Mỹ liên tiếp thông qua lệnh trừng phạt Iran
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6-5 đã phủ quyết một nghị quyết có mục đích hạn chế thẩm quyền tổng thống, nhằm ngăn chặn ông dùng vũ lực quân sự tấn công Iran. Nghị quyết này có tên Quyền chiến tranh Với Iran, được Thượng nghị sĩ Tim Kaine (đảng Dân chủ) đề nghị sau vụ ông Trump ra lệnh không kích tiêu diệt tướng Qassem Soleimani của Iran hồi tháng 1-2020.
Theo đạo luật Quyền lực chiến tranh năm 1973, Tổng thống Mỹ cần thông báo cho Quốc hội về các hành động quân sự quy mô lớn. Từ lâu, ông Trump đã đe dọa phủ quyết nghị quyết này.
Nếu muốn đảo ngược quyết định của ông chủ Nhà Trắng, Quốc hội sẽ tổ chức bỏ phiếu đảo ngược hành động của tổng thống nhưng nhiều khả năng sẽ không kiếm đủ số phiếu để phủ quyết lại. Tuy nhiên, việc Quốc hội thông qua nghị quyết này được xem là lời chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống Trump, đồng thời, cho thấy rõ Quốc hội ủng hộ nỗ lực kiểm soát thẩm quyền gây chiến của nhánh hành pháp.
Tổng thống Trump tiếp tục khẳng định vụ không kích tiêu diệt tướng Soleimani là “hoàn toàn đúng luật, gồm Nghị quyết cho phép dùng vũ lực quân sự chống Iraq năm 2002 và Điều II của Hiến pháp”. Sau vụ không kích đó, chính quyền ông Trump liên tục tuyên bố rằng quyết định tiêu diệt tướng Soleimani là chính đáng vì ông ta đặt ra “mối đe dọa rõ ràng” cho tính mạng người dân Mỹ. Tuy nhiên, cuối cùng, chính quyền không nói như vậy nữa sau khi bị ép đưa ra bằng chứng.
Vụ hạ sát tướng Qassem Soleimani khiến quốc hội Mỹ phải soạn thảo nghị quyết ngăn chặn ông Trump dùng vũ lực quân sự tấn công Iran. |
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi đầu năm cảnh báo Hạ viện có thể sớm xem xét thu hồi ủy quyền sử dụng vũ lực cho Tổng thống, được thông qua sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001. Ba đời Tổng thống Mỹ liên tiếp đã viện dẫn điều này làm căn cứ pháp lý cho hàng loạt hành động quân sự trên khắp thế giới.
Trước đó, Mỹ đã liên tiếp công bố các biện pháp trừng phạt 5 nhà khoa học hạt nhân Iran và 17 thực thể, cá nhân liên quan đến hoạt động buôn bán sản phẩm hóa dầu của Iran. Washington cũng bác bỏ lời kêu gọi của Liên minh châu Âu (EU) nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Iran và phê duyệt kế hoạch viện trợ kinh tế để giúp nước này đối phó với đại dịch COVID-19.
Đặc phái viên của Mỹ tại Liên Hợp quốc (LHQ), Brian Hook, hồi đầu tuần này tiết lộ rằng, Mỹ có ý định thuyết phục các quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an khác gia hạn lệnh cấm bán vũ khí thông thường cho Iran, dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 10 tới. Sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Washington sẽ đảm bảo rằng Iran không mua xe tăng và xe bọc thép của Nhật Bản từ Nga hoặc Trung Quốc. Ông cũng lập luận rằng lệnh cấm vận vũ khí không liên quan đến các cam kết gắn liền với Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), thường được gọi là Thỏa thuận hạt nhân Iran.
Theo giới truyền thông, phía Mỹ đã muốn mở rộng lệnh trừng phạt của LHQ để giảm bớt tính đơn phương của các lệnh trừng phạt Mỹ, vốn sẽ được nhiều quốc gia hỗ trợ Iran bất chấp trừng phạt để vi phạm. Giới quan sát nhận thấy, Washington đã từng tuyên bố xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5-2018 song bây giờ đang tích cực nhắc đến chúng như họ vẫn còn đang ở trong thỏa thuận. Làm như vậy sẽ tách bạch các lệnh trừng phạt đơn phương với các lệnh trừng phạt mới mà Mỹ kỳ vọng sẽ được LHQ thông qua.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 6-5 tuyên bố sẽ có “phản ứng mạnh” nếu Hoa Kỳ tiếp tục kế hoạch gia hạn lệnh trừng phạt đối với việc Iran mua bán vũ khí thông thường. Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani cũng đã đưa ra lời cảnh báo rằng, thỏa thuận năm 2015 về chương trình hạt nhân của Tehran sẽ “chết vĩnh viễn” nếu Mỹ cố gắng thúc đẩy LHQ tiến hành gia hạn và mở rộng lệnh trừng phạt Iran liên quan đến cấm bán vũ khí thông thường cho nước này.
Sự nóng lạnh trong quan hệ Mỹ-Iran thường được biết đến dưới thời của Tổng thống Trump. Ngay sau khi phủ quyết nghị quyết ngăn chặn tổng thống dùng vũ lực quân sự tấn công Iran, chính quyền ông Trump ngày 6-5 lại thông báo rằng họ có thể sớm thả nhà khoa học Iran Sirus Asgari. Phía Iran cũng thừa nhận đang nỗ lực để đưa nhà khoa học Asgari trở về quê hương. Khả năng trao đổi tù nhân giữa Hoa Kỳ với Iran đang được thảo luận. Mỹ cũng đang tìm mọi cách để công dân Michael White được phóng thích, thông tin này đã được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo nhiều lần.
Theo giới phân tích, việc làm nổi bật vấn đề Iran vào lúc này của chính quyền ông Trump nhằm đánh lạc hướng dư luận về tình hình bên trong nước Mỹ hiện nay, không để ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử tổng thống sắp tới và nhằm cứu ngành dầu mỏ của Mỹ đang bên bờ vực phá sản vì dầu mất giá kỷ lục. Tại bang Floria, ông Trump luôn được yêu thích và có cơ hội giành chiến thắng trong lần tái ứng cử tổng thống sắp tới.
Nhưng, qua 2 tháng của cuộc khủng hoảng lớn nhất trong nhiệm kỳ của mình, các phản ứng đối với đại dịch của ông Trump đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều về cơ hội cho đảng Cộng hòa. Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ gần đây còn cáo buộc chính quyền ông Trump cố tình “đổ lỗi” cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm đánh lạc hướng sự chú ý đối với công tác xử lý tình trạng bùng phát của đại dịch COVID-19 của Mỹ.