Mali: Sau khủng bố là săn người trả thù

Thứ Bảy, 02/02/2013, 08:40

Tại Sévaré ở miền Trung Mali, nhiều đơn vị quân chính quy Mali đã có những hành động trả đũa đáng sợ: thủ tiêu, hành quyết, săn người.

Đó là một thi thể trần trụi được chôn qua loa dưới cát, chỉ có cánh tay trái và phần mông lộ ra trên mặt đất. Thi thể được phát hiện tại trung tâm Sévaré, một thành phố 30.000 dân có quân đội đồn trú và lính Pháp đang kiểm soát phi trường.

Thi thể của người vừa chết không lâu. Giữa đêm khuya, một người láng giềng giấu tên đã chỉ cho một phóng viên nước ngoài thấy thi thể đó.

Quân đội Mali mang lại niềm hy vọng và tự hào cho người dân ở Sévaré. Thành phố này nằm gần ranh giới chia cắt miền Nam của thủ đô Bamako và miền Bắc do phe Hồi giáo kiểm soát. Nhưng giờ đây một số người dân lại cảm thấy lo sợ trước các binh lính chính quy. Nỗi ám ảnh về sự thâm nhập của phe Hồi giáo vào khu vực chiến tuyến đó đã dấy lên một chiến dịch tố cáo "những kẻ đáng ngờ" trong quần chúng. Và hệ lụy của chiến dịch tố cáo đã biến thành một cuộc săn người.

Tại Sévaré, nhiều nhân chứng kể lại những vụ hành quyết diễn ra tại 3 khu vực, đó là chưa kể doanh trại quân đội nơi đã xảy ra một vụ giết người vào tuần qua. Một khu vực được gọi là "Chechnya" nằm gần trường bắn. Tại đấy diễn ra việc xử tử những kẻ "tình nghi". Cô Miriam kể về một cái xác không đầu bị ném xuống giếng hôm 18/1. Cùng ngày đó và ngày hôm sau trong khu Waillhirdé gần bệnh viện, các binh sĩ đã ném những thi thể được cho là "bọn phiến loạn" xuống một cái giếng trước mắt mọi người.

Binh sĩ Pháp tại Bamako.

"Tôi đã có mặt ở đấy. Những người chết là bọn phiến loạn. Họ đã ném xác chúng xuống giếng” - cựu quân nhân Moussa kể lại, không giấu được nỗi căm ghét người Touareg. Trên bờ giếng có dính nhiều máu, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Các nhân chứng nói có khoảng 25-30 thi thể được vùi trong khu vực. "Là người Touareg, Arập hay mặc đồ truyền thống nhưng không sống tại Sévaré, như thế đã đủ để khiến người ấy biến mất. Để râu dài tức là tự sát" - một thanh niên cho biết.

Một người khác nói thêm: "Nếu ai không thể trình căn cước sẽ bị đưa về đồn cảnh sát. Và nếu không ai ở Sévaré nhận ra người đó, anh ta sẽ bị hành quyết".

Nhiều quân nhân không tha thứ cho các đồng đội Touareg đã quay súng bắn giết bạn bè vào mùa xuân 2012 tại Aghelock khi phe phiến loạn Touareg và phe Hồi giáo chiếm lấy miền Bắc. Bị nhục nhã bởi thất bại đó và không quen với sự tôn trọng nhân quyền, quân đội Mali dường như đã quyết định trả thù một cách kín đáo, tránh ánh mắt của các phóng viên và những tổ chức phi chính phủ. 

Từ nhiều ngày qua, Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế, tổ chức Human Rights Watch và Amnesty International đã tố cáo nhiều trường hợp hành quyết được thực hiện bởi quân đội Mali. Khi được phóng viên tạp chí L'Express phỏng vấn, đại tá Didier Dacko phụ trách khu vực Sévaré cho biết không nghe nói gì về chuyện đó cả. Tuy nhiên các phóng viên bị cấm đến thành phố Sévaré.

Những cuộc trả thù quy mô của quân đội chính quy và dân quân "ái quốc" tại các thành phố được giải phóng nhắm vào người Touareg và Arập vốn thường bị miền nam xem như là đồng lõa với mạng lưới Thánh chiến Hồi giáo đang diễn ra ở Sévaré

Minh Luân (tổng hợp)
.
.