Xung quanh cuộc trưng cầu dân ý “lậu” ở Catalan – Tây Ban Nha:

Nguy cơ khủng hoảng chính trị lâu dài

Thứ Ba, 18/11/2014, 20:25

Bất chấp sự phản đối của chính quyền trung ương Madrid, cuộc trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Tây Ban Nha của vùng Catalan đã kết thúc với kết quả là đa số người đồng ý. Cuộc bỏ phiếu này sẽ dẫn đến điều gì cho tương lai Tây Ban Nha cũng như cho toàn khối Liên minh châu Âu?

Kết quả kiểm phiếu ngày 10/11 cho thấy có tới 80% cử tri Catalan ủng hộ độc lập. Mặc dù kết quả cao như vậy nhưng thực chất nếu tính trên toàn bộ số dân Catalan thì chỉ chiếm khoảng 30% vì chỉ có 1,6 triệu trong tổng số 5,4 triệu cử tri Catalan đi bỏ phiếu hôm 9/11. Nên biết rằng, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha không cho phép tổ chức cuộc bỏ phiếu này, do vậy kết quả kiểm phiếu không có ý nghĩa. Cuộc bỏ phiếu cũng không có ủy ban giám sát độc lập, nên rất khó kiểm chứng độ chính xác của các kết quả.

Trước ngày 9/11, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha đã ra lệnh cấm bỏ phiếu, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cũng tuyên bố là kết quả có ra sao cũng không có ý nghĩa gì. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, phe ly khai đã thành công khi huy động được ngần ấy cử tri Catalan đi bỏ phiếu. Cứ cho là cuộc bỏ phiếu này là một cuộc thăm dò dân ý không mang ý nghĩa chính trị và là một cuộc thăm dò dư luận bình thường, thì con số 80% có thể sẽ buộc Chính phủ Tây Ban Nha phải đàm phán với chính quyền địa phương Catalan theo một cách khác.

Cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý tại xứ Catalan hôm 9/11 bị chính quyền Madrid cho là vi hiến và không có giá trị.

Cuộc bỏ phiếu vi hiến do chính quyền Catalan đơn phương tổ chức có nguy cơ khơi mào cho một cuộc khủng hoảng chính trị lâu dài tại Tây Ban Nha. Là một phần của Công quốc Catalunya ngày xưa, khu vực Catalan ngày nay là vùng tự trị bao gồm 4 tỉnh lớn tại vùng đông bắc của Tây Ban Nha (là Barcelona, Girona, Lleida và Tarragon), có thủ phủ là thành phố Barcelona nổi tiếng.

Với dân số 7,5 triệu và nền kinh tế sôi động bên bờ Ðịa Trung Hải, Catalan có GDP hơn 300 tỉ USD. Nếu đứng riêng một mình, kinh tế Catalan đứng hạng 34 thế giới, còn cao hơn Hồng Công hay Bồ Ðào Nha. Với thu nhập bình quân đầu người khoảng 35.000 USD/năm, còn giàu hơn dân Hàn Quốc hay Italia.

Từ nhiều năm nay, khi Tây Ban Nha trôi vào khủng hoảng tài chính của khối Euro và kinh tế sa sút nặng, phong trào độc lập của Catalan manh nha đã lâu bỗng phát triển mạnh. Phong trào nổi lên từ năm 2012, mở ra cuộc biểu tình vận động vào Ngày Quốc gia Catalan, gọi theo tiếng Catalan là “Diada”, ngày 11/9 hàng năm, với số tham dự ngày càng đông. Lần thứ ba, vào tháng trước, đã có nửa triệu người xuống đường. Khi lòng người như vậy, các chính đảng địa phương hùa theo và nhiều nhân vật trước đây do dự cũng lên tiếng ủng hộ.

Chính quyền địa phương Catalan hiện nay là liên minh giữa nhiều đảng phái có tên “Convergence and Union” (Ðồng tâm Thống nhất) dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Paul Mas. Xưa kia, liên minh trong Quốc hội địa phương chỉ tranh đấu để khu vực tự trị được thêm quyền hạn nhưng gần đây đã đổi lập trường mà cũng kêu đòi độc lập.

Về pháp lý thì từ hai năm nay, lãnh đạo Catalan liên tục yêu cầu chính quyền trung ương tại thủ đô Madrid cho phép tổ chức trưng cầu dân ý xem dân Catalan có muốn thuộc về Tây Ban Nha hay không. Nhưng họ đều bị cự tuyệt. Khác với trường hợp Vương quốc Anh, chính quyền Madrid không cho tổ chức trưng cầu ý kiến và còn dọa đưa hồ sơ ra Tối cao Pháp viện của Tây Ban Nha.

Người dân Calatan tuần hành đòi độc lập.

