Nga ráo riết tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng Venezuela

Thứ Tư, 08/05/2019, 14:53
Chính quyền Nga đang can thiệp ở mọi cấp độ, mọi diễn đàn để tìm kiếm một lối thoát ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia đồng minh Venezuela. Nói như Ngoại trưởng Sergei Lavrov: Nga sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn bè, đối tác.

Cuộc khủng hoảng kinh tế kéo theo chính trị tại Venezuela đã có từ mấy năm nay. Nga luôn đồng hành cùng chính quyền ông Hugo Chavez trước đây và giờ là Tổng thống Nicolas Maduro bởi Venezuela vừa là đồng minh, vừa là đối tác kinh tế quan trọng của Nga ở Nam Mỹ.

Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela hiện nay, Nga luôn khẳng định lập trường trước sau như một và mong muốn tìm một giải pháp hòa bình cho quốc gia này, đồng thời kêu gọi các nước khác không nên can thiệp vào công việc nội bộ mà hãy để người Venezuela tự giải quyết vấn đề của họ.

Tuần qua, tình hình tại Venezuela đã căng thẳng trở lại với âm mưu lật đổ chính quyền của phe đối lập và nhất là sức ép từ phía Mỹ lên Tổng thống Maduro. Sự can thiệp từ bên ngoài vào tình hình Venezuela khiến Nga không thể ngồi yên. Chỉ trong mấy ngày qua, hàng loạt động thái ngoại giao ở cấp cao nhất đã được Moscow đưa ra.

Ngày 3-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã nói chuyện qua điện thoại trong một tiếng rưỡi, thảo luận rất nhiều chủ đề trong chương trình nghị sự quốc tế, trong đó đặc biệt là về cuộc khủng hoảng Venezuela. Phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov cho biết trong cuộc trao đổi này Tổng thống Nga nói rằng những cố gắng can thiệp của Hoa Kỳ vào các vấn đề nội bộ của Venezuela và âm mưu lật đổ chính quyền ở đây đã phá hỏng một giải pháp chính trị có thể giải quyết tình hình ở Venezuela.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (bên phải) và người đồng cấp Venezuela, ông Jorge Arreas.

Ông nhấn mạnh rằng chỉ người dân Venezuela mới có thể quyết định tương lai của đất nước họ. Về phần mình, Tổng thống Mỹ cho biết, theo phát ngôn viên của Nhà Trắng, rằng Mỹ ủng hộ người dân Venezuela.

Ngày 2-5, tại diễn dàn Liên Hiệp Quốc (LHQ), Nga tìm cách thành lập một nhóm các quốc gia trong LHQ chống lại sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Venezuela. "Chúng tôi đang huy động các quốc gia, giống như Nga, biết tôn trọng điều lệ của LHQ, để chống lại các kế hoạch tương tự như của Mỹ với Venezuela hiện nay. Một nhóm như vậy đang được thành lập tại LHQ và tôi hy vọng rằng nhóm sẽ nhận được sự ủng hộ nghiêm túc từ các tổ chức quốc tế, bởi vì không thể để một nước nào đó bóp méo các chuẩn mực cơ bản và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, như chúng được viết trong Hiến chương LHQ", ông Lavrov nói với các phóng viên khi được hỏi về phản ứng của Nga trước khả năng can thiệp của Hoa Kỳ vào công việc nội bộ của Venezuela.

Trước đó vào ngày 1-5, Ngoại trưởng Lavrov và người đồng cấp Mỹ Pompeo đã có một cuộc đàm thoại căng thẳng về tình hình Venezuela, nơi Mỹ đang cố lật đổ tổng thống được Nga ủng hộ là Nicolas Maduro. Ông Pompeo nói sự giúp đỡ của Nga đối với Tổng thống Maduro "gây bất ổn" cho Venezuela. Đáp lại, Ngoại trưởng Lavrov cáo buộc "ảnh hưởng tiêu cực" của Mỹ đã "vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế".

Dự kiến hai nhà ngoại giao này sẽ còn gặp nhau bên lề cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực tại thành phố Rovaniemi phía bắc Phần Lan trong tuần này. Hai ngoại trưởng sẽ thảo luận về "một loạt vấn đề", trong đó có những bất đồng giữa hai nước liên quan tới cuộc khủng hoảng Venezuela.

Trong cuộc tiếp Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza đến thăm Moscow ngày 5-5, Ngoại trưởng Lavrov nói rằng: “Venezuela là đối tác đáng tin cậy lâu năm của chúng tôi và hôm nay, khi một chiến dịch hoàn toàn vô trách nhiệm được phát động chống lại nhà nước có chủ quyền này nhằm lật đổ chính phủ hợp pháp, chúng tôi đã tái khẳng định sự đoàn kết của chúng tôi với chính phủ và người dân Venezuela”.

Ông Lavrov lấy làm tiếc về sự hiện diện của các mối đe dọa nguy hiểm đang nhắm tới Venezuela, trước hết là từ Washington, khi mà các quan chức Mỹ luôn nhấn mạnh tất cả các lựa chọn đã được đặt trên bàn nghị sự.

