Mạch máu của biển trong thế giới đầy biến động

Thứ Sáu, 01/02/2019, 10:45
Lâu nay báo chí ít đề cập tới vai trò của các con kênh đào khổng lồ, được đánh giá là hệ thống vận tải tiềm năng thay đổi hoàn toàn cục diện hàng hải quốc tế. Chỉ tới khi một số con kênh mới như dự án kênh Kra hay Nicaragua chuẩn bị ra đời, tầm quan trọng của các con kênh đào mới được đánh giá đúng mức.

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình thế giới có nhiều biến động cả về kinh tế, chính trị, địa chính trị, quân sự ngày càng sâu sắc, kinh tế thế giới hướng nhiều ra biển, vai trò của các tuyến kênh đào huyết mạch như kênh đào Panama, Suez lại càng đặc biệt quan trọng.

1. Nhìn vào dự báo kinh tế toàn cầu năm 2019 để thấy rõ tại sao xuất hiện những lo ngại của các nước. Rủi ro lớn nhất là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Một yếu tố nữa không thể bỏ qua là giá dầu. Đợt giảm sâu gần đây của giá "vàng đen" đã đưa chính trị ở khu vực Trung Đông trở lại thành tâm điểm chú ý. Tình hình địa chính trị ở châu Á cũng là một yếu tố có thể tác động đáng kể tới kinh tế thế giới năm 2019. Tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông vẫn là mối lo ngại dai dẳng...

Kênh đào Panama.

Trên nền bức tranh tổng thể của thế giới năm 2018 có nhiều mảng tối thì việc đẩy mạnh hợp tác và tăng cường kết nối giữa các nước ở các lục địa khác nhau như liên kết châu Á và châu Âu có thể coi là điểm sáng đầy hứa hẹn của năm tới. Liên kết giữa hai châu lục này rõ ràng là sự lựa chọn mang tính chiến lược trong bối cảnh các rủi ro tài chính, chủ nghĩa bảo hộ, căng thẳng thương mại tác động không thuận đến đà phát triển và liên kết kinh tế thế giới.

Thông qua các liên kết giao thông, mạng lưới năng lượng, con người tăng cường khả năng phục hồi của các xã hội và khu vực, tạo thuận lợi cho thương mại, bảo đảm trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Những "kết nối" này có thể coi là một chiến lược lớn đầy tham vọng của các nước và khối nước nhỏ hơn nhằm tăng cường ảnh hưởng ở khu vực trọng yếu đang có sự cạnh tranh và tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc thế giới.

Và như vậy các hành lang vận tải, các dự án kênh đào, an ninh hàng hải được đặc biệt quan tâm để làm sao nhanh chóng làm cho dòng hàng hóa được luân chuyển khắp thế giới, nhất là trong bối cảnh các hiệp định thương mại lớn như CPTPP hay các FTA chính thức đi vào vận hành. Thông qua hoạt động kết nối toàn diện này, hợp tác giữa các lục địa có thêm động lực và sức mạnh, tạo cơ hội để các bên cùng ứng phó hiệu quả và thích nghi với những thay đổi của tình hình quốc tế, duy trì trật tự thế giới đa phương.

2. Những con kênh đào chính là những mạch máu của biển cả, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị quân sự trên khắp thế giới. Nhờ có các con kênh này mà thời gian vận chuyển được rút ngắn, những chuyến hàng, ý đồ chính trị, quân sự hay kinh tế được bộc lộ khi tàu hàng, tàu chiến đi qua các con kênh này. 

Một minh chứng mới nhất là trong tháng 11-2018, nước Nga đã phải cắn răng tạo ra một hành lang vận tải quốc tế Bắc-Nam, được kỳ vọng sẽ thay thế kênh đào Suez do việc đi qua đây sẽ khiến thời gian vận chuyển tới  Iran và Ấn Độ phải kéo dài thêm tới 20 ngày. Nga, Ấn Độ và Iran đã đạt được những thỏa thuận ban đầu thông qua các cuộc thảo luận để hình thành hành lang vận tải quốc tế "Bắc-Nam" (ITC), thay thế cho kênh đào Suez hiện có.

