Chuyến thăm Syria của Tổng thống Dmitri Medvedev:

Nga mở rộng ảnh hưởng tại Trung Đông

Thứ Năm, 20/05/2010, 08:30
Trong khuôn khổ chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Nga Dmitri Medvedev tới Syria đã thu hút được sự chú ý đặc biệt. Ý nghĩa của chuyến thăm này chắc chắn không chỉ gói gọn trong việc phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác song phương Moskva - Damas trên rất nhiều lĩnh vực, mà còn được nhìn nhận như một nỗ lực của Nga nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình tại khu vực Trung Đông.

Chuyến công du lần này của Tổng thống Medvedev chính là lần đặt chân đầu tiên tới Syria của một nguyên thủ nước Nga thời hậu Xôviết. Sau khi Liên Xô sụp đổ, mối quan hệ hợp tác khăng khít với Damask - được gây dựng từ thời Hafez Assad, cha của đương kim Tổng thống Bashar Assad - đã bị lạnh nhạt đi đáng kể.

Tuy nhiên, Moskva vẫn giữ được mối quan hệ tương đối gần gũi với quốc gia tại Trung Đông này, trước kia từng được Liên Xô giúp đỡ rất nhiều với hy vọng định hướng họ phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là lý do để Tổng thống Medvedev có thể khẳng định về một trang mới trong quan hệ giữa hai nước, ngay sau cuộc hội đàm với Tổng thống Assad: "Chúng ta có nhiều trang sử tốt và vẻ vang. Đó từng là sự giúp đỡ chí tình trong công cuộc xây dựng, đào tạo nhiều chuyên gia dưới thời Liên Xô. Chúng tôi cho rằng, những mối quan hệ trong quá khứ này chính là nguồn vốn quí báu chung".

Trong khuôn khổ cuộc họp báo ngay sau cuộc hội đàm, nguyên thủ hai nước đã khẳng định quyết tâm phát triển quan hệ thương mại kinh tế, cũng như hợp tác trong các vấn đề quốc tế. Trong tuyên bố chung, Moskva và Damas cùng thỏa thuận ít nhất mỗi năm một lần sẽ tổ chức các chuyến viếng thăm của nguyên thủ hai nước, cũng như tổ chức nhiều hoạt động hợp tác song phương ở cấp bộ và cơ quan chính phủ. Trong lĩnh vực kinh tế, hai bên đều khẳng định sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư trong các dự án cơ sở hạ tầng, dầu khí, chuyển tải khí đốt, điện năng, phát triển lĩnh vực vận tải đường không và đường sắt, viễn thông, du lịch, bảo vệ môi trường v.v...

Hai nguyên thủ đã dành một thời lượng đáng kể để bàn bạc về tình hình Trung Đông. Qua đó, Tổng thống Medvedev khẳng định Nga sẽ nỗ lực hơn nữa nhằm giúp khôi phục lại tiến trình hòa bình Trung Đông. Cả hai bên thống nhất với quan điểm cho rằng, Trung Đông cần phải trở thành một khu vực phi hạt nhân, do bất kỳ bước phát triển nguy hiểm nào trong lĩnh vực này đều có thể dẫn tới một thảm họa mang tính toàn cầu.

Liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran, hai bên nhấn mạnh bất kỳ quốc gia nào cũng có quyền phát triển năng lượng hạt nhân phục vụ cho mục đích hòa bình, nhưng nhất thiết phải trên cơ sở tuân thủ những nguyên tắc quốc tế hiện hữu về vấn đề này. Moskva - Damas cho biết luôn phấn đấu và ủng hộ cho giải pháp đối thoại mang tính xây dựng giữa cộng đồng quốc tế với Tehran.

Syria khẳng định sẵn sàng có một vài thỏa hiệp để có thể thiết lập được hòa bình trong khu vực, nhưng với điều kiện Israel phải trao trả lại cho họ toàn bộ phần lãnh thổ đã chiếm đóng trái phép tại cao nguyên Golan. Lý giải cho nỗ lực xóa bỏ vai trò "độc quyền" của Mỹ trong tiến trình hòa bình Trung Đông, Tổng thống Medvedev lại "nhắc khéo" rằng, Washington cần có một quan điểm tích cực hơn để có thể giải quyết vấn đề này. 

Tuy nhiên, những thỏa thuận mới trong hợp tác quân sự giữa Nga và Syria mới là vấn đề thu hút sự quan tâm, đặc biệt là từ phía Israel. Theo những thỏa thuận sơ bộ được ký kết trong chuyến thăm này, Nga sẽ bán cho Syria một loạt máy bay tiêm kích phản lực, trực thăng, các hệ thống phòng không và chống tăng hiện đại.

Cụ thể, Damas sẽ nhận được một loạt máy bay tiêm kích MiG-29 (được coi là đối thủ chính của loại máy bay F-16 của Mỹ, đang đóng vai trò chủ chốt trong biên chế của không quân Israel), các hệ thống pháo - tên lửa phòng không tầm ngắn hiện đại nhất Pantsir-S1. Tất cả những hợp đồng trên, theo như Tổng thống Medvedev, đang bước vào giai đoạn hoàn tất.

Israel ngay lập tức đã bày tỏ mối lo ngại thực sự liên quan đến thương vụ này. Bộ trưởng Ngoại giao Avigdor Liberman của Israel đã lên tiếng chỉ trích quyết định trên của Moskva, cho rằng bước đi trên không thể giúp thúc đẩy được tiến trình hòa bình tại Trung Đông. Tel-Aviv viện cớ rằng, những vũ khí được Nga cung cấp cho Syria rất có thể sẽ rơi vào tay lực lượng Hezbollah tại Liban. Hơn thế nữa, tờ Haaretz của Israel còn đoán già đoán non rằng, thương vụ mua vũ khí Nga của Syria thực ra chỉ là "đòn giật dây" từ Iran, phía đã bí mật cung cấp tiền cho Damas để tăng cường tiềm lực quân sự của mình.

Tất cả những lý lẽ trên đều không thể che giấu được ý đồ chính của Tel-Aviv, đang lo ngại sẽ đánh mất ưu thế áp đảo về không quân và vũ khí công nghệ cao của mình. Cần biết là bản thân Syria hiện cũng đang sở hữu vài chục tổ hợp phòng không Pantsir-S1, cùng với gần 50 chiếc tiêm kích MiG-29.

Thương vụ mới được ký kết với Nga lần này chắc chắn sẽ tăng cường đáng kể tiềm lực quân sự của Damas, làm thay đổi cán cân sức mạnh quân sự tại khu vực Trung Đông, từ trước vẫn luôn nghiêng về phía Israel. Chưa kể theo báo chí Israel, Syria còn đang nỗ lực thuyết phục Nga bán cho họ một loạt những vũ khí mạnh mẽ và hiện đại hơn như máy bay đánh chặn MiG-31E, tổ hợp tên lửa phòng không S-300, tên lửa tác chiến - chiến thuật Iskander v.v...

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.