"Chúng tôi đưa ra một kết luận buồn rằng các thảm kịch ở Nam Tư, Iraq, Libya, Syria và Ukraine đã không mang lại những bài học mà đáng lẽ Mỹ và một số nước phương Tây khác phải học. Chúng tôi nhất trí với các đối tác Venezuela rằng bất kỳ việc sử dụng vũ lực nào, bỏ qua Hiến chương LHQ, bỏ qua các quyết định của Hội đồng Bảo an LHQ, đều gây ra hậu quả tai hại cho toàn bộ cấu trúc hiện tại của nền an ninh quốc tế. Người dân Venezuela chỉ có thể tự quyết định số phận của mình thông qua một cuộc đối thoại hòa bình trong khuôn khổ hiến pháp của đất nước và về vấn đề này, chúng tôi tin chắc rằng phần lớn các thành viên của cộng đồng thế giới ủng hộ một giải pháp chính trị và ngoại giao cho cuộc khủng hoảng nội bộ Venezuela", Ngoại trưởng Nga nói tiếp.

Theo ông Lavrov, trong điều kiện hiện nay "cần thực thi vô điều kiện mà không ngoại trừ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế được ghi trong Hiến chương LHQ, chẳng hạn như không can thiệp vào các vấn đề nội bộ, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia thành viên, không sử dụng vũ lực, đe dọa...".

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình Mỹ ABC ngày 5-5, khi được hỏi về khả năng can thiệp của quân đội Hoa Kỳ vào Venezuela, Ngoại trưởng Mike Pompeo xác nhận rằng Chính phủ Mỹ đang chuẩn bị các kịch bản khác nhau, "để khi tình hình xảy ra, chúng tôi không bị bất ngờ". "Chúng tôi có các giải pháp ngoại giao, chính trị và cuối cùng là các lựa chọn có sự tham gia của quân đội Mỹ", Ngoại trưởng Pompeo nói thêm.

Khi được nhà báo hỏi rằng liệu Tổng thống Trump có thể can thiệp vào Venezuela mà không cần sự chấp thuận của quốc hội hay không, Ngoại trưởng Mỹ nói rằng Tổng thống Donald Trump "có đủ thẩm quyền theo Điều 2 của Hiến pháp" và ông hoàn toàn tin tưởng rằng bất kỳ hành động nào mà Tổng thống Mỹ thực hiện ở Venezuela đều sẽ là "hợp pháp".

Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm bàn về tình hình Venezuela, ngày 2-5.

Chuyến thăm Moscow của Ngoại trưởng Arreaza diễn ra chỉ vài ngày sau khi phe đối lập Venezuela tiến hành cuộc đảo chính bất thành. Vào ngày 4-5, trong một cuộc phỏng vấn với The Washington Post, lãnh đạo đối lập ở Venezuela, ông Juan Guaido, thừa nhận nỗ lực lật đổ ông Nicolas Maduro (tổng thống hợp pháp của đất nước) đã thất bại do thiếu sự hỗ trợ từ quân đội Venezuela và không loại trừ khả năng ông sẽ đồng ý với đề nghị của Hoa Kỳ về việc bắt đầu một cuộc can thiệp quân sự nước ngoài vào Venezuela nếu Washington đề xướng.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela nói: "Chúng ta phải dùng các phương pháp văn minh. Chúng tôi đề xuất một cuộc đối thoại với Hoa Kỳ và phe đối lập Venezuela". Theo ông Jorge Arreaza, cộng đồng quốc tế nên là người bảo đảm cho cuộc đối thoại giữa những người Venezuela.

"Họ (các tác nhân bên ngoài) không nên đe dọa chúng tôi bằng việc sử dụng vũ lực. Chúng tôi hy vọng rằng chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ sẽ thay đổi hướng đi, không chỉ liên quan đến Venezuela mà còn cả với các quốc gia khác mà họ đang chống lại. Chúng tôi hy vọng họ sẽ có thể hành động thông qua ngoại giao", Bộ trưởng Arreaza kết luận. Ông không quên nói rằng: “Nếu Washington chọn biện pháp quân sự, chúng tôi có lực lượng vũ trang, người dân và vệ binh quốc gia, họ không chỉ đủ sức chống mọi cuộc tấn công mà còn có thể đánh bại chúng".

Bộ trưởng Ngoại giao Nga cũng nói thêm rằng: "Có rất nhiều sáng kiến giải quyết cuộc khủng hoảng ở Venezuela. Ngay từ khi tình hình ở Venezuela bắt đầu leo thang căng thẳng, chúng tôi đã kêu gọi rằng mọi vấn đề cần được giải quyết thông qua một cuộc đối thoại giữa chính người Venezuela và cộng đồng quốc tế cũng đã kêu gọi điều này nhưng không kích động bên này chống lại bên kia.

