Mồi lửa mới thêm căng thẳng Mỹ-Trung
Động thái này được cho là để trả đũa việc các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp dụng đối với Hong Kong cũng như yêu cầu các nhà ngoại giao Trung Quốc phải xin phép trước khi đến thăm bất kỳ trường đại học nào của Mỹ hoặc tổ chức các sự kiện văn hóa với hơn 50 người bên ngoài khuôn viên đại sứ quán.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng, những gì đang xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc là “yêu cầu có đi có lại”. Ảnh: AP. |
“Yêu cầu có đi có lại”
Hãng South China Morning Post đưa tin, theo lệnh chính thức của Bắc Kinh, các nhà ngoại giao Mỹ phải được sự chấp thuận của Văn phòng Ủy viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho bất kỳ cuộc họp chính thức, riêng tư, xã hội và họp qua video, cũng như các cuộc họp với “bất kỳ tổ chức hoặc xã hội giáo dục công hoặc tư nhân nào của Hong Kong và nhân sự của tổ chức đó”. Một tài liệu mà hãng South China Morning Post trích đăng còn nêu rõ rằng, quy định mới này được đưa ra sau khi lãnh đạo đảng Tự do ủng hộ doanh nghiệp của Hong Kong Felix Chung Kwok-pan được thông báo rằng Tổng lãnh sự Mỹ tại đặc khu bị yêu cầu phải có giấy phép mới được gặp ông.
Hiện đặc phái viên Mỹ đang tìm kiếm một cuộc gặp với ông Felix Chung Kwok-pan nhưng bất thành. Một nguồn tin khác khẳng định, hồi đầu tháng, ông Felix Chung Kwok-pan đã bị Văn phòng Ủy viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại thành phố gọi đến và nói rằng đây không phải là “thời điểm thích hợp để ông gặp đặc phái viên hàng đầu Mỹ”.
Chính quyền Bắc Kinh cũng yêu cầu Tổng lãnh sự Mỹ tại Hong Kong, “những người kế nhiệm ông, hoặc bất kỳ nhân viên nào làm việc thay mặt ông, phải được sự chấp thuận của Văn phòng Ủy viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hong Kong trước khi đến thăm bất kỳ cơ sở chính quyền địa phương nào của Hong Kong hoặc các cuộc họp từ những tổ chức này”.
Động thái của Trung Quốc được coi là sự trả đũa sau khi Washington hạn chế hoạt động của các nhà ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ. Đầu tháng 9, Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu các nhà ngoại giao Trung Quốc phải xin phép trước khi đến thăm bất kỳ trường đại học nào của Mỹ hoặc tổ chức các sự kiện văn hóa với hơn 50 người bên ngoài khuôn viên đại sứ quán. Khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhấn mạnh rằng, đây chỉ đơn giản là yêu cầu có đi có lại.
“Quyền tiếp cận của các nhà ngoại giao của chúng tôi ở Trung Quốc sẽ phản ánh khả năng tiếp cận của các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Mỹ và các bước đi này sẽ đưa chúng tôi về cơ bản theo hướng đó”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
Nguy cơ chặn cửa giao tiếp
Những diễn biến mới tại Hong Kong khiến giới phân tích tin rằng, đặc khu này đang là “mồi lửa” trong quan hệ Mỹ - Trung, theo sau các căng thẳng trên mặt trận thương mại, công nghệ và tiền tệ. Hồi cuối tháng 8, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo cho Hong Kong rằng Washington đã dừng hoặc chấm dứt 3 thỏa thuận song phương gồm “bàn giao tội phạm đào tẩu, chuyển giao người bị kết án và miễn thuế đối ứng đối với thu nhập có được từ hoạt động quốc tế của các tàu” với đặc khu do luật an ninh mới.
Vào tháng 7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng ký sắc lệnh chấm dứt tình trạng đặc biệt của Hong Kong theo luật pháp Mỹ để trừng phạt Trung Quốc vì ban hành Luật An ninh Hong Kong; đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam cùng nhiều quan chức, cựu quan chức Hong Kong và Trung Quốc đại lục. Do đó, những quy định mới từ Trung Quốc được cho là chỉ làm cho tình hình trở nên căng thẳng hơn.
