Một thất bại của chính sách can thiệp của Mỹ vào Syria

Thứ Hai, 09/03/2015, 16:15
Chiến lược quân sự sử dụng quân cờ nội địa nhằm lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad của chính quyền Mỹ đã lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn do quân cờ chính của họ là nhóm phiến quân Hazzm vừa chính thức tuyên bố “rã đám” do thất bại liên tục vì phải vừa chiến đấu với quân đội chính phủ Syria, vừa chiến đấu với các nhóm phiến quân cực đoan khác trong thành phần chống chính phủ và cả Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Tuyên bố “rã đám” của Hazzm đã được đại diện chính thức của nhóm này đưa ra vào cuối tuần trước (ngày 1/3) khi lực lượng của Hazzm hao hụt nặng nề sau trận quyết chiến với nhóm phiến quân cực đoan có quan hệ với Al-Qaeda Jabhad al-Nusra, còn gọi là Mặt trận Nusra.

Cho đến trước cuộc quyết chiến với JAN, lực lượng của Hazzm chỉ còn khoảng 400 tay súng, không đủ để có thể duy trì một cuộc chiến lâu dài để có thể đạt được mục tiêu mong muốn.

Mâu thuẫn giữa 2 nhóm Hazzm và JAN đã xuất hiện từ lâu, nhưng chỉ bắt đầu gia tăng trong vài tháng dần đây do Hazzm đứng về phe bênh vực cho một nhóm khác cũng thuộc FSA là nhóm Mặt trận Cách mạng Syria (SRF) khi nhóm này cũng quyết chiến với JAN.

Hazzm đã bắt cóc và giết chết một số lãnh đạo cấp cao của JAN, trong đó có thủ lĩnh Abu Eisat al-Tabqa, từ đó khơi mào cho cuộc quyết chiến.

Hazzm là nhóm chính trong hàng chục nhóm phiến quân trong thành phần Quân đội Syria tự do (FSA) được nhận tên lửa chống tăng Tow của Mỹ và được các điệp viên CIA trực tiếp huấn luyện kỹ thuật. Ngoài Hazzm, Fursan al-Haq cũng được ưu ái và vẫn tiếp tục nhận trợ giúp vũ khí của Mỹ.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Với vai trò chủ đạo, việc nhóm Hazzm tan rã đã tạo nên một khoảng trống lớn trong lực lượng phiến quân nhận viện trợ vũ khí của Mỹ.

Hazzm sẽ không hoàn toàn biến mất mà tuyên bố sẽ gia nhập Mặt trận Shamiah được hình thành để bảo vệ thành phố Aleppo sau trận bao vây của quân đội Chính phủ năm 2013.

Mặt trận Shamiah là một lực lượng tổng hợp gồm nhiều lữ đoàn phiến quân, trong đó có các nhóm Hồi giáo Salafist nổi tiếng cứng rắn, Lữ đoàn Quân đội Mujahideen ôn hòa hơn, và một nhóm do Mỹ hậu thuẫn.

Tuy nhiên, việc Hazzm rã đám ngay vào thời điểm này có tác động xấu đến kế hoạch huấn luyện phiến quân ôn hòa của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình huấn luyện mở rộng nhằm xây dựng một lực lượng mặt đất đủ sức chiến đấu chống IS.

Chương trình có sự phối hợp của Arập Xêút, Jordan và Qatar. Chương trình trang bị vũ khí và huấn luyện đã được Mỹ triển khai từ đầu năm 2014, với nhóm Hazzm và vài chục nhóm vũ trang ôn hòa khác được cung cấp khoảng 1.500 tên lửa Tow.

Nhưng trên thực tế, loại tên lửa chống tăng Tow mà Mỹ trang bị cho các nhóm ôn hòa đã không hoàn toàn nằm trong tay các nhóm này mà đã được chuyển sang các nhóm cực đoan, như JAN.

Phiến quân Jabhad al-Nusra.

Kể từ năm 2013, cuộc nội chiến ở Syria đã trở nên vô cùng phức tạp với sự tham gia của IS. Sự phát triển nhanh chóng của IS và các nhóm cực đoan đã đẩy cục diện cuộc nội chiến theo chiều hướng bất lợi cho phiến quân do Mỹ ủng hộ, nhưng cũng không hoàn toàn có lợi cho quân đội của ông Assad.

Trong bối cảnh đó, Hazzm xuất hiện như là “đứa con cưng” của Washington trong giai đoạn quyết định của cuộc nội chiến Syria.

Hazzm được thành lập cách đây gần một năm, trong một tổ chức tổng hợp có tên gọi tắt là MOM, bao gồm hàng chục tổ nhóm phiến quân ôn hòa nhận sự trợ giúp của các điệp viên CIA.

Ngay trong buổi đầu thành lập nhóm, hàng loạt vũ khí chống tăng đã được các điệp viên Mỹ trang bị cho Hazzm trong chiến lược xây dựng một lực lượng riêng chống Chính phủ Syria.

Sự ra đời của Hazzm xuất phát từ thực tế thành phần phiến quân đối lập ở Syria chứa đựng quá nhiều nhóm cực đoan, thánh chiến, thậm chí có liên quan đến Al-Qaeda như Jabhad al-Nusra (JAN), từ đó khiến cuộc nội chiến tại Syria quá phức tạp, việc trang bị khí tài cho phe đối lập chống Chính phủ Syria trở nên quá mạo hiểm.

Từ tháng 1/2015, chính quyền Mỹ đã bắt đầu có dấu hiệu thay đổi giọng điệu trong cuộc nội chiến Syria. Việc Washington chính thức ủng hộ vô điều kiện các cuộc đối thoại hòa bình do Nga chủ trì tại Moskva được đánh giá là một trong những cử chỉ cho thấy Washington đang âm thầm từ bỏ đòi hỏi bấy lâu nay là “Tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi để các thỏa thuận được dàn xếp”.

Trong lần nói chuyện mới đây với Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc tại Syria Staffan de Mistura, ông Kerry cũng không nhắc lại những ngôn từ về thay đổi chế độ mà ông thường đề cập trước đó vài tháng. Tất cả những thay đổi này có ý nghĩa quyết định sự thay đổi tính chất cuộc nội chiến tại Syria.

Mặt khác, việc nhóm phiến quân Hazzm giải tán vào thời điểm này cũng có thể nói là dấu hiệu thay đổi cơ bản cuộc nội chiến ở Syria. JAN cùng với các nhóm phiến quân đối nghịch khác là thành phần chống Chính phủ Syria, nhưng đồng thời cũng chống IS.

Cho đến nay, cuộc chiến trên đất Syria phần lớn là giữa quân đội Chính phủ Syria và các lực lượng đối lập chống IS.

Ý nghĩa về một cuộc nội chiến lật đổ chế độ Assad hầu như đã phai mất do sự hoành hành quá mạnh của IS ở cả hai mặt trận Iraq và Syria, trong đó địa bàn Syria được tập trung chú ý nhiều hơn.

Dù không muốn, nhưng chắc chắn quân đội Mỹ có lẽ cũng đã nhìn thấy sự hợp tác với chính quyền Assad trong cuộc chiến chống IS là phương án hiệu quả nhất, kể cả khi đã triển khai chương trình huấn luyện và trang bị cho phiến quân chống IS trên đất Thổ Nhĩ Kỳ.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.