Manh nha cuộc chiến tiền tệ thế hệ mới?

Thứ Tư, 25/07/2018, 14:41
Những động thái “ăn miếng trả miếng” mới nhất của Mỹ với các đối tác trong cuộc chiến tranh thương mại có khả năng biến thành một cuộc chiến tranh tiền tệ thế hệ mới mà hậu quả sẽ khó lường... mang tính hủy diệt các nền kinh tế, gây hỗn loạn về chính trị...

Giành vị thế giữa các siêu cường

Với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, hiện có nhiều quan điểm, nhưng hầu hết đều khó lòng phủ nhận cuộc chiến thương mại lần này có bản chất khác các cuộc chiến thương mại trong quá khứ. Nó vượt qua khỏi cuộc chiến thương mại bình thường để thực sự trở thành cuộc tranh giành vị thế ảnh hưởng toàn cầu của hai siêu cường lớn nhất hiện nay là Mỹ và Trung Quốc. Đó là điểm khác nhau cơ bản giữa chiến tranh thương mại trong quá khứ và hiện tại. Nếu vậy, chiến tranh tiền tệ bây giờ cũng sẽ khác so với trước đây?

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã thể hiện thái độ chỉ trích của mình đối với Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) vì những động thái được xem là thao túng tiền tệ.  Trên Twitter cá nhân của mình, ông Trump tuyên bố: “Trung Quốc, EU và các nước khác đang thao túng tiền tệ của họ và để lãi suất thấp, trong khi nước Mỹ tăng lãi suất và mỗi ngày trôi qua, đồng USD ngày càng mạnh lên, làm mất đi lợi thế cạnh tranh. Như thường lệ, đây không phải là sân chơi bình đẳng”.

Nếu xảy ra cuộc chiến tiền tệ, nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm. Ảnh: Tes.

Trong cuộc phỏng vấn với đài CNBC mới đây, ông Donald Trump nhắc lại việc Mỹ “đang bị lợi dụng”, bao gồm cả vấn đề chính sách thương mại. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mới đây là cuộc đối đầu lớn nhất và rộng nhất trong những cuộc chiến của ông.

Chưa dừng lại, Tổng thống Mỹ còn nhấn mạnh: “Nước Mỹ không phải chịu trừng phạt chỉ bởi vì đã làm rất tốt. Việc thắt chặt (chính sách tiền tệ) sẽ gây tổn thương đến những gì chúng ta đạt được. Nước Mỹ nên được phép lấy lại những gì đã mất do thao túng tiền tệ bất hợp pháp và những giao dịch thương mại tồi tệ”.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kể từ đầu năm đã tăng lãi suất tới 2 lần sau khi tiến hành 3 đợt tăng vào năm ngoái. Dự kiến, FED sẽ có 2 đợt tăng nữa trong năm nay, từ bỏ tăng trưởng kinh tế để giữ mức lạm phát. Ông Trump cho biết sự “không hài lòng” với kế hoạch tiếp tục tăng lãi suất của FED. Điều này đang tạo ra sự phá lệ trong suốt nhiều thập niên tại Mỹ khi các đời tổng thống ít bình luận trực tiếp về đồng USD cũng như chính sách tiền tệ quốc gia.

Theo các chuyên gia, một cuộc chiến tranh tiền tệ sẽ thực sự nổ ra, song song với cuộc chiến tranh thương mại, nếu các đồng tiền mạnh bị thao túng làm tỷ giá đồng tiền và lãi suất của chúng thấp hơn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, Chính phủ Mỹ đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến tỷ giá để xác định xem Trung Quốc hay EU có thao túng các đồng tiền hay không. Nếu một cuộc chiến tranh tiền tệ thực sự xảy ra giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới thì hậu quả sẽ rất khó lường và vượt xa khỏi phạm vi các đồng nhân dân tệ, EURO và USD.

Trong trường hợp đó, các thị trường từ cổ phiếu tới hàng hóa cơ bản và các thị trường mới nổi sẽ đều rơi vào tình thế nguy hiểm. “Điều đó sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp”, ông Jens Nordvig, một chiến lược gia tiền tệ hàng đầu Phố Wall, nhận định.

