Lời nguyện cầu trong thảm họa

Thứ Năm, 25/02/2021, 08:25
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu năm 2019, việc trái đất tăng thêm 2 độ C có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu. Hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng những mục tiêu về biến đổi khí hậu mà các quốc gia tham gia Thỏa thuận Paris đang cố gắng đạt được là chưa đủ...


“Chúng ta không còn có thể tiếp tục trì hoãn hoặc hành động ở mức tối thiểu để giải quyết biến đổi khí hậu. Đây là một cuộc khủng hoảng hiện hữu toàn cầu. Tất cả chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả”. Đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu như vậy vào ngày 19-2 tại Hội nghị An ninh Munich, xem như đã đưa nước Mỹ chính thức trở lại với Thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu ký tại Paris năm 2015, đảo ngược quyết định của người tiền nhiệm Donald Trump, trong sự hân hoan của các nhà hoạt động môi trường toàn thế giới.

Khí thải - hiểm họa tồn vong đối với cả Địa cầu.

Hồi sinh một giấc mơ

Tròn 1 tháng tiếp nhiệm, chính quyền mới của nước Mỹ đã tạo nên dấu ấn rất đáng nhớ, đối với dư luận toàn thế giới và đông đảo những người quan tâm tới tiến trình biến đổi khí hậu toàn cầu, khi đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới và phát thải khí carbon lớn thứ 2 thế giới chính thức trở lại thỏa thuận toàn cầu năm 2015, nhằm ứng phó với vấn đề trái đất nóng lên

Trong tuyên bố về sự trở lại của Mỹ với thỏa thuận khí hậu Paris, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định: “Biến đổi khí hậu và ngoại giao khoa học không bao giờ chỉ còn là phần mở rộng trong các cuộc thảo luận về chính sách đối ngoại của chúng ta”.

Ông nói thêm: “Giải quyết các mối đe dọa thực sự từ biến đổi khí hậu và lắng nghe các nhà khoa học của chúng ta là trọng tâm trong các ưu tiên chính sách đối nội và đối ngoại của chúng tôi. Đây là điều quan trọng trong các cuộc thảo luận về an ninh quốc gia, các nỗ lực y tế quốc tế, cũng như trong các cuộc đàm phán ngoại giao kinh tế và thương mại”.

Nỗi ưu tư của Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres.

Phác thảo một cách cụ thể hơn về lộ trình ấy, Tổng thống Mỹ Joe Biden hé lộ rằng ông đang lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vào ngày 22-4, trùng với Ngày Trái đất. Ông cũng tuyên bố sẽ làm cho ngành điện của Mỹ không có ô nhiễm vào năm 2035 và tiến tới một nền kinh tế hoàn toàn không phát thải vào năm 2050, thông qua một kế hoạch có ngân sách lên tới 2.000 tỷ USD.

Hiển nhiên, với vị thế của mình, việc nước Mỹ trở lại thực hiện các cam kết trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris là điều cực kỳ quan trọng, đối với sự tồn vong của toàn nhân loại.

Thỏa thuận Paris là thỏa thuận không ràng buộc giữa các quốc gia nhằm giảm lượng khí thải và giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Hiện tại, nhiệt độ trái đất đã tăng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và được dự báo sẽ tăng 1,5 độ C trong 2 thập niên tới.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu năm 2019, việc trái đất tăng thêm 2 độ C có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu. Hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng những mục tiêu về biến đổi khí hậu mà các quốc gia tham gia Thỏa thuận Paris đang cố gắng đạt được là chưa đủ.

Động thái được cả thế giới hoan nghênh của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Gần như tất cả các quốc gia trên thế giới đều tham gia thỏa thuận này. Thế mà, trong số 195 quốc gia đã ký kết, 189 quốc gia và vùng lãnh thổ đã chính thức thông qua hiệp định và chưa có quốc gia nào rút khỏi, trừ Mỹ.

