Người cô đơn ở địa cầu!

Thứ Hai, 04/06/2018, 09:22
Tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint-Petersburg (Nga) năm 2018, vừa diễn ra từ ngày 24 đến 26-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ rõ, trật tự thế giới đang có những biến động lớn. Một vài quốc gia đang hành xử theo cách riêng của mình khiến mối quan hệ chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế thế giới leo thang tới đỉnh điểm. Câu hỏi đặt ra là cách hành xử sẽ ảnh hưởng thế nào tới thế giới?

Đơn cực hay “vô lối”

Điều đáng buồn là, những dự báo của Tổng thống Nga V.Putin về trật tự thế giới cách đây hơn 10 năm, tại Hội nghị An ninh quốc tế Munich ngày 10-2-2007, đã đúng. Khi đó, Tổng thống V.Putin đưa ra nhận định về trật tự thế giới sau Chiến tranh Lạnh: “Thế giới đơn cực hình thành sau Chiến tranh Lạnh là một trung tâm quyền lực, một trung tâm sức mạnh và một trung tâm thông qua quyết định. Đây là thế giới của một chủ nhân, của một chủ thể có chủ quyền”.

Theo Tổng thống Putin, tình hình này rút cuộc không chỉ làm phương hại đối với tất cả những ai nằm trong khuôn khổ hệ thống đơn cực đó mà còn đối với cả chính “chủ nhân” của hệ thống đó, bởi nó tàn phá từ bên trong. “Tôi cho rằng, đối với thế giới hiện đại, mô hình đơn cực không chỉ không thể chấp nhận được mà nói chung là không có lý do để tồn tại. Điều này không chỉ vì quốc gia đứng đầu thế giới đơn cực không bao giờ có đủ tiềm lực chính trị - quân sự và kinh tế để thực hiện vai trò đó. Điều quan trọng hơn là mô hình này không thể vận hành được bởi trong nền tảng của nó không có và không thể có cơ sở đạo đức - tinh thần cho nền văn minh hiện đại. Các hành động đơn phương và không được phép của Liên Hiệp Quốc không thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào thuộc an ninh quốc tế”.

Thêm nữa, hành động đó là nguồn gốc phát sinh những thảm họa mới đối với con người và luôn gây nên tình hình căng thẳng. Bằng chứng là chiến tranh, xung đột cục bộ các khu vực không hề giảm trong trật tự thế giới đơn cực.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký quyết định hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ảnh: AP.

Đúng 10 năm sau dự báo trên, bắt đầu từ năm 2017, cả thế giới đang chứng kiến hiện tượng ngang nhiên sử dụng sức mạnh. Trong các công việc quốc tế, một quốc gia tự đưa ra luật của kẻ mạnh và không cần tuân thủ bất cứ quy tắc chung nào của thế giới đặt ra, đưa thế giới vào chuỗi dài các cuộc xung đột không bao giờ chấm dứt, không đủ lực lượng để giải quyết trọn vẹn các cuộc xung đột, còn các giải pháp chính trị tỏ ra bất lực.

Đúng như Tổng thống Putin nhận định: Chúng ta đang chứng kiến các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế bị chà đạp. Trong khi đó, các chuẩn mực đơn lẻ và gần như toàn bộ hệ thống pháp lý của một quốc gia trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, nhân đạo, đã vượt qua biên giới một quốc gia và được mang đi áp đặt cho các nước khác.

Những gì diễn ra trong hơn 10 năm qua và đặc biệt là trong hơn 1 năm cầm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chứng tỏ nhận định của Tổng thống Putin là có cơ sở. Nhìn vào cách hành xử hay cách một cường quốc khác ở châu Á đang noi gương vị tổng thống của nước Mỹ với cái cách làm cho “nước Mỹ vĩ đại” đang khiến cả thế giới chao đảo.

Trong nửa nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra những quyết sách bất chấp mọi cam kết trước kia của nước Mỹ cũng như luật pháp quốc tế như quyết định đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; đưa Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân lịch sử của Nhóm P5+1 với Iran và công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel... biến Mỹ trở thành đối tác không đáng tin cậy, phá vỡ trật tự xuyên Đại Tây Dương; xa rời các đồng minh châu Âu; bỏ qua vai trò của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc...

Câu hỏi là có phải nước Mỹ đang làm gương xấu cho một vài quốc gia ở các châu lục khác sa vào cuộc chơi quyền lực mới? Một thế giới khác biệt, tan vỡ và khó nhận ra các logic tổ chức của nó.

Toàn cầu hóa đang bị đe dọa

Khái niệm cân bằng sức mạnh dường như lu mờ sau một tiến trình toàn cầu hóa thúc đẩy nhanh những trao đổi về mọi mặt. Và quan hệ hợp tác quốc tế dịch chuyển theo hướng một chủ nghĩa đa phương luôn rộng mở hơn, vốn được minh chứng bởi sự tồn tại của những lợi ích chung của nhân loại, đang ngày càng phổ biến hơn. Tuy nhiên, ưu thế này chỉ là tạm thời.

