Mối lo khủng hoảng tị nạn nếu Afghanistan nội chiến
- Mỹ rút quân, Taliban tuyên bố kiểm soát 85% lãnh thổ Afghanistan
- Mỹ sẽ rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan vào cuối tháng 8
Thời hạn hoàn thành việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan trước ngày 11-9 được Tổng thống Joe Biden đặt ra giờ chỉ còn mang tính ước lệ, bởi trên thực địa, quá nửa số binh lính Mỹ và lực lượng đồng minh NATO đã rời khỏi nước này. Ngày 2-7, Mỹ đã rút toàn bộ quân đồn trú khỏi Bagram, căn cứ quân sự chính của họ tại Afghanistan.
Tận dụng thời cơ chiến lược trong những tháng gần đây khi Chính phủ Afghanistan phải tự chịu trách nhiệm về tình hình an ninh trong nước, lực lượng Taliban đã tiến hành các chiến dịch tấn công giành quyền kiểm soát một số vùng lãnh thổ ngay khi các lực lượng quân sự nước ngoài rút đi. Chỉ trong 2 tháng, Taliban đã kiểm soát 157 quận trong tổng số 407 quận của Afghanistan. Ngoài việc mở rộng tầm ảnh hưởng trên thực địa, việc kiểm soát thêm nhiều vùng lãnh thổ mang lại cho Taliban nhiều quân bài chiến lược để gia tăng ảnh hưởng đòn bẩy khi đàm phán với Chính phủ Afghanistan trong nay mai.
Lực lượng địa phương được huy động với mong muốn đẩy lùi Taliban của Chính phủ Afghanistan. |
Trong khi đó, tiến trình hòa bình ở Afghanistan vẫn giậm chân tại chỗ. Kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan vẫn là một trong những điều kiện chính trong thỏa thuận mà Mỹ đạt được với Taliban hồi tháng 2-2020. Đổi lại, Taliban nhất trí ngừng bắn và tham gia đàm phán với Kabul để đạt được một giải pháp do người Afghanistan dẫn dắt và làm chủ đối với các vấn đề chính trị và an ninh nhức nhối tại quốc gia Nam Á này.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán trong nội bộ Afghanistan đang không đạt được tiến triển do bất đồng giữa hai bên về các điều kiện tiên quyết trước khi đàm phán. Taliban đòi hỏi Chính phủ Afghanistan trước hết phải trả tự do cho các tù nhân của họ và đảm bảo rằng Taliban sẽ được đại diện một cách công bằng trong chính phủ hậu chiến. Trong khi đó, Chính phủ Afghanistan kiên quyết không đàm phán chứng nào Taliban chưa ngừng bắn.
Có một điều mà ai cũng nhìn thấy, đó là các lực lượng an ninh Afghanistan vốn dựa vào nhà thầu nước ngoài do Mỹ tài trợ trong việc duy tu, bảo dưỡng máy bay chiến đấu, xe bọc thép và các thiết bị quân sự khác. Tuy nhiên, các nhà thầu này sẽ theo chân Mỹ rời khỏi Afghanistan, do đó các lực lượng của chính phủ chỉ có thể duy trì hoạt động của hàng chục máy bay chiến đấu, máy bay chở hàng và máy bay không người lái của Mỹ thêm vài tháng. Điều này sẽ khiến không lực Afghanistan tê liệt, trong khi lực lượng này lại là lợi thế chính của quân đội Afghanistan khi đối đầu với Taliban nhờ vai trò yểm trợ các đợt tấn công trên bộ bằng các đợt không kích - năng lực mà Taliban còn thiếu.
Bên cạnh đó là tình trạng thiếu phối hợp trên thực địa. Mất đi nhuệ khí do nguồn lực hạn chế, Mỹ rút quân, lương bổng thấp và nạn tham nhũng tràn lan, nhiều binh lính Afghanistan đã giao nộp trung tâm các quận, bỏ lại các căn cứ quân sự và đầu hàng Taliban. Họ giao nộp hết vũ khí, đạn dược, phương tiện vận chuyển mà không cần phải giao chiến. Trong khi đó, các cuộc tấn công của Taliban ở các quận phía Bắc đã khiến cho lực lượng của chính phủ vốn đã hạn chế, nay còn bị dàn trải khắp các khu vực rộng lớn và do đó càng thêm suy yếu.
Tình hình an ninh ngày càng xuống cấp ở Afghanistan nhiều khả năng sẽ kích động một cuộc nội chiến tại đây trong vòng chưa đầy 6 tháng sau khi các lực lượng nước ngoài rút quân. Để khắc phục tình trạng thiếu khả năng phối hợp hiệu quả trong phản ứng quân sự, Chính phủ Afghanistan gần đây đã mở chiến dịch tổng động viên nhằm trang bị vũ khí cho dân thường và các lực lượng dân quân địa phương để đối phó với những bước tiến của Taliban. Nhưng, bằng các đợt tấn công có tổ chức, Taliban vẫn có thể dễ dàng đánh bại lực lượng dân quân địa phương do các lực lượng này không được huấn luyện và trang bị đầy đủ.
Hơn nữa, nhìn vào sự thiếu trung thành, các cuộc tranh giành quyền lực và tranh chấp lãnh thổ trong lịch sử lực lượng dân quân Afghanistan, không có gì đảm bảo rằng các nhóm này sẽ không tấn công lẫn nhau thay vì cùng nhau chiến đấu chống Taliban. Các thủ lĩnh quân phiệt đứng đầu các lực lượng dân quân địa phương đã bảo vệ các cộng đồng thiểu số thường là mục tiêu của Taliban. Tuy nhiên, dù các lực lượng này tạm thời hậu thuẫn cho chính phủ trong cuộc chiến hiện tại ở nhiều vùng phía Bắc nhưng họ cũng đồng thời có lãnh địa riêng, làm xói mòn quyền lực của Kabul ngay cả sau khi cuộc xung đột hiện tại chấm dứt.
Miền Bắc Afghanistan có thể sẽ bị biến thành chiến trường giữa Taliban và các nhóm không phải của người Pashtun gồm những người dân tộc thiểu số như Tajik và Uzbek. Tình trạng bạo lực ở đây có thể sẽ càng khiến đất nước thêm bất ổn, gây ra làn sóng di cư và các cuộc khủng hoảng tị nạn tại các quốc gia Trung Á. Miền Nam, nơi sinh sống chủ yếu của người Pashtun, có thể sẽ biến thành thành trì của các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay al-Qaeda, bởi họ có thể tự do tiến hành hàng loạt hoạt động như tuyển quân, đào tạo và huấn luyện bởi sự kiểm soát lỏng lẻo của chính quyền.
Tình hình ngày càng hỗn loạn ở Afghanistan cũng sẽ là mối nguy hiểm về an ninh với các nước láng giềng khi nước này trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhóm dân quân thiểu số. Việc lực lượng Taliban thắng thế rất có thể sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng nhân đạo khó giải quyết trong khu vực giữa bối cảnh bạo lực và bất ổn thường trực.