Vì sao ngư dân Philippines “được phép” tiếp cận bãi cạn Scarborough?

Thứ Tư, 14/12/2016, 18:00
Các chuyên gia phân tích quốc tế đánh giá việc Trung Quốc để ngư dân Philippines trở lại ngư trường Scarborough chỉ là một biến tướng mới của chiêu bài biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp rồi tiến tới "gác tranh chấp để cùng khai thác lợi ích chung" mà nước này vẫn sử dụng trên Biển Đông.

Kể từ đầu tháng 11, ngư dân Philippines đã có thể quay trở lại khu vực ngư trường quanh bãi cạn Scarborough để đánh cá sau khi Trung Quốc giảm số lượng tàu chấp pháp và ngừng hoạt động cản trở tàu cá Philippines tại đây.

Các chuyên gia phân tích quốc tế đánh giá việc Trung Quốc để ngư dân Philippines trở lại ngư trường Scarborough chỉ là một biến tướng mới của chiêu bài biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp rồi tiến tới "gác tranh chấp để cùng khai thác lợi ích chung" mà nước này vẫn sử dụng trên Biển Đông.

Tàu Trung Quốc di chuyển gần tàu đánh bắt cá của ngư dân Philippines ở bãi cạn Scarborough.

Như chúng ta đã biết, vào ngày 31-10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận: Bắc Kinh đã cho ngư dân Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough ở biển Đông. Theo lời bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói với các phóng viên tại cuộc họp báo thì: "Bắc Kinh đã sắp xếp ổn thỏa vấn đề bãi cạn Scarborough sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bày tỏ mối quan tâm trong chuyến thăm Bắc Kinh kéo dài 4 ngày diễn ra trong tháng 10. Chuyến thăm đánh dấu một sự cải tiến toàn diện quan hệ Trung Quốc - Philippines.

Nhưng tình hình ở bãi cạn Scarborough không thay đổi và sẽ không thay đổi". Theo Hermogenes Esperon, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Duterte, không có văn bản ràng buộc giữa 2 bên mà đó chỉ là lời nói một phía từ Trung Quốc. Ông Esperon thừa nhận các tranh chấp chưa được giải quyết và Philippines sẽ tái khẳng định chủ quyền bãi cạn khi các cuộc đàm phán song phương tiếp tục. Còn bà Hoa cũng tuyên bố Bắc Kinh vẫn kiểm soát các vùng lãnh thổ của mình ở biển Đông, không loại trừ Scarborough.

Bãi cạn Scaborough (hay còn gọi là đảo Hoàng Nham) nằm cách bờ tây đảo lớn của Philippines 230 km và cách Trung Quốc hơn 800 km về phía bắc. Đây là một cụm san hô và đá ngầm, nằm cách bờ biển phía bắc đảo Luzon của Philippines hơn 220 km và cách lãnh thổ Trung Quốc hơn 800 km.

Philippines khẳng định bãi cạn nằm gọn trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của nước này, theo Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc lại cho rằng đây là một phần lãnh thổ của nước này, ít nhất là từ thế kỷ XIII. Trước tháng 4-2012, cả Trung Quốc lẫn Philippines đều không duy trì sự hiện diện thường trực ở bãi cạn Scarborough.

Tranh chấp bắt đầu vào ngày 8-4-2012, khi Philippines phát hiện 8 tàu cá của Trung Quốc tại bãi cạn cách đảo lớn Luzon của Philippines khoảng 230 km về phía tây. Chính phủ Philippines ra lời cáo buộc các ngư dân Trung Quốc đã xâm nhập và đánh bắt trái phép ở vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền. Sau khi nhận được thông báo của các tàu, hai tàu hải giám của Trung Quốc đã tới khu vực này, chặn lối vào đâm phá và ngăn cản việc nhà chức trách Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc. Soái hạm BRP Gregorio del Pilar của Philippines được cử đến nhưng bị hai tàu hải giám của Trung Quốc ngăn chặn việc bắt giữ các ngư dân nước này.