Với việc tái gia nhập hiệp định, Mỹ có thể sẽ đặt ra các mục tiêu mới về biến đổi khí hậu so với thời chính quyền Tổng thống Obama và một kế hoạch cụ thể nhằm giảm lượng khí thải từ lĩnh vực điện và năng lượng. Nói rộng hơn, Mỹ sẽ phải xây dựng lại niềm tin với các quốc gia trong hiệp định, đặc biệt là sau khi chính quyền của ông Trump phủ nhận hầu hết nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Và với việc đó, Thỏa thuận Paris có thể trở lại đúng quỹ đạo. Hay nói đúng hơn, mới có đủ điều kiện để tiến tới những bước đột phá mới.

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ cam kết kiểm soát lượng khí thải thấp hơn 26-28% so với mức của năm 2005 vào năm 2025. Hiện tại, Mỹ vẫn còn cách mục tiêu này rất xa và tiến độ thực hiện bị đình trệ dưới thời Tổng thống Donald Trump khi hơn 70 quy định lớn về môi trường bị loại bỏ trong suốt 4 năm qua. Điều đó, nối tiếp sự rút lui khỏi Thỏa thuận Paris của nước Mỹ đã gây ra cú sốc lớn đối với các nước đồng minh và cộng đồng nhà khoa học quốc tế. Việc này cũng khiến hàng loạt bang, thành phố và doanh nghiệp của Mỹ “quay lưng” với chính phủ để tiếp tục thực hiện những kế hoạch riêng về khí hậu.

Theo CNBC, Mỹ có nhiều điều phải làm để bắt kịp các quốc gia khác, với những sáng kiến quyết liệt về khí hậu. Trung Quốc, nước dẫn đầu thế giới về khí thải carbon, cam kết đạt trạng thái cân bằng carbon (lượng carbon thải ra bằng với lượng carbon được loại bỏ) vào năm 2060. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cam kết đạt được trạng thái này vào năm 2050.

Ông Donal Trump từng nhấn mạnh lý do kinh tế khi từ chối Thỏa thuận Paris.

Câu hỏi chưa lời đáp

Đáp lại động thái của ông chủ Nhà Trắng là sự hân hoan không che giấu, từ các nhà lãnh đạo quốc tế. Ngày 19-2, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lập tức lên tiếng rằng việc Mỹ trở lại Thỏa thuận Paris 2015 là “một tin tốt lành cho nước Mỹ nói riêng, cũng như toàn thế giới nói chung”. Theo ông, trong 4 năm qua, sự vắng mặt của Mỹ với tư cách là một bên đóng vai trò quan trọng đã tạo ra lỗ hổng trong Hiệp định Paris, có thể ví như “một mắt xích bị thiếu làm suy yếu toàn bộ”.

Pháp - nước chủ nhà của Hội nghị Chống biến đổi khí hậu toàn cầu năm ấy, nơi khai sinh Thỏa thuận Paris, cũng là quốc gia đi đầu trong việc thúc đẩy những cam kết quốc tế về vấn đề này - cũng nhiệt liệt chào mừng sự trở lại của người đồng minh.

Ngay từ lễ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ một tháng trước, tương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã không che giấu sự nồng nhiệt, khi viết trên trang mạng xã hội Twitter cá nhân của mình: “Xin gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới ngày quan trọng nhất của nhân dân Mỹ”. Chúng ta luôn sát cánh bên nhau. Chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn khi đối đầu với những thách thức trong thời đại của chúng ta. Mạnh mẽ hơn để kiến tạo tương lai của chúng ta. Mạnh mẽ hơn để bảo vệ hành tinh của chúng ta. Chúc mừng quay trở lại Thỏa thuận Paris”.

Ở khía cạnh khác, bất cứ nhà quan sát nào cũng hiểu việc đưa nước Mỹ trở lại với Thỏa thuận Paris là bước đi đầu tiên, trong một tiến trình đảo ngược hoàn toàn các chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Donald Trump, một tín hiệu thể hiện rõ sự quyết liệt của chính quyền Joe Biden trong vấn đề này - thông qua việc hồi sinh các cam kết đa phương mà nước Mỹ đã từ bỏ trong bốn năm qua.

