Mỹ muốn rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran
- Cuộc chiến giữa Iran và Mỹ về thỏa thuận hạt nhân
- Iran dọa từ bỏ thỏa thuận hạt nhân "trong vòng vài giờ"
Cả Washington và Tehran đều đưa ra những tuyên bố đáp trả nhau quyết liệt, đặc biệt sau khi đầu tháng 8 vừa qua Tổng thống Mỹ Donald Trump ký luật cấm vận mới đối với Iran, Nga và Triều Tiên được Quốc hội thông qua, động thái được cho là “đổ thêm dầu vào lửa” sau khi Washington áp đặt lệnh trừng phạt mới nhằm vào các cá nhân và tổ chức Iran.
Việc phá bỏ một di sản của người tiền nhiệm Barack Obama vốn có nhiều ràng buộc sẽ được tính toán thế nào?
Các nhà phân tích cho rằng một trong những lý do khiến Mỹ và Iran thời gian gần đây gia tăng căng thẳng về thỏa thuận hạt nhân có tên gọi là “Kế hoạch hành động toàn diện chung” (JCPOA) là vì từ khi còn tranh cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần thể hiện sự không đồng tình với thỏa thuận này và thậm chí gọi đây là thỏa thuận tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Trump liên tục yêu cầu tìm kiếm các giải pháp thay thế để xóa bỏ chính sách mà ông ghét cay ghét đắng này. Vậy đó là cách thức nào?
Theo quy định, cứ sau 90 ngày, Chính quyền Trump có nghĩa vụ giải trình trước Quốc hội về việc Iran tuân thủ JCPOA và đây là thỏa thuận có liên quan đến an ninh quốc gia Mỹ. Khi rà soát vẫn đang được triển khai, không có nghĩa là Mỹ phải đóng băng chính sách với Iran. JCPOA là mối đe dọa với lợi ích an ninh quốc gia Mỹ, mức độ ngày một trầm trọng theo thời gian.
Nếu tổng thống quyết định từ bỏ JCPOA, cần phải tạo lập và triển khai một bản kế hoạch tổng thể để giành được sự ủng hộ trong nước và quốc tế với chính sách mới.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Tổng thống Donald Trump muốn xem xét lại thỏa thuận hạt nhân với Iran. |
Mỹ cần cam kết với cộng đồng quốc tế rằng quyết định từ bỏ của Mỹ thực tế sẽ giúp bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế, trái ngược hẳn với JCPOA - một thỏa thuận với nhiều điều khoản có kẽ hở cho phép Iran phát triển vũ khí có khả năng mang phóng hạt nhân.
Giải trình của chính quyền dưới dạng một “sách trắng” cần nhấn mạnh những nhượng bộ chết người trong thỏa thuận với Iran, ví như cho phép Tehran tiếp tục làm giàu urani, vận hành các lò phản ứng nước nặng, phát triển thanh nhiên liệu hạt nhân trong giai đoạn JCPOA có hiệu lực. Cũng cần phải nêu trong đó những khiếm khuyết khác như thiếu vắng các cơ chế giám sát, chứng thực tuân thủ của Iran, việc Iran từ chối cho thanh sát các cơ sở quân sự.
Để biện giải cho quyết định mới, Mỹ cũng cần phải làm rõ mối liên hệ giữa Iran với Triều Tiên, nêu bật hành vi không chấp nhận được của Iran - nước tài trợ lớn nhất cho chủ nghĩa khủng bố, cùng với đó là những thiệt hại, mối nguy mà các nước đồng minh của Mỹ tại khu vực đang phải gánh chịu.
Lặng lẽ tham vấn các đối tác chủ chốt như Anh, Pháp, Đức, Israel, Saudi Arabia, nói thẳng với các nước này rằng Mỹ sắp từ bỏ thỏa thuận do những vi phạm trắng trợn cùng lối hành xử không chấp nhận được của Iran. Mục đích là để có được hậu thuẫn đầu vào. Điều cốt yếu là Mỹ khởi động nỗ lực quốc tế.
Nỗ lực thầm lặng này sẽ đặc tả bản chất, chi tiết vi phạm và kiểu quan hệ liên quan đến Iran mà Mỹ phỏng đoán, lấy đây làm nền tảng để áp đặt cấm vận mới, ngăn cấm chuyển giao công nghệ hạt nhân, tên lửa hoặc công nghệ lưỡng dụng tới Iran. Với Israel và một số ít đồng minh có lựa chọn, Mỹ sẽ bàn bạc các giải pháp quân sự. Với những đối tác khác ở Vùng Vịnh, Mỹ cũng có thể thảo luận những cách thức giải quyết quan ngại của họ trước hành xử tồi tệ của Iran.
Chuẩn bị tài liệu chiến lược giải thích việc rút khỏi JCPOA thông qua một sách trắng chi tiết (có cả thông tin tình báo giải thích mật nếu có thể). Tài liệu tập trung lý giải tại sao thỏa thuận lại gây hại lợi ích quốc gia Mỹ, cách thức Iran vi phạm và tại sao hành xử của Iran lại ngày một tệ hơn kể từ khi ký thỏa thuận. Với điều này, Nhà Trắng, cùng với tất cả các bộ ngành liên bang liên quan, phải kiên quyết nêu bật mối đe dọa về lợi ích an ninh quốc gia Mỹ.
Việc công bố một tài liệu dạng “sách trắng” có thể được xem là điểm khởi đầu cho thảo luận trong nước và quốc tế về quyết định của chính quyền từ bỏ JCPOA, luận giải vì sao phải ngăn cấm triệt để Iran tiếp cận công nghệ hạt nhân. Cần phải chỉ ra hàng loạt cái tên và làm rõ các hoạt động kinh doanh của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, vai trò trung tâm của lực lượng này trong nỗ lực hủy hoại lợi ích của Mỹ và đồng minh.
Đặc biệt, Mỹ cần xem xét công bố thông tin giải mật liên quan đến các hoạt động, ví như mối liên hệ Iran - Triều Tiên và những tác động.
Khởi động chiến dịch ngoại giao mở rộng ngay sau khi tuyên bố rút khỏi JCPOA, nhất là ở châu Âu và Trung Đông. Cần tiếp tục nhấn mạnh mối đe dọa Iran là ưu tiên chiến lược và ngoại giao hàng đầu trong chính sách của Mỹ. Với điểm này, chính quyền, thông qua tiến trình Hội đồng An ninh Quốc gia, cần xây dựng một kế hoạch chiến thuật, sử dụng tất cả các công cụ ngoại giao hiện hữu để hậu thuẫn cho quyết định của Mỹ, trong đó có các hành động mà những nước khác cần thực hiện theo khuyến nghị của Mỹ.
Sau giai đoạn giải thích và chứng minh cho quyết định rút khỏi thỏa thuận, đích kế tiếp là tái tạo một liên minh chống phổ biến mới, thay thế các mô hình hoang phí của chính quyền trước. Liên minh mới có sự tham dự của các đồng minh châu Âu, Israel và các quốc gia Vùng Vịnh.
Trên hướng này, Mỹ cần đưa ra yêu cầu về áp dụng biện pháp cấm vận mới nhằm vào Iran, các biện pháp trừng phạt đáp trả chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo của Iran hay việc Tehran tài trợ khủng bố, có hành vi thù địch như can thiệp tại Iraq hay Syria.