Về xu hướng thì đa số muốn Catalan có thêm quyền hạn, nhưng bất đồng về cách tiến hành. Theo cơ quan thăm dò ý kiến Metroscopia, 45% dân Catalan không đồng ý với việc tổ chức trưng cầu dân ý nếu Tối cao Pháp viện bác bỏ đề nghị. Chỉ có 23% tin rằng họ có quyền phát biểu, bất chấp ý kiến của Tối cao Pháp viện, còn 25% nghĩ là Catalan phải tìm giải pháp khác, hơn là tổ chức trưng cầu dân ý. Mặc dù như vậy, Catalan vẫn quyết định bỏ phiếu vào ngày 9/11.

Trong khối Euro, Tây Ban Nha là một quốc gia lâm nạn, kinh tế bị suy thoái và đang cần cấp cứu với bội chi ngân sách tới 9% GDP và tỷ lệ thất nghiệp vượt mức 30%. Trong Tây Ban Nha, Catalan lại vững chân và thực tế tài trợ ngân sách trung ương nên không chấp nhận chính sách khắc khổ do Liên minh châu Âu và khối Euro đòi hỏi.

Ngoài lý do văn hóa lịch sử, kinh tế cũng là một động lực đáng kể để đòi độc lập, hơn hẳn trường hợp Scotland. Vì vậy, giả thuyết độc lập của Catalan có nhiều lý do xác đáng hơn Scotland.

Mà cũng đáng ngại hơn, vì nếu Catalan tách ra thì sao? Chuyện đáng ngại đầu tiên là về pháp lý. Chính quyền Madrid không đồng ý, rồi Tối cao Pháp viện của Tây Ban Nha bác bỏ nhưng Catalan vẫn tổ chức việc trưng cầu dân ý, và dân Catalan vẫn đòi đi bỏ phiếu. Bằng cách này Tây Ban Nha bị khủng hoảng chính trị khi chính quyền địa phương thách đố quyết định hợp pháp của chính quyền trung ương.

Xưa nay, Tây Ban Nha đã có vấn đề với việc sắc dân Basque đòi quyền độc lập và từng áp dụng phương pháp khủng bố để đạt mục tiêu đó. Ngày nay, nếu dân Catalan đòi rũ áo ra đi bằng mọi giá, kể cả qua một cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp, thì người Basque có ngồi yên không?

Trong cuộc bỏ phiếu hôm 9/11, phe đòi độc lập đã chiếm đa số. Người ta đang chờ đợi phản ứng từ chính quyền Madrid. Liệu chính quyền Tây Ban Nha có thể nhân danh điều gì để phủ nhận dân ý? Và phủ nhận bằng cách nào? Bằng bạo lực? Nhiều phần sẽ là giải pháp thương thảo ôn hòa, như trong một vụ ly dị, để đôi bên cùng tránh đập nát đồ đạc trong nhà.

Tháng trước, người châu Âu hú vía khi dân Scotland bỏ phiếu ly khai Vương quốc Anh. Hú vía vì phe đòi độc lập bị đánh bại. Tháng này, họ lại giật mình khi dân Catalan muốn ra khỏi Tây Ban Nha. Nếu Catlan ra khỏi Tây Ban Nha, mọi chuyện sẽ rắc rối hơn. Scotland dùng chung một đồng bạc với Anh, là đồng bảng. Nếu Scotland tách riêng và dùng đồng tiền khác thì đấy là vấn đề của Anh, chứ không liên can gì đến đồng euro vì Anh đứng ngoài khối EU. Tây Ban Nha là thành viên của khối EU và sử dụng đồng tiền chung euro.

Nếu Catalan xé chiếu ngồi riêng thì sẽ dùng tiền gì? Xài đồng euro như cũ hay sao, nhưng theo thể thức nào? Hoặc là quốc gia Catalan sẽ xin gia nhập khối EU và phải được tất cả các nước thành viên chấp thuận, trong đó có Tây Ban Nha với quyền phủ quyết. Hoặc Catalan đòi đứng ngoài EU với đồng tiền mới, nhưng trị giá là bao nhiêu, tính theo lối nào? Khi ấy, Catalan sẽ tranh luận về... kế toán. Ai sẽ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của Tây Ban Nha với Ngân hàng Trung ương châu Âu hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế? Tại sao lại bắt Catalan chia sẻ gánh nợ này?

Còn các nước kia nghĩ sao? Nếu có một nước tự xưng độc lập, xé rào ra khỏi EU để tìm lợi riêng để khỏi phải cáng đáng khó khăn của cả khối thì nhiều thành viên khác cũng có thể nghĩ tới việc đó! Khủng hoảng tại Tây Ban Nha vì vụ Catalan sẽ là khủng hoảng cho toàn liên minh, vốn dĩ chưa ra khỏi khủng hoảng. Một hiện tượng nguy hiểm nữa, là sự hình thành của chủ nghĩa dân tộc dựa trên mẫu số chung nhỏ nhất.

Chủ nghĩa dân tộc đó đang thách đố chủ quyền quốc gia, làm cho tập thể quốc gia gặp nhiều sức ly tâm bên trong. Rồi bất cứ một biến cố nào, dù là kinh tế hay chính trị, cũng có thể dẫn tới phản ứng ly khai để ai ai cũng có riêng một cõi

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.