Riêng với vấn đề chống biến đổi khí hậu toàn cầu, quyết định trở lại với Thỏa thuận Paris được đưa ra khi chính nước Mỹ, cụ thể là bang Texas, đang quằn quại dưới tác động của những hiện tượng thời tiết bất thường - đến độ đương kim Tổng thống Joe Biden phải ban bố tình trạng thảm họa. Hành động này sẽ giúp mở ra các gói tài trợ liên bang nhằm cung cấp - hỗ trợ chỗ ở tạm thời, sửa chữa nhà cửa và các khoản vay chi phí thấp.cho các cá nhân trên toàn bang Texas.

Chỉ tính riêng ở Texas, trận bão tuyết lịch sử và xa lạ quét qua miền Trung Tây vốn nóng bức của nước Mỹ đã khiến hàng triệu người phải sống trong cảnh không có điện, mặc dù con số đó đã giảm xuống còn khoảng 185.000 người vào sáng 19-2. Số người không có điện sinh hoạt ở Louisiana và Mississippi lần lượt là 73.000 và 111.000 người. Theo dữ liệu của tờ The Washington Post, đã có ít nhất 47 người người tử vong liên quan đến các cơn bão tuyết trong mùa Đông hoành hành tại nhiều bang của nước Mỹ.

Sáng 16-2 là thời điểm nhiều thành phố miền Trung và miền Nam nước Mỹ chứng kiến nhiệt độ lạnh kỷ lục, với nhiệt độ thấp nhất giảm xuống dưới 0 độ F (0 độ F tương đương -17,78 độ C), do nguyên nhân chính là không khí lạnh Bắc Cực tràn sâu vào lục địa. Có thể kể tới Oklahoma ở mức -12 độ F, lạnh nhất kể từ năm 1899; hay thành phố Dallas bang Texas chứng kiến mức -1 độ F, lạnh nhất kể từ năm 1930 và lạnh thứ hai từ trước đến nay. Các thành phố của bang Arkansas như Little Rock (-1 độ F, lạnh nhất kể từ năm 1989) và Fayetteville (-20 độ F, nhiệt độ lạnh nhất mọi thời đại) cũng rơi vào tình trạng thời tiết tương tự. Trong khi đó, thành phố Hastings, bang Nebraska chứng kiến nhiệt độ -30 độ F, nhiệt độ lạnh nhất trong lịch sử.

Texas trong tình trạng thảm họa.

Tổng cộng, hơn 500 khu vực tại nước Mỹ có mức nhiệt độ tối thiểu thấp kỷ lục. Rõ ràng, việc trở lại Thỏa thuận Paris có thể xem là một lời kinh nguyện nhằm cứu rỗi chính nước Mỹ trước tiên.

Vấn đề là, chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ lấy tiền ở đâu, để phục vụ cho những đại kế hoạch về chống biến đổi khí hậu này? Đừng quên, có rất đông bộ phận cử tri (bao gồm cả các chính trị gia ở thượng tầng, các nghị sĩ lưỡng viện) ủng hộ quan điểm của cựu Tổng thống Donald Trump, rằng các cam kết của Thỏa thuận Paris “giết chết nền kinh tế Mỹ”. Nếu câu trả lời bắt buộc là tăng thuế để lấy nguồn thu cho ngân sách nhằm thực hiện các mục tiêu môi trường đầy tham vọng, có chắc Nhà Trắng sẽ đạt được sự đồng thuận cần thiết? Khi mà trong những sắc lệnh đầu tiên được ông Joe Biden ký, tất cả các công dân Mỹ thu nhập từ 100.000 USD/năm trở lên đã phải chấp nhận tăng thuế lên 3-4%?
Mây Linh
.
.