Nga chú trọng an ninh năng lượng trước Hội nghị G-8

Thứ Hai, 08/05/2006, 13:00

Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển và Nga (G-8) năm nay sẽ được tổ chức tại St Peterburg. Mặc dù hội nghị  đến tháng 7 mới diễn ra nhưng những vấn đề lớn đã và đang được chuẩn bị tích cực. Trong đó, vấn đề an ninh năng lượng được nước chủ nhà muốn đưa lên hàng đầu trong chương trình nghị sự.

Hội nghị các bộ trưởng năng lượng G-8 mới đây cho thấy, vấn đề an ninh năng lượng không chỉ là mối quan tâm riêng của Nga mà còn của hầu hết các nước công nghiệp phát triển. Moscow coi năng lượng của Nga là vốn an ninh quốc gia và nêu ra vấn đề an ninh năng lưọng như là nội dung thảo luận số 1 của Hội nghị Thượng đỉnh G-8 sắp tới. Trong khi đó, Mỹ cũng nhấn mạnh an ninh năng lượng là một bộ phận quan trọng trong an ninh quốc gia Mỹ.

Tuy có quan điểm chung là coi an ninh năng lượng thuộc an ninh quốc gia nhưng mỗi nước có chiến lược riêng của mình, và tất nhiên là xuất phát từ vị thế, nhu cầu và lợi ích dân tộc của họ.

Kremli chắc chắn muốn bảo vệ chủ quyền của mình về nguồn năng lượng dầu mỏ khổng lồ và là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thế giới, mặc dù không phải là thành viên của OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ). Nga đang sở hữu 20% lượng khí đốt tự nhiên, sản xuất 16% tổng sản lượng khí đốt toàn cầu, cung cấp cho 25% thị trường châu Âu. Moscow không muốn nới lỏng kiểm soát đối với ngành công nghiệp dầu khí vốn là ưu thế to lớn hiện nay của Nga đối với thế giới, nhất là các nước châu Âu. Năng lượng là con át chủ bài của Nga hiện nay và cả trong tương lai.

Còn Washington và Liên minh châu Âu (EU) không muốn bị Nga khống chế trong lĩnh vực an ninh năng lượng. Trong khi biết nhắm tới kiểm soát nguồn dầu khi Trung Đông là không dễ dàng thì phương Tây muốn gây sức ép đối với Nga. Mỹ và EU cho rằng giải pháp dựa vào thị trường là "năng động và đáng tin cậy hơn" và đòi Nga phải tư nhân hoá ngành công nghiệp dầu khí.

Liên minh châu Âu kêu gọi Nga mở cửa tự do cho các nước phương Tây tham gia mạng lưới đường ống dẫn dầu của Nga. Nếu Nga đồng ý tư nhân hoá ngành công nghiệp dầu khí và mở cửa cho Mỹ và các nước phương Tây nhảy vào đầu tư thì kết quả là ai cũng biết.

Mỹ và EU được cho là có sự nhìn nhận an ninh năng lượng từ góc độ có nguồn cung bảo đảm qua những biến động chính trị. Washington hiện có quan niệm cho rằng, Nga đang dùng năng lượng làm đòn bẩy chủ yếu cho chính sách đối ngoại để nâng tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Trong khi đó, Nga đưa ra yêu cầu việc bảo đảm an ninh năng lượng phải từ cả hai phía: phía cung cấp và phía tiêu thụ. Nga cho rằng an ninh năng lượng phải bao hàm cả việc bảo đảm an ninh nhu cầu, nghĩa là các công ty Nga phải được đầu tư vào hệ thống phân phối ở châu Âu và Mỹ và mua lại các tài sản trong khu vực năng lượng. Moscow cũng đòi EU và Mỹ phải tự do hoá thị trường năng lượng của chính họ.

Nga hiểu rõ ưu thế nguồn năng lượng dầu khí của mình đang có sức hấp dẫn đối với thế giới

Nguyễn Khắc Đức
.
.