Nhìn vào kinh nghiệm từ lịch sử, ông Robin Brooks, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc Viện Tài chính Quốc tế (IMF) cho rằng, sự lo ngại của Mỹ không phải không có cơ sở khi đã từng xảy ra cú phá giá đồng tiền gây sốc của Trung Quốc vào năm 2015.  Đây vẫn là một hình mẫu để có thể hình dung ảnh hưởng lan rộng của chiến tranh tiền tệ sẽ như thế nào.

“Khi đó, giá của các tài sản có độ rủi ro cao và giá dầu có thể sụt giảm mạnh khi mối lo về tăng trưởng trở nên lớn hơn, kéo theo tỷ giá của các nước có độ phụ thuộc cao vào xuất khẩu hàng hóa cơ bản như rúp Nga, peso Colombia và ringgit Malaysia... Tiếp đó, sự mất giá đồng tiền sẽ lan rộng ra toàn châu Á.

Đánh giá về những diễn biến đang xảy ra, ông Mnuchin khẳng định với hãng tin Reuters “Chúng tôi sẽ theo dõi thận trọng xem Trung Quốc hay EU có thao túng tỷ giá hay không”. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Mỹ có đang bước vào một cuộc chiến tranh tiền tệ hay không.

Cuộc chiến sẽ khiến tất cả cùng thiệt

Ủy ban Điều khoản 301 Mỹ sẽ tổ chức phiên họp điều trần từ ngày 20 đến 23-8 để thảo luận danh sách áp thuế bổ sung 10% đối với sản phẩm nhập từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD do Chính phủ Mỹ đề xuất ngày 10-7. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cho biết, Mỹ sở dĩ làm như vậy là do hành vi không thích đáng và biện pháp thương mại không công bằng của Trung Quốc, bao gồm cả trợ cấp chính phủ đem lại thiệt hại to lớn cho Mỹ.

Nếu chỉ nghe sự biện hộ của Washington, mọi người rất dễ rút ra “kết luận” Mỹ bị thiệt hại nặng nề trong hoạt động thương mại với Trung Quốc và các công ty Mỹ bị Trung Quốc bắt chẹt. Sự thật có đúng như vậy không? Trước hết, nhờ được lợi từ kinh tế tăng trưởng nhanh chóng và thị trường tiêu dùng to lớn của Trung Quốc, rất nhiều công ty Mỹ kinh doanh hết sức thành công tại thị trường Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã thể hiện thái độ chỉ trích của mình đối với Trung Quốc và EU. Ảnh: South China Morning Post.

Ví dụ, từ năm 2010, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành thị trường ô tô lớn nhất toàn cầu. Đối với không ít doanh nghiệp Mỹ mà nói, Trung Quốc chẳng khác nào là “cọng rơm cứu mạng”. Chẳng hạn như 2 công ty liên doanh thuộc Tập đoàn GM Mỹ năm 2017 có tổng lợi nhuận là 27,99 tỷ nhân dân tệ, Tập đoàn GM từ đó hưởng lợi nhuận 13,33 tỷ nhân dân tệ.

Trong khi cùng năm, Tập đoàn GM thua lỗ 10,98 tỷ nhân dân tệ trên toàn cầu. Là thị trường tiêu dùng mạch điện tích hợp lớn nhất, gần một nửa sản phẩm mạch điện tích hợp trên toàn cầu đã được bán sang Trung Quốc. Năm ngoái, doanh thu tại Trung Quốc của 20 doanh nghiệp mạch điện tích hợp chính của Mỹ vượt 75 tỷ USD, chiếm khoảng 35% tổng doanh thu của 20 doanh nghiệp này.

Theo dự kiến, năm 2018, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành thị trường tiêu dùng lớn nhất. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ là thị trường lớn giành giật của các công ty đa quốc gia trên toàn cầu. Các công ty Mỹ cũng không ngoại lệ. Washington núp dưới danh nghĩa bảo vệ lợi ích Mỹ phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Rất khó hiểu, biện pháp đơn phương như vậy liệu có lợi cho những doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc sớm đã thu lợi ích béo bở hay không? Thường thức nhất quán của cộng đồng quốc tế là, cuộc chiến thương mại sẽ khiến 2 bên đều thua, chứ không phải cùng thắng.

