Mỹ - Triều Tiên: Nguy cơ xung đột?

Chủ Nhật, 16/04/2017, 19:45
Mỹ đã điều nhóm tàu tấn công do tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Carl Vinson dẫn đầu tới vùng biển ngoài khơi Bán đảo Triều Tiên trong khi có những thông tin dự đoán về khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân mới nhân dịp kỷ niệm 105 ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành vào ngày 15-4. Một cuộc tấn công quân sự đã được tính tới trong khi Triều Tiên cũng chuẩn bị cho mọi tình huống.

Nguy cơ tấn công quân sự vào Triều Tiên đang rất cao

Mỹ đang thể hiện quyết tâm ngăn chặn Triều Tiên tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân bằng hành động cụ thể. Tàu sân bay USS Carl Vinson cùng các tàu hộ tống thuộc Hạm đội 3 của Hải quân Mỹ đã ngay lập tức chuyển hướng quay lại Bán đảo Triều Tiên khi đang trên hải trình tới Australia. Những động thái này nhiều khả năng có liên quan tới các báo cáo cho rằng những hình ảnh giám sát vệ tinh cho thấy Triều Tiên có thể sẽ tiến hành các vụ thử hạt nhân mới.

Một cuộc tấn công quân sự đã được tính tới. Người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ (USPC), Trung tá Dave Benham, cho biết Mỹ sẽ có hành động đáp trả cứng rắn nhất bằng vũ lực.

Mỹ đã thông báo với Australia rằng họ sẵn sàng bắn hạ bất cứ tên lửa nào của Triều Tiên. Tướng McMaster, Cố vấn An ninh quốc gia nói rằng, ông Trump có đầy đủ phương sách để loại bỏ các mối đe dọa đối với dân chúng Mỹ cũng như các đồng minh trong khu vực.

Thời gian gần đây Triều Tiên đã thử nhiều tên lửa khác nhau. Ảnh: US News & World Report.

Trong khi đó, tờ The Australian số mới ra cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố rằng Triều Tiên đã sẵn sàng cho “cuộc chiến tranh với Mỹ” và sẵn sàng đối phó với “bất kỳ phương thức chiến tranh nào mà Mỹ mong muốn”.

Phân tích tình hình tại Bán đảo Triều Tiên, tạp chí Forbes ngày 11-4 dẫn lời Giáo sư Terence Roehrig tại Đại học Hải quân Mỹ nhận định Washington có khả năng sử dụng tên lửa hành trình phóng từ oanh tạc cơ chiến lược B-52 và B-2, hoặc tên lửa Tomahawk từ tàu chiến để đối phó Triều Tiên.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng hệ thống phòng không của Triều Tiên có thể gây rắc rối cho máy bay Mỹ. Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD triển khai ở Hàn Quốc có thể tham gia chặn đòn phản công của Triều Tiên, nhưng khả năng nước này phóng tên lửa Unha-3 vào Hàn Quốc khiến Mỹ sẽ phải cân nhắc.

Những cảnh báo mới nhất của Washington đối với Bình Nhưỡng đang ngày càng trở nên đáng “tin cậy” hơn khi Mỹ mới đây đã phát động tấn công tên lửa nhằm vào một căn cứ không quân ở Syria. Có thể nói, Bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ tiến sát tới một cuộc đụng độ quân sự như hiện nay. Nếu Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6, khả năng hành động quân sự của Mỹ nhằm vào Triều Tiên sẽ cao hơn bao giờ hết.

Trên mạng xã hội Twitter ngày 11-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết: “Triều Tiên đang tìm kiếm sự rắc rối. Nếu Trung Quốc quyết định hỗ trợ (Mỹ giải quyết vấn đề Triều Tiên) thì thật là tuyệt vời. Còn nếu không, chúng tôi sẽ tự giải quyết vấn đề mà không cần tới họ (Trung Quốc)”.

Tàu sân bay USS Carl Vinson trên đường tới khu vực Bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Asia Maritime Reviews.

Triều Tiên đã đáp trả bằng lập trường cứng rắn của mình. KCNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này cho biết, “Triều Tiên sẵn sàng chiến tranh” và lên án hành động triển khai tàu sân bay của Mỹ. Người phát ngôn Viện Nghiên cứu hòa bình và giải trừ vũ khí trực thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh, Washington đang đẩy tình hình an ninh tại Bán đảo Triều Tiên tới bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân bằng cách triển khai nhiều loại vũ khí hạt nhân chiến lược tới khu vực này.

“Quân đội cách mạng hùng mạnh của chúng ta đang theo dõi sát sao mọi hành động của kẻ thù với vũ khí hạt nhân nhắm vào các căn cứ của Mỹ không chỉ ở Hàn Quốc và Thái Bình Dương mà ngay cả Mỹ”, báo báo Rodong Sinmun của Triều Tiên viết.

Cân nhắc

Tính toán là như vậy, nhưng giới quân sự cảnh báo, những động thái quân sự cứng rắn của Mỹ dễ dẫn đến tính toán sai lầm kéo theo xung đột quân sự giữa Mỹ - Triều Tiên. SCMP dẫn lời chuyên gia Zhang Tuosheng, thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược Trung Quốc cho biết: “Dường như cả Washington - Bình Nhưỡng đều không có ý định gây ra chiến tranh, nhưng những động thái quân sự gần đây của Mỹ có thể gây ra “tai nạn” ngoài dự kiến, thậm chí có thể kéo theo xung đột quân sự giữa hai nước”.

Chung quan điểm, nhà phân tích quân sự Li Jie khẳng định, động thái quân sự của Hải quân Mỹ gần Triều Tiên làm tăng khả năng tính toán sai lầm vốn đã rất cao. Nó còn có thể cao hơn, nếu Tổng thống Donald Trump, hoặc nhà lãnh đạo Kim Jong-un có lập trường mạnh hơn so với bên kia.

Phát biểu trên Sputnik, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ và Canada, thiếu tướng đã nghỉ hưu Pavel Zolotarev cho rằng việc điều động nhóm không quân Mỹ tới Bán đảo Triều Tiên là một cuộc đọ sức quân sự căng thẳng.

“Việc tấn công Triều Tiên khác với các cơ sở hạt nhân ở Iraq trước đây. Triều Tiên có thể đáp trả, và đòn đáp trả sẽ khá hiệu quả: Họ có thể giáng đòn tấn công và thủ đô Hàn Quốc sẽ lọt vào vùng bị ảnh hưởng. Điều đó có thể dẫn đến leo thang xung đột với Hàn Quốc”, ông Pavel Zolotarev nói.

Mỹ cũng như Hàn Quốc đều hiểu được các nguy cơ đang đe dọa tình hình. “Tôi nghĩ rằng các quân nhân Mỹ có cái đầu tỉnh táo. Không phải ngẫu nhiên mà họ đã báo trước cho các đồng nghiệp Nga qua các kênh của mình về cuộc tấn công vào sân bay ở Syria. Vì vậy, điều cần lo lắng là sự tỉnh táo của các chính trị gia. Và Hàn Quốc cũng nhận thức được rằng họ không có khả năng để đối phó với đòn tấn công của Triều Tiên, nhưng họ sẽ phải gánh chịu hậu quả thiệt hại trước tiên”, ông Pavel Zolotarev cho biết.

Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se cùng ngày 13/4 cho rằng Mỹ sẽ tham vấn Hàn Quốc trước khi áp dụng bất kỳ biện pháp mạnh mẽ nào, kể cả việc tấn công phủ đầu, nhằm vào Triều Tiên để đối phó với các hành động khiêu khích mà Bình Nhưỡng có thể thực hiện.

Ông Yun được dẫn lời phát biểu trong một báo cáo đặc biệt tại Ủy ban Đối ngoại Quốc hội rằng trên thực tế, Mỹ đang nỗ lực để đảm bảo với Hàn Quốc rằng Washington sẽ không tấn công phủ đầu Triều Tiên mà trước đó không tham vấn Seoul. Tuy nhiên, ông Yun từ chối đưa ra nhận định về khả năng Mỹ sẽ tấn công phủ đầu Triều Tiên.

