Nga, Mỹ bắt tay cứu thế giới?

Thứ Ba, 07/04/2020, 20:15
Cuộc khủng hoảng COVID-19 và thị trường dầu khí-chứng khoán đang buộc lãnh đạo các cường quốc thế giới phải đoàn kết lại bất chấp những khác biệt chính trị. Việc Mỹ cần tới Nga một lần nữa minh chứng cho vai trò không thể thiếu của Moscow trong việc giải quyết những vấn đề quốc tế lớn.

Ngày 30-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm kéo dài hàng giờ theo đề xuất từ phía Mỹ. Chủ đề thảo luận của lãnh đạo hai cường quốc thế giới là vấn đề đại dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng thị trường năng lượng và cú sốc kinh tế mà hai cuộc khủng hoảng này gây ra. Mỹ hiện là quốc gia có số người nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới và số người tử vong vì dịch bệnh này chỉ đứng sau Italy, Tây Ban Nha và trước Trung Quốc.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang bên bờ vực suy thoái, từ một tháng qua, Nga và Arab Saudi lại lao vào cuộc chiến dầu mỏ khiến giá dầu lao dốc không phanh, đẩy nhiều thị trường chứng khoán rơi vào khủng hoảng.

Máy bay vận tải Nga chở trang thiết bị y tế hạ cánh xuống sân bay quốc tế John F. Kennedy (Mỹ) ngày 1-4.

Dù không bị chỉ đích danh nhưng các nhà sản xuất dầu mỏ Mỹ cũng thấy có lỗi trong chuyện này và nếu Nga cùng Arab Saudi cứ kéo dài trận chiến này mãi sẽ khiến tất cả “chết chùm”. Bằng chứng là do giá dầu giảm sâu, tập đoàn dầu khí đá phiến Whiting của Mỹ ngày 1-4 đã nộp đơn xin phá sản.

Whiting từng là nhà sản xuất dầu thô lớn nhất tại bang Bắc Dakota (khu vực sản xuất dầu thứ hai tại Mỹ). Trước tình hình này, theo AP, Tổng thống Donald Trump hẹn gặp ông chủ của các tập đoàn dầu mỏ Hoa Kỳ tại Nhà Trắng vào ngày 3-4 để thảo luận về tình trạng hiện nay. Cuộc gặp này do nhóm vận động hành lang bảo vệ lợi ích của ngành năng lượng, Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) tổ chức.

"Khí đốt tự nhiên và dầu mỏ rất quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế của đất nước và thông điệp mà ngành công nghiệp muốn gửi tới chính quyền dựa trên các biện pháp đang thực hiện trong thời điểm khó khăn này", một quan chức của API nói.

Theo thông báo của Điện Kremlin, trong cuộc nói chuyện qua điện thoại ngày 30-3, hai tổng thống Putin và Trump đã đồng ý cho tổ chức một cuộc gặp giữa lãnh đạo ngành năng lượng hai bên để thảo luận về thị trường dầu mỏ thế giới đang sụp đổ. Tối cùng ngày, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nói: "Chúng tôi đều không muốn phá hủy ngành công nghiệp dầu khí", ông cũng tuyên bố sẽ tham gia quá trình đàm phán cùng Nga và Saudi Arabia khi cần thiết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã có các cuộc nói chuyện "tuyệt vời" với Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman và Tổng thống Nga Vladimir Putin. “Có lẽ, ông Trump muốn kéo Nga ngồi vào bàn đàm phán với Arab Saudi hoặc thậm chí Mỹ có thể nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Nga”, ông Stephen Innes, chuyên gia phân tích thị trường tại AxiTrader, nói.

Một ngày sau cuộc nói chuyện qua điện thoại giữa hai ông Trump và Putin, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ D. Bruyett đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với người đồng cấp Nga A. Novak. Hai bên đã thảo luận về tình hình hiện nay trên thị trường dầu và đồng ý tiếp tục đối thoại trong khuôn khổ G-20 nhằm tìm ra giải pháp ổn định thị trường. Những thông tin trên đã khiến giá dầu ngày 2-4 tăng đáng kể, cả dầu Brent và WTI đều tăng hơn 10%, mặc dù các lãnh đạo hai nước Nga-Mỹ chưa hứa hẹn gì cụ thể.

