Lò lửa Trung Đông hết nước cứu?
Hắt dầu vào lửa
Mọi chuyện bắt đầu từ ngày 2-1-2016 khi Arab Saudi tử hình 47 người bị phán xét là khủng bố. Điều đáng nói là trong đó có 5 người Hồi giáo dòng Shiite, gồm một giáo sĩ nổi tiếng. Arab Saudi là vương quốc Hồi giáo theo dòng Sunni, người Shiite ở đây chỉ là thiểu số.
Còn tại Cộng hòa Hồi giáo Iran, người Shiite chiếm đa số, Sunni là thiểu số. Có nhiều quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông mà dòng Shiite chiếm đa số, nhưng Iran lại là nước đầu tiên lên tiếng phản đối hành động trên của Arab Saudi vì nhiều lý do (sẽ được trình bày trong bài).
Chỉ vài giờ sau khi Arab Saudi hành hình 47 người, tối 2-1, người Iran đã xuống đường biểu tình lên án Arab Saudi mà đỉnh điểm là họ đập phá Đại sứ quán Arab Saudi tại Tehran và Lãnh sự quán tại thành phố Mahshad. Ngay lập tức, Arab Saudi tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran. Hai ngày sau, Riyad tuyên bố cắt đứt luôn quan hệ thương mại và hàng không với Tehran.
Cùng lúc, nhiều quốc gia đồng minh của Arab Saudi cũng thông báo ngừng kênh ngoại giao hoặc hạ cấp quan hệ với Iran. Cụ thể ngày 4-1, Bahrain và Sudan cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, còn Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất hạ cấp quan hệ ngoại giao với Tehran.
Đại sứ quán Arab Saudi tại Iran bị tấn công. |
Phía bên Iran cũng lôi kéo được các đồng minh tham gia lên án hành động của Arab Saudi. Nhật báo có trụ sở tại Kuwat miêu tả vụ hành quyết giáo sĩ Nimr al-Nimr của Arab Saudi là "tội ác".
Muhammad Abd-al-Jabbar al-Shabbut, nhà báo của tờ Al-Sabah cho rằng: "Việc hành quyết giáo sĩ Al-Nimr sẽ phản tác dụng và đây chỉ nên là phương án cuối cùng". Cùng quan điểm, bài báo của Al-Adalah, Iraq, khẳng định: "Hành quyết Al-Nimr không giúp giảm căng thẳng tại Arab Saudi. Nó chỉ càng khiến bạo lực gia tăng".
Báo Al-Thawrah của Syria, đả kích giới cầm quyền Arab Saudi: "Chế độ dưới sự quản lý của Quốc vương Al-Saud vi phạm quyền con người, kìm hãm tự do ngôn luận và quyền tự do cá nhân, đồng thời sử dụng biện pháp chặt đầu man rợ như thời Trung cổ".
Trong khi đó, Nasri al-Sayigh, phóng viên của báo Al-Safir, Leban, nhận định: "Những báo cáo về quyền con người ở Arab Saudi nổi bật là sự tàn bạo. Người dân của vương quốc này sống trong sự áp bức. Arab Saudi là vương quốc của bóng tối". Đây là những quốc gia hoặc có người Hồi giáo Shiite chiếm đa số hoặc là địch thủ của Arab Saudi.
Ngoài ra, giới truyền thông Trung Đông cũng bắt đầu chia phe cánh. Một bài viết của báo Al-Riyadh ủng hộ Arab Saudi thể hiện sự phẫn nộ về vụ việc ở thủ đô Tehran: “Iran từng có nhiều cuộc tấn công nhắm mục tiêu vào các đại sứ quán. Các cuộc tấn công làm tổn hại cho Iran, diễn ra trong tình trạng quá khích do một đám côn đồ dẫn đầu”.