Câu hỏi đặt ra là vì sao Trung Quốc vẫn kiên trì đối đầu với Mỹ cho dù cái giá phải trả là không nhỏ? Do thương mại Trung-Mỹ có xuất siêu rất lớn, nên Trung Quốc khó có thể áp thuế với quy mô tương đương lên hàng hóa của Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc vẫn ở tình thế bất lợi trên phương diện công nghệ cao. Vào lúc cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ chính thức bắt đầu, thị trường chứng khoán, thị trường ngoại hối của Trung Quốc đã có những phản ứng nhạy cảm.

Theo tính toán của công ty tư vấn Oxford Economics, việc Mỹ áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ chỉ nảy sinh 0,1% ảnh hưởng đối với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc và Mỹ trong 2 năm tới, nếu chính quyền ông Donald Trump mở rộng áp thuế trị giá 200 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc, ảnh hưởng này sẽ tăng lên đến 0,3% GDP.

Tuy nhiên, cho dù không tạo thành sự liên lụy nghiêm trọng đối với tăng trưởng kinh tế tổng thể nhưng áp thuế vẫn có thể đem đến không ít phiền phức cho các đơn vị và ngành nghề đặc biệt.

Nếu bùng nổ cuộc chiến thương mại toàn diện, Trung Quốc có thể áp dụng những biện pháp nào để đáp trả? Hiện nay, không có chứng cứ cho thấy Trung Quốc và Mỹ đã tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào trong giai đoạn cuối cùng. Điều này có nghĩa là trong ngắn hạn, tình hình sẽ không có chuyển biến tốt. Xét thấy Trung Quốc và Mỹ là hai nền kinh tế có quy mô lớn nhất toàn cầu, khó tránh khỏi làm cho đối tác thương mại khác của hai bên bị ảnh hưởng trong cuộc tranh chấp này.

Chuyên gia phân tích của Ngân hàng Merrill Lynch dự đoán rằng “cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ có thể sẽ chỉ leo thang ở mức độ thích hợp nhưng không thể loại trừ khả năng bùng nổ cuộc chiến thương mại toàn diện, gây ra suy thoái”.

Vòng quay lịch sử và nguy cơ cuộc chiến tiền tệ thế hệ mới

Cuộc chiến thương mại này sẽ phát triển đến mức độ nào? Hiện nay vẫn rất khó phán đoán. 16 tỷ USD còn lại trong danh sách áp thuế trị giá 50 tỷ USD của Mỹ sẽ có hiệu lực trong khoảng 2 tuần nữa. Nếu Trung Quốc tiếp tục đáp trả, ông Donald Trump sẽ xem xét áp thuế trị giá 500 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, con số này tương đương với tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc trong năm 2017. Ảnh hưởng của hành động này đối với kinh tế Trung Quốc sẽ trở nên lớn hơn.

Tập đoàn truyền thông BBC của Anh cho rằng một khi bùng nổ cuộc chiến thương mại toàn diện, Trung Quốc có thể áp dụng nhiều biện pháp đáp trả trên các phương diện như doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc, trái phiếu Mỹ, tỷ giá đồng nhân dân tệ...

Sau chiến tranh thương mại sẽ là chiến tranh gì? Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có dẫn đến chiến tranh tiền tệ? Có lẽ, câu hỏi đúng nên đặt ra là điều gì sẽ diễn ra kế tiếp các cuộc chiến, kể cả cuộc chiến thương mại lẫn cuộc chiến tiền tệ? Lịch sử có lặp lại?

Nếu tương lai là lặp lại những câu chuyện của lịch sử thì có khả năng, sau cuộc chiến thương mại sẽ là chiến tranh tiền tệ (hoặc chiến tranh tiền tệ trước rồi đến chiến tranh thương mại), cuối cùng sẽ là chiến tranh với đầy đủ nhất ý nghĩa của nó.

