Mỹ khai trương Đại sứ quán tại Jerusalem: Đổ xăng để dập lửa Trung Đông

Thứ Tư, 16/05/2018, 09:36
Bất chấp sự phản đối của nhiều nước trên thế giới, chiều ngày 14-5, Mỹ đã chính thức khai trương đại sứ quán tại Jerusalem. Niềm vui trong ngày khai trương không thể trọn vẹn khi có tới hơn 50 người Palestine đã chết, 2.400 người bị thương trong vụ tuần hành có quy mô lên tới 35.000 người để phản đối hành động trên của Mỹ và Israel.

Hầu hết các đại sứ đã không tới dự lễ khai trương

Tham dự buổi lễ có khoảng 800 người, trong đó dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan. Ngoài ra, trong phái đoàn Mỹ còn có trợ lý Nhà Trắng, con gái Tổng thống Mỹ D.Trump, cô Ivanka và con rể Kushner; Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Dù không tham dự, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có bài phát biểu qua video trước các quan khách.

Thực chất, Mỹ chỉ tạm thời chuyển đại sứ quán mới với một nhóm nhỏ nhân viên tới lãnh sự quán hiện có, cho tới khi tìm được khu vực mới để xây thêm khu phức hợp văn phòng trước cuối năm 2019, cho phép đại sứ và các nhân viên ngoại giao có thể sống và làm việc.

Việc mở Đại sứ quán Mỹ tại Israel ở Jerusalem là bước đi “hiện thực hóa” tuyên bố của Tổng thống Mỹ D.Trump khi công nhận vùng đất linh thiêng này là thủ đô của Israel. Đây cũng là hành động nhằm thực thi lời hứa mà ông Trump, khi là ứng cử viên tổng thống, đưa ra trong cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Tháp Trump ở New York, cũng là cam kết tranh cử của ông Trump trước các lực lượng bảo thủ ở Mỹ.

Tuy nhiên, động thái này đã đảo ngược chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiều thập niên qua đối với tiến trình hòa bình Trung Đông. Nhiều nước, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ đã phản đối động thái trên của Mỹ. Bộ Ngoại giao Israel cho biết có 86 đại sứ nước ngoài tại Israel được mời tham dự buổi lễ nhưng có tới 70% khách mời từ chối tới dự.

Đã có hàng chục người Palestine chết, hơn một nghìn người bị thương chỉ trong một buổi chiều đụng độ với lực lượng an ninh Israel. Ảnh: Wat If.

Quyết định bất chấp lẽ phải và “vụ thảm sát kinh hoàng”

Phát biểu tại Viện Nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Mỹ đã từ bỏ vai trò làm trung gian hòa giải tại khu vực Trung Đông khi quyết định chuyển đại sứ quán tới Jerusalem. Ông chỉ trích quyết định chuyển đại sứ quán của Mỹ là bất chấp “lẽ phải và công lý”, cũng như coi thường cộng đồng quốc tế.

Trong khi đó, Tổng thống Palestine gọi đây là “cú tát vào mặt” người Palestine và thế giới Arab, cho rằng Mỹ không còn được coi là bên hòa giải công bằng tại Trung Đông.

Hàng chục nghìn người Palestine đã tuần hành đến phía đông Dải Gaza để tham gia cuộc biểu tình quy mô lớn nhằm phản đối lễ khai trương Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem, cũng như phản đối Israel phong tỏa vùng đất duyên hải này suốt 12 năm qua.

Theo một nguồn tin y tế tại Gaza, hơn 50 người Palestine thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh Isarel tại khu vực này. Phía Israel đã triển khai hơn 3.000 cảnh sát và lực lượng an ninh tham gia ứng trực tại nhiều địa điểm ở Jerusalem.

Liên quan đến cuộc đụng độ tại Dải Gaza, ngày 14-5, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag tuyên bố Mỹ phải chịu trách nhiệm cùng với Israel về tình trạng bạo lực tại khu vực này. Cùng ngày, Ai Cập đã kịch liệt lên án việc lực lượng Israel tấn công dân thường Palestine tại Dải Gaza. Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini đã kêu gọi các bên “kiềm chế tối đa”.

