Người Mỹ yêu chuộng hòa bình phơi bày mưu đồ “viết lại lịch sử” của Lầu Năm Góc

Thứ Năm, 18/12/2014, 16:25
Ngày 15/11/1969, bước chân của 250.000 người Mỹ phản đối chiến tranh đổ xuống đường biểu tình đã làm rung chuyển thủ đô Washington D.C. Rừng biểu ngữ cùng những tiếng hô vang yêu cầu Chính phủ Mỹ phải chấm dứt xâm lược Việt Nam đã tạo nên một cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ngày nay, dù tuổi cao, sức yếu nhưng những người có mặt trong đoàn quân biểu tình ấy vẫn đoàn kết cùng nhau phản đối Lầu Năm Góc có hành vi “nhìn một phía” và cố tình làm sai lệch lịch sử.

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi Tom Hayden, một người thanh niên phản đối chiến tranh từng đến Hà Nội điều tra tuyên bố của Tổng thống Lyndon B.Johnson khẳng định Mỹ không ném bom tàn sát người dân Việt Nam. Hayden đã tận mắt nhìn thấy những làng mạc thành phố bị phá hủy và hoang tàn, anh bị sốc cùng ý nghĩ đau xót “Lạy Chúa, người dân Việt Nam vẫn bị sát hại vì sự gian trá”.

Ngày nay, Lầu Năm Góc - tức Bộ Quốc phòng Mỹ do ông Chuck Hagel một cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam lãnh đạo đang lập kế hoạch kỷ niệm 50 năm chiến tranh (xâm lược) Việt Nam. Kế hoạch này dự kiến sẽ “rút” gần 15 triệu USD từ tiền đóng thuế của người dân Mỹ vào cuối năm tài chính năm nay, nhằm “tôn vinh” các cựu binh và thông báo trên trang web sẽ “cung cấp cho công chúng Mỹ những tư liệu lịch sử chính xác phù hợp cho việc giảng dạy trong trường học”.

Dù trang web này cố tình thay đổi, chỉnh sửa nội dung trong suốt  nhiều tháng qua, thì những  luận điệu xuyên tạc, tô vẽ hình ảnh lính Mỹ “dũng cảm” trong một cuộc chiến vì “danh dự” phần lớn bị chính những cựu binh tham chiến hoặc những người dân phản đối chiến tranh không thể chấp nhận hành vi dối trá đó. Các nhà sử học hàng đầu về Việt Nam phản đối Lầu Năm Góc cố tình tập trung vào hàng chục cựu binh, tướng tá ngực áo gắn đầy huân chương trong khi giấu nhẹm hoặc đổi trắng thay đen những sai lầm cùng những cuộc biểu tình, tranh luận phản chiến bị đàn áp thẳng tay ngay trên đất Mỹ.

Trang web của Lầu Năm Góc đã bỏ qua phiên điều trần Fulbright tại Thượng viện diễn ra vào năm 1971, khi đó một (cựu) chiến binh bất mãn có tên là John Kerry - đương kim Ngoại trưởng Mỹ, đặt ra câu hỏi với giọng nói gay gắt: “Các ông, các bà làm thế nào mà có quyền yêu cầu một thanh niên phải là một người lính chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho sự sai lầm?”.

Ông Tom Hayden.

Ý niệm cố tô hồng lịch sử đã khiến hơn 500 học giả, các cựu chiến binh và hoạt động xã hội, trong đó có nhà lãnh đạo đấu tranh cho dân quyền, dân chủ Julian Bond (74 tuổi), Daniel Ellsberg (83 tuổi) nguyên chuyên gia phân tích quân đội Mỹ và từng được biết đến là “chuyên gia tiết lộ hồ sơ tuyệt mật của Lầu Năm Góc”;  Lawrence J.Korb (75 tuổi), nguyên cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Ronald Reagan và nghệ sĩ nhạc đồng quê Peter Yarrow (76 tuổi)… cùng đoàn kết hợp với ông Hayden, nay đã 74 tuổi, yêu cầu Lầu Năm Góc sửa sai đồng thời phải có phần nhắc đến các nhà hoạt động chống chiến tranh trên trang web khi có ngày kỷ niệm.

“Tất cả chúng ta đều nhớ Lầu Năm Góc đã đẩy chúng ta vào cuộc chiến xâm lược Việt Nam cùng với hành vi bưng bít sự thật của họ”, ông Hayden trả lời phỏng vấn Thời báo New York từ quê nhà Berkeley, California. “Nếu bạn - ông nghiêm giọng nói với phóng viên qua điện thoại - tham gia một cuộc chiến tranh, bạn không nên sửa lại câu chuyện đó”.

