Mỹ và Hàn Quốc đang đùa với lửa
- Liên Hợp Quốc lên án 4 vụ phóng tên lửa đạn đạo Triều Tiên
- Đông Bắc Á lại “dậy sóng” vì Triều Tiên thử tên lửa
- Mỹ - Hàn tập trận, Triều Tiên phóng tên lửa dọa dẫm
Từ ngày 22-8, Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu cuộc tập trận quy mô lớn “Người bảo vệ tự do Ulji” có kịch bản tấn công vào các cơ sở hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên nếu nảy sinh "trường hợp khẩn cấp" trên bán đảo Triều Tiên. Cuộc tập trận có sự tham gia của 25.000 lính Mỹ và 50.000 lính Hàn Quốc ,đồng thời có cả các đại diện của châu Âu, châu Á và châu Mỹ.
Cuộc tập trận Ulji diễn ra từ ngày 22-8 đến 2-9, đã gây phản ứng dữ dội từ phía Bình Nhưỡng. Ngày 25-8, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho biết nước này đã đạt được "thành công của mọi thành công" khi thử nghiệm phóng tên lửa từ tàu ngầm. Ông khẳng định, với thành công này, CHDCND Triều Tiên đang "đang nắm trong tay một cách chắc chắn lãnh thổ lục địa Mỹ và các căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương".
Lời bình luận này của ông Kim Jong Un được đưa ra một ngày sau khi các quan chức Hàn Quốc cho biết một tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên đã được phát hiện với quãng đường bay khoảng 500 km, là khoảng cách xa nhất đạt được từ phía Bắc đối với một vũ khí.
Theo Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA), độ an toàn của hệ thống phóng tên lửa, động cơ mạnh mẽ dùng nhiên liệu rắn, độ tin cậy và mức chính xác của đầu đạn "hoàn toàn đạt được theo yêu cầu". Trong bản tin của KCNA, lãnh đạo Triều Tiên nói rằng tiến bộ vượt bậc trên đã giúp Triều Tiên có khả năng tấn công hoàn toàn bằng vũ khí hạt nhân một cách hiệu quả và đặt phần đất liền của Mỹ vào một tầm bắn đáng kinh ngạc.
Những phản ứng mạnh của Triều Tiên đã bắt đầu từ trước đó khi Mỹ điều động máy bay ném bom B-1B Lancer tới đồn trú ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hợp với các máy bay ném bom tàng hình B-2 để “kiềm chế” Triều Tiên và Trung Quốc.
Ngày 25-8, LHQ ra thông cáo lên án 4 vụ phóng tên lửa diễn ra vào tháng 7 và tháng 8 của Bình Nhưỡng, gọi đây là sự vi phạm trắng trợn lệnh cấm. Tuyên bố chung do Mỹ thảo, được Trung Quốc, đồng minh chính của Triều Tiên, hậu thuẫn. Các thành viên Hội đồng Bảo an nhất trí "tiếp tục theo dõi sát tình hình và thực hiện thêm biện pháp cụ thể". Hội đồng cũng kêu gọi các nước "nỗ lực gấp đôi" trong việc trừng phạt Triều Tiên sau những vụ thử tên lửa. Triều Tiên đã hứng chịu 5 đợt trừng phạt của LHQ kể từ khi bắt đầu thử thiết bị hạt nhân năm 2006.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau tuyên bố rằng, Washington lên án mạnh mẽ việc thử nghiệm vũ khí này và kêu gọi Triều Tiên "kiềm chế hành động và lời nói có thể gây nên căng thẳng kéo dài trong khu vực". Bà cho biết, vụ phóng tên lửa này đánh dấu sự "tăng tốc chiến dịch" và vi phạm nhiều điều luật của Hội đồng Bảo an LHQ.
Phía quân đội Hàn Quốc cũng lên án vụ phóng tên lửa, song thừa nhận lần này đối phương đã có sự tiến bộ hơn các lần thử tương tự trong quá khứ. Theo Ủy ban Quốc gia về Triều Tiên, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, Bình Nhưỡng được cho là đang nắm trong tay hơn 1.000 tên lửa các loại, bao gồm cả những tên lửa đạn đạo liên lục địa, có thể được sử dụng để bắn đầu đạn nguyên tử.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ngày 29-8 đã ra lệnh cho quân đội nước này duy trì tình trạng sẵn sàng ở mức cao nhất để đảm bảo rằng bất kỳ hành động khiêu khích nào của Triều Tiên cũng sẽ dẫn tới sự tự diệt của Bình Nhưỡng. Cùng ngày, nhóm 23 nhà lập pháp thuộc đảng cầm quyền ở Hàn Quốc "Senuridan" kêu gọi xem xét khả năng đặt tàu ngầm hạt nhân để đối phó với Triều Tiên.
Lãnh đạo Triều Tiên theo dõi vụ thử tên lửa từ tàu ngầm hôm 24-8. |
Ngày 28-8, Triều Tiên lên tiếng bác bỏ tuyên bố của Hội đồng Bảo an LHQ lên án các vụ phóng tên lửa của nước này và cho đó là sản phẩm mang tính “luật rừng” của Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên nói rằng Mỹ đe dọa đến phẩm cách và quyền tồn tại của CHDCND Triều Tiên, thách thức cảnh báo của Bình Nhưỡng, nên Triều Tiên sẽ tiếp tục có loạt hành động của một quốc gia với sức mạnh quân sự toàn diện.
Việc Triều Tiên bất chấp các lệnh cấm tiếp tục thử tên lửa trong nhiều năm qua khiến công luận quốc tế phải đặt câu hỏi: Vì sao cho tới nay các cường quốc vẫn không thể ngăn chặn được Triều Tiên, mặc dù quốc gia này đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ?
Michael Ivanovitch, Chủ tịch hãng nghiên cứu MSI Global, cho rằng câu trả lời rất đơn giản: Hiện giờ chỉ có 3 cường quốc Mỹ, Nga, Trung Quốc (và cũng là 3 trong số 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an) là có thể ngăn chặn được Triều Tiên leo thang, thế mà 3 cường quốc này vẫn không hợp tác do hiện giờ lợi ích của họ không tương đồng với nhau. Theo giải thích của ông Ivanovitch, 3 cường quốc nói trên đã từng là các phe đối nghịch nhau trong cuộc chiến tranh Triều Tiên và cho tới nay những hệ quả của cuộc xung đột quốc tế này vẫn chưa được giải quyết xong.
Tranh cãi gay gắt về hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD mà Mỹ sẽ đặt ở Hàn Quốc phản ánh những căng thẳng dai dẳng giữa 3 cường quốc. Seoul và Washington muốn dùng THAAD để đối phó với mối đe dọa Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh và Moskva lại phản đối, cho rằng chính hệ thống này mới là mối đe dọa cho an ninh khu vực. Sự phản đối quyết liệt hệ thống THAAD làm giảm đi hy vọng là Trung Quốc sẽ giúp chặn đứng chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, mặc dù chính Bắc Kinh cũng lên án những vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng.
Về phần mình, nhà phân tích Harry Sa, thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, cũng thấy rằng 3 nước Mỹ, Nga, Trung Quốc vẫn có lợi ích địa chính trị khác nhau trên bán đảo Triều Tiên và điều này cản trở khả năng 3 cường quốc đi đến đồng thuận về các biện pháp trừng phạt chế độ Bình Nhưỡng.