Leo thang căng thẳng biên giới Trung – Ấn
Đụng độ tại LAC
Ngày 14-5, Không quân Ấn Độ điều máy bay chiến đấu đến biên giới sát Trung Quốc sau khi các máy bay trực thăng của quân đội Trung Quốc bị phát hiện bay gần không phận Ấn Độ vào tuần trước.
Đây là một trong những động thái thể hiện sự căng thẳng leo thang giữa hai nước sau vụ việc thứ Bảy tuần trước, binh sĩ Ấn Độ và khoảng 6-7 binh sĩ Trung Quốc bị thương trong vụ đụng độ có sự tham gia của 150 người tại khu vực Naku La, gần đèo Muguthang có độ cao 5.000m so với mực nước biển. Đây là địa điểm khá nhạy cảm vì gần Đường kiểm soát thực tế (LAC) giữa hai nước.
Vấn đề biên giới Ấn - Trung một lần nữa dậy sóng. |
Biên giới tranh chấp LAC trải dài hơn 2.500 dặm. LAC, chạy qua các vùng lãnh thổ bao gồm khu vực Kashmir đang tranh chấp, là điểm mâu thuẫn giữa hai quốc gia trong nhiều thập niên và gây ra một cuộc chiến ngắn vào năm 1962. Cầu vượt quân sự là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự bất mãn đang gia tăng giữa hai siêu cường thế giới sau khi các cuộc giao tranh nổ ra ở khu vực cuối tuần qua.
Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết rằng hành vi hung hăng của hai bên dẫn đến thương tích nhỏ cho quân đội. Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối thừa nhận sự cố được báo cáo và khẳng định họ đã duy trì liên lạc và phối hợp chặt chẽ trên các kênh hiện có, đồng thời cho biết quân đội Trung Quốc đã liên tục duy trì hòa bình và yên tĩnh tại các khu vực biên giới của họ. Tờ Thời báo Hoàn cầu, một ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng chỉ đưa tin ngắn gọn về vụ việc.
Gần đây, các quan chức quân đội Ấn Độ phát hiện hàng loạt cơ sở hạ tầng quân sự của Trung Quốc được nâng cấp dọc theo LAC, giúp tăng cường sự hiện diện của binh sĩ Trung Quốc ở vùng tranh chấp. Truyền thông Ấn Độ bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc nâng cấp hàng loạt cơ sở hạ tầng cho binh sĩ đồn trú dọc theo LAC.
Rất có thể, Trung Quốc đã âm thầm tăng cường sự hiện diện dọc theo LAC, xây dựng các cơ sở hạ tầng cho binh sĩ đồn trú. Các cuộc đụng độ cũng diễn ra ngay sau khi Ấn Độ công bố kế hoạch thu hút hàng ngàn công ty nước ngoài chuyển nhà máy sản xuất khỏi Trung Quốc.
“Không thể phủ nhận rằng các sự kiện xảy ra ở biên giới gần đây không phải là thông điệp của Trung Quốc. Có những vụ ẩu đả diễn ra một cách tự phát nhưng cũng có những chuỗi căng thẳng có liên hệ với các sự kiện khác”, một quan chức Ấn Độ ở bang Arunachal Pradesh, nói.
Năm 2014, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm Ấn Độ, 1.000 binh sĩ Trung Quốc ồ ạt xâm nhập khu vực tranh chấp ở phía bắc Ladakh. Các binh sĩ này chỉ rời đi sau khi ông Tập kết thúc chuyến thăm kéo dài 3 ngày ở Ấn Độ. Theo thống kê của Ấn Độ, năm ngoái, các binh sĩ Trung Quốc đã 326 lần vượt qua đường ranh giới, thấp hơn mức 426 của năm 2017 nhưng cao hơn năm 2016.
