Mỹ hiện thực hóa Chiến lược châu Phi

Thứ Năm, 20/02/2020, 15:50
Chuyến công du đầu tiên tới các nước phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi từ 15 đến 19-2 sau gần 2 năm tại nhiệm được xem là “cơ hội quý giá” để Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hiện thực hóa Chiến lược châu Phi của Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng cách thực tế duy nhất để thúc đẩy Chiến lược châu Phi hay rộng hơn là quan hệ Mỹ - châu Phi vì sự thịnh vượng chung - sẽ là tham gia vào các vấn đề lợi ích của châu Phi, không chỉ bằng lời nói và những cam kết mà cả bằng hành động.

Năm 2018, với việc công bố Chiến lược châu Phi, Tổng thống Donald Trump đã làm nên lịch sử nhưng nhiều nhà quan sát đang trở nên thiếu kiên nhẫn bởi họ mong đợi các hành động và chính sách mạnh mẽ hơn, thể hiện sự phù hợp với những tuyên bố của chính quyền, cũng như thực sự thúc đẩy quan hệ Mỹ - châu Phi. Chiến lược châu Phi của ông Trump nhằm mục đích thúc đẩy sự thịnh vượng, an ninh và ổn định trong các mối quan hệ nhằm tăng đáng kể thương mại và đầu tư hai chiều giữa Mỹ và châu Phi.

Khi Ngoại trưởng Mike Pompeo chuẩn bị cho chuyến thăm châu Phi chính thức lần đầu tiên kể từ khi nhận nhiệm sở cách đây gần 2 năm, với các điểm dừng chân tại Senegal, Angola và Ethiopia (bao gồm cả tại Liên minh châu Phi), ông Pompeo có cơ hội quý giá để hồi sinh Chiến lược châu Phi của ông Trump bằng cách tập trung vào 5 chủ đề chính - theo kỳ vọng của Mỹ và các đối tác châu Phi:

Thứ nhất, Mỹ cần đảm bảo với các đối tác châu Phi rằng cường quốc này sẽ một lần nữa dành ưu tiên cho châu Phi tại Hội nghị thượng đỉnh G7. Năm 2018 và lần đầu tiên kể từ năm 2001, châu Phi - trọng tâm thường thấy trong chương trình nghị sự của G7 - đã được thay thế bằng các chủ đề khác. “Tầm nhìn châu Phi 2020-2030” đang mang đến cơ hội to lớn cho thế giới, cũng như những rủi ro tiềm tàng đối với sự ổn định và thịnh vượng toàn cầu nếu bị các đối tác toàn cầu bỏ qua.

Thứ hai, hỗ trợ mạnh mẽ Khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) và hợp tác với Liên minh châu Phi (AU). Nếu được thực hiện thành công, AfCFTA sẽ góp phần vào sự thịnh vượng của Mỹ thông qua việc mang đến những cơ hội quý giá để mở rộng kinh doanh và góp phần tạo việc làm ở nước Mỹ, đồng thời thúc đẩy sự thịnh vượng của châu Phi. AfCFTA tạo ra một thị trường rộng lớn cho hàng hóa và dịch vụ Mỹ, cũng như có thể hài hòa chính sách và các chế độ pháp lý, nghĩa là các quy tắc tương tự sẽ được thực hiện ở cấp lục địa, góp phần giảm chi phí giao dịch. Không có gì đáng ngạc nhiên khi hầu hết các tập đoàn và doanh nghiệp Mỹ làm ăn với châu Phi đã thể hiện sự quan tâm lớn đối với việc triển khai thành công AfCFTA.

Giới kinh doanh Mỹ nhìn thấy cơ hội kinh doanh ở châu Phi. Bất kỳ sự phản đối nào đối với các hiệp định thương mại tự do song phương giữa các quốc gia thành viên AfCFTA sẽ làm trầm trọng thêm mức độ các sai lệch thương mại và làm suy yếu AfCFTA trong thương mại và công nghiệp hóa. Xét rộng hơn, điều đó sẽ làm suy yếu các sáng kiến hội nhập khu vực và lục địa ở châu Phi.

