Mỹ, Venezuela và chiếc chiến cơ xuất xứ từ Nga
Ngay sau cáo buộc trên, Bộ Quốc phòng Venezuela khẳng định một chiếc máy bay của Mỹ đã vi phạm không phận nước này. Theo Bộ Quốc phòng Venezuela, Bộ Tư lệnh không quân nước này đã phát hiện một chiếc máy bay đi từ biển Tây Bắc Caribbean đến Maichetia, gần Caracas.
Nỗ lực liên lạc với chiếc máy bay lạ này đã không thành công nên quân đội Venezuela buộc phải cử máy bay chiến đấu lên hộ tống cho đến khi chiếc máy bay lạ kia ra ngoài không phận Venezuela.
Quân đội Venezuela đã công bố đoạn video riêng về vụ việc, với những hình ảnh được chụp từ buồng lái chiếc Su-30 của Venezuela, cũng như một bản đồ la bàn cho thấy đường bay của EP-3 đang hướng tới không phận Venezuela.
Chính phủ Venezuela nhấn mạnh hành động này của Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế và đe dọa an toàn các chuyến bay thương mại. Lực lượng vũ trang quốc gia Bolivar (FANB) cho rằng hành động của Mỹ gây tổn hại đến quy tắc của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế. Theo FANB, các máy bay Mỹ đã 76 lần xâm phạm không phận của Venezuela trong năm 2019, gây mối đe dọa nghiêm trọng đến các máy bay thương mại và máy bay nói chung.
Tổng thống Venezuela Maduro và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. |
Nga chưa có phản ứng gì trước cáo buộc của Mỹ liên quan tới vụ việc này. Đây không phải lần đầu Mỹ “réo tên” Nga kể từ khi Washington công khai ủng hộ Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido là quyền tổng thống theo hiến pháp và coi Tổng thống Nicolas Maduro là người không có giá trị, trong khi Nga cùng một số quốc gia khẳng định ông Maduro là tổng thống hợp hiến của Venezuela.
Truyền thông và chính giới Mỹ gần đây liên tục đưa tin về việc Nga mở căn cứ quân sự tại Caracas rồi Nga còn rất nhiều quân ở Venezuela. Đô đốc Faller trả lời trước đề nghị đưa ra bình luận về những gì Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times hồi đầu tháng 6 về sự hiện diện của các lực lượng Nga ở Venezuela.
Theo ông Faller, quân đội Nga duy trì ở Venezuela trang thiết bị quân sự và “hiện thực hóa một loạt biện pháp hỗ trợ chính quyền Caracas”. Tuy nhiên, ông này không thể cung cấp bất kỳ bằng chứng nào cho tuyên bố của mình.
Ngày 6-6, tại Diễn đàn Kinh tế St. Petersburg, Tổng thống Putin đã cam đoan rằng Nga không có căn cứ quân sự ở Venezuela và Moscow không có ý định tạo ra bất kỳ căn cứ nào ở Venezuela. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với tờ Financial Times, Tổng thống Nga đã nhắc lại rằng “không có quân đội Nga” ở Venezuela.
“Tôi đã nói điều đó nhiều lần với các đối tác Mỹ của chúng tôi rằng không có quân đội Nga ở đó. Chúng tôi chỉ cử một số chuyên viên, hướng dẫn viên sang hỗ trợ Caracas bảo dưỡng và sử dụng các trang thiết bị quân sự mà chúng tôi bán cho Venezuela. Một số đã rời Caracas về Moscow”, ông Putin nói.
Không có căn cứ quân sự hoặc binh sĩ ở Venezuela những không có nghĩa là Nga không tìm cách hỗ trợ chính quyền Caracas. Ngày 11-7, Bộ trưởng Công nghiệp và Sản xuất quốc gia Venezuela Tareck El Aissami đã ký một thỏa thuận với một trong những doanh nghiệp công nghiệp lớn nhất của Nga tại Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về sản xuất và công nghiệp được tổ chức tại Yekaterinburg của Nga.
“Chúng tôi đã ký thỏa thuận và đây có thể là một cơ hội hợp tác làm ăn rất tốt đối với nền kinh tế của Venezuela” - ông Aissami cho biết.
Ngoài hỗ trợ về kinh tế, Nga dự kiến sẽ có những bước nhằm tăng cường sức mạnh cho các lực lượng quân đội Venezuela, hãng tin RIA trích lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói. “Tôi muốn nhấn mạnh rằng tôi chỉ đề cập cụ thể đến những hoạt động liên quan tới số trang thiết bị mà chúng tôi đã chuyển giao cho Venezuela”, ông Ryabkov nói thêm.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga cũng cho biết Chính phủ Nga đã cảnh báo Chính phủ Mỹ rằng có “lằn ranh đỏ” không nên vượt qua ở Venezuela. “Chúng tôi đã chỉ cho người Mỹ thấy những lằn ranh đỏ không thể vượt qua ở Venezuela. Một trong số đó là việc khả năng Mỹ can thiệp quân sự và vũ trang vào Venezuela”, ông Ryabkov nói với báo Izvestia.
Hiện tại, ngoài việc chịu cấm vận, trừng phạt của Mỹ, Venezuela vẫn đang phải đối diện với cuộc khủng hoảng chính trị trong nước khi ông Juan Guaido tự xưng làm Tổng thống Venezuela.
Ngày 15-7 vừa qua, Venezuela đã có một bước tiến ấn tượng nhất của tình trạng mâu thuẫn chính trị giữa chính quyền Caracas và phe đối lập Juan Guaido khi các cuộc đàm phán bắt đầu có sự cởi mở hơn. Hai bên đã nhất trí thành lập một văn phòng đối thoại và liên tục trao đổi các quan điểm chính trị với nhau. Tuy nhiên, sự tích cực này nhiều khả năng sẽ không được kéo dài khi có nhiều quốc gia bên ngoài đang muốn ngăn cản tình trạng đối thoại của hai bên.
Đại diện thường trực của Venezuela ở Liên Hiệp Quốc, Samuel Moncada mới đây tuyên bố “có một nhóm quốc gia và đối thủ chính trị muốn đẩy Venezuela vào chiến tranh và không muốn chúng tôi sớm giải quyết khủng hoảng qua con đường đối thoại hòa giải”.
Thậm chí, ông Moncada còn chỉ đích danh “Mỹ và Colombia đang cố gắng phá hoại các nỗ lực đối thoại”. Ngày 16-7, Liên minh châu Âu cảnh báo sẽ bổ sung danh sách đen trừng phạt đối với chính quyền Venezuela nếu các cuộc đàm phán nhằm giải quyết khủng hoảng chính trị tại nước này tiếp tục không đạt kết quả.
Chính quyền Caracas đã lên tiếng phản đối những đe dọa này của EU và cho rằng sẽ chỉ có tiến bộ trong các cuộc đàm phán nếu phe đối lập dành sự tin tưởng và tôn trọng cần thiết đối với chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro.