Mỹ trở lại tuyến đầu chống biến đổi khí hậu
- Biến đổi khí hậu: Chuyện không của riêng ai!
- Hệ lụy khôn lường của biến đổi khí hậu
- Gia tăng bạo lực vì… biến đổi khí hậu
Sự trở lại của nước Mỹ
Hội nghị được cho là đánh dấu sự trở lại của Mỹ ở tuyến đầu chống biến đổi khí hậu sau khi Tổng thống Donald Trump đã rút nước Mỹ ra khỏi mọi thỏa thuận, cam kết chung của thế giới về biến đổi khí hậu. Các lãnh đạo thế giới được mời bao gồm lãnh đạo của Diễn đàn Năng lượng và Khí hậu của các nền kinh tế lớn (MEFEC), kể cả 17 quốc gia nắm 80% GDP toàn cầu nhưng cũng chịu trách nhiệm đến 80% khí thải toàn cầu, cộng thêm các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và các quốc gia dẫn đầu về chống biến đổi khí hậu. Ông Biden nói rằng, tuy ông chưa nói chuyện trực tiếp với ông Putin và Tập Cận Bình nhưng đây là hai vị khách mời đặc biệt nên chắc chắn sẽ tham gia.
Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là 2 trong số 40 lãnh đạo thế giới được mời dự hội nghị thượng đỉnh khí hậu. |
Hội nghị sẽ được tổ chức bằng hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Hội nghị dự kiến diễn ra trong hai ngày 22 và 23-4, trùng với Ngày Trái đất và sớm vài tháng so với hội nghị của Liên Hợp Quốc cũng về đề tài biến đổi khí hậu tại Glasgow, Scotland. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đi chậm lại trong việc thực hiện mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ ở khoảng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này. Đây là mức mà các nhà khoa học cho là giới hạn an toàn trước khi tình hình khí hậu toàn cầu trở nên nguy hiểm.
Việc nước Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới và là quốc gia phát thải khí CO2 lớn thứ hai thế giới (sau Trung Quốc) gia nhập trở lại thỏa thuận toàn cầu về khí hậu mang ý nghĩa rất quan trọng, có tác động vô cùng to lớn đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của thế giới nói chung, đặc biệt là đối với việc hướng đến mục tiêu khống chế sự nóng lên toàn cầu.
Tổng thống Biden rất tập trung chuẩn bị cho việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh quan trọng này. Ông đã cử cựu Ngoại trưởng John Kerry, đặc phái viên về biến đổi khí hậu, đến châu Âu để họp với các lãnh đạo châu lục bàn về một số vấn đề liên quan đến hội nghị.
Những bước đi thực hiện lời hứa
Riêng đối với nước Mỹ, sự kiện tổ chức hội nghị thượng đỉnh khí hậu và mời hơn 40 lãnh đạo thế giới tham dự là bước đi mới nhất của Tổng thống Biden trong việc thực hiện lời cam kết trước cử tri lúc tranh cử: đưa nước Mỹ trở lại tuyến đầu cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ông Biden đã thể hiện quyết tâm giữ lời hứa ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức tổng thống.
Khi chính thức bước chân vào Nhà Trắng, ông Biden đã thực hiện ngay lời hứa đưa nước Mỹ gia nhập trở lại Thỏa thuận khí hậu đã ký tại hội nghị COP21 ở Paris, Pháp, năm 2015. Ngày 19-2, nước Mỹ chính thức trở thành thành viên của Thỏa thuận khí hậu Paris 2015, giúp cho thỏa thuận trở nên hoàn thiện hơn với sự tham gia của tất cả các bên.
Ông Biden đã xác định vấn đề nóng lên toàn cầu là vấn đề trọng tâm của chương trình làm việc trong nhiệm kỳ tổng thống của ông và ông đã gây “sóng lớn” trong nước khi đặt ra mục tiêu giảm thiểu khí thải trong ngành năng lượng vào năm 2035 và toàn nền kinh tế vào năm 2050. Việc bổ nhiệm bà Deb Haaland làm Bộ trưởng Nội vụ - người Mỹ bản xứ đầu tiên nắm giữ chức bộ trưởng nội các Mỹ - phụ trách vấn đề bảo vệ tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, dân tộc bản xứ là động thái rõ ràng về quyết tâm thực hiện lời hứa của ông đối với vấn đề khí hậu.
Các chương trình nghị sự của ông Biden về khí hậu được đánh giá là đảo ngược hoàn toàn với những chính sách đã được tổng thống tiền nhiệm Donald Trump triển khai, kể cả chính sách của các đời tổng thống trước. Ông Biden xem nguy cơ về khí hậu là mối đe dọa mang tính chất “sống còn” đối với nền văn minh nhân loại, vì thế cần có những chính sách mới nhằm tạo động lực phát triển mới thân thiện môi trường hơn, ít gây tác động tiêu cực đến khí hậu toàn cầu.
Ngày 27-1-2021, Tổng thống Biden đã ký chỉ thị dừng khai thác các khu mỏ dầu khí mới trên các vùng đất và ngoài khơi liên bang. Hành động này phản ánh chính sách rất rõ ràng của ông về vấn đề phát thải khí nhà kính. Theo thống kê, 25% khí thải ở Mỹ có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch, vì vậy việc cắt giảm, dừng khai thác mới nguồn nhiên liệu này được xem như động thái trực tiếp hướng đến cắt giảm nguồn khí thải này.
Bên cạnh việc ngưng khai thác dầu khí, chính quyền của Tổng thống Biden cũng sẽ thúc đẩy các chính sách mới thân thiện với khí hậu cho nông dân, đồng thời dành nguồn lực cho cộng đồng thành thị, điển hình là những người da màu có thu nhập thấp, bị tàn phá bởi ô nhiễm từ các đường cao tốc và nhà máy điện gần đó.
Tổng thống Biden lập luận rằng kế hoạch năng lượng sạch trị giá 2 tỉ USD của ông sẽ mang lại hàng triệu việc làm mới bằng cách tái trang bị lưới điện để chạy bằng các nguồn năng lượng không có carbon như năng lượng mặt trời và gió trong vòng 15 năm; xây dựng một thế hệ nhà mới, ô tô điện và dọn dẹp sạch ô nhiễm từ các giếng dầu khí.
Nhưng, lượng khí thải sẽ không về con số 0 chỉ thông qua hành động của tổng thống. Việc đó đòi hỏi có “quyết tâm chính trị” chung của cả hai đảng. Hiện tại, trong Quốc hội Mỹ vẫn còn nhiều tiếng nói phản bác chương trình nghị sự khí hậu của ông Biden, bởi họ còn phải lo cho lợi ích của những nhóm người sống và làm giàu nhờ năng lượng hóa thạch, nhờ các ngành công nghiệp thải khí gây ô nhiễm nặng nề nhất.