Nạn buôn lậu trẻ sơ sinh qua biên giới ở Bulgaria

Thứ Sáu, 04/03/2005, 16:12
Với vị trí ngã tư đường ở châu Âu, Bulgaria trở thành một quốc gia quá cảnh đầy thuận lợi nhưng dễ bị các tổ chức tội phạm lợi dụng để hoạt động. Nổi cộm nhất là tội phạm có tổ chức và nạn tham nhũng. Diễn ra âm thầm nhưng gây không ít nhức nhối là nạn buôn trẻ sơ sinh.

Maria, 16 tuổi, vì cần tiền đã vay Sergei một khoản nợ để rồi sau đó không có khả năng chi trả. Lợi dụng việc đó, Sergei đã dụ dỗ Maria sang Hy Lạp cùng với hắn ta để kiếm việc làm mà trả nợ. Maria nói: “Hắn ta đã đe dọa bắt cóc đứa con trai đầu của tôi nếu tôi không chịu đi Hy Lạp. Khi ra đi, tôi đã mang thai gần 8 tháng và Sergei đã đề nghị tôi bán đứa con còn mang trong bụng cho một cặp vợ chồng người Hy Lạp đang muốn có con nuôi. Tuy nhiên, đứa con mới chào đời của Maria lại quá èo uột nên cặp vợ chồng nọ đã từ chối nhận con nuôi. Cuộc bán con bất thành và Maria quay về Bulgaria.

Cảnh sát Bulgaria, Hy Lạp và Italia thừa nhận câu chuyện của Maria không phải là hiếm sau khi họ phá vỡ được hai đường dây kiểu này trong năm ngoái. Quy trình của bọn tội phạm diễn ra như sau: các phụ nữ mang thai sắp sinh con sẽ bị bọn chúng dỗ ngọt hoặc ép buộc đi “du lịch” sang Hy Lạp hoặc khi đến Italia. Bọn mối lái hay bọn tổ chức buôn người, thường là dân địa phương nên rất hiểu rõ tình trạng các sản phụ. Với sự câu kết giữa bác sĩ, dân mối lái, luật sư và “gia đình mới”, đứa bé sẽ được người “cha” mới làm khai sinh theo họ ông ta! Cuộc thương lượng như thế được định giá 18.000 bảng Anh và diễn ra trong chưa đầy 1 tuần. Người mẹ bán con sẽ nhận được 2.000 bảng Anh với bé gái và 10.000 với bé trai.

Kupen Kupenov, lãnh đạo địa phương của Cơ quan quốc gia chống tội phạm có tổ chức ở thành phố Burgas, cho biết: “Chúng tôi chỉ nắm được các thông tin này khi người mẹ trở lại Bulgaria nhưng không nhận được tiền do bị lừa đảo. Nếu đã nhận được tiền đầy đủ thì không đời nào họ lại tìm đến chỗ chúng tôi. Hiện nay chúng tôi đã điều tra được 5 trường hợp”. Theo Kupenov thì 5 trường hợp này không phản ánh được tầm quan trọng của vấn đề. Trước đây việc buôn bán trẻ em sơ sinh không bị coi là bất hợp pháp ở Bulgaria; nhưng trong năm 2004 đã có luật mới và bây giờ bọn mối lái sẽ bị phạt tù 1 năm nhưng người mẹ bán con vẫn không bị truy cứu.

“Mặt hàng” quý giá

Cùng với hoạt động buôn gái mại dâm, việc bán các trẻ sơ sinh làm con nuôi bất hợp pháp đang trở thành hoạt động kinh doanh ngày càng lớn, không chỉ có ở Bulgaria mà còn lan rộng khắp vùng Đông Âu. Không dễ điều tra và thống kê về hoạt động tội phạm này. Nhưng cảnh sát Bulgaria cho biết họ đã điều tra được 250 trường hợp kể từ năm 2001. Hiện nay phần đông trẻ sơ sinh bị bán sang Hy Lạp.

Do thủ tục nhận con nuôi trong phần lớn các quốc gia - kể cả Bulgaria - khá khó khăn trong khi tỉ lệ sinh đẻ nói chung thấp, nên trẻ sơ sinh nghiễm nhiên trở thành “mặt hàng” quý giá. Một trong những rắc rối là những phụ nữ bán con thường là người Bôhêmiêng, một cộng đồng người thiểu số bị coi thường ở Bulgaria. Trong một tỉnh như Kameno, số người này chiếm 1/5 cư dân địa phương. Theo thống kê, họ rất nghèo và lại đông con.

Trường hợp của Rosa đã bị chính người bố chồng ép buộc phải sang Hy Lạp để làm việc. Sau khi đến đó, Rosa bị ông ta cưỡng bức đến mang thai và bị buộc phải bán con. Rosa nói: “Tôi đã ký tên vào một số giấy tờ in bằng chữ Hy Lạp mà tôi lại không đọc được vì không biết thứ tiếng này. Một luật sư người Hy Lạp đến cho tôi một nhúm tiền và bố chồng đã đe dọa đánh đập nếu như tôi không chịu nhận số tiền đó”. Số tiền tương đương với 5.000 bảng Anh - giá bán đứa trẻ sơ sinh của Rosa và cô sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy đứa con rứt ruột của mình. Không những thế số tiền bán con của Rosa cũng bị ông bố chồng độc ác đánh cắp! Đó là lý do khiến Rosa tìm đến sở cảnh sát. Cô nói: “Không ai ngăn chặn được bọn chúng. Tôi biết mặt những tên cầm đầu và 20 phụ nữ ở Kameno đã bán con. Vì họ muốn có tiền để nuôi các con sinh trước và có cuộc sống tốt hơn”.

Antoaneta Georgieva, quản lý Tổ chức phi chính phủ Face To Face (Mặt đối mặt) ở thủ đô Sofia của Bulgaria, nói: "Buôn bán trẻ em cũng là một vấn đề về quyền con người. Nó liên quan đến hoạt động buôn người và là hệ quả của sự nghèo khó ở Bulgaria”. Tổ chức này giúp đỡ phụ nữ không bị trở thành nạn nhân của nạn buôn người. Theo bà, chính luật nhận con nuôi quá chặt chẽ ở Bulgaria đã dẫn đường cho bọn tội phạm kinh doanh trẻ sơ sinh..

Diên San (Theo BBC)
.
.