123 thành viên Liên Hiệp Quốc từng đồng ý ban hành một lệnh cấm vũ khí hạt nhân bởi mối đe dọa hạt nhân đang gia tăng liên quan đến chương trình vũ khí của Triều Tiên và sự khó đoán trong chính quyền mới ở Mỹ. Những quốc gia dẫn đầu nỗ lực này gồm Áo, Ireland, Mexico, Brazil, Nam Phi và Thụy Điển.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley. Ảnh:Reuters. |
Dễ hiểu là Anh, Pháp, Israel, Nga và Mỹ đều phản đối, còn Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan bỏ phiếu trắng. Điều lạ là Nhật Bản, quốc gia duy nhất phải hứng chịu 2 cuộc tấn công nguyên tử năm 1945, cũng phản đối. Người đại diện chính quyền Tokyo cho rằng, sự thiếu đồng thuận trong quá trình đàm phán có thể làm xói mòn tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân.
Nhân dịp này, các quan chức Mỹ đề cập đến động thái gần đây nhất của Triều tiên là cuộc thử nghiệm động cơ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) diễn ra hôm 24-3 tại trạm phóng tên lửa Tongchang-ri. Mỹ không giấu được mối lo ngại trong tương lai không xa, Triều Tiên sẽ thử thêm tên lửa và hạt nhân trong tương lai gần. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đầu tháng 3 tuyên bố Triều Tiên đã thử nghiệm một động cơ tên lửa đẩy được coi là “sự khai sinh” của công nghệ tên lửa nước này.
Truyền thông Triều Tiên khi đó cho biết cuộc thử nghiệm giúp Bình Nhưỡng có khả năng phóng vệ tinh lên quỹ đạo trái đất, cho thấy động cơ có thể dùng cho các tên lửa tầm xa. Từ cuối năm 2016 đến nay, Triều Tiên hiện đã thử hạt nhân 5 lần và tiến hành hàng loạt vụ thử tên lửa, bất chấp lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố, Washington có thể tính đến “một giải pháp quân sự nếu Bình Nhưỡng có hành động đe dọa Hàn Quốc và Mỹ”.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc chính sách với Triều Tiên. Mỹ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm tách Triều Tiên ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu để chống lại mối đe dọa từ tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.