Tương tự, Al-Jazira cũng cho hay: “Iran đã cho thấy mặt tiêu cực của mình. Hành động đập phá và ném bom xăng Đại sứ quán Arab Saudi chứng minh rằng nước này ủng hộ chủ nghĩa khủng bố”. Tác giả Khalid al-Sulayman viết trên báo Ukaz cho rằng, hành động hung hăng của Chính phủ Iran không gây ngạc nhiên. Những tuyên bố gây hấn đã được dự đoán từ trước bởi Tehran thường đưa ra những lời lăng mạ thấp hèn và lời đe dọa sống sượng.
Trong bài viết trên Al-Ahram, báo của Chính phủ Ai Cập, tác giả Amr Abd-al-Sami nhấn mạnh quan điểm của Ai Cập: “Chúng tôi sẽ đứng bên Arab Saudi trong cuộc chiến của nước này với Iran. Chúng tôi phản đối sự can thiệp từ bên ngoài của Iran vào công việc nội bộ của Arab Saudi ".
Bài viết trên Al-Rayah, nhật báo hàng đầu của Quatar, cho rằng vụ tấn công vào cơ quan đại diện của Arab Saudi tại Tehran là một hành vi tội ác. Chính phủ Iran nên nhận ra rằng đây là những hành động vi phạm công ước quốc tế. Báo Al-Rai của Jordan nhận định: cuộc tấn công là một phần thủ đoạn xung quanh cuộc bầu cử ở Iran sắp tới. “Những nhân tố chính đang chuẩn bị cho cuộc tranh cử và họ cần có một lý do đủ lớn để tranh đấu thông qua các cuộc biểu tình”, tờ báo viết.
Người dân cầm bức ảnh của giáo sĩ Sheikh Nimr al-Nimr trong cuộc biểu tình tại Tehran. |
“Trâu bò húc nhau”, ai chết?
Sở dĩ Arab Saudi phản ứng mạnh với Iran là vì cách Tehran xử lý khủng hoảng và những phát biểu của giới giáo chức nước này. Ngoại trưởng Arab Saudi khẳng định, nước này có quyền hành quyết giáo sĩ Al-Nimr vì cáo buộc “kích động, tổ chức các nhóm khủng bố, cung cấp vũ khí và tiền cho khủng bố”. Ông Al-Nimr, bị kết tội xúi giục bạo loạn và những tội khác vào năm 2014, cũng là một nhân vật lãnh đạo quan trọng trong những cuộc biểu tình của người Shiite hồi năm 2011 ở miền Đông Arab Saudi.
Ngoài ra, Ryad còn cho rằng, Tehran đã không kiểm soát người biểu tình để họ leo rào vào đập phá cơ sở ngoại giao của Arab Saudi, như vậy là vi phạm công ước quốc tế về ngoại giao đoàn. Ryad còn nặng lời nói đó là hành động bao che khủng bố của Tehran.
Về phần mình, chính quyền Iran lên tiếng chỉ trích những người biểu tình trong nước nhưng lại cho rằng những người bị xử tử thực chất là thành phần đối lập ở Arab Saudi và họ bị “dán mác” khủng bố.
Tại Iran, Đại giáo sĩ Ayatollah Ahmad Khatami, nói với Hãng tin Mehr rằng, vụ xử tử này phản ánh điều ông gọi là “bản chất tội phạm” của gia tộc cai trị Arab Saudi và nói rằng nước này sẽ phải gánh chịu "sự báo thù của thần thánh" vì xử tử ông Al-Nimr. Đại giáo sĩ Ayatollah Ahmad Khatami là lãnh tụ tinh thần của người Hồi giáo Iran nên những tuyên bố của ông có tác động rất lớn với giáo chúng nước này.