Trong một tuyên bố, bà Mogherini nhấn mạnh: “Hàng chục người Palestine, trong đó có nhiều trẻ em, đã thiệt mạng và gần 1.000 người bị thương do trúng đạn của Israel trong các cuộc biểu tình quy mô lớn gần khu vực hàng rào an ninh tại Gaza. Chúng tôi hy vọng tất cả các bên sẽ hành động một cách kiềm chế tối đa nhằm tránh có thêm thương vong”. Chính quyền Palestine gọi đây là “vụ thảm sát kinh hoàng”, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế lập tức can thiệp.

Con rể và con gái Tổng thống Donald Trump cùng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại buổi lễ khánh thành đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem. Ảnh: SKY NEWS.

Hãng thông tấn nhà nước MENA của Ai Cập ngày 14-5 dẫn lời một nhà ngoại giao Arab nói rằng Liên đoàn Arab (AL) sẽ tổ chức một cuộc họp bất thường nhằm thảo luận về động thái “bất hợp pháp” của Mỹ. Jordan cũng phản đối quyết định của Mỹ dời đại sứ quán tới Jerusalem, coi đây là hành động “vi phạm trắng trợn” hiến chương của Liên Hiệp Quốc. Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani cảnh báo động thái của Mỹ tái bố trí đại sứ quán nước này tại Israel sẽ thổi bùng lên những căng thẳng tại Trung Đông.

Các nhà phân tích cho rằng quyết định của Tổng thống Trump như đổ “thêm dầu vào lửa” mối quan hệ của Palestine - Israel và coi như Mỹ đã kết thúc vai trò của một “người trung gian tin cậy” trong quá trình đàm phán Israel - Palestine.

Cơn giận dữ mới ở Trung Đông

Động thái của Mỹ đang gây ra một “cơn giận dữ” mới ở khu vực Trung Đông. Không chỉ đẩy cuộc xung đột Israel - Palestine tiếp tục lún sâu vào thế bế tắc, hành động của Mỹ đang làm bùng phát thêm “điểm nóng” mới tại vùng đất Trung Đông vốn đã đầy những “lửa” mâu thuẫn và chia rẽ.

Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ chọn ngày 14-5 là ngày chính thức mở đại sứ quán mới tại Jerusalem. Một ngày trước sự kiện này, Israel đã kỷ niệm Ngày Jerusalem, ngày mà người dân nước này cho là “ngày thống nhất thành phố”. Ngày mở cửa Đại sứ quán Mỹ cũng trùng với lễ kỷ niệm 70 năm lập quốc của Israel.

Trong khi đó, ngày 15-5 lại là ngày người Palestine gọi là “Nakba”, hay “ngày thảm họa”, để tưởng niệm quãng thời gian đen tối khi 700.000 người Palestine phải rời bỏ quê hương sau sự kiện nhà nước Israel ra đời năm 1948. Do đó, việc lựa chọn ngày 14-5 để chính thức mở cửa đại sứ quán mới của Mỹ tại Jerusalem có thể xem như một động thái mang tính biểu tượng nhằm thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với đồng minh Trung Đông. Tuy nhiên, bước đi này cũng là một sự khiêu khích, không tôn trọng đối với người dân Palestine nói riêng và cộng đồng Arab nói chung.

Là thánh địa được xem như nơi khởi nguồn của 3 tôn giáo lớn gồm Do Thái giáo, Hồi giáo và Thiên chúa giáo với hàng loạt các công trình lịch sử, Jerusalem từ lâu luôn là một trong những điểm nóng căng thẳng nhất trên thế giới suốt hàng trăm năm qua. Vấn đề Jerusalem cũng vì thế luôn được ví như “mồi lửa” có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào.

Nguyễn Hòa
.
.