Câu hỏi chưa có lời đáp
Cho tới thời điểm này, không có dấu hiệu Trung Quốc sẽ sớm đạt được một sự đồng thuận với Ấn Độ về tranh chấp chủ quyền biên giới. Hai bên từng nhất trí giải quyết bất đồng thông qua đối thoại hòa bình nhưng các cuộc đàm phán chưa đạt kết quả.
New Delhi và Bắc Kinh năm 2019 đã tổ chức 2 vòng đàm phán về vấn đề biên giới lần thứ 21 và lần thứ 22 tuy nhiên đều không đạt được kết quả khả quan. Cơ chế Đại diện đặc biệt đàm phán giải quyết biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc được bắt đầu từ năm 2003. Năm 2005, hai bên thống nhất được một bản tham số chính trị để giải quyết tranh chấp biên giới nhưng đến nay đàm phán không có thêm tiến triển, ngay cả việc trao đổi bản đồ xác đinh đòi hỏi lãnh thổ của nhau cũng chưa thực hiện được.
Năm 2012, hai bên thiết lập cơ chế Nhóm làm việc tham vấn và phối hợp về các vấn đề biên giới, đã họp được 24 phiên nhưng vẫn chưa đem lại kết quả, ngoại trừ một số biện pháp xây dựng lòng tin giữa hai bên trên biên giới.
Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hội đàm nhân đàm phán biên giới lần thứ 22, ngày 21-12-2019. |
Gần đây, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đúng như lo ngại của Ấn Độ, Trung Quốc thường kích động một cuộc đụng độ tại biên giới với Ấn Độ mỗi khi quan hệ của New Delhi với Washington và các đối tác khác trong nhóm Bộ Tứ bắt đầu gần gũi hơn. Chính phủ Ấn Độ đang cân nhắc các cách thức để giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế. Chính phủ Ấn Độ cũng đã điều chỉnh chính sách FDI của mình.
Nhìn ở một góc độ lạc quan, giáo sư Rajesh Rajagopalan, Trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Jawaharlal Nehru (JNU), nhận định: Các vụ đụng độ vẫn luôn diễn ra ở nhiều khu vực dọc biên giới và đó là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi hai bên vẫn còn mâu thuẫn về đường biên giới. Binh sĩ Ấn Độ tuần tra tại khu vực Ấn Độ tuyên bố chủ quyền trong khi quân đội Trung Quốc cũng làm tương tự ở nơi họ cho là của mình...
Điều đó đồng nghĩa với việc hai bên hoàn toàn có thể va chạm và đụng độ nổ ra, song mọi việc thường không vượt quá giới hạn. Đụng độ thường được giải quyết ở cấp địa phương và hiếm khi leo thang đến mức cần sự can thiệp của chính quyền trung ương.
Ông Rajagopalan cho rằng việc Trung Quốc gần đây có thái độ đặc biệt hung hăng với nhiều quốc gia láng giềng khiến nhiều người lo ngại nguy cơ diễn biến căng thẳng biên giới Trung - Ấn sẽ leo thang nghiêm trọng hơn, bởi vậy “chúng ta cần tiếp tục theo sát tình hình để xem chuyện gì sẽ xảy ra”.
Nhìn một cách tổng quan, các biện pháp xây dựng lòng tin giữa hai phía cần được thúc đẩy, nhà báo Ranjit Kumar, một nhà quan sát các vấn đề Trung Quốc đánh giá hai cường quốc này không nên để các tranh cãi bùng lên thành một cuộc chiến không rõ hồi kết. Hai nền kinh tế hàng đầu và hai quốc gia đông dân nhất thế giới cần thể hiện sự trưởng thành của mình để tiến tới hoàn tất các mâu thuẫn về vấn đề biên giới, từ đó bước vào một giai đoạn hợp tác và xây dựng lòng tin.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Ấn-Trung, lãnh đạo hai nước cần có động thái nghiêm túc nhằm hoàn tất các cuộc thảo luận kéo dài suốt 3 thập niên về vấn đề biên giới, mở ra thời đại mới cho quan hệ song phương.