Theo giới phân tích, vụ xử tử 47 người ở Arab Saudi là có 2 mục tiêu. Thứ nhất là bóp nghẹt sự ủng hộ dành cho các phần tử thánh chiến Sunni vừa không làm phật lòng người Sunni ôn hòa. Aimeen Dean, chuyên gia người Arab Saudi cho rằng, hành quyết giáo sĩ Al-Nimr là “phương án tệ nhất đối với Riyad. Nếu bị bỏ tù, ông ta sẽ trở thành anh hùng trong lòng tín đồ dòng Shiite. Người Sunni ở Arab Saudi sẽ rất giận dữ bởi làm vậy khiến Arab Saudi có vẻ như sợ Iran và dòng Shiite”.
Người biểu tình phản đối việc xử tử giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite tại Baghdad, Iraq. |
Riyad biết rõ giết 4 người Shiite sẽ gây phản đối ở nước ngoài nhưng họ tin có thể kiểm soát tình hình trong nước. Theo tính toán của họ, hành động này có thể trấn an cộng đồng người Sunni thiểu số rằng chính quyền đứng về phía họ. Tuy luôn lo ngại Iran, nước Hồi giáo dòng Shiite, gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông song hoàng gia Arab Saudi tin rằng chính sự nổi dậy của người Sunni trong nước mới là mối đe dọa lớn nhất đối với quyền hành của họ.
Ngoài ra, cũng có nhà phân tích cho rằng đây là phản ứng của Ryad dành cho Mỹ. “Như thế là quá đủ. Hết lần này đến lần khác Tehran chế nhạo phương Tây. Họ tiếp tục tài trợ khủng bố, bắn tên lửa đạn đạo mà chẳng bị gì. Cứ mỗi lần Iran gây chuyện, Mỹ lại nhượng bộ. Do đó, Arab Saudi phải ra tay” – Reuters dẫn lời một chuyên gia nói. Nhiều quốc gia vùng Vịnh từng cáo buộc Washington phớt lờ lợi ích của họ để đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran vào tháng 7-2015.
Căng thẳng giữa Iran và Arab Saudi đang khiến cả thế giới lo ngại vì lò lửa Trung Đông vốn cháy âm ỉ từ nhiều thế kỷ qua có nguy cơ bùng phát thành đám cháy lớn. Ngoài xung đột tôn giáo, cả Iran và Arab Saudi đều đang muốn trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới Hồi giáo và có quan điểm rất khác biệt về trật tự và ổn định khu vực Trung Đông. Hai nước đã đối đầu quân sự gián tiếp khi ủng hộ các thế lực đối lập trong các cuộc xung đột ở Syria, Iraq, Yemen, Bahrain và Liban.
Hồi năm 2010, trang web WikiLeaks công bố các tài liệu ngoại giao mật cho thấy Vua Abdullah của Arab Saudi kêu gọi Mỹ tấn công Iran để xóa sổ chương trình hạt nhân của Tehran.
Lãnh đạo thế giới đồng loạt lên tiếng kêu gọi các nước kiềm chế tối đa. Trong một thông cáo hôm 2-1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói: “Chúng tôi đặc biệt quan ngại rằng vụ hành quyết giáo sĩ Shiite nổi tiếng, đồng thời là một nhà hoạt động chính trị Nimr al-Nimr có nguy cơ gây trầm trọng thêm cho những căng thẳng phe phái vào thời điểm mà các căng thẳng này cấp thiết cần phải giảm thiểu”. Trong khi Trung Quốc, Đức, Pháp kêu gọi Riyadh và Tehran hạ nhiệt thì Nga tuyên bố sẵn sàng làm trung gian hòa giải.
Khủng hoảng Syria đang kỳ vọng vào một thỏa hiệp chính trị vào cuối tháng 1-2016. Thế nhưng, khi hành quyết những chức sắc Shiite, Arab Saudi xem Iran là kẻ thù và như vậy dự án Liên minh rộng lớn chống IS trong đó có Nga và Iran tham gia khó có thể thực hiện. Giới phân tích nhận định, tính toán của Arab Saudi có thể lôi kéo cả Trung Đông, đang chìm trong máu lửa, vào vòng xoáy “ăn miếng trả miếng” triền miên.
