Mỹ - Ấn Độ đi tìm tiếng nói chung
“Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Ấn Độ lại là nước có vị trí quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương, bởi vậy, được Mỹ coi là yếu tố cốt lõi, một ưu tiên hàng đầu trong triển khai chiến lược này.
Mỹ- Ấn Độ cần có những hợp tác thực chất hơn để tạo đột phá. |
Thay đổi cách nhìn về nhau
Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Donald Trump với muôn vàn những đổi thay về chính sách đã khiến quan hệ Mỹ-Ấn không có nhiều khởi sắc. Hướng đi mới cho cặp quan hệ này cần tập trung vào cách thức xây dựng sự hiểu biết chung giữa Washington và New Delhi, trong đó cả hai đều luôn lưu ý đến nhân tố Trung Quốc.
Thành công của việc thiết lập mối quan hệ mới giữa Ấn Độ với Mỹ sẽ phụ thuộc trước tiên vào kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Ứng cử viên tổng thống sáng giá của đảng Dân chủ Joe Biden đã có quan điểm thù địch với chính quyền New Delhi với việc cánh tả và những người theo chủ nghĩa tự do của Mỹ đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Thủ tướng Narendra Modi, ví dụ chỉ trích việc Quốc hội Ấn Độ thông qua Luật Quốc tịch sửa đổi.
Ngoài ra, đối với giới chức cấp cao Mỹ, việc Ấn Độ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 và việc New Delhi từ chối yêu cầu của Mỹ điều động binh sĩ Ấn Độ đến Afghanistan đã làm giới chức Mỹ ngán ngẩm. Giới hoạch định chính sách Mỹ hiểu rằng Ấn Độ không quan tâm đến những vấn đề vốn là mối quan ngại của Mỹ.
Vì vậy, Ấn Độ cần xây dựng sự tin tưởng với Mỹ bằng cách phát đi tín hiệu rằng New Delhi sẽ giúp Washington như những gì mà Mỹ giúp Ấn Độ. Khi đó, Mỹ sẽ có những động thái đáp lại Ấn Độ hơn những gì mà New Delhi nhượng bộ.
Ngày nay, cách thức mới để vun đắp quan hệ Ấn-Mỹ sẽ là việc làm thế nào để xây dựng sự thông hiểu Mỹ-Ấn và những vấn đề nào sẽ tạo ra sự đồng điệu trong quan điểm chung của hai nước. Điều mà Ấn Độ cần nhận từ Mỹ lúc này là cách thức đối phó với cuộc xung đột biên giới với Trung Quốc tại khu vực biên giới Ladakh. Rõ ràng, New Delhi cần thiết bị quân sự của Mỹ chứ không cần binh sĩ Mỹ nhảy vào cuộc đối đầu giữa binh sĩ Ấn Độ và binh sĩ Trung Quốc ở khu vực biên giới.
Tiếp đó, Mỹ cần Ấn Độ để chống lại các thế lực thù địch của Mỹ ở khu vực láng giềng của Ấn Độ, như Afghanistan. Vì vậy, Ấn Độ có thể điều động 2 sư đoàn dần dần đến Afghanistan nhằm hỗ trợ binh sĩ Mỹ sớm được trở về nước. Sự giúp đỡ nhau khi cần thiết sẽ là sợi dây vô hình kéo hai phía lại gần với nhau hơn nữa.
Tìm kiếm giải pháp nhằm hài hòa lợi ích
Ấn Độ đang chứng kiến sự thiếu hụt nhân lực trong ngành ngoại giao khi có chưa đầy 1.000 cán bộ ngoại giao đại diện cho quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc có khoảng 7.000 nhà ngoại giao và Bộ Ngoại giao Mỹ có khoảng 14.000 cán bộ ngoại giao. Ấn Độ không thể nâng tầm hình ảnh quốc tế của nước này nếu không có các nhà ngoại giao có thể thực sự đại diện và bảo vệ các lợi ích của Ấn Độ ở bên ngoài.
Để Ấn Độ trở thành một người chơi có ảnh hưởng toàn cầu, điều này đòi hỏi một nền kinh tế lớn và những chiến thuật quân sự hợp lý để hỗ trợ các tham vọng chính sách đối ngoại. Ấn Độ cần sự hỗ trợ của Mỹ và đồng minh Israel của Mỹ trong cuộc chiến không gian mạng, xác định vị trí của Trung Quốc và Pakistan bằng hình ảnh vệ tinh, chặn đường truyền liên lạc điện tử, thông tin tình báo về phần tử khủng bố và kiểm soát lực lượng quân sự cũng như Cơ quan Tình báo quân đội ở Pakistan.
Về mặt công nghệ, Ấn Độ hiện đang có nhu cầu về các công nghệ như khử muối nước biển. Ngoài ra, Mỹ cần nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Ấn Độ và thuế quan thương mại giữa hai nước cần được cắt giảm để thúc đẩy thương mại hai chiều.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ có những tác động nhất định tới quan hệ giữa hai nước. |
Ngày nay, Mỹ vẫn là bá chủ cho dù vị thế này đang dần suy yếu và Ấn Độ là cường quốc yếu nhất trong bộ ba Mỹ-Trung-Ấn. Quan hệ Trung-Mỹ ngày càng trở nên căng thẳng, đặc biệt sau khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Mặt khác, quan hệ Mỹ-Ấn lại có vẻ như bắt đầu bùng nổ trong thế kỷ XXI. Quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, an ninh và quân sự giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới này ngày càng được củng cố và tăng cường. Nếu tiếp tục được thúc đẩy, sự phát triển trong quan hệ Mỹ-Ấn sẽ làm thay đổi cục diện quan hệ các nước lớn trong thời gian tới.
Điều Ấn Độ lo ngại hiện nay là về chính sách ngoại giao hung hăng của Trung Quốc, bao gồm cả những nỗ lực nhằm ngăn chặn Ấn Độ trỗi dậy trở thành một cường quốc thế giới. Bắc Kinh muốn New Delhi bị vướng vào những vấn đề của Nam Á để từ đó Ấn Độ không thể sử dụng các nguồn lực chính trị, ngoại giao và quân sự của mình nhằm thách thức Trung Quốc trỗi dậy trở thành cường quốc thống trị tại châu Á. Muốn gần hơn với Washington, New Delhi vì thế cũng không thể dễ dàng.
Giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã xảy ra một cuộc chiến tranh biên giới ở mức hạn chế năm 1962, khi đó Ấn Độ thua cuộc và Trung Quốc chiếm được Aksai Chin, vùng lãnh thổ mà Ấn Độ tuyên bố thuộc chủ quyền của họ. Chiến tranh năm 1962 đã làm trầm trọng thêm sự nghi kỵ giữa hai nước, dẫn tới việc hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao và điều này kéo dài tới tận năm 1976.
Hiện nay, cuộc đối đầu Trung-Ấn ở Thung lũng Galwan cũng đã làm tăng thêm những thách thức an ninh và đe dọa đối với khu vực châu Á. Là những cường quốc mới nổi của châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ nên tập trung vào các lĩnh vực có lợi ích chung và mang lại bầu không khí hợp tác và hòa bình, thay vì xung đột và cạnh tranh, đồng thời ngăn chặn những quan ngại về khả năng xảy ra xung đột vũ trang ở khu vực này.