Nga sẽ thay Mỹ tại Philippines?

Thứ Hai, 09/01/2017, 16:00
Sự hục hặc giữa hai đồng minh lâu đời, Mỹ và Philippines, phát sinh từ khi ông Rodrigo Duterte nhậm chức tổng thống đang là cơ hội vàng để Nga đóng vai trò lớn hơn tại Đông Nam Á. Liệu Nga sẽ lập hệ thống đồng minh tại khu vực mà Mỹ đang coi là trọng tâm của chính sách ngoại giao thời Tổng thống Obama? Và đâu là những hạn chế trong quan hệ Nga - Philippines?

Đêm 2-1-2017, tàu khu trục chống ngầm Admiral Tributs và tàu chở dầu cỡ lớn Boris Butoma của Nga đã cập cảng ở Manila, Philippines, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị đến quốc gia Đông Nam Á. Người phát ngôn Hải quân Philippines Lued Lincuna cho biết trong 6 ngày lưu lại, quân nhân của tàu Nga sẽ tham gia các hoạt động như các cuộc viếng thăm xã giao, tham quan các địa điểm lịch sử tại Manila và tỉnh Cavite gần đó, cũng như các hoạt động giao lưu thiện chí và thể hiện năng lực hải quân.

Đây là chuyến thăm tương tự thứ 3 của tàu chiến Nga đến Philippines nhưng là chuyến thăm đầu tiên dưới thời chính quyền ông Duterte. Chuyến thăm của hai tàu trên diễn ra khoảng 1 tháng sau khi Ngoại trưởng Philippines Lorenzana thăm Nga, tìm kiếm những triển vọng hợp tác kỹ thuật - quân sự giữa hai nước. Trong khi đó, hải quân Nga cho biết để ngỏ khả năng tổ chức tập trận chung với Philippines, trong bối cảnh hai tàu của nước này vừa có chặng dừng chân hiếm hoi tại Manila.

Tổng thống Putin và Tổng thống Duterte gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Peru hồi tháng 12-2016.

Phó Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga, Chuẩn Đô đốc Eduard Mikhailov cho biết các cuộc tập trận chung sẽ tập trung vào vấn đề chống cướp biển và khủng bố, vốn được ông mô tả là hai mối quan ngại an ninh hàng đầu của khu vực. Phát biểu với báo giới, ông Eduard Mikhailov cũng nêu triển vọng về các cuộc tập trận chung với Trung Quốc và Malaysia trên Biển Đông có tranh chấp.

Ông nêu rõ: “Chúng tôi thực sự hy vọng rằng trong vài năm tới, các cuộc diễn tập quân sự như trong khu vực của các bạn, ở Biển Đông, sẽ liên quan đến không chỉ là Nga - Philippines, mà còn giữa Nga, Philippines, Trung Quốc và có thể với cả Malaysia”. Trả lời phóng viên sau lễ đón tiếp, Chuẩn Đô đốc Mikhailov nói: “Các bạn có thể chọn... hợp tác với Mỹ hoặc hợp tác với Nga, nhưng từ phía mình, chúng tôi có thể giúp các bạn theo mọi cách các bạn cần”.

Kể từ khi ông Rodrigo Duterte trở thành Tổng thống Philippines, mối quan hệ giữa Manila và Washington trở nên lạnh nhạt và khó đoán. Ông liên tục đưa ra các phát ngôn gây sốc và chĩa mũi dùi đả kích vào Mỹ. Ngoài ra, Tổng thống Duterte còn quay sang thắt chặt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và Nga và gần đây đã có các cuộc gặp với lãnh đạo của hai nước trên giữa lúc tiến hành cải tổ chính sách đối ngoại của Philippines.

Đại sứ Nga tại Philippines Igor Khovaev (trái) và đô đốc Eduard Mikhailov (giữa) trả lời truyền thông trên tàu hải quân Admiral Tributs của Nga. Ảnh: Reuters.

Trong nhiều năm qua, Philippines phụ thuộc lớn vào đồng minh hiệp ước là Mỹ về vũ khí, tàu và máy bay mặc dù Manila cũng đã hướng đến sản phẩm quốc phòng của các quốc gia khác để hiện đại hóa quân đội nước này đang trong trình trạng thiếu ngân sách trong những năm gần đây.

Chỉ một ngày sau khi tàu chiến của Hải quân Nga tới Philippines, Đại sứ Nga tại Philippines Igor Khovaev cho biết Moskva sẵn sàng trang bị cho Manila những khí tài quân sự công nghệ cao. “Nga sẵn sàng cung cấp những loại vũ khí hạng nhẹ, máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng, tàu ngầm và nhiều loại vũ khí khác cho Philippines. Đây là những vũ khí hiện đại và hoàn toàn mới”, ông Khovaev cho biết ngày 4-1.

