Mỹ: Biệt đội chống khủng bố hạt nhân
Được thành lập vào cuối năm 1974 theo lệnh của Tổng thống Mỹ Gerald Ford, Biệt đội Chống khủng bố hạt nhân (NEST) bao gồm những nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật, được tuyển chọn từ các phòng thí nghiệm hạt nhân quốc gia Lawrence Livermore, Sandia và Los Alamos. NEST hoạt động dưới sự chỉ huy trực tiếp của Ban Quản lý an toàn hạt nhân (NNSA), sẵn sàng ứng phó với bất kỳ sự cố nào xảy ra trong nước Mỹ và thế giới.
Mối lo ngại về những cuộc tấn công khủng bố bằng vũ khí hạt nhân hoặc những vấn đề liên quan đến chất phóng xạ đã nảy sinh từ lâu trong giới lãnh đạo Mỹ, nhất là sau "sự cố 1974". Khi ấy, Cục Điều tra liên bang (FBI) nhận được một bức thư nội dung nếu chính phủ không trả 200.000 USD, thì đối tượng sẽ cho nổ một quả bom hạt nhân đã được đặt sẵn ở thành phố Boston. Ngay lập tức, một nhóm chuyên gia dày dạn kinh nghiệm được điều đến Boston với các thiết bị dò tìm. Phối hợp với FBI, họ càn quét từng xăngtimét vuông đất nhưng không phát hiện ra nguồn phóng xạ nào. Dù vậy, Tổng thống Ford vẫn quyết định cho thành lập NEST.
Được trang bị đầy đủ các thiết bị dò tìm, xử lý hạt nhân cùng 4 máy bay trực thăng, 3 máy bay vận tải nhẹ, chỉ 90 phút sau khi xảy ra sự cố, NEST có thể triển khai khẩn cấp 600 quân. Nhân viên của NEST hầu như không hề được vũ trang. Chiến cụ của họ là máy dò phóng xạ, máy X-quang, máy siêu âm xách tay, bộ dụng cụ thí nghiệm bỏ túi… Từ năm 1975 đến nay, NEST đã giải quyết 125 vụ đe dọa khủng bố hạt nhân, phản ứng khẩn cấp với 30 vụ. Khi xảy ra sự cố hạt nhân, nhiệm vụ của NEST là thu thập thông tin tình báo, đánh giá kỹ thuật chế tạo và cường độ nổ của vũ khí hạt nhân, nhận diện, phân tích hoạt động của tổ chức chủ mưu khủng bố, thu giữ thiết bị nổ và vận chuyển đến nơi an toàn, xử lý hậu quả nếu xảy ra nổ hạt nhân.
Một trong những vụ phản ứng khẩn cấp của NEST là ngày 23/11/1976, một nhóm tự xưng là "Day of Omega" - tạm dịch là "ngày của sự kết thúc" đã phát đi thông điệp, nội dung sẽ cho nổ tung những thùng nước nhiễm chất phóng xạ plutonium mức độ cao được giấu ở nhiều nơi trong thành phố Spokane, bang Washington nếu chính quyền không nộp cho chúng 500.000 USD. Bộ Năng lượng Mỹ phán đoán những thùng nước rất nguy hiểm ấy đã bị "Day of Omega" đánh cắp ở căn cứ Hanford Site, cách Spokane 240km.
Biệt đội NEST được điều đến. Và cũng như "sự cố 1974", sau nhiều ngày truy lùng, NEST không tìm ra một thùng nước nhiễm chất phóng xạ plutonium nào cả. Tuy nhiên, trong cuộc truy lùng ấy, NEST đã bộc lộ những nhược điểm của nó - chủ yếu là thiếu kinh nghiệm. Hàng trăm nhân viên NEST phối hợp cùng FBI lùng sục trong các đường cống, đào xới những bể nước ngầm nhưng những chai, thùng đựng nước uống tinh khiết bày tràn lan trong các siêu thị thì lại chẳng ai để mắt đến.
Để hoàn thiện kỹ năng của NEST, năm 1986 Bộ Năng lượng Mỹ cho ra đời chương trình Mighty Derringer (chương trình diễn tập các tình huống giả định nước Mỹ bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân). Nhiệm vụ của NEST khi ấy là phải cô lập vùng nổ, xử lý sự nhiễm xạ, ngăn không cho phóng xạ tán phát. Chương trình diễn tập này được tổ chức mỗi năm 4 lần dưới nhiều hình thức giả định khác nhau, nhằm tư vấn cho các cấp có thẩm quyền ra quyết định để giảm thiểu tối đa những thiệt hại về người và vật chất.
Các chuyên gia của NEST truy tìm "bom bẩn". |
Theo các chuyên gia của NEST, mối nguy hiểm hạt nhân đang hiện diện ở rất nhiều nơi trong lòng nước Mỹ, và một trong những mối nguy hiểm ấy là nhiều bệnh viện hiện đang lưu giữ, sử dụng các vật liệu bức xạ có thể được bọn khủng bố dùng để chế tạo "bom bẩn". Tại một bệnh viện, chuyên gia NEST đã tìm thấy chất phóng xạ Cesium - 137 được để trong một căn phòng cửa khóa sơ sài, và tài liệu về nguồn phóng xạ này thì ai cũng có thể dễ dàng truy cập trên hệ thống máy tính của bệnh viện. Trong tay bọn khủng bố, chất phóng xạ ấy có thể được sử dụng để sản xuất ra loại vũ khí thô sơ, đơn giản nhưng rất nguy hiểm. Một cuộc tấn công bằng "bom bẩn" như vậy không có khả năng giết chết nhiều người nhưng sẽ tạo ra những hậu quả nặng nề cho sức khỏe cộng đồng, làm thiệt hại kinh tế nhiều hơn so với các cuộc tấn công khủng bố như vụ khủng bố vào ngày 11/9/2001.
Thượng nghị sĩ Daniel K. Akaka, Chủ tịch Tiểu ban An ninh Thượng viện Mỹ, nói với báo Washington Post: "Không có gì bảo đảm rằng vật liệu bức xạ tại các bệnh viện trên khắp đất nước lại không rơi vào tay bọn khủng bố. Những quả "bom bẩn" ấy sẽ tàn phá kinh tế, xã hội, môi trường. Chúng ta cần phải tăng cường bảo vệ vật liệu bức xạ đồng thời thúc đẩy những nỗ lực để tin rằng tất cả các vật liệu bức xạ tại các cơ sở y tế đều trong tình trạng an toàn".
Hiện tại, NEST được sự hỗ trợ tích cực của các phòng thí nghiệm hạt nhân quốc gia Lawrence Livermore, Los Alamos, Bộ Ngoại giao, Cục Tình báo trung ương, FBI, Lực lượng đặc nhiệm Delta Force, Đơn vị chống chất nổ thuộc lục quân và hải quân, Trung tâm Liên bang đánh giá và giám sát phóng xạ (FRMAC), Cục Bảo vệ môi trường (EPA), Cục Ứng cứu khẩn cấp (FEMA). Những năm gần đây, NEST đã tiến hành nhiều chiến dịch tìm kiếm vũ khí hạt nhân "ngoài luồng" ở trong và ngoài nước Mỹ - nhất là sau khi 3 nhà hoạt động chống phổ biến vũ khí hạt nhân xâm nhập vào tận bức tường của tòa nhà có mật danh là Y 12, ở Oak Ridge, bang Tennesse, nơi chứa chất uranium đã được làm giàu mức độ cao vào tháng 8 vừa rồi mà lực lượng bảo vệ không hề hay biết.
Bên cạnh đó, NEST và NNSA còn tổ chức những cuộc hội thảo tại những quốc gia tiềm ẩn nguy cơ có những nhóm chế tạo "bom bẩn" bằng cách cung cấp cho lực lượng biên phòng, hải quan của quốc gia ấy các thiết bị tìm kiếm và nhận dạng phóng xạ