Trong khi đó, hãng thông tấn Yonhap ngày 13-4 đưa tin các ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ Tổng thống Hàn Quốc đều lên tiếng phản đối xung đột vũ trang trên Bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang liên quan đến khả năng Mỹ có thể phát động tấn công Triều Tiên.

Nhìn ở khía cạnh khác, việc Mỹ điều nhóm tàu tấn công uy lực trở lại Bán đảo Triều Tiên rõ ràng là một màn phô diễn sức mạnh quân sự. Nếu nói về sức mạnh quân sự, Mỹ rõ ràng đang là siêu cường số 1 thế giới. Tuy vậy, theo các chuyên gia, Triều Tiên vẫn có thể giáng cho Mỹ một đòn “chí mạng”.

“Hầu hết các chuyên gia bình luận đều nghĩ rằng dù chuyện gì xảy ra ở Bán đảo Triều Tiên, nếu ai đó nhấn nút thì cuộc chiến chắc chắn sẽ vô cùng khốc liệt, thậm chí mau chóng và dẫn tới hủy diệt hàng loạt”, hãng tin News của Australia dẫn nhận định của Giáo sư John Blaxland, quyền Giám đốc Trung tâm Các nghiên cứu chiến lược và phòng thủ thuộc Đại học quốc gia Australia. Ông Blaxland cho rằng, tuy Mỹ nắm trong tay các siêu vũ khí nhưng Triều Tiên cũng có nhiều kho vũ khí lớn và quân lính được huấn luyện kỹ.

Trận địa tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

Theo trang Global Firepower (chuyên so sánh thông tin sẵn có về năng lực quân sự của các nước khác nhau), Mỹ có 1,4 triệu quân nhân tại ngũ và lực lượng dự bị 1,1 triệu người. Về số lính đóng ở biên giới giáp Triều Tiên, Mỹ có khoảng 20.000 quân đồn trú thường trực ở Hàn Quốc và khoảng 8.000 lính không quân và lực lượng đặc nhiệm. Nước này cũng có khoảng 50.000 lính đóng ở Nhật Bản. Trong khi đó, Triều Tiên có 700.000 lính thường trực và 4,5 triệu quân dự bị.

Giáo sư Blaxland cho rằng, Triều Tiên đã triển khai khoảng 20.000 tên lửa dọc biên giới với Hàn Quốc. Và khi đấu theo kiểu “số lượng” thì công nghệ không phải lúc nào cũng thắng. “Triều Tiên đã tập trung năng lực tên lửa và hỏa pháo vào khu vực giáp vùng phi quân sự cạnh Seoul, đặt vào tầm bắn một lượng dân số bằng với Australia - thật đáng sợ”, ông Blaxland bình luận.

Vị giáo sư cho biết thêm, quân đội Mỹ đóng ở Hàn Quốc có thể bắn hạ số lượng lớn tên lửa nhưng một vài quả vẫn có thể “thoát” được và nhắm trúng mục tiêu. “Vấn đề không phải là công nghệ của bạn tốt cỡ nào, mà nếu họ bắn thành công một số loạt tên lửa thì thương vong sẽ rất lớn. Vấn đề là số lượng”, ông nhận định. Nếu viễn cảnh xảy ra thì Triều Tiên có thể ‘lấy mạng’ khoảng 100.000 người. Do vậy, kể cả Triều Tiên không thể thắng một cuộc chiến chống Mỹ thì vẫn có thể khiến nhiều người chết. Mỹ dù là cường quốc quân sự thế giới và có hàng không mẫu hạm tốt cỡ nào thì vẫn có thể bị lấn át bởi hàng chục máy bay địch, và sẽ “hết đạn trước khi kẻ thù hết đạn”.

Một vấn đề nữa là, các lực lượng Mỹ hiện tại đang phân tán khắp thế giới, với binh sĩ đồn trú ở Iraq, Afghanista, Syria, châu Âu, Latvia, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Guam và Hawaii. “Mỹ rất mạnh về quân sự nhưng nếu phải xử lý hơn một cuộc chiến lớn cùng lúc thì có thể chịu tổn thất nhiều hơn thắng lợi”, giáo sư Blaxland nói.