Giáo sĩ Nimr Al-Nimr, 56 tuổi, nhân vật đối lập với vương quyền Arab Saudi mạnh mẽ nhất, là đầu tàu cho phong trào chống đối bùng ra từ năm 2011 hưởng ứng phong trào Mùa xuân Arập tại miền Đông, nơi sinh sống của phần đông thiểu số người Shiite. Cộng đồng này tập trung tại miền Đông Al-Qatif giàu dầu hỏa, thường bị đối xử kỳ thị trong một đất nước mà người Sunni chiếm đa số. Họ bị phân biệt đối xử có hệ thống trong giáo dục, công việc làm và quyền xây dựng các nơi thờ phụng. Họ là nạn nhân của tệ “phân biệt bè phái” - theo nhà nghiên cứu Toby Matthiesen ở Đại học Oxford. Năm 2009, giáo sĩ Nimr, vốn từng học Thần học tại Iran, đã thách thức chính quyền Arab Saudi là sẽ nổi dậy, trừ phi chính quyền trả tự do cho các tù nhân chính trị, chấm dứt nạn phân biệt người Shiite và có những biện pháp chống tham nhũng. Uy tín của giáo sĩ tăng lên vào năm 2011 tiếp bước theo các Mùa xuân Arập. Nhiều cuộc biểu tình đã bùng lên trong cộng đồng Shiite tại Arab Saudi. Tờ Guardian cho biết giáo sĩ Nimr trong một bài thuyết giảng đã hô hào chia tách miền Đông đất nước và thống nhất với Vương quốc Bahrain lân cận, cũng có đa số là người Shiite. Tuy luôn có những tuyên bố “dữ dằn” nhưng giáo sĩ Nimr không hề kêu gọi bạo lực. Tuy nhiên vào năm 2012, một đoạn vidéo trên các mạng xã hội cho thấy giáo sĩ đã vui mừng trước cái chết của Bộ trưởng Nội vụ thời đó là Thái tử kế vị Nayef. “Cầu cho sâu bọ ăn xác hắn” - ông nói và nhân tiện chỉ trích chế độ cai trị của người Sunni tại Arab Saudi và Bahrain. Giáo sĩ Nimr bị bắt vào tháng 7-2012 và bị kết án tử hình vào tháng 10-2014 về tội “khủng bố”, “phản loạn”, “bất tuân lệnh vua” và “mang vũ khí”. Giáo sĩ bác bỏ các cáo buộc của chính quyền Arab Saudi cho rằng ông là gián điệp của Iran. Trong số những kẻ bị hành quyết hôm 2-1 có cả những kẻ thánh chiến Sunni bị kết án vì các vụ khủng bố mà Al-Qaeda của Bin Laden đã nhận trách nhiệm từ năm 2003 - 2004. Trong danh sách còn có Fares Al-Shuwail mà giới truyền thông Arab cho là một thủ lĩnh tôn giáo của Al-Qaeda tại Arab Saudi, bị bắt giữ vào tháng 8-2004. Năm 2011, chính quyền Arab Saudi đã lập ra nhiều tòa án đặc biệt để xét xử hàng chục người Arab và người nước ngoài tham gia vào làn sóng khủng bố đẫm máu mà Al-Qaeda đã nhận trách nhiệm từ năm 2003 đến 2006. Thái tử kế vị Mohammed Ben Nayef, từng thoát khỏi một vụ khủng bố, chỉ đạo việc trấn áp. Ngày 1-12 vừa qua, Al-Qaeda đã đe dọa sẽ “cho đổ máu” nếu Riyad hành quyết những tên thánh chiến đang bị giam giữ. Do những vụ hành quyết này, mối căng thẳng giữa người Shiite và Sunni càng khốc liệt hơn. Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei, cho biết rằng “bàn tay của Thượng đế” sẽ trả thù cho vụ hành hình giáo sĩ Nimr”. Minh Luân (tổng hợp) |