Người di cư tìm ngả đường mới vào châu Âu

Thứ Tư, 08/11/2017, 09:54
Cuối tháng 8-2017, tại thị trấn St. Kanzian (Áo), 20 người di cư Hồi giáo đã tuyên bố tuyệt thực và biểu tình. Lý do là những người này không nhận được hộ chiếu mà chỉ nhận được giấy phép cư trú tại Áo, đồng thời, họ muốn nhận được trợ cấp ở mức 2.000 Euro/người/tháng.

Cần biết rằng, 2.000 Euro/tháng gần bằng mức lương trung bình của đa số người lao động bản địa, sau khi đã được khấu trừ các khoản thuế theo luật định. Bằng cách tổ chức họp báo để thu hút sự chú ý của giới truyền thông, những người di cư hy vọng sẽ khiến Chính phủ Áo đáp ứng đòi hỏi của họ, đặc biệt là việc đảm bảo chắc chắn rằng họ sẽ được ở lại Áo và trở thành công dân nước này.

Theo luật của Áo, trong 4 tháng đầu tiên của quá trình xét hồ sơ xin tị nạn, người di cư sẽ được hưởng các dịch vụ chăm sóc cơ bản. Sau đó nếu những người đó không có việc làm để có thu nhập đều đặn, họ sẽ được nhận thêm bảo hiểm tối thiểu, trợ cấp gia đình và hộ chiếu. Kể từ khi cuộc khủng hoảng người tị nạn nổ ra ở châu Âu năm 2015, bức tranh chính trị nước Áo đã ngả dần sang cánh hữu.

Các nhà phân tích cho rằng, tân Thủ tướng Áo - nguyên thủ trẻ nhất châu Âu - sẽ thay đổi chính sách người nhập cư của nước này sau khi tiếp nhận hơn 100.000 người tị nạn đến từ Trung Đông. Ngoài việc ủng hộ kế hoạch chặn lại các tuyến đường tị nạn vào châu Âu thông qua khu vực phía Tây Balkan và khắp vùng Địa Trung Hải, vị lãnh đạo trẻ tuổi cũng ủng hộ lệnh cấm đeo mạng che mặt của người Hồi giáo từ đầu tháng này và cam kết sẽ trừng trị thẳng tay các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Nhà phân tích chính trị người Áo Thomas Hofer đánh giá chính sách không ủng hộ tiếp nhận người tị nạn của Thủ tướng Sebastian Kurz là “thức thời”, khi công chúng trong nước không mặn mà với việc đón nhận người nước ngoài đến cư trú ở quốc gia của mình, đồng thời lo ngại những nguy cơ tiềm ẩn về khủng bố. Trường học và bệnh viện trên cả nước của quốc gia 8,7 triệu dân đang vật lộn để thích ứng với những người bạn mới. Trong khi đó, có những tranh cãi nổ ra về việc có cần thiết phải có những chính sách phúc lợi hào phóng đối với người ngoài ngang bằng với công dân trong nước hay không.

Tuy Thủ tướng Sebastian Kurz đang chủ trương cắt giảm những ưu tiên cho người di cư, nhưng ông vẫn mang đến một cách tiếp cận mềm mỏng, không quá cực đoan giống như nhà lãnh đạo mang tư tưởng cánh hữu Viktor Orban ở Hungary. Ông nhấn mạnh, “không phản đối người nhập cư nhưng sẽ tiếp nhận một cách có chọn lọc hơn”.

Mạo hiểm vượt biên giới trên bộ lẫn trên biển để tìm đến “miền đất hứa” châu Âu là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều người di cư từ các nước Trung Đông và Bắc Phi - những nơi không ngừng bị tàn phá bởi chiến tranh, xung đột sắc tộc hay phải sống dưới sự cai quản của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Người di cư đi bộ tới Áo từ nhà ga Keleti ở Budapest, Hungary.

Vào giữa tháng 9-2017, lực lượng bảo vệ bờ biển Libya đã cứu hơn 3.000 người di cư đang tìm cách vượt Địa Trung Hải để tới châu Âu, trong khi đó phía Italy cứu được khoảng 2.000 người. Đây là con số cao nhất được nhà chức trách Libya công bố kể từ hồi giữa tháng 7-2017, đồng thời là bằng chứng cho thấy, con đường di cư giữa Libya và Italy, nước châu Âu gần nhất, vẫn không bị khép lại hoàn toàn, bất chấp sự sụt giảm mạnh của dòng người di cư giữa hai quốc gia sau một thỏa thuận về người di cư được ký kết giữa nhà chức trách Libya và Italy trong tháng 8.

Để không bị bỏ xác trên những chuyến tàu vượt biển, nhiều người đã tìm những tuyến đường vượt biên mới tại khu vực Balkan, qua Bulgaria và Romania. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với tờ Welt của Đức, Bộ trưởng Quốc phòng Áo Hans-Peter Dosoczil cho biết, theo dữ liệu gần đây của Áo, các tuyến đường mới đã bắt đầu xuất hiện ở Balkan. Điều này xảy ra sau khi Hungary và Macedonia tăng cường đáng kể các biện pháp để bảo vệ biên giới bên ngoài của EU. Romania đã trở thành một trong những điểm trung chuyển của người di cư từ Syria và Iraq để đến Tây Âu.

Theo số liệu chính thức từ Lực lượng Biên phòng Romania, trong 6 tháng đầu năm nay, khoảng 2.500 người nước ngoài đã cố tình vượt biên giới Romania trái phép, tăng gấp 5 lần so với con số thống kê cùng kỳ năm 2016. Còn đối với Bulgaria, chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm nay, lực lượng biên phòng nước này  đã ngăn chặn gần 2.000 người di cư.

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.