Sự thất bại của phương Tây, sự hụt hơi của ngoại giao đa phương bắt đầu từ cuộc khủng hoảng năm 2008 và những biến động liên miên tại châu Âu gieo rắc hoài nghi về khả năng tồn tại trong dài hạn của các phương thức được công bố là mang tính quyết định từ 20 năm nay.

Trật tự quốc tế dựa trên những chiến dịch của Liên Hiệp Quốc hay những can thiệp trực tiếp của các cường quốc thống trị (các nước phương Tây), đã tỏ rõ sự ảo tưởng. Hợp tác quốc tế giữa các thực thể chính trị, được giả định là có tính chất sống còn trong một nỗ lực toàn cầu hóa, đang vấp phải nhiều trở ngại. Được nuôi dưỡng bằng hệ tư tưởng theo thuyết phổ biến trước đây, nó hướng tới chủ nghĩa đa phương mở rộng nhất, từ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tới quy chế Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) và các hiệp định khí hậu...

Lính Mỹ lên đường tới Syria làm nhiệm vụ. Ảnh: Countercurrents.

Nhiều dấu hiệu cho thấy, chủ nghĩa bảo hộ ở các nước siêu cường đang chi phối toàn cầu hóa, làm dấy lên nghi ngờ, phải chăng toàn cầu hóa đã khép lại?

Dấu hiệu rõ nhất là các hiệp định thương mại ở quy mô khu vực bị tranh cãi; Liên Hiệp Quốc thường xuyên bị bỏ qua khi các siêu cường “tự quyết” mọi hành động của mình. Và lúc này Liên Hiệp Quốc trở thành nơi xung đột của các cường quốc; ICC mặc dù ra phán quyết, nhưng một cường quốc cũng không tuân theo... Thời kỳ của hợp tác theo vụ việc dường như trở lại, xa rời các lợi ích chung của nhân loại.

Bản đồ nào của thế giới được dựng lên hiện nay? Có phải thế giới hiện nay được lập bản đồ theo sự biến đổi của các cường quốc - được xác định theo khả năng làm chủ của họ đối với không gian nội địa và khả năng hành động bên ngoài và lý lẽ của họ về vùng kiểm soát, ảnh hưởng và chiến lược? Và phải chăng là sự trở lại của địa chính trị, thể hiện những xung đột về ý chí trong không gian?

Phải chăng địa lý về quyền lực đang khẳng định lại sự thắng thế đối với giới truyền thông có ý định hạ bệ nó? Có lẽ vậy. Nhưng các cường quốc đang thay đổi về sức mạnh và thậm chí tính chất của họ.

Những mầm bất hòa

Người ta biết rằng nước Mỹ đang sở hữu những sức mạnh vô địch như hiện nay. Sức mạnh về kinh tế được thúc đẩy nhờ khả năng gần như tự túc về năng lượng. Sức mạnh về văn hóa có sức hấp dẫn trên toàn cầu. Sức mạnh của đồng USD. Sức mạnh về ngoại giao và quân sự: Mỹ vẫn là nước duy nhất có thể triển khai sức mạnh quân sự có vai trò quyết định khắp mọi nơi trên thế giới. Đặc biệt, sức mạnh công nghệ để khống chế việc thiết lập và các phương tiện chính của xã hội truyền thông thế giới.

Người ta cũng biết những hạn chế của Mỹ - điều được chứng tỏ qua sự kiện ông Donald Trump đắc cử tổng thống. Sự ngờ vực chính mình: về hành động quốc tế và những hệ quả trong nước của các chiến lược kinh tế trong những thập niên qua. Sự phụ thuộc vào các nhân tố bên ngoài (Trung Quốc, Nhật Bản) để cứu vãn ngân sách bị thâm hụt và ổn định tiền tệ. Hình ảnh nước Mỹ sa sút trên thế giới: Sau một ông Bush “miền Tây”; một ông Obama luôn do dự, thì nay sự khó lường của ông Trump không làm yên lòng các đồng minh và đối tác của Mỹ.

Những gì nước Mỹ đang làm với thế giới đang bị một cường quốc khác ở châu Á “sao chép” lại. Dù rằng cường quốc này còn ở cách rất xa sau các cường quốc quân sự lớn trên thế giới, tuy vậy, từ nay quân đội nước này hiện diện ở xa lãnh thổ của họ, tận rìa châu Phi và Địa Trung Hải.

Đặc biệt, kế hoạch khổng lồ mở cửa (và đầu tư) xuyên suốt toàn cầu với quy mô địa kinh tế và địa chiến lược đầy tham vọng ở nhiều chiều không gian. Vì thế, câu hỏi đặt ra không phải về quyết tâm của nước này mà là về tính lâu dài của những công cụ để thực thi chiến lược này.

Tạp chí Der Spiegel cho biết, Mỹ đang cố gắng để đi ngược lại với thế giới. Tạp chí này cho rằng, Washington dường như đang ủng hộ cho cuộc tấn công tồi tệ đẫm máu nhất lịch sử của Israel sau cuộc biểu tình của người Palestine tại Gaza. Các đối tác thương mại của Mỹ tại châu Âu cũng liên tục bị đe dọa bởi các trừng phạt thương mại của Mỹ nhằm vào họ. Mỹ cũng đang tạo nên nhiều căng thẳng với Triều Tiên.