Phát biểu với báo giới, Đại sứ Nga tuyên bố đây không phải là việc chọn lựa đối tác này hay đối tác khác. Sự đa dạng có nghĩa là giữ gìn và duy trì quan hệ với các đối tác truyền thống và tạo ra mối quan hệ với những đối tác mới. Do đó Nga sẵn sàng trở thành một đối tác đáng tin cậy mới và một người bạn thân của Philippines. Từ đó, Moskva sẵn sàng trở thành đối tác mới đáng tin cậy và là một trong những đồng minh thân cận của Manila.

Hồi tháng trước, sau khi bị một thượng nghị sĩ Mỹ dọa sẽ ngăn cản hợp đồng bán 25.000 khẩu súng để phản đối chiến dịch chống ma túy ở Philippines, Tổng thống nước này Rodrigo Duterte đã cử Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng sang thăm Nga.

Trước đó nữa, trong một tuyên bố ông Duterte từng bắn tiếng sẽ mua vũ khí của Nga và Trung Quốc để thay thế Mỹ sau khi chính quyền Washington chỉ trích chiến dịch bài trừ ma túy của chính quyền Manila.

Khác với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á vốn là bạn lâu năm của Nga, Philippines trong thời gian qua là nước hầu như không hề có quan hệ quốc phòng với Nga. Lý do cũng dễ hiểu: Manila cho đến nay là đồng minh kết ước của Mỹ, gắn bó với Washington bằng một Hiệp ước Phòng thủ hỗ tương, trang thiết bị và vũ khí đều do Mỹ cung cấp.

Chỉ mới từ tháng 6-2016, từ khi ông Rodrigo Duterte lên làm Tổng thống Philippines, vấn đề liên minh với Nga, cả về quân sự lẫn quốc phòng, mới được đặt ra, trong bối cảnh ông Duterte muốn xa rời đồng minh Mỹ. Vấn đề Biển Đông trong năm Philippines làm Chủ tịch ASEAN 2017 có thể chìm xuống nhưng sự đồng thuận ASEAN có thể được cải thiện.

Với vai trò Chủ tịch ASEAN và nhu cầu cải thiện quan hệ với Trung Quốc, Philippines sẽ hạn chế nêu đậm Biển Đông trong ASEAN. Ở một góc độ khác, ASEAN sẽ ít bị chia rẽ hơn vì Philippines sẽ tránh làm mích lòng Trung Quốc và tránh căng thẳng với các nước thành viên khác. Ngoài ra, với việc Philippines tập trung vào các nghị trình phát triển, các chủ đề về cộng đồng kinh tế và kết nối ASEAN có thể sẽ được chú ý hơn.

Tư lệnh Hải quân Philippines Francisco Gabudao Jr. (trái) và Đô đốc Nga Eduard Mikhailov, tại bến cảng Manila, Philippines, ngày 3-1-2017.

Đối với Tổng thống Putin, đề nghị hợp tác của ông Duterte đến thật đúng lúc. Bị phương Tây cô lập, Nga rất muốn tăng cường hiện diện tại châu Á - Thái Bình Dương, kể cả tại Đông Nam Á, nơi Nga đã có vài đối tác truyền thống. Moskva lại sẵn sàng chiều đãi Manila hơn nữa vì như vậy sẽ lôi kéo được một đồng minh của Mỹ về phía mình.

Còn nhớ, vào tháng 9-2016, Trung Quốc và Nga đã điều tàu ngầm cùng nhiều phương tiện quân sự cho cuộc tập trận tại Biển Đông kéo dài đến ngày 19-9. Địa điểm diễn ra cuộc tập trận ở ngoài khơi thành phố cảng Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông. Sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông hồi giữa tháng 7-2016, Mỹ kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết nhưng Bắc Kinh từ chối và cho rằng Washington có ý đồ gây bất ổn khu vực.

Nga là một trong vài quốc gia lên tiếng ủng hộ lập trường của Trung Quốc. Tuy vậy, cuộc tập trận của hải quân Nga và Trung Quốc không diễn ra ở khu vực có tranh chấp giữa các nước ở khu vực Biển Đông thể hiện sự thận trọng của Moskva.

"Nga có thể muốn thể hiện sự đoàn kết với Trung Quốc" trước Mỹ bằng cuộc tập trận này, bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ nhận định. Hai nước đều phản đối sự can thiệp của Mỹ vào khu vực, kể cả hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Washington và Seoul tuyên bố sẽ triển khai.

Bà Glaser nhắc lại, Nga và Trung Quốc trước đây từng tập trận chung ở Địa Trung Hải và biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với Nhật ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Và đây là lần tập trận hải quân chung thứ 5 giữa Bắc Kinh và Moskva từ năm 2012, một phần trong nỗ lực tăng cường hợp tác quân sự, an ninh. "Moskva chọn việc ủng hộ các lợi ích của Bắc Kinh để có thể trông cậy Trung Quốc có hành động tương tự với Nga trong tương lai", bà Glaser nói.

