Mỹ lại đưa tàu sân bay đến Biển Đông

Thứ Hai, 21/06/2021, 07:00
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt sự đối đầu với Trung Quốc và sức mạnh ngày càng tăng của Nga làm trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình. những ngày gần đây, các vấn đề căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington gia tăng thêm một mức độ mới, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự và địa chính trị.


Một nhóm tàu sân bay tấn công của Mỹ, dẫn đầu là USS Ronald Reagan, đã tiến vào Biển Đông hôm 15-6 trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng gia tăng. Tàu sân bay được tháp tùng bởi tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Shiloh và tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Halsey, theo al-Jazeera.

Theo thông báo của Hải quân Mỹ, trong thời gian ở Biển Đông, nhóm tàu sẽ tiến hành nhiều hoạt động an ninh hàng hải. Hải quân Mỹ cho hay: “Nhóm tàu tác chiến đảm bảo duy trì các cam kết về an ninh của Washington đối với các đồng minh và đối tác trong khu vực”. Thông báo nhấn mạnh, việc duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông là rất quan trọng, với gần 1/3 giá trị thương mại hàng hải thế giới, tương đương gần 3,5 nghìn tỷ USD đi qua vùng biển này mỗi năm. Trong khi đó, Chuẩn đô đốc Will Pennington, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan cho hay: “Biển Đông có vai trò quan trọng đối với dòng chảy thương mại tự do giúp phát triển kinh tế của các quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế và trật tự dựa trên pháp luật”.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan trong hành trình tiến vào Biển Đông.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Vương quốc Anh, cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, Trung Quốc là chủ đề không hề được lên kế hoạch của các cuộc tranh luận và các thành viên của các khối trên mô tả Trung Quốc là “nguồn gốc của căng thẳng” trong các tuyên bố cuối cùng. Gặp gỡ trực tiếp tại vịnh Carbis trong 3 ngày, lần đầu tiên kể từ hội nghị thượng đỉnh Biarritz vào năm 2019, nguyên thủ các quốc gia và chính phủ của G7 đã nỗ lực thiết lập một đường lối rõ ràng đối với gã khổng lồ châu Á.

Vào ngày thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các nước châu Âu và Nhật Bản đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển, vốn đang nổi lên như một cực có sức mạnh và quyền lực trên toàn thế giới, để họ không còn phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc xây dựng các tuyến đường bộ, đường sắt, cảng và mạng lưới thông tin mới.

Theo báo cáo, đây là lần đầu tiên các nước giàu nhất thế giới thảo luận về việc tổ chức một giải pháp thay thế trực tiếp cho Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Sáng kiến Vành đai và Con đường là dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng kinh tế của hơn 60 quốc gia và phát triển 2 tuyến đường thương mại là Vành đai kinh tế con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển, vốn là trọng tâm chính sách đối ngoại của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là một dự án hiện đã được phát triển trên khắp châu Phi, châu Mỹ Latinh và chính ngay tại châu Âu.

Các nhà lãnh đạo G7 hy vọng Kế hoạch xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn (B3W) sẽ tiêu tốn tới 40 nghìn tỷ USD. Họ cho rằng đây là một giải pháp thay thế tốt hơn cho dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Mặc dù đã thông báo kết thúc dự án vào năm 2035, tuy nhiên, các nhà lãnh đạo không nêu rõ nguồn tài chính.

Nhưng, các đối tác châu Âu của Mỹ không có thái độ thù địch như Washington mong muốn. Báo Les Échos của Pháp đã miêu tả phản ứng của người châu Âu trước lời kêu gọi vận động chống lại Trung Quốc của Mỹ là “có nhưng...”.

