Nhân viên lừa đảo trong các công ty ở Mỹ
Theo đánh giá của chuyên gia, trong năm 2005 các công ty Mỹ đã bị mất 5% thu nhập, tức 650 tỉ USD do nạn lừa đảo và đánh cắp bởi chính các nhân viên của mình.
Ngăn chặn tình trạng lừa đảo trong công ty là việc không đơn giản. “Quá trình sống” của một sơ đồ phạm tội từ khi nó được thực hiện cho đến khi bị phát hiện khoảng 1 năm rưỡi. Trung bình một vụ gây tổn thất cho công ty là 159 ngàn USD. Các hãng hoạt động trong lĩnh vực buôn bán, xây dựng và sản xuất công nghiệp chịu hậu quả từ những kẻ lừa đảo trong công ty nhiều hơn cả. Trong khi đó các hãng nhỏ mất nhiều hơn so với hãng lớn. Tại các hãng nhỏ thường không có phương pháp được kiểm nghiệm để phát hiện những nhân viên không “sạch sẽ” về tài chính, lãnh đạo thường tin tưởng cấp dưới hơn, không có biện pháp kiểm tra thủ tục.
Thực tế cho thấy, thường những tên trộm lộ mặt không phải do kiểm tra hay tự “bể”, mà nhờ sự cảnh giác của đồng nghiệp khác trung thực hơn. Trong 1/3 trường hợp, sự lừa đảo bị phát giác do tin báo từ nhân viên của hãng, trong 25% trường hợp những tên trộm trong công ty đơn giản là không gặp may – tin tức về hành vi của chúng đã bị lộ một cách ngẫu nhiên. Chỉ 1/5 trường hợp được phát hiện nhờ tiến hành kiểm toán nội bộ, còn việc kiểm toán ở ngoài chỉ phát hiện được 10% vụ phạm tội.
Quy mô tổn thất do những kẻ xấu xa gây ra cho hãng phụ thuộc vào chức vụ mà những kẻ đó nắm giữ. Một người điều hành cấp cao không trong sạch trung bình lấy cắp của hãng 1 triệu USD, người điều hành ở cấp trung gian – 200 ngàn USD, còn nhân viên bình thường - 75 ngàn USD.
Số liệu thống kê cho thấy nhân viên kế toán (chiếm 30% trường hợp gian lận trong năm 2005), nhà điều hành hàng đầu (chiếm 20%) và nhân viên bộ phận tiêu thụ (chiếm 14%) là những vị trí hay dính đến chuyện lừa đảo hơn so với các nhân viên khác.
Những phương pháp lừa đảo phổ biến nhất là sử dụng gian dối hay đánh cắp cổ phiếu của công ty, tham nhũng và làm giả báo cáo tài chính