Tàu thuyền đi lại trên kênh đào Panama.

Tuyến vận tải mới gồm cả đường sắt và đường thủy, có tổng chiều dài 7.200km, phục vụ chuyên chở hàng hóa từ Ấn Độ đến vùng ven vịnh Ba Tư của Iran, để từ đây hàng hóa đi tiếp đến bờ biển Caspi, đến cảng Astrakhan của Nga rồi được chuyên chở bằng đường sắt vào châu Âu. Theo ước tính ban đầu, hành lang mới này sẽ có chi phí vận chuyển rẻ hơn, thời gian ngắn hơn so với kênh đào Suez khoảng 30-40%.

Liên quan tới những chiến lược lớn hơn của các cường quốc, để kết nối các vùng biển trọng yếu Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, một dự án chiến lược về kênh đào Kra đã được nói tới nhiều, những tranh luận cả tích cực và tiêu cực đều đã được nói tới. Tuy nhiên, mọi sự chưa ngã ngũ.

Kênh đào Kra, hay còn gọi là Thai Canal hay Kra Isthmus Canal, là dự án xây dựng một kênh đào nối Biển Đông với biển Andaman ở Ấn Độ Dương, chạy qua eo đất hẹp ở miền Nam Thái Lan và không đi qua Singapore. Ý tưởng xây kênh đào này được kĩ sư người Pháp Le Lamar đưa ra từ năm 1677. Năm 2005, tờ Washington Post tiết lộ báo cáo nội bộ của Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld cho biết Trung Quốc dự tính sẽ sử dụng 30.000 nhân công và kéo dài 10 năm để làm. Theo thông tin không chính thức, đại diện của Trung Quốc và Thái Lan vào tháng 5/2015 đã ký một Biên bản ghi nhớ về việc xây dựng Kênh đào Kra với kinh phí khoảng 28 tỷ USD, sau khi hoàn thành, đây sẽ là kênh đào nhân tạo lớn nhất châu Á.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Trung Quốc lại "sốt sắng" như vậy? Câu trả lời không quá khó. Hiện có tới 80% dầu nhập khẩu của Trung Quốc là từ Trung Đông và phải đi qua Eo biển Malacca, vừa xa hơn hàng nghìn km vừa có nhiều bất trắc. Vì những ý nghĩa và hiệu quả kinh tế và địa chính trị to lớn mà kênh đào này mang lại, Mỹ và Trung Quốc càng hiểu hơn ai hết và đã tích cực hành động để đạt được điều đó. Nước nào đứng ra đào kênh là một vấn đề quan trọng, và vấn đề quan trọng hơn nữa, kiểm soát được kênh đào cũng sẽ nắm giữ được an ninh hàng hải của tuyến đường từ Ấn Độ Dương qua kênh đào vào Vịnh Thái Lan và ra Thái Bình Dương.

Theo một dự án mới đề xuất năm 2015, kênh đào này có chiều dài dao động trên dưới 100km, nằm ngang mực nước biển và không có các âu tàu. Kênh đào có chiều rộng 500m và độ sâu 33m, có thể cho phép tàu trọng tải 500.000 tấn qua lại theo hai làn. Người Thái hy vọng sự ra đời của Kra ngay lập tức sẽ đưa Thái Lan đứng vào vị trí một trong những đường hàng hải lớn nhất thế giới và kênh đào không chỉ tạo ra sự thịnh vượng cho miền Nam nghèo khó, mà còn tạo ra đà phát triển mới cho toàn nền kinh tế. Bên cạnh đó, cũng có quan niệm rằng công trình này sẽ giúp Thái Lan thực hiện quyền lực biển của mình.

