Nga-Mỹ-Trung Quốc và con bài dầu hỏa

Thứ Hai, 03/10/2016, 16:10
Thỏa thuận về sự cần thiết phải giảm sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hôm 28-9 sau cuộc họp bất thường của khối tại Algeria đang được kỳ vọng sẽ đưa giá dầu tăng mạnh trở lại. Bị phương Tây cấm vận đúng lúc giá dầu tụt thê thảm, Nga khốn đốn trong suốt 2 năm qua nhưng giờ đang đứng trước cơ hội trở lại mạnh mẽ.

Nhưng liệu Mỹ, vốn là đối thủ chính của OPEC trong thời gian qua có để yên cho Nga không? Và yếu tố Trung Quốc trong việc định giá dầu cũng không thể bỏ qua.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp không chính thức của OPEC tại Algeria hôm 28-9, Chủ tịch OPEC Mohamed Salah Assada khẳng định tổ chức này quyết định giảm sản lượng dầu xuống mức từ 32,5 triệu thùng dầu/ngày đến 33 triệu thùng dầu/ngày. Theo đó, ông Assada cho biết thêm một ủy ban kỹ thuật cấp cao sẽ được thành lập nhằm xác định những cơ chế giảm sản lượng cho mỗi nước.

Bên ngoài phòng họp của các Bộ trưởng OPEC tại Algeria ngày 28-9.

Kết quả công việc của ủy ban cấp cao này sẽ được thông báo tại cuộc họp chính thức của tổ chức này sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Vienna (Áo). Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Eulogio Del Pino cũng cho biết thêm OPEC sẽ nhóm họp với các nước ngoài OPEC trước khi diễn ra cuộc họp chính thức vào tháng 11.

Đây là một kết quả ngoài mong đợi đối với các nước xuất khẩu dầu. Bởi lẽ chỉ trước đó vài giờ, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Namdar Zanganeh nói rằng, nước này muốn đưa sản lượng khai thác dầu thô lên 4 triệu thùng mỗi ngày do đó Iran chưa sẵn lòng đóng băng sản lượng dầu ở mức hiện tại và không có ý định tham gia một thỏa thuận với các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn tại ở Algeria.

Cùng lúc, Bộ trưởng Năng lượng Arập Xêút Khalid al-Falih cho biết: “Đây chỉ là phiên họp mang tính tư vấn... Chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến của nhiều thành viên khác, chúng tôi sẽ lắng nghe các quan điểm, chúng tôi sẽ lắng nghe Ban Thư ký OPEC và cũng sẽ lắng nghe ý kiến của khách hàng”.

Thông báo của OPEC đã ngay lập tức đã đẩy giá dầu trên các sàn giao dịch quốc tế tăng hơn 5%. Tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 11 đã tăng 2,72 USD, lên mức 48,69 USD/thùng, trong khi tại New York, giá dầu WTI cũng tăng 2,38 USD, lên mức 47,05 USD.

Đề tài đóng băng lần này là hơi thở thứ hai sau lần Tổng thống Nga Putin tuyên bố đã thỏa thuận với OPEC về hạn chế sản lượng. Ông Putin cũng kêu gọi các nước ủng hộ sáng kiến này. Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, Nga và Arập Xêút, hai nước chiếm 21% tổng sản lượng dầu thế giới, đã ký tuyên bố chung về các biện pháp ổn định thị trường dầu.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Novak cho biết thỏa thuận lần này ở Algeria có thể đẩy nhanh quá trình cân bằng cung - cầu trong khoảng 3-6 tháng, nhưng về dài hạn, tất cả phụ thuộc vào sự đồng thuận trong nội bộ OPEC và sự tham gia của Iran vào quá trình bình ổn thị trường. Tuy vậy trong tuyên bố ngày 29-9, ông Novak tuyên bố quyết định của Nga (liên quan đến sản lượng dầu mỏ) sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô và các kế hoạch của doanh nghiệp, nhưng hiện tại Nga sẽ duy trì mức sản lượng đạt được như hiện nay.

Nga không phải là thành viên OPEC và nước này đang có sản lượng khai thác dầu mỏ kỷ lục thế giới, chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Ông Novak khẳng định Nga sẽ theo dõi chặt chẽ thị trường và tiếp tục tham vấn tích cực với các nước thành viên OPEC trong những tháng sắp tới để bảo đảm sự ổn định của thị trường dầu mỏ trên thế giới.

Giới phân tích vẫn hoài nghi về việc OPEC sẽ tuân thủ việc cắt giảm sản lượng khi đang cạnh tranh quyết liệt để giành thị phần trong nội bộ OPEC và với các nước ngoại khối.

Vậy thỏa thuận 28-9 của OPEC có những tác động gì đến thị trường dầu mỏ Trung Quốc? Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế nước này, ngay cả tình trạng tăng giá ngắn hạn cũng là một tin tốt cho các công ty nhà nước trong lĩnh vực khai thác dầu ở quốc gia này, vốn đã phải chịu nhiều thiệt hại do giá dầu thế giới tuột dốc.

Các chuyên gia dự báo rằng việc giá dầu tăng cao trong dài hạn sẽ khiến Trung Quốc giảm lượng nhập khẩu dầu, vốn đã tăng cao trong thời gian gần đây, khi giá dầu xuống thấp. Tuy nhiên họ cũng nói rằng, hãy còn sớm để nói đến những tác động của giá dầu đối với chính sách nhập khẩu dầu của Bắc Kinh, vì hiện tại Trung Quốc đang có nhiều hợp đồng đã được ký kết và đang thực hiện.