Lịch sử ghi nhận cuộc chiến thương mại toàn cầu nổi tiếng nhất thế kỷ XX bùng phát khi Mỹ ban hành Luật Smoot-Hawley Tariff Act (1930), đánh thuế với hơn 20.000 hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ (hầu hết là hàng hóa không do Mỹ sản xuất ra) và sau đó là sự trả đũa của các nước đối với Mỹ. Tiếp đến là một cuộc đại phá giá tiền tệ ở Anh, Pháp (1936), Mỹ (1933), trùng với khoảng thời gian xảy ra siêu lạm phát ở Đức. Cuối cùng là chiến tranh xâm lược của Đức tại Ba Lan năm 1939.

Nếu xảy ra chiến tranh tiền tệ, mức độ nguy hiểm và sự lây lan của nó là rất lớn. Ảnh: Asia Times.

Với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, hiện có nhiều quan điểm, nhưng hầu hết khó lòng phủ nhận cuộc chiến thương mại lần này có bản chất khác các cuộc chiến thương mại trong quá khứ. Nó vượt qua khỏi cuộc chiến thương mại bình thường để thực sự trở thành cuộc tranh giành vị thế ảnh hưởng toàn cầu của hai siêu cường lớn nhất hiện nay là Mỹ và Trung Quốc. Đó là điểm khác nhau cơ bản giữa chiến tranh thương mại trong quá khứ và hiện tại. Nếu vậy, chiến tranh tiền tệ bây giờ cũng sẽ khác so với trước đây?

Mối nguy chiến tranh tiền tệ thế hệ mới đã xuất hiện. Hiểu theo nghĩa truyền thống, chiến tranh tiền tệ chính là việc các quốc gia phá giá đồng tiền của mình với mong muốn giành thị phần của các nước nhằm tăng xuất khẩu. Điển hình là năm 2010, các nước than phiền việc Mỹ thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng định lượng (các gói QE) đã làm giảm đáng kể giá trị của USD.

Nếu Trung Quốc giờ đây cũng thực hiện đúng như vậy, thì có khả năng, họ sẽ bị trả đũa. Vậy họ phải làm gì? Hãy chú ý, trước khi nổ ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, vào tháng 6-2018, Trung Quốc đã thông báo tăng tốc chương trình “hoán đổi nợ thành cổ phần” đầy tranh cãi trước đây.

Liên hệ thông tin mà Bloomberg đã công bố vào tháng 4-2018, rằng đã có những rò rỉ một bản báo cáo mật về khả năng Trung Quốc nghiên cứu kế hoạch dùng tiền tệ như là thứ vũ khí để đối phó với tình huống xấu nhất nếu các căng thẳng thương mại kéo dài, còn gọi là “vũ khí hóa nhân dân tệ”.

Phải chăng, đây là cuộc chiến tiền tệ thế hệ mới được khởi xướng từ Trung Quốc? Trong bối cảnh này, họ đâu dại gì giảm lãi suất, tăng cung tiền để phá giá như đã từng làm vào năm 2015 để bị phản đòn.

Còn một hình thức tinh vi khác mà mà giới quan sát quốc tế gần đây gọi là chiến tranh vốn (capital war). Đó là việc một nước cố tìm mọi cách làm cho đồng tiền của mình tràn ngập thị trường toàn cầu. Hiện nay, phương thức này được sử dụng ngoại giao bẫy nợ để cho vay hoặc tiến hành các thỏa thuận thanh toán quốc tế nhằm gây sức ép chính trị.

Chiến tranh tiền tệ còn ẩn dưới một chiều sâu khác. Các cuộc chiến thương mại toàn cầu còn làm giảm đáng kể tiết kiệm của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Điều này chẳng những làm giảm tiêu dùng, dẫn đến tăng trưởng sụt giảm, mà còn làm xói mòn cơ sở vốn của thị trường, làm cho nợ xấu hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp gia tăng. Cuối cùng, đồng tiền các nước yếu hơn cũng sẽ bị mất giá một cách tự nhiên.

Dường như lịch sử đang lặp lại, chiến tranh tiền tệ nếu xuất hiện, nó sẽ ở vòng xoáy với tốc độ cao hơn, quy mô khủng khiếp hơn.

Nguyễn Hòa
.
.