Tuy nhiên, có quan điểm khác cho rằng, đứng trên phương diện an ninh, vấn đề xây dựng kênh đào cắt đôi đất nước đã bị nhiều người Thái Lan phản đối. Ngoài ra, các nước phương Tây cũng cho rằng, nếu để Trung Quốc xây dựng thì Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Và kênh đào cũng sẽ là một thách thức đối với sự đoàn kết của ASEAN.

3. Ngoài kênh đào Kra, thế giới có hai kênh đào cực kỳ nổi tiếng là Panama và Suez - những công trình nhân tạo khổng lồ, đã tác động mạnh đến sự phát triển của giao thương không chỉ của một vài quốc gia, mà tác động tới toàn thế giới, cũng đang được sửa chữa nâng cấp để trở thành những "con gà đẻ trứng vàng" khi đem về hàng tỷ đô la mỗi năm cho các nhà nước quản lý nó. Ngành hàng hải của các quốc gia thì tiết kiệm được chi phí hàng tỷ USD cho hàng triệu km được tiết kiệm.

Nếu như kênh Kra chuẩn bị ra đời đang gây lo ngại cho nhiều nước nằm trong khu vực Biển Đông và Ấn Độ Dương thì những tính toán để sửa chữa, nâng cấp và đưa vào vận hành hai kênh đào Suez và kênh đào Panama cũng mang những ý nghĩa tương tự. Chỉ có điều ai là chủ thể của các con kênh cả mới và cũ. Bởi mỗi "ông chủ" sẽ có những chính sách và chiến lược riêng.

Lịch sử kênh đào Panama và Suez cho thấy, bất kể lợi ích to lớn mà một kênh đào mang lại, việc một nước cung cấp vốn xây dựng kênh trên lãnh thổ của một nước khác thường dẫn đến việc mở rộng đáng kể ảnh hưởng của nước này đối với nước có kênh đào, giúp họ đạt được các mục tiêu chính trị và an ninh riêng, cũng như làm hạn chế chủ quyền của nước chủ nhà đối với kênh đào. Tất cả các yếu tố này sớm hay muộn sẽ tạo ra căng thẳng về an ninh và chính trị cũng như tình trạng bất ổn gây chấn động trên phạm vi quốc tế và có nguy cơ đẩy các nước đến bờ vực chiến tranh. Kênh đào là một dự án khổng lồ. Nó sẽ có tác động to lớn đối với môi trường và con người tới mức độ không thể đảo ngược.

4. Ngoài các dự án kênh đào và hành lang vận chuyện đặc biệt như đã nêu, mới đây dự án kênh đào Nicaragua do Trung Quốc làm chủ đầu tư cũng bắt đầu có những diễn biến phức tạp khi có thêm sự tham gia của Nga. Các nhà phân tích đến từ Moscow và Bắc Kinh đang cùng chung nhận định là Trung Quốc và Nga đang tiến hành cuộc chơi địa chính trị và kinh tế lớn xung quanh việc đào con kênh khổng lồ ở Nicaragua, cạnh tranh với kênh đào Panama, được cho là sản phẩm "con cưng" của Mỹ hàng trăm năm qua.

Đây là dự án thu hút sự quan tâm chú ý cao độ, bởi nó là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất ở khu vực Mỹ Latinh. Nicaragua là vùng đất mà Nga đã có sự hiện diện từ trước đây. Việc tham gia dự án này có liên quan chặt chẽ đến vấn đề tăng cường quan hệ toàn diện với khu vực Mỹ Latinh. Do đó, tham vọng bắt tay với Trung Quốc để tiến hành dự án kênh đào Nicaragua của Nga đã xác nhận rằng Moscow và Bắc Kinh đang tiến hành cạnh tranh ảnh hưởng với Washington ngay tại sân sau của Hoa Kỳ. Mỹ Latinh vì thế cũng đang trở thành một yếu tố quan trọng trong chiến lược xây dựng trật tự thế giới đa phương. 

Hoa Huyền
.
.