Tới cuối tháng 5-2012, Trung Quốc triển khai thêm 7 tàu hải giám và các tàu của Ủy ban nghề cá. Nhiều tàu chính phủ và tàu cá của Trung Quốc vẫn hoạt động quanh bãi cạn. Kể từ tháng 6-2012, Trung Quốc đã duy trì kiểm soát tại bãi cạn Scarborough và cho quân đồn trú lâu dài trên bãi này. Tàu tuần duyên Trung Quốc thỉnh thoảng bắn vòi rồng để xua đuổi ngư dân Philippines trong khi bảo vệ tàu thuyền của ngư dân mình.

Chính phủ Philippines dưới thời Tổng thống Benigno Aquino III đã kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài thường trực của Liên Hiệp Quốc.

Ngày 12-7-2016, Tòa trọng tài đã ra phán quyết khẳng định Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn quyền đánh bắt cá của ngư dân Philippines tại ngư trường truyền thống xung quanh khu vực bãi cạn Scarborough. Kể từ đó, Trung Quốc không ngừng chứng tỏ "thiện chí" với tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người mà kể từ khi lên nắm quyền đã liên tục thể hiện quan điểm xích lại gần Trung Quốc và xa rời đồng minh truyền thống Mỹ.

 Các chuyên gia quốc tế đánh giá, việc để cho ngư dân Philippines quay trở lại Scarborough không phải là nhượng bộ cốt lõi về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Nên lưu ý lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã khẳng định: Tình hình liên quan "không có gì thay đổi và sẽ không thay đổi".

Sự việc tại Scarborough lần này giống như một sự "cấp phép" mà Bắc Kinh dành cho Manila. Philippines nhận được quyền khai thác hải sản nhưng Trung Quốc đang lộ rõ ý đồ giành quyền quyết định "ai đi, ai ở" trên thực địa Biển Đông. Việc cho phép ngư dân Philippines trở lại Scarborough chẳng khiến Trung Quốc mất mát gì mà đó chỉ là động thái bề nổi bên trên hoạt động âm thầm nhưng đang được đẩy nhanh tiến độ: triển khai hệ thống nhận dạng hàng hải (MNIZ) và nhận dạng âm thanh dưới nước (UAIZ).

UAIZ là vùng nhận dạng được xây dựng trên cơ sở hệ thống cảm biến âm thanh dưới đáy biển quanh các đảo, đá và hệ thống định vị thủy âm dạng kéo theo, để phát hiện tàu ngầm của Mỹ, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á. Còn MNIZ chủ yếu là hệ thống radar tìm kiếm mặt biển được bố trí trên các đảo, đá để phát hiện tàu mặt nước của quân đội Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan và các nước ASEAN đi vào khu vực mà Trung Quốc cho là thuộc "vùng đặc quyền kinh tế", hay "lãnh hải" của mình. Một khi có "tàu lạ" đi vào khu vực UAIZ, hay MNIZ, Hải quân Trung Quốc sẽ lập tức giám sát.

Tạp chí Bình luận Quân sự Kanwa của Canada cho biết, so với vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), việc Trung Quốc thiết lập MNIZ và UAIZ có ý nghĩa lớn hơn về mặt quân sự, bởi nó đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ xây dựng thêm nhiều hệ thống radar tìm kiếm mặt biển, hệ thống cảm biến âm thanh dưới đáy biển và hệ thống định vị thủy âm dạng kéo theo trên các đảo, đá, rạn san hô mà nước này đang chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.

Tuy không công khai việc thành lập MNIZ và UAIZ ở Biển Đông, nhưng các thiết bị phục vụ MNIZ và UAIZ sẽ sớm phát hiện về hoạt động của tàu ngầm Mỹ, Nhật Bản và ngăn chặn chúng lên phía bắc vào vùng biển Đài Loan.

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.