Quan hệ Mỹ - Nga được hình thành bởi lịch sử đối đầu giữa hai nước, đặc biệt là trong thời Chiến tranh Lạnh. Khi Liên Xô bên bờ vực sụp đổ, các nhà đàm phán Mỹ cam kết sẽ không di chuyển quân đội hay đưa liên minh của họ đến gần biên giới Nga. Mặc dù vậy, Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã không tôn trọng điều này.

Các nhà lãnh đạo Nga cảm thấy bị Mỹ phản bội và cảnh giác rằng việc mở rộng NATO sẽ đưa lực lượng thù địch đến biên giới của họ. Sức mạnh của Nga gần như chỉ hạn chế trong khu vực xung quanh nước này. Tuy Nga có thể gây rắc rối tại các nước gần biên giới như Syria và Ukraine, nhưng khả năng Nga triển khai quân đội ra bên ngoài khu vực Á - Âu gần như là không thể.

Chiến hạm Nga ghé thăm Philippines ngày 3-1-2017.

Chính sách của Mỹ hiện nay đối với Nga dường như gây hại hơn là mang lại lợi ích. Trong nhiều lĩnh vực, Nga có thể là một đối tác quan trọng trong việc đảm bảo lợi ích của Mỹ. Ví dụ, theo chuyên gia Barry Posen thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Nga và Mỹ có cùng lợi ích trong việc đối phó với chủ nghĩa khủng bố quốc tế và chương trình hạt nhân của Iran. Bằng cách cô lập Nga, Mỹ đã từ bỏ những khả năng hợp tác trong các vấn đề này.

Áp lực của Mỹ cũng đẩy Nga tìm kiếm các đối tác quốc tế khác. Hành vi của Mỹ, như trừng phạt kinh tế và tăng cường triển khai quân tới Đông Âu, thôi thúc Nga hợp tác với Trung Quốc (bán vũ khí và tập trận hải quân). Theo ông Posen, Nga và Trung Quốc không phải là các đồng minh tự nhiên mà chính Mỹ đã đẩy hai nước này xích lại gần nhau.

Trở lại với vấn đề cấp độ mới trong hợp tác quốc phòng giữa Nga và Philippines, theo giới phân tích, khả năng tăng cường quan hệ quân sự 2 nước này vẫn nằm dưới dạng lý thuyết, hay nói đúng hơn là nguyện vọng của cả hai bên, còn thực hiện đến đâu thì cần phải chờ xem, với dấu hiệu đầu tiên sẽ được ghi nhận khi Tổng thống Philippines công du Nga trong thời gian sắp tới.

Việc tăng cường quan hệ quân sự, quốc phòng Nga - Philippines hiện vấp phải giới hạn rất lớn về mặt kỹ thuật. Vũ khí mà Philippines quen sử dụng đến nay là vũ khí Mỹ và phương Tây, nay nếu trang bị thêm vũ khí của Nga, vấn đề tương tác giữa vũ khí mới và hiện có được đặt ra.

Mặt khác, còn vấn đề chi phí. Nga rất muốn bán tàu ngầm hay máy bay cho Philippines, nhưng liệu Manila có ngân sách để nâng cấp quân đội của mình hay không, khi biết rằng cho đến nay, hải quân Philippines chẳng hạn, chủ yếu dùng loại tàu cũ của Mỹ được tân trang.

Báo The Diplomat (ngày 5-1-2017) đã nêu bật những vấn đề trên trong bài viết về quan hệ quân sự Nga - Philippines khi cho rằng có lẽ phía Manila nhận thức rất rõ các giới hạn kể trên khi chỉ bàn với Nga về các kế hoạch trao đổi nhân sự, kinh nghiệm, các cam kết, chứ không thấy nói gì về vấn đề mua vũ khí.

Một giới hạn khác được The Diplomat nêu bật liên quan đến lĩnh vực chiến lược. Dẫu sao, đối với với ông Duterte, quan hệ với Nga không có ý nghĩa chiến lược quan trọng bằng quan hệ với các láng giềng như Malaysia hay Indonesia, mà Duterte coi là thiết yếu trong việc giúp Philippines giải quyết các vấn đề an ninh như cướp biển.

Moskva cũng không nặng ký bằng Bắc Kinh hay Tokyo, hai nước có thể mang đến cho Philippines trợ giúp về kinh tế, hay cơ sở hạ tầng. Tóm lại, sắp tới đây, người ta sẽ chứng kiến một bước nhảy vọt trong quan hệ quốc phòng Nga - Philippines, do việc cả hai đều bắt đầu từ con số không. Nhưng sau bước nhảy vọt đó, câu hỏi đặt ra là quan hệ sẽ tăng tiến ra sao.

Cần lưu ý rằng tại cuộc họp báo vào chiều 4-1 trên tàu khu trục Nga Đô đốc Tributs, Đại sứ Nga tại Philippines Igor Khovaev khẳng định Nga không tìm kiếm thiết lập đồng minh quân sự chính thức với Philippines mà chỉ muốn hợp tác đấu tranh với các mối đe dọa chung như cướp biển, chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa khủng bố và ma túy.

M.T. - M.Q. (tổng hợp)
.
.