Các cựu binh Mỹ biểu tình ôn hòa phản đối Lầu Năm Góc làm sai lệch lịch sử xâm lược Việt Nam, họ đã bị cảnh sát cản trở.

Trong động thái một lần nữa thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình gửi đến nhân dân Việt Nam, và biểu lộ lòng quyết tâm đấu tranh vì lẽ phải, họ đã gửi đơn yêu cầu trung tướng Claude M. Kicklighter (81 tuổi), một cựu binh từng tham chiến ở chiến trường Việt Nam, người hiện đang giám sát công tác làm lễ kỷ niệm để yêu cầu phải điều chỉnh tức thời “cái nhìn một phía” đối với cuộc chiến từng ám ảnh và chia rẽ một thế hệ người Mỹ.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, thiếu tá Tom Crosson phân bua trong một thư điện tử gửi cho báo chí Mỹ rằng, họ chỉ làm theo sự chỉ đạo từ Quốc hội để “hỗ trợ cho lễ Tạ ơn cấp quốc gia”. Ông cho biết, Lầu Năm Góc sẵn sàng đính chính “khi có lỗi thực tế” cũng như “không hề có ý tẩy trắng lịch sử chiến tranh Việt Nam.

Ông Fredrik Logevall (51 tuổi), giáo sư Trường đại học Cornell, tác giả cuốn sách viết về Việt Nam có nhan đề “Lửa đạn chiến tranh” (Embers of War) giành giải Pulitzer năm 2014 (một giải thưởng về Văn học, Báo chí và Âm nhạc của Mỹ được tổ chức từ năm 1917) phê bình trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ thiếu nội dung chính xác và đã “bỏ qua nhiều tình tiết quan trọng, trong khi tung ra một số câu chuyện có tính mập mờ”.

Khi còn tại thế, Giáo sư  Edwin Moise (1918-1998), một nhà sử học chuyên nghiên cứu về Việt Nam, cựu giảng viên Đại học Clemson trải lòng rằng, ông rất buồn khi nhận thấy ngày càng nhiều thanh thiếu niên Mỹ bị “tẩy não” để rồi hiểu sai về cuộc chiến Việt Nam.

Tư liệu lịch sử chiến tranh Việt Nam trên trang web kỷ niệm thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ.

Trong khi đó, nhà sử học Robert Dallek, người chuyên viết về các tổng thống phát biểu rằng, ông mong chứng kiến nỗ lực trước lễ kỷ niệm bao gồm cuộc thảo luận về “sự trải nghiệm đau đớn” dành cho các đời tổng thống từng “tiếp tay” nhau xâm lược Việt Nam. “Thật khó có thể tin được hành động này sẽ là lời bao biện đặc biệt nghiêm trọng của quân đội”, giáo sư bày tỏ ý kiến cá nhân.

“Người ta không thể so sánh cuộc chiến đầy rẫy tội ác cách đây 50 năm cùng với những cuộc chiến ngày nay. Khi tôi biết điều này, ngay lập tức tôi nghĩ: nhân dân Mỹ cần phải ngăn chặn nó”, nữ nhà báo lão thành Phyllis Bennis, một  nhà phân tích chính trị kiêm chuyên gia về Trung Đông, người đã biết đến ông Hayden kể từ đầu những năm 1970, góp lời.

Chỉ một vài chi tiết trong bản kế hoạch được tiết lộ cho công chúng biết. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với Trang thông tin điện tử Lịch sử Mỹ (www.history.net) năm 2012, ông Kicklighter đã lỡ miệng tiết lộ rằng, lễ kỷ niệm sẽ bắt đầu diễn ra cùng với “Ngày Tưởng niệm” được tổ chức vào năm 2015, và giai đoạn hoạt động rầm rộ nhất sẽ kết hợp với Ngày Cựu chiến binh năm 2017.

Ông phân trần rằng, đó là một nhiệm vụ nhằm “giúp nước Mỹ có được cơ hội hiếm hoi giở lại một trang trong lịch sử đồng thời sửa chữa sai lầm bằng cách chăm lo cuộc sống, tôn trọng các cựu binh Việt Nam và gia đình họ”.

Nhân dân Mỹ yêu chuộng hòa bình từng bất chấp hiểm nguy, xuống đường phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam, ngày nay họ vẫn dành tình cảm yêu mến đặc biệt cho nhân dân Việt Nam bằng cách yêu cầu Chính phủ Mỹ không nên cố tình làm sai lệch sự thật lịch sử. Chúng ta luôn trân trọng, biết ơn những người bạn Mỹ như các ôâng Hayden, Elberge, Bennis, Julian Bond và Peter đồng thời tin tưởng tình hữu hòa giữa nhân dân Mỹ - Việt Nam mãi bền vững.

Anh Trúc (tổng hợp)
.
.