Thứ ba, tập trung vào cách thức cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4IR) có thể đóng góp cho sự thịnh vượng chung của Mỹ-châu Phi. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và số hóa có thể biến châu Phi thành một cường quốc toàn cầu và là nhà lãnh đạo trong giáo dục, công nghệ, đổi mới, quản trị và an ninh mạng, đồng thời Mỹ có thể đóng một vai trò riêng biệt trong việc phát triển quan hệ đối tác tích hợp kỹ thuật số để thúc đẩy kinh doanh và tương lai của việc làm.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thực hiện chuyến công du châu Phi đầu tiên của một quan chức nội các Mỹ trong hơn 18 tháng qua.

Những thách thức cốt lõi của châu Phi - cũng là cơ hội duy nhất cho Mỹ và các doanh nghiệp và thể chế châu Phi - bao gồm yêu cầu bắt buộc phải khắc phục sự không phù hợp về kỹ năng lao động; tăng cường quản trị nhanh để quản lý an toàn, hiệu quả cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu; cũng như xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi và năng lực thể chế cho đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, cần có cơ sở hạ tầng cứng và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cần thiết nhằm xóa bỏ các rào cản đối với sự đổi mới sáng tạo và tiến bộ công nghệ như thiếu điện, mức độ phủ và chất lượng Internet và băng thông rộng.

Thứ tư, phối hợp với Chính phủ Mỹ tái lập Diễn đàn doanh nghiệp Mỹ - châu Phi hoặc một diễn đàn thương mại và đầu tư tương tự của Mỹ - châu Phi với các cam kết cấp cao. Ước tính đến năm 2030, châu Phi sẽ có 1,7 tỷ người và tổng chi tiêu tiêu dùng và chi phí kinh doanh là 6.700 tỷ USD. Đây là những cơ hội to lớn giúp các tập đoàn của cả Mỹ và châu Phi phát triển.

Thứ năm, đóng vai trò hiệu quả hơn trong việc giải quyết các thách thức về an ninh và tình trạng chưa thật sự ổn định của châu Phi. Châu Phi sẽ chiếm 40% lực lượng lao động toàn cầu vào cuối thế kỷ. Để có thể giải quyết hiệu quả các thách thức an ninh, Mỹ nên đổi mới với cách tiếp cận phi tập trung, dành ưu tiên đối với các thành phố và các thể chế chính quyền địa phương, cũng như phát triển khu vực tư nhân mạnh mẽ hơn và thu hẹp khoảng cách thực thi chính sách.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), năm 2018, thế giới có 1,8 tỷ người sống trong các điều kiện không ổn định và đến năm 2030, con số đó dự kiến sẽ lên tới 2,3 tỷ (và đạt 3,3 tỷ năm 2050). Hầu hết các quốc gia không ổn định trên thế giới đều nằm ở châu Phi, do đó nhiệm vụ chấm dứt sự bất ổn và dễ tổn thương ở châu Phi có vai trò rất quan trọng cho hòa bình và phát triển bền vững toàn cầu.

Mặc dù một trong những mục đích trong chuyến công du châu Phi lần này của ông Mike Pompeo là thông báo ý định về việc rút các binh sĩ tại “lục địa đen”, song việc khẳng định vẫn duy trì sự hiện diện quân sự nhất là trong các lĩnh vực đào tạo và tình báo, cho thấy Washington vẫn là đồng minh quan trọng của châu Phi trong cuộc chiến chống lực lượng thánh chiến hoành hành tại khu vực này.

Ngoại trưởng Senegal, quốc gia đầu tiên trong chặng dừng chân của chuyến công du, ông Amadou Ba nhấn mạnh rằng: “Châu Phi đang phải đối mặt với những thách thức lớn hơn bao giờ hết liên quan đến an ninh và khủng bố, vì vậy việc Mỹ trở thành đồng minh chiến lược là cần thiết để đưa khu vực trở lại hòa bình và ổn định.

Quang Nguyễn
.
.