Hình ảnh đối lập: con gái Tổng thống Mỹ - cô Ivanka - tươi cười tại lễ khai trương Đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem và những người Palestine với gạch đá đối chọi binh sĩ Israel. Ảnh: Twitter.

Ngay cả Nhật Bản, đồng minh trung thành của Mỹ cũng đang hoang mang trong quan hệ với Mỹ. Với Nga, Washington cũng đang ở thời điểm căng thẳng. Trong thực trạng của chính trường quốc tế hiện nay, ý tưởng về sự trở lại của sức mạnh của các nước nhỏ là nghịch lý.

Hơn nữa, những cường quốc luôn mơ tưởng vai trò toàn cầu không thể một mình thực hiện. Khi hệ thống quốc tế càng ít bị chi phối bởi ưu thế của những “nước lớn” thì không gian của các nước hạng trung càng mở rộng trong các khu vực phức tạp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xóa bỏ trật tự quốc tế được xây dựng bởi những người tiền nhiệm của ông kể từ Thế chiến 2. Một trật tự mới đang nổi lên mà không có Mỹ là điều mà nhiều nước đang nghĩ tới...

Liên minh lý thuyết

Các quốc gia cần liên kết lại. Chuyên mục bình luận của Thời báo Tài chính ngày 28-5 cho rằng những cường quốc rộng lớn như Mỹ và một vài nước ở châu Á đang tháo gỡ những luật lệ chung quốc tế để phục vụ cho mục đích riêng của nước họ. Điều này đang làm ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của các quốc gia khác có diện tích trung bình hoặc nhỏ hơn trên thế giới. Do vậy, các quốc gia này cần hình thành một liên minh với nhau.

Chính trị thế giới ngày nay ngày càng gia tăng sự hiện diện của rất nhiều thỏa thuận, những hình thái và luật lệ. Cả Mỹ và một vài cường quốc đang tìm cách thoát ra khỏi những điều khoản trong các hiệp định quốc tế mà bị cho là kiềm chế họ. Tất cả những điều này gây ra tình trạng tiến thoái lưỡng nan đối với các nước mạnh có diện tích tầm trung như Đức, Pháp, Nhật Bản và Anh, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Indonesia, Brazil, Nam Phi hoặc Nigeria... và kể cả những nước mới nổi ở châu Á, châu Âu... đều không thể “lên gân cốt” được như các cường quốc.

Họ cần một thế giới với những luật lệ để phát triển. Các quốc gia nhỏ hơn này cho rằng, đã đến lúc cần hình thành một liên minh không chính thức giữa các quốc gia có thực lực mạnh, nhưng có diện tích tầm trung vì họ đều có chung mối quan tâm, ủng hộ một trật tự thế giới được duy trì theo pháp luật. Nếu đứng riêng lẻ thì những quốc gia này không thể đảm bảo sẽ giữ được vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hay duy trì các chuẩn mực về chất lượng môi trường toàn cầu.

Tuy nhiên, nếu các quốc gia này hành động tập thể, họ có cơ hội cùng nhau để duy trì một thế giới dựa trên các nền tảng luật lệ và các quyền hơn là trên sức mạnh kinh tế và quân sự.

Hãy lấy ví dụ từ nhóm mà tỷ lệ tổng dân số so với dân số trên thế giới là nhỏ. Đó là nhóm 6 nước: Nhật, Đức, Anh, Pháp, Canada và Australia. Đây là những nước có nền kinh tế khá mạnh, đồng nghĩa với việc nhiều khả năng họ có những mối quan tâm và các giá trị tương tự nhau. Đây là những nước có hoạt động giao dịch thương mại nhiều so với các nước khác trên thế giới. Họ cũng là những nước có khả năng quân sự thực sự và sẵn sàng điều quân ra nước ngoài (trừ Nhật Bản).

Một số nước khác có thể xếp vào nhóm liên minh 6 nước trên như Hàn Quốc, Nam Phi, Italy, Brazil. Tuy nhiên Nam Phi và Brazil đã thuộc nhóm BRICS, các thị trường mới nổi. Italy thì có vẻ đang rối ren và đang tránh bị rơi vào tình trạng bảo hộ kiểu Trump.

Câu hỏi là những nước này thực sự là có thể làm gì khi mà thời đại của Donald Trump đã đảo ngược các lý thuyết. Một cách công khai, các nước EU, Australia, Nhật, Canada đều nói rằng họ thấy lo ngại trước hướng đi hiện nay của nước Mỹ. Chủ nghĩa bảo hộ của chính quyền Donald Trump là mối đe dọa trực tiếp đến lợi ích kinh tế của các nước này.

Dựa trên những gì đã xảy ra ở Mỹ, việc liên kết giữa các nước thuộc nhóm quốc gia có thể được xem như là cách để bảo đảm duy trì trật tự thế giới hiện nay cho đến khi nước Mỹ quay trở lại bình thường.

Hoa Huyền
.
.