Theo đó, Nguyên thủ Pháp, Emmanuel Macron muốn làm dịu mọi chuyện, trong cuộc họp báo cuối cùng của ông vào Chủ nhật sau Hội nghị thượng đỉnh, ông nhấn mạnh: “G7 không phải là một câu lạc bộ thù địch với Trung Quốc”. Hôm Thứ bảy, các nhà lãnh đạo châu Âu của G7, không bao gồm Vương quốc Anh, đã đồng ý về một đường lối rõ ràng đối với Bắc Kinh: Trung Quốc là “một đối thủ mang tính hệ thống, một đối tác trong các vấn đề toàn cầu và một đối thủ cạnh tranh”, Tổng thống Pháp nói tại cuộc họp báo. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhấn mạnh rằng G7 không phải lúc nào cũng có thể tài trợ cho dự án chống lại cường quốc Trung Quốc.

Về cấp độ quân sự, người đứng đầu Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ cho biết: “Các tàu sân bay Mỹ đã và đang đối mặt với những rủi ro liên quan đến vũ khí siêu thanh hiện đang nằm trong kho các đối thủ của Mỹ”. “Điều quan trọng là chúng ta phải có khả năng này ngay bây giờ vì mối đe dọa siêu thanh đã ở đó”, Phó Đô đốc John Hill, Giám đốc Cơ quan Phòng thủ tên lửa, nói với Tiểu ban Vũ trang Thượng viện Mỹ vào tuần trước về các lực lượng chiến lược.

Các nhà lãnh đạo G7 gặp nhau ngày 12-6-2021, tại Vương quốc Anh.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc và Nga đã triển khai các phiên bản đầu tiên của vũ khí siêu thanh, có tốc độ nhanh gấp 5 lần âm thanh, có thể gây nguy hiểm cho các tàu Mỹ. Người Nga đã triển khai Kinjal - một loại tên lửa đạn đạo cơ động có thể phóng từ các máy bay chiến đấu MiG-31 và Su-34. Truyền thông Nga gần đây đưa tin về việc triển khai tên lửa đạn đạo không đối đất siêu thanh chính xác cao Kinjal ở miền Tây nước Nga, cách biên giới Ba Lan không xa. Các đơn vị phía Nam của quân đội Nga đã được trang bị Kinjal, đặc biệt là kể từ khi quân đội Nga tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc tập trận tên lửa đạn đạo có sự tham gia của Kinjal ở Bắc Cực. Theo một quan chức quân sự Nga, ‘không giống như các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Iskander, phải mất nhiều thời gian để di chuyển, tên lửa Kinjal có thể được di chuyển trong vài giờ”.

Moscow “cũng đang phát triển Zircon, một tên lửa hành trình siêu thanh phóng từ tàu có khả năng di chuyển với tốc độ từ mach 6 đến mach 8. Zircon được cho là có khả năng đánh trúng cả mục tiêu trên bộ và trên biển”, theo báo cáo từ Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ.

Về phần mình, Trung Quốc đã thử nghiệm các phiên bản tên lửa DF-17 được phát triển để mang theo các phương tiện bay siêu thanh DF-Z do Trung Quốc sản xuất có khả năng “cơ động cực mạnh”. Mặt khác, các lực lượng Trung Quốc đã thử nghiệm khả năng triển khai tên lửa đạn đạo được thiết kế để tấn công tàu sân bay Mỹ.

“Gần đây, chúng tôi thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận vào ban đêm và thường kéo dài cho đến đầu ngày hôm sau”, đại tá quân đội Trung Quốc Jiang Feng, được Washington Examiner dẫn lời. Ông cho biết thêm: “Chúng tôi thường xuyên thay đổi bãi tập, mục tiêu và căn cứ phóng mà không báo trước để kiểm tra kỹ năng của quân đội”. Về vấn đề này, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã công bố những hình ảnh về tên lửa DF-26, được mệnh danh là “sát thủ hàng không mẫu hạm”.

Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) Mỹ đã yêu cầu 248 triệu đô la trong ngân sách năm 2022 để phát triển khả năng phòng thủ chống lại vũ khí siêu thanh, Michelle Atkinson, giám đốc hoạt động của MDA, cho biết với các nhà báo.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.