Nga đang vào Iraq bằng “cổng lớn”
Trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ra lệnh cho Lầu Năm Góc cắt giảm quân số Mỹ tại Afghanistan và Iraq xuống mức thấp nhất trong gần 2 thập niên kể từ khi Washington đưa quân vào hai chiến trường này. Quyết định này đã đưa ông Trump tiến gần hơn đến việc hiện thực hóa cam kết cách đây 4 năm, đó là khép lại những cuộc chiến “bất tận” của Mỹ ở nước ngoài. Theo đó, trước ngày 15-1-2021, Lầu Năm Góc sẽ cắt giảm quân số Mỹ tại Afghanistan từ 4.500 xuống 2.500 và quân số tại Iraq từ 3.000 xuống 2.500.
Mỹ triển khai quân tới Iraq từ năm 2003 với lý do "loại bỏ vũ khí hóa học của chính quyền Tổng thống Saddam Hussein", người cũng bị Washington cáo buộc "hỗ trợ các phần tử khủng bố Al-Qaeda". Nhiều năm sau thời điểm chính quyền Tổng thống Saddam Hussein sụp đổ, phương Tây thừa nhận không có bằng chứng về cái gọi là "vũ khí hóa học" ở Iraq. Đất nước chìm vào cuộc xung đột giáo phái tàn khốc, với hậu quả hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng. Hơn 20.000 binh sĩ Mỹ được bổ sung đến Iraq để duy trì trật tự, song khủng bố, bạo lực, xung đột vẫn là câu chuyện thường nhật ở Iraq, chưa kể các vị trí của quân Mỹ trở thành mục tiêu tấn công.
Phái đoàn Iraq do Ngoại trưởng Fouad Hussein dẫn đầu đàm phán với phái đoàn Nga. |
Có thể nói, những gì đang diễn ra ở Iraq không hoàn toàn giống như tuyên bố của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chris Miller, cho rằng Mỹ đã đạt được các mục tiêu đề ra, đó là "đánh bại các phần tử Hồi giáo cực đoan và hỗ trợ lực lượng an ninh sở tại nắm giữ vai trò đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực".
Công bằng mà nói, từ nhiều năm qua, Mỹ giúp Iraq khá nhiều trong gìn giữ an ninh nhưng những gì binh lính Mỹ gây ra cho người dân Iraq không ít. Nhiều vụ ném bom nhầm của quân Mỹ khiến người dân vô tội chết oan, khiến một bộ phận người dân bất bình phản đối, đòi Quốc hội Iraq phải ép buộc chính phủ “đuổi” lính Mỹ về nước.
Trong khi đó, người Nga không tham chiến như Mỹ nhưng đã xóa khoản nợ 12,9 tỷ USD cho Iraq vào năm 2008 và bắt đầu quan hệ năng lượng với Baghdad thông qua một thỏa thuận 4 tỷ USD với Iraq với hy vọng sẽ bù đắp cho sự rạn nứt trong quan hệ song phương do để xảy ra cuộc chiến Iraq năm 2003.
Người Nga kể từ đó đã hiểu được họ đã chậm chân trong việc tham gia vào lĩnh vực năng lượng của Iraq, phần lớn trong số đó nằm trong khu vực khu tự trị Kurdistan. Hai công ty dầu mỏ lớn nhất của Nga, Lukoil và Gazprom, mãi đến năm 2012 mới bắt đầu quan hệ năng lượng với Iraq bằng việc ký kết các hợp đồng dầu với chính phủ tự trị của người Kurd ở Iraq.
Bất chấp sự phản đối của Baghdad đối với hợp đồng dầu mỏ của một số công ty Nga với chính quyền người Kurd vào năm 2017, công ty Russia Oil đã ký hợp đồng trị giá 3,5 tỷ USD với khu vực Kurdistan của Iraq để mở rộng xuất khẩu dầu của Iraq sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Về cấp độ quân sự, Moscow và Baghdad đã ký một hợp đồng lớn trị giá 4 tỷ 200 triệu USD vào năm 2015 để bán 40 máy bay trực thăng chiến đấu tiên tiến của Nga "MI 35", "MI 28" và điều này diễn ra trong bối cảnh Iraq đang chiến đấu toàn lực với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhưng đến nay Iraq chỉ có thể nhận được 4 máy bay trong số đó.
Giờ đây, Hoa Kỳ đang ngăn cản Iraq mua các hệ thống phòng thủ và radar tiên tiến từ Nga, bao gồm cả S-300 và S-400, một lối can thiệp đã làm dấy lên phản đối từ các thành viên Quốc hội Iraq. Các chuyên gia Iraq tin rằng việc Baghdad tiếp cận các hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga sẽ hạn chế quyền tự do hành động của Mỹ trên bầu trời Iraq và đưa nước này đến gần hơn với người Nga về mặt quân sự, điều này rõ ràng sẽ không giúp ích được gì cho quân đội Hoa Kỳ, vốn đang bị các nhóm vũ trang kháng chiến ở Iraq gây áp lực nặng nề. Tuy nhiên, chuyến thăm của Ngoại trưởng Iraq Fouad Hussein tới Nga đã mở ra một cánh cổng mới.
Tại cuộc họp báo hôm 25-11, ông Fouad Hussein cho biết đã đàm phán về các vấn đề quân sự và vũ khí với người đồng cấp Nga, Sergey Lavrov. Khi được hỏi về ý định mua các hệ thống phòng thủ của Moscow, Ngoại trưởng Iraq cho biết Bộ trưởng Quốc phòng, tướng Juma Anad Saadoun sẽ sớm đến thăm Moscow để thảo luận chi tiết về hợp tác quân sự.
Nga đã lựa chọn đúng thời điểm của mình: một nước Mỹ đang chia rẽ và đang trong quá trình chuyển giao quyền lực nên không thể phản đối người Nga bán S-400 cho Iraq hay tìm cách mở rộng sự hiện diện của Mỹ trong lĩnh vực năng lượng. Một số người thậm chí còn nói rằng thời điểm được Nga lựa chọn là nhờ có sự tham vấn của quân kháng chiến Iraq mà Moscow có quan hệ ngày càng sâu sắc hơn. Những mối liên hệ này tiếp tục củng cố vị trí của Nga trong bối cảnh Iraq, đặc biệt là vì ủy ban chống khủng bố gồm 4 bên gồm Nga, Iran, Iraq và Syria đã không còn hoạt động hiện nay và điều này có lợi cho phía Mỹ.
Trong lĩnh vực kinh tế, Nga đang cố gắng tăng cường sự hiện diện của mình tại thị trường Iraq, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và thương mại, đã kiếm được thị phần lớn hơn trước. Ngoài ra, việc mở rộng hợp tác năng lượng và thương mại cũng là một trong những trục chính cần được tuân thủ trong quá trình đàm phán của hai bên, đặc biệt là khi Bộ trưởng Dầu mỏ và Thương mại Iraq tháp tùng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iraq.
Trong chuyến thăm này, Iraq và Nga cũng đã ký 14 biên bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế và lộ trình thực hiện các nội dung của những bản ghi nhớ này. Điều này cho thấy quyết tâm của hai nước trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế và thương mại. Và nó cho thấy Nga không chỉ quan hệ với khu tự trị người Kurd mà giờ với chính quyền Iraq qua cổng lớn!