Mỹ-Nga-Trung có thể vào bàn đàm phán hạt nhân?

Thứ Tư, 12/08/2020, 14:59
Ngày 5-8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo, nước này và Nga gần đây đã đạt được tiến triển trong vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân, đồng thời bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ quyết định tham gia vào những cuộc thảo luận này.

“Trong một vài tháng qua, chúng tôi đã nỗ lực để 3 quốc gia có năng lực hạt nhân lớn nhất là Mỹ, Nga và Trung Quốc có được cuộc đối thoại chiến lược về cách thức cùng nhau tiến lên phía trước để giảm bớt rủi ro cho thế giới”, ông Pompeo nhấn mạnh.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, phái đoàn của Nga và Mỹ gặp nhau tại Vienna (Áo) để họp nhóm công tác về kiểm soát vũ khí hạt nhân. Hồi tháng 6, hai bên cũng đã tiến hành các cuộc tham vấn về kiểm soát vũ khí và ổn định chiến lược tại Vienna nhưng không đạt được tiến triển trong việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (còn gọi là START mới).

Washington đã nhiều lần bày tỏ mong muốn Bắc Kinh tham gia đàm phán về vấn đề này, thậm chí trong cuộc đàm phán hồi tháng 6, Mỹ đã đặt cờ Trung Quốc lên bàn đàm phán. Mặc dù vậy, Bắc Kinh luôn phớt lờ, thậm chí tuyên bố, nếu Mỹ sẵn sàng cắt giảm kho vũ khí xuống ngang bằng với Trung Quốc, nước này mới xem xét tham gia cuộc đàm phán 3 bên này.

Chính quyền Tổng thống Trump vẫn chưa quyết định về số phận của hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn lại với Nga (START mới), vốn sẽ hết hạn vào tháng 2-2021. Một trong các điều kiện mà Mỹ đưa ra là bất kỳ một thỏa thuận hạt nhân tiếp theo nào với Nga đều sẽ phải bao gồm sự tham gia của Trung Quốc.

Trung Quốc được mời tham gia đàm phán hạt nhân với Nga và Mỹ.

Với thái độ cứng rắn mà Bắc Kinh thể hiện vừa qua, việc đạt được một thỏa thuận với Bắc Kinh trong vòng 6 tháng tới là rất khó có thể xảy ra. Theo đó, nếu Mỹ nhất trí gia hạn hiệp ước START mới, nó có thể giúp đảm bảo các giới hạn hiện nay với các lực lượng hạt nhân của Nga sẽ tiếp tục được giữ nguyên. Mỹ cũng có thể áp dụng một cách tiếp cận đa phương khác để lôi kéo Trung Quốc vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Theo hiệp ước START mới, Mỹ và Nga sẽ tiếp tục giảm số lượng các máy bay ném bom hạng nặng mang đầu đạn hạt nhân, các tên lửa tầm xa và các đầu đạn hạt nhân được triển khai. Trong khi đó, Trung Quốc, hiện không phải là một bên tham gia hiệp ước, đã từng bước mở rộng lực lượng hạt nhân tuy nhỏ bé hơn nhưng vẫn có sức sát thương mạnh của mình. Sự tăng cường này đặt ra một câu hỏi về các ý đồ của Bắc Kinh liên quan đến các chính sách lâu nay của họ về việc “không sử dụng hạt nhân trước” và chỉ duy trì một lực lượng răn đe hạt nhân tối thiểu.

Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ các lời kêu gọi tham gia vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ và Nga và tiếp tục từ chối vào đầu tháng này.

Bắc Kinh khẳng định rằng hai cường quốc hạt nhân trước tiên phải cắt giảm các kho vũ khí của họ xuống các cấp độ thấp hơn, bởi có như vậy thì Bắc Kinh mới có thể minh bạch hơn về các ý định  hạt nhân của mình. Tuy vậy, có nhiều lý do để tin rằng Trung Quốc có thể bị thuyết phục để cởi mở hơn với các cuộc thảo luận về kiểm soát vũ khí hạt nhân, đặc biệt nếu nước này tham gia vào một nhóm các đối tác đàm phán rộng lớn hơn và nếu một hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân chính thức không phải là mục tiêu trước mắt.

Trước hết, Trung Quốc dường như ngày càng bị cô lập trên nhiều lĩnh vực, do vậy, Bắc Kinh có thể đang tìm kiếm các cách thức để thể hiện tinh thần hợp tác hơn trên trường quốc tế. Không những vậy, Trung Quốc cũng đóng các vai trò xây dựng trong các cuộc đàm phán khác liên quan đến vũ khí hạt nhân.

Ví dụ, Bắc Kinh đã ký Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) năm 1996 và tham gia vào hệ thống giám sát quốc tế để phát hiện các vụ nổ hạt nhân trên toàn thế giới. 5 trong số các trạm địa chấn của hệ thống này được đặt trên lãnh thổ Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đóng vai trò xây dựng trong các cuộc thương lượng dẫn tới thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (JCPOA) nhằm mục đích hạn chế khả năng của Iran trong việc phát triển các loại vũ khí hạt nhân.

Ngoài ra, Trung Quốc có thể sẵn sàng tham gia vào các cuộc thương lượng nếu Mỹ có thể thuyết phục Pháp, Anh thực hiện điều tương tự. Tất cả 5 quốc gia được công nhận có vũ khí hạt nhân (thường được gọi là Nhóm P5) đã hợp tác thành công trong các cuộc đàm phán về Iran. Như Bắc Kinh đã công khai bắn tín hiệu rằng một công thức P5 có thể sẽ có lợi hơn cho sự tham gia của Trung Quốc so với triển vọng đàm phán một mình với hai siêu cường hạt nhân.

Những nguyên cớ này có thể đem lại một số hy vọng rằng Bắc Kinh có thể sẵn sàng đối thoại về sự minh bạch hạt nhân, sự giám sát và các biện pháp kiểm chứng giống như những gì mà Mỹ và Nga đã chấp nhận từ lâu. Chẳng hạn, sáp nhập các thỏa thuận riêng biệt giữa Mỹ-Nga và Nga-Trung để thông báo cho nhau về các vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm xa và mở rộng khái niệm để bao gồm tất cả các thành viên của P5 có thể là một ý tưởng tốt để bắt đầu xây dựng niềm tin và tạo tiền lệ hữu ích. Việc bao gồm cả 5 quốc gia này có thể sẽ thúc đẩy sự công bằng cũng như đặt nền tảng cho sự hợp tác về các vấn đề mang tính thách thức hơn, bao gồm các thỏa thuận có kiểm chứng về hạn chế vũ khí hạt nhân.

Như vậy, để Trung Quốc tham gia vào các cuộc đàm phán hạt nhân có thể sẽ đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn và cả ngoại giao. Washington cần cân nhắc tầm quan trọng của sự hợp tác của Trung Quốc trong kiểm soát vũ khí hạt nhân với các mục tiêu khác của Mỹ. Vấn đề tham gia vào các cuộc đàm phán 5 bên có thể đòi hỏi sự tranh luận và tạo đồng thuận với Pháp và Anh.

Trong khi đó, mối đe dọa từ các lực lượng hạt nhân của Nga vẫn hiện hữu. Gia hạn hiệp ước START mới không đòi hỏi sự phê chuẩn của Thượng viện Mỹ, chỉ cần sự phê chuẩn của tổng thống. Thất bại trong việc tiến hành một bước đi đơn giản và thận trọng như vậy có thể là một sai lầm lớn.

Hà Phương (Tổng hợp)
.
.