Theo số liệu của Cục Hải quan Trung Quốc, trong tháng 8, Nga, Arập Xêút và Oman là ba nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Trung Quốc. Trong tháng 8, Trung Quốc tăng 50% nhập khẩu dầu từ Nga so với cùng kỳ năm ngoái, lên 4,64 triệu tấn; nhập khẩu dầu từ Saudi Arabia tăng 12%, lên 4,36 triệu tấn; nhập khẩu dầu từ Oman vào tháng cũng tăng lên đáng kể - 38% so với cùng kỳ, với 3,56 triệu tấn. Trung Quốc còn có một nhà cung cấp tiếm năng nữa, đó là Iran.

Các chuyên gia cũng cho biết, ngoài sự biến động giá dầu trên thị trường thế giới, chính sách về dầu mỏ của Bắc Kinh còn phụ thuộc rất nhiều vào một yếu tố quan trọng nữa, đó là mức độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong từng giai đoạn. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) giữa tháng 9 đã cảnh báo rằng, Trung Quốc - cường quốc tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới mới là người đang nắm “lá bài sinh tử”, quyết định đến cung - cầu dầu mỏ thế giới. Trung Quốc không phát hành nhiều dữ liệu liên quan đến chi tiết cụ thể kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của mình, nhưng nhập khẩu dầu của Bắc Kinh đã tăng vọt trong năm qua.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak (giữa) trong cuộc họp với các thành viên OPEC tại Algeria ngày 28-9.

Theo ông Jodie Gunzberg, chuyên gia về hàng hóa và tài sản thực tế của S&P, Trung Quốc đã chớp cơ hội giá dầu thô đang rẻ để xây dựng kho dự trữ chiến lược của mình. Bắc Kinh đang trải qua nhiều giai đoạn dự trữ cho kho dự trữ dầu mỏ chiến lược, dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn hai với 245 triệu thùng trước khi kết thúc năm 2016.

Chỉ tính trong 8 tháng đầu năm nay, nhập khẩu dầu của nước này đã tăng 13,5% so với cùng thời gian này vào năm 2015. Một khi đã lấp đầy các kho dự trữ dầu chiến lược của mình thì nhịp độ nhập khẩu dầu của họ sẽ đột ngột giảm đáng kể và thị trường sẽ thừa mứa nghiêm trọng.

Ngân hàng JP Morgan từ vài tháng trước cũng đã ước tính rằng, những nỗ lực lấp đầy kho dự trữ dầu chiến lược của Trung Quốc gần như đã kết thúc. Điều này có thể dẫn đến sự sụt giảm 15% nhập khẩu dầu trong tháng 9 này. Tuy rằng, phải mất một thời gian nữa để kiểm chứng nhận định này, nhưng điều đó chắc chắn là một tin xấu cho thị trường dầu mỏ toàn cầu, khi nhu cầu đột nhiên yếu đi, trong khi nguồn cung lại mạnh lên từ các nước Trung Đông và Bắc Phi.

Kể cả khi OPEC đạt thỏa thuận “đóng băng” sản lượng vào tháng 11 tới, để đẩy giá dầu lên, thì Trung Quốc vẫn có thể “dìm” nó xuống. Bởi vì, Bắc Kinh có thể chọn không mua dầu mỏ với giá cao hơn và chọn sử dụng dầu mỏ trong các kho dự trữ chiến lược của mình, thậm chí còn có thể đem ra xuất khẩu kiếm lời, giống như họ đã từng làm với các hàng hóa khác.

Việc giá dầu có được trở lại như xưa hay nói cách khác là vai trò của OPEC trong điều tiết thị trường dầu mỏ thế giới trong thời gian tới sẽ thế nào cũng còn tùy thuộc vào Mỹ. Nước này đang là mối đe dọa cho một thỏa thuận đóng băng sản lượng dầu của các nước trong và ngoài OPEC. Theo các nhà phân tích, cấu trúc của ngành dầu mỏ và số lượng đông đảo các nhà sản xuất tại Mỹ sẽ không cho phép việc đóng băng sản lượng.

Kể từ năm 2010, nhờ sự bùng nổ sản lượng dầu đá phiến, Mỹ đã chứng kiến mức tăng trưởng sản lượng dầu thô hàng ngày cao hơn bất kỳ nước có dầu mỏ nào trên thế giới. Nếu OPEC đóng băng sản lượng, dầu sẽ tăng giá và khi ấy các giếng dầu của Mỹ lại mở hàng loạt và hậu quả là vàng đen lại rớt giá.

Như vậy có thể thấy con đường trở lại của Nga nhờ dầu tăng giá sẽ còn tùy thuộc rất nhiều vào Mỹ và Trung Quốc chứ không riêng gì quyết định của OPEC. Chưa kể nội bộ OPEC cũng đang rất phức tạp. Mối bất hòa lớn giữa hai thành viên trụ cột của OPEC là Arập Xêút và Iran vẫn chưa được giải tỏa.

Đây chính là lý do khiến hội nghị của khối này vào hồi tháng 4 thất bại khi không đưa ra được thỏa thuận đóng băng sản lượng. Đó là chưa kể nếu một khi đã ký cam kết cắt giảm sản lượng thì liệu tất cả các thành viên của OPEC có thực hiện đúng không hay là ngoài mặt thì chấp thuận nhưng vẫn ngấm ngầm bán dầu mức cũ ra ngoài.

Nếu như trước đây Arập Xêút “nói” thì phần lớn các nước thành viên OPEC đều nghe theo, vì có lợi cho họ, thì nay liệu các nước này có “vâng lời” như trước. Bởi trong hai năm qua, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội tại mỗi nước thành viên OPEC đều có những thay đổi.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.