Ngoài hợp tác bình ổn thị trường năng lượng, tổng thống Nga và Mỹ cũng đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến thương mại, cuộc chiến chống lại COVID-19. Ông Trump nhấn mạnh, do những cáo buộc vô nghĩa rằng Moscow đã giúp ông chiến thắng trong cuộc bầu cử 2016 khiến thương mại giữa hai nước bị tổn hại nghiêm trọng.

Tuyên bố của Điện Kremlin ngày 31-3 nêu rõ: "Các nhà lãnh đạo đã bày tỏ lo ngại về quy mô lây lan của SARS-CoV-2 mới trên toàn thế giới... và thảo luận hợp tác chặt chẽ hơn nhằm ứng phó với COVID-19". Nhà Trắng cũng ra tuyên bố nêu rõ Tổng thống Trump và Tổng thống Putin đã "nhất trí phối hợp chặt chẽ hơn thông qua Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đối phó với dịch COVID-19 và cú sốc kinh tế.

Chính quyền Nga ngày 2-4 chính thức cho biết đã có 3.548 ca nhiễm COVID-19. Thủ tướng Nga Mikhail Michoustine thông báo chi 1.400 tỷ rúp (tương đương với khoảng 16,2 tỷ euro) để chống dịch và hỗ trợ kinh tế đất nước.

Ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga nói rằng chiều ngày 1-4, một chiếc máy bay của không quân Nga chở trang thiết bị y tế và khẩu trang đã đáp xuống phi trường New York. Đây là hình ảnh đã được phái bộ Nga bên cạnh Liên Hợåp quốc loan tải rộng rãi.

Trên Twitter, Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo cho biết “Chúng ta phải cùng nhau đẩy lui dịch COVID-19. Đây là lý do vì sao Mỹ chấp nhận mua trang thiết bị bảo hộ của Nga, những mặt hàng mà Hoa Kỳ đang cần có một cách khẩn cấp”. Ông Pompeo nhắc lại một nội dung cuộc điện giữa các Tổng thống Putin và Trump trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong bối cảnh đại dịch hoành hành.

Trong khi Nga-Mỹ có vẻ đang xích lại gần nhau trên nhiều mặt trận thì dịch bệnh COVID-19 đang khiến quan hệ Âu-Mỹ xa cách cả về chính trị và cảm xúc. Cuộc họp qua cầu truyền hình của ngoại trưởng các nước nhóm G7 ngày 25-3 đã làm bộc lộ rõ hơn những bất đồng giữa Hoa Kỳ và các nước châu Âu. Hội nghị đã kết thúc mà không ra được thông cáo chung.

Trong cuộc họp, Ngoại trưởng Pompeo một mình thúc đẩy việc sử dụng thuật ngữ “virus Vũ Hán” để đổ lỗi cho Trung Quốc. Về phần mình, Ngoại trưởng Pháp, Jean-Yves Le Drian, nhấn mạnh là “cần chống lại mọi hành động biến cuộc khủng hoảng thành công cụ để thực hiện mục tiêu chính trị”. Hồi đầu tháng 3, Mỹ đã cho đóng cửa không phận đối với các chuyến bay từ 26 quốc gia khu vực Schengen, gây phản ứng bất bình từ Liên minh châu Âu.

Ngày 12-3, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu gọi biện pháp nói trên của Mỹ là một quyết định “được đưa ra một cách đơn phương và không có sự tham khảo ý kiến”. Việc Mỹ không áp dụng biện pháp đóng cửa không phận đối với các chuyến bay từ Vương quốc Anh càng cho thấy rõ ý đồ trừng phạt có chọn lọc của Washington mang tính chính trị.

Thêm vào đó, chính quyền Mỹ đã không thể hiện tình đoàn kết tương thân tương ái cơ bản đối với các đối tác châu Âu khi các quốc gia này phải vất vả đối phó với đại dịch COVID-19. Trong khi đó, ông Trump lại gửi thư cho một số nhà lãnh đạo châu Á để đề nghị hỗ trợ trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.