Có những sáng kiến từ Mexico, Uruguay và các quốc gia thuộc Cộng đồng Caribbean (CARICOM), cho rằng chính phủ và phe đối lập nên ngồi vào bàn đàm phán, trình bày các yêu sách của mình và tìm kiếm một sự đồng thuận cho phép khôi phục sự hòa hợp quốc gia.

Nga ủng hộ các biện pháp ổn định tình hình ở Venezuela, do Tổng thống Nicolas Maduro thực hiện. "Chúng tôi hoan nghênh các biện pháp của chính phủ ông Nicholas Maduro để ngăn chặn tình trạng mất ổn định hơn nữa", ông Lavrov nói. "Nga sẵn sàng tiếp tục đóng góp mang tính xây dựng vào việc thúc đẩy giải quyết hòa bình các vấn đề nội bộ của Venezuela, sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực có thể của các hòa giải viên quốc tế và khu vực, chẳng hạn như "cơ chế Montevideo", chúng tôi đã sẵn sàng liên lạc với nhóm Liên lạc Quốc tế về tình hình Venezuela.

Điều chính yếu là các hòa giải viên phải góp phần tạo ra các điều kiện cho một cuộc đối thoại quốc gia thực sự, không có điều kiện tiên quyết và hơn nữa, không có bất kỳ tối hậu thư nào", ông Lavrov khẳng định.

Ngoại trưởng Nga cũng chú ý đến thực tế rằng tình hình kinh tế xã hội ở Venezuela "đã xuống cấp nghiêm trọng do các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt lên những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Venezuela và liên quan đến việc ngăn chặn tài sản của nhà nước Venezuela ở nước ngoài".

Yêu cầu của phe đối lập Venezuela tổ chức bầu cử tổng thống sớm có thể là điều kiện tiên quyết để bắt đầu một cuộc đối thoại nội bộ, ông Lavrov nói. "Cơ chế Montevideo và các đề xuất của nó vẫn còn nằm trên bàn đàm phán, chúng tôi sẽ sẵn sàng giúp những đề xuất này trở thành hiện thực. Nhưng bên cạnh đó còn có nhóm Lima, được thành lập trên một tinh thần nhằm chống lại chính phủ ở Caracas, sau đó xuất hiện thêm nhóm Liên lạc Quốc tế", ông Lavrov nhận định.

“Nhóm Liên lạc Quốc tế về Venezuela bắt đầu yêu cầu đối thoại nhưng với một mục tiêu đã định trước: họ tuyên bố rằng cuộc đối thoại giữa chính phủ và phe đối lập phải được thực hiện trên cơ sở đáp ứng yêu cầu của phe đối lập về một cuộc bầu cử tổng thống sớm. Như vậy, đây không phải là đối thoại mà là một sự áp đặt”, Ngoại trưởng Nga nhận định.

Moscow hy vọng rằng tình hình có thể tiến triển theo cách thiết thực hơn, bởi những sự kiện trong những ngày gần đây đã cho thấy sự đối đầu ngày càng tăng, nỗ lực tổ chức một cuộc nổi loạn từ nước ngoài vẫn hiện diện, các mối đe dọa sử dụng vũ lực, lợi dụng danh nghĩa viện trợ nhân đạo... sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng. "Tôi hy vọng rằng nhóm Liên lạc Quốc tế - chúng tôi cũng duy trì mối quan hệ với nhóm - sẽ lắng nghe lời khuyên không chỉ chúng tôi mà còn nhiều quốc gia khác đưa ra", Bộ trưởng Lavrov nói.

Nhóm Liên lạc Quốc tế về Venezuela được thành lập đầu năm nay theo sáng kiến của EU. Đại diện của Liên minh châu Âu và 8 quốc gia của cộng đồng: Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Pháp và Thụy Điển cùng với 4 quốc gia Mỹ Latinh - Bolivia, Costa Rica, Uruguay và Ecuador đã tham gia nhóm. Vào ngày 7-2-2019, cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên của nhóm đã được tổ chức tại Montevideo.

Như chúng ta đã biết, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã đồng ý với đề xuất này và ông Juan Guaido đã từ chối một cách công khai, dứt khoát. Rõ ràng là Guaido không phải đang hành động độc lập mà bị chính những người bảo trợ của ông ở Hoa Kỳ ra lệnh", ông Lavrov nói.

Liên quan đến viện trợ nhân đạo cho Venezuela, ông Lavrov nói rằng việc này phải được cung cấp dựa trên các nguyên tắc trung lập, vô tư và không nên dùng làm cái cớ để vi phạm chủ quyền của đất nước. Bộ trưởng tái khẳng định sự sẵn sàng của Nga để tiếp tục cung cấp cho Venezuela viện trợ nhân đạo và các hỗ trợ khác trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội cấp bách.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ như vậy thông qua các cơ chế hoạt động nhân đạo khác nhau được Chính phủ Venezuela chấp nhận”, ông Lavrov nhấn mạnh.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.