Nga, Mỹ bắt tay nhau "ổn định chiến lược"

Thứ Ba, 22/06/2021, 16:13
Trang tin chính thức của Điện Kremlin tối 16-6 (giờ Moscow) đã đăng Tuyên bố chung của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden về ổn định chiến lược sau cuộc gặp của 2 nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới này. Cuộc gặp diễn ra tại biệt thự La Grange được xây dựng từ thế kỷ 18, nhìn ra hồ Geneva, Thụy Sĩ nhận được sự quan tâm đặc biệt của thế giới.

Tuyên bố chung khẳng định Nga và Mỹ đã chứng minh được rằng ngay cả trong thời điểm căng thẳng, hai bên vẫn có thể đạt được tiến bộ trong việc thực hiện các mục tiêu chung để đảm bảo khả năng có thể dự đoán trong lĩnh vực chiến lược và giảm thiểu rủi ro xung đột vũ trang cũng như nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Tuyên bố chung có đoạn: "Việc gia hạn Hiệp ước START gần đây là một minh chứng cho cam kết của chúng tôi trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân. Hôm nay, chúng tôi tái khẳng định nguyên tắc sẽ không thể có kẻ chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và (do đó) không bao giờ được để cuộc chiến đó xảy ra".

Theo nội dung bản tuyên bố chung, để đạt được những mục tiêu này, Nga và Mỹ sẽ sớm khởi động một cuộc đối thoại song phương toàn diện, thực chất và năng động về ổn định chiến lược. Thông qua cuộc đối thoại này, hai nước mong muốn tạo nền tảng cho việc kiểm soát vũ khí và cho các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong tương lai.

Trong khuôn khổ hội nghị, Tổng thống V. Putin cho rằng những mối lo ngại của Mỹ đối với hành động quân sự hóa Bắc Cực của Nga là vô căn cứ, đồng thời nhấn mạnh ông chắc rằng Moscow và Washington có thể hợp tác tại khu vực này. Cả hai bên cùng cho biết đã có những trao đổi về thỏa thuận trao đổi tù nhân và có thể sẽ đưa ra "những thỏa hiệp" liên quan.

Không gian cuộc gặp Thượng đỉnh Nga - Mỹ tại lâu đài La Grange được cho là rất phù hợp.

Tổng thống Nga Putin cho biết ông nhận thấy một "thoáng hy vọng" về sự tin tưởng lẫn nhau với Mỹ, song nhấn mạnh những động thái của Washington nhằm rút khỏi các hiệp định kiểm soát vũ khí cho thấy tình trạng không thể đoán định của hy vọng này. Phát biểu sau hội nghị, Tổng thống Putin đã mô tả người đồng cấp Mỹ là một đối tác xây dựng và giàu kinh nghiệm. Hai nhà lãnh đạo đã "nói cùng một ngôn ngữ" tại cuộc hội đàm mang tính thực chất và thành công. Tuy vậy, ông Putin cho rằng khó có thể khẳng định về khả năng cải thiện quan hệ song phương.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng bày tỏ tin tưởng rằng người đồng cấp Nga không muốn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, đồng thời cho biết ông đã yêu cầu Tổng thống Putin rằng cơ sở hạ tầng then chốt phải "nằm ngoài phạm vi" của những cuộc tấn công mạng. Ông Biden khẳng định những cuộc thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa ông và người đồng cấp Nga là "tích cực", mặc dù không quên đưa ra những chủ đề nóng, còn khúc mắc giữa hai bên.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho rằng hội nghị vừa qua không thể ngay lập tức cải thiện được mối quan hệ giữa Washington và Moscow nhưng tinh thần chung của cuộc gặp là thẳng thắn, xây dựng, không khiêu khích và thực tế. Cũng theo quan chức này, Washington không có được cam kết từ Moscow đối với các hoạt động viện trợ xuyên biên giới của Liên Hợp quốc ở Syria.

Trong một động thái khác, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov xác nhận Đại sứ Nga tại Mỹ sẽ quay trở lại Washington vào cuối tháng 6 này. Phát biểu trước báo giới, ông Ryabkov nói "Rất nhanh thôi, Đại sứ Anatoly Ivanovich (Antonov) đã chuẩn bị hành lý và sẵn sàng lên đường ngay lúc này... Tôi cho rằng, trước cuối tháng này, Đại sứ Antonov chắc chắn sẽ trở lại Washington".

Nga đã triệu Đại sứ Antonov về nước để tham vấn sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 3 đưa ra chỉ trích không hay về người đồng cấp Nga. Sau đó, Mỹ cũng triệu Đại sứ John Sullivan về Washington để tham vấn.

Huy Thắng (tổng hợp)
.
.