Những phân tích của giáo sư Blaxland cho thấy, không phải tự nhiên mà ông Kim Jong-un lại tuyên bố Triều Tiên có một quân đội “cực kỳ uy lực”. Phân tích các yếu tố trên để thấy rõ, trong thực tế, một cuộc tấn công quân sự phủ đầu bởi hoặc nhằm vào Triều Tiên ít có thể xảy ra. Bởi khi có tấn công xảy ra và một bên được cho là sẽ sẵn sàng chiến đấu đến giây phút cuối cùng, cái giá phải trả cho tất cả các bên sẽ vô cùng “đắt”.

“Nếu chúng ta đấu hạt nhân qua lại trên bán đảo thì mọi thứ sẽ tồi tệ đến mức mọi lựa chọn khác đều cạn kiệt, và chúng ta sẽ rơi vào một thế giới hoàn toàn khác biệt”, James S. Robbins, giảng viên Đại học Quốc phòng Mỹ nhận định.

Ngoài ra, nếu những cái đầu nóng ở Nhà Trắng và Lầu Năm Góc “bật đèn xanh” cho cuộc xung đột, dồn chính quyền Bình Nhưỡng vào chân tường thì ông Kim Jong-un hoàn toàn có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Nếu điều đó xảy ra, con số người chết sẽ là hàng chục triệu chứ không chỉ một triệu hay vài trăm nghìn. Vì vậy, các chuyên gia ở Lầu Năm Góc và Nhà Trắng sẽ phải cân nhắc, không được “đùa với lửa”. Triều Tiên hoàn toàn khác Syria, Iraq.

Không khí chiến tranh...

Không khí ở Triều Tiên dường như khẩn trương hơn sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được cho là đã lệnh cho cư dân Bình Nhưỡng rời thủ đô ngay lập tức. Điều này làm dấy lên lo ngại Triều Tiên đang chuẩn bị cho chiến tranh. Báo Nga Pravda đưa tin, hơn 600.000 người, khoảng 25% dân số thành phố, đã sơ tán khẩn cấp. Giới quan sát nhấn mạnh, lệnh sơ tán có thể xuất phát từ căng thẳng dâng cao giữa Mỹ và  Triều Tiên.

Theo truyền thông Hàn Quốc, cư dân Bình Nhưỡng được cho là đã tạm biệt nhau. Các phóng viên ngoại quốc cũng được thông báo chuẩn bị cho “một sự kiện lớn và quan trọng”.

Phóng viên của Channel NewsAsia tại Bắc Kinh Jeremy Koh cho biết: “Chúng tôi được thông báo hãy sẵn sàng rời đi vào lúc 6h20 sáng 12-4 nhưng không rõ tại sao”. Cho tới giờ, giới chức Triều Tiên vẫn chưa hé lộ thông tin nào về “sự kiện bất ngờ” hay nơi nó diễn ra.

Trong khi đó có nhiều đồn đoán về một vụ thử hạt nhân mới khi tổ chức “38 North” chuyên phân tích về Triều Tiên công bố hình ảnh vệ tinh chụp khu vực bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên ngày 12-4 cho thấy có các hoạt động tại bãi thử này. Dựa trên những phân tích hình ảnh vệ tinh, tổ chức “38 North” cho rằng bãi thử này đã hoàn toàn “sẵn sàng” cho một vụ thử hạt nhân.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ dẫn nguồn tin Chính phủ Mỹ và một số nguồn tin khác cho biết Triều Tiên “dường như đã đặt một thiết bị hạt nhân trong một đường hầm và có thể kích hoạt thiết bị này vào sáng 15-4 theo giờ Triều Tiên”.

Trước nguy cơ có thể xảy ra xung đột quân sự, Trung Quốc cảnh báo vũ lực không thể tháo ngòi căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Các bên cần giải quyết căng thẳng bằng các biện pháp hòa bình.

Nguyễn Hòa (tổng hợp)
.
.