Về phía các nhà lập pháp và chính trị gia Hong Kong, dù không muốn mất mối quan hệ với Washington, họ cũng không dám trái lệnh Bắc Kinh. Starry Lee Wai-king, Chủ tịch Liên minh Dân chủ ủng hộ Bắc Kinh vì sự tốt đẹp và tiến bộ của Hong Kong, cho biết gần đây bà và các thành viên trong đảng đã không được mời gặp Tổng lãnh sự quán Mỹ. Bà nói: “Do căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ, chúng tôi có thể không thích hợp để gặp các nhà ngoại giao Mỹ tại Hong Kong nếu các yêu cầu về các cuộc gặp như vậy được đưa ra. Sẽ tốt hơn nếu gặp mặt khi mối quan hệ Mỹ-Trung được cải thiện”.
Còn Chủ tịch đảng Dân sự Alan Leong Ka-kit thì lý giải: “Làm sao tôi có thể báo cáo với Văn phòng Ủy viên vì tôi chẳng là ai cả? Nhưng, nếu Tổng lãnh sự Mỹ yêu cầu gặp tôi, như một vấn đề tự bảo vệ, tôi sẽ hỏi ông ấy xem họ đã làm rõ điều đó với Văn phòng Ủy viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa? Tôi sẽ không đi nếu câu trả lời là không”.
Cùng quan điểm này, Alvin Yeung Ngok-kiu, lãnh đạo đảng Công dân đối lập, cho biết sẽ chỉ tuân thủ các yêu cầu pháp lý nếu được các nhà ngoại giao Mỹ mời. “Tôi thấy chúng ta không làm khác được”, ông nói. Tuy nhiên, cả Alan Leong Ka-kit và Alvin Yeung Ngok-kiu đều bày tỏ lo ngại: “Khi Mỹ loại bỏ chính sách ưu đãi Hong Kong, sức ép lên Trung Quốc đã ngày càng chặt và cửa giao tiếp với quốc tế cũng bị chặn. Nay nếu yêu cầu về các cuộc gặp như vậy thì cũng không thích hợp để chúng tôi gặp các nhà ngoại giao Mỹ tại Hong Kong. Nếu đây là điều mà Bắc Kinh muốn thì làm thế nào Hong Kong có thể duy trì vị thế là thành phố thế giới của châu Á?”.
Trong khi đó, một số nhà lập pháp theo khuynh hướng dân chủ lại có phản ứng mạnh mẽ hơn. Một trong số đó đã khẳng định có gặp một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ ở Hong Kong vào tuần trước và khẳng định ông không có kế hoạch thông báo cho Văn phòng Ủy viên Bộ Ngoại giao về các cuộc họp trong tương lai. “Yêu cầu áp dụng cho các nhà ngoại giao Mỹ, không phải chúng tôi”, ông nói. Chuyên gia về khoa học chính trị của Đại học Trung Quốc, Ivan Choy Chi-keung cho biết các nhà dân chủ Hong Kong đang rơi vào tình thế lúng túng trước yêu cầu mới.
“Sẽ rất nhạy cảm nếu họ gặp các nhà ngoại giao Mỹ trong bối cảnh căng thẳng Mỹ- Trung. Nhưng, họ không thể không gặp các nhà ngoại giao Mỹ nếu họ muốn vận động để được Washington ủng hộ”, ông Ivan Choy Chi-keung nói. Ronny Tong Ka-wah, một thành viên của Hội đồng điều hành thành phố, cho biết Tổng lãnh sự quán Mỹ đã không tiếp cận ông để họp gần đây, cũng như không được thông báo về hạn chế mới của Bắc Kinh. “Hong Kong có vẻ như đang trở thành con bài chiến lược sắp tới trong cuộc đấu Mỹ-Trung suốt hơn 2 năm”, hãng South China Morning Post viết.