Người Kurd ở Iraq muốn trưng cầu dân ý: Quả “bom“ sắp phát nổ?
- Tư lệnh quân đội Mỹ bị bắn ở Raqqa, Lực lượng Vũ trang Kurd hỗn loạn
- Mỹ nhân người Kurd hy sinh khi chiến đấu với IS
Trong khi Syria và Iraq đang quyết chiến với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, họ không có nhiều thời gian, sức lực để quan tâm tới vấn đề người Kurd, rõ ràng đây cơ hội không dễ gì có lại để người Kurd tiến hành cuộc trưng cầu dân ý này. Sau vài lần trì hoãn, lần này xem ra người Kurd ở đây quyết tâm trả lời dứt điểm câu hỏi về tương lai chính trị và bản sắc dân tộc riêng của họ.
Trải qua cuộc chiến với IS, người Kurd ở Iraq và một số nước Trung Đông chưa bao giờ có được thế và lực mạnh mẽ như vậy, cả về chính trị lẫn quân sự.
Ngày 19-9, chính quyền Khu tự trị người Kurd ở Iraq đã bắt đầu các công tác chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý về độc lập, dự kiến diễn ra vào ngày 25-9 tới, bất chấp sự phản đối của Chính phủ Iraq cũng như các nước trong khu vực có cộng đồng người Kurd sinh sống.
Ủy ban Bầu cử và trưng cầu dân ý Tối cao (IHERC) của khu vực người Kurd ngày 18-9 thông báo sẽ bãi bỏ yêu cầu về thẻ phân phối (ration card), được sử dụng như một thứ giấy tờ cần thiết của thành viên các cộng đồng người Kurd sinh sống bên ngoài lãnh thổ Iraq, để chuyển sang phương thức đăng ký bỏ phiếu điện tử.
Lực lượng người Kurd trong đội hình lực lượng an ninh Iraq tham gia chiến đấu chống IS. Ảnh: Al Jazeera. |
Ngày 15-9, cơ quan lập pháp của khu vực tự trị người Kurd đã nhóm họp lần đầu tiên trong 2 năm qua để bỏ phiếu thông qua kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu dân ý, bất chấp sự phản đối quyết liệt từ chính quyền Baghdad và một số nước trong khu vực. “Khát vọng” của người Kurd ở Iraq thực sự cơn ác mộng đối với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran và Syria cũng như nỗi khó xử khó khắc phục của Mỹ và EU.
Ai cũng lo ngại việc ra đời nhà nước độc lập của người Kurd sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến chống IS và tạo phản ứng dây chuyền về người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Syria. Khi ấy, cục diện quyền lực ở khu vực này sẽ thay đổi rất cơ bản và bất lợi đối với các đối tác kia. Các nước láng giềng của Iraq là Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại một nhà nước độc lập của người Kurd có thể kích động chủ nghĩa ly khai tại những quốc gia có người Kurd sinh sống.
Theo đề nghị của Ngoại trưởng Iraq Ibrahim al Gaafari, Liên đoàn Arab (AL) cũng đã nhất trí thông qua một nghị quyết bác bỏ cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của khu vực người Kurd ở Iraq.
Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18-9 đã bắt đầu diễn tập quân sự tại khu vực biên giới giáp với khu vực người Kurd, Iran dọa đóng tất cả các cửa khẩu biên giới với khu vực người Kurd ở Iraq nếu chính quyền khu tự trị này thúc đẩy kế hoạch trưng cầu dân ý về độc lập vào cuối tháng này.
Tổng Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Iran, ông Ali Shamkhani tuyên bố, với việc khu vực người Kurd ly khai khỏi Iraq, Iran sẽ rút khỏi và chấm dứt các thỏa thuận an ninh và quân sự với khu vực này, coi đây là tuyên bố đóng cửa tất cả các cửa khẩu biên giới giữa khu vực người Kurd ở miền Bắc Iraq và Iran.
Tòa án Tối cao Iraq ngày 18-9 đã ra lệnh ngừng cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của người Kurd tại nước này. Trong một tuyên bố, Tòa án Tối cao Iraq cho biết đã ra lệnh đình chỉ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý trên cho tới khi xem xét những đơn kiện mà tòa án nhận được cho rằng cuộc trưng cầu dân ý này là vi hiến. Người Kurd đã có chính quyền tự trị theo hiến pháp năm 2005 nhưng khu vực này vẫn là một phần của Iraq.
Khu vực có người Kurd Iraq sinh sống. Ảnh: Business Insider. |
Ngày 18-9, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho biết đã chuẩn bị can thiệp quân sự nếu kết quả trưng cầu ý dân về độc lập của khu vực tự trị người Kurd dẫn tới bạo lực. Trả lời phỏng vấn với hãng tin AP, ông al-Abadi cho biết nếu người dân Iraq "bị đe dọa bởi việc sử dụng vũ lực ngoài vòng pháp luật, chúng tôi sẽ can thiệp quân sự". Ông cũng gọi cuộc bỏ phiếu này là "một sự leo thang nguy hiểm", vi phạm chủ quyền của Iraq.
Trong một tuyên bố, Nhà Trắng nêu rõ việc "tổ chức trưng cầu ý dân tại các khu vực tranh chấp là hành động mang tính khiêu khích đặc biệt và gây bất ổn định", do đó Mỹ "kêu gọi chính quyền khu vực người Kurd hủy cuộc bỏ phiếu này, tiến hành đối thoại bền bỉ và nghiêm túc với Baghdad".
Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ quan điểm rõ ràng, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông A Haber ngày 15-9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói rằng quyết định của thủ lĩnh cộng đồng người Kurd tại Iraq Massoud Barzani không hủy bỏ kế hoạch trưng cầu dân ý là "rất sai trái".
Lo ngại những bất ổn có thể xảy ra, Liên Hiệp Quốc vừa hối thúc nhà lãnh đạo khu vực người Kurd ở Iraq Massud Barzani từ bỏ kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu ý dân. Đáp lại tất cả, ông Masoud Barzani tuyên bố chỉ đối thoại với Chính quyền Baghdad sau khi có cuộc trưng cầu dân ý.
Sau hiểm họa IS, vấn đề người Kurd đang như một "quả bom" nổ chậm khác của khu vực Trung Đông đầy bất ổn.