Nhật Bản: Thắng lợi của Thủ tướng tạo lực đẩy “ba mũi tên”

Thứ Sáu, 19/12/2014, 15:15
Thắng lợi của liên minh cầm quyền tại Nhật Bản trong cuộc bầu cử Hạ viện ngày 14/12 đã đem lại cho Thủ tướng Shinzo Abe một sức mạnh mới cả về đối nội lẫn đối ngoại. Việc ông Abe được cử tri Nhật tin tưởng lại khiến các đối thủ bên ngoài lo sợ vì điều đó không chỉ giúp ông tiếp tục chính sách cải cách kinh tế mà còn cả những chính sách quốc phòng có tính dân tộc chủ nghĩa cao.

Cuộc bầu cử Hạ viện Nhật hôm 14/12 diễn ra trước kỳ hạn sau khi kinh tế Nhật rơi vào suy thoái trong quý III-2014 do thất bại bước đầu của chính sách cải cách kinh tế đầy táo bạo của Thủ tướng Shinzo Abe.

Không nằm ngoài dự đoán, đảng Tự do Dân chủ (LDP) của Thủ tướng Abe đã thắng lớn, giành được 291 ghế trên tổng số 475 tại Hạ viện, đảng đối lập trung tả chỉ giành được 73 ghế trong Quốc hội. Liên minh với đảng Công minh, Thủ tướng Abe giành được đa số tuyệt đối với 326 dân biểu ở Hạ viện. Với kết quả này, LDP không những không yếu đi, mà thậm chí còn mạnh lên và trở thành đảng có sức chi phối chính trị chưa từng thấy trong nhiều năm trở lại đây. Nếu như quyết định giải tán Hạ viện và bầu cử trước thời hạn của ông Abe được coi là canh bạc được ăn cả ngã về không thì rõ ràng ông đã “ăn cả”.

Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố chiến thắng sau bầu cử Hạ viện ngày 14/12.

Nhưng tại sao một chính sách kinh tế đưa nước Nhật vào suy thoái của Thủ tướng Abe lại được người dân ủng hộ? Theo các nhà phân tích, sự yếu kém của phe đối lập, sự cần thiết của việc tiếp tục chính sách kinh tế Abenomics là lý do thúc đẩy nhiều người dân Nhật Bản tiếp tục bỏ phiếu cho LDP trong cuộc bầu cử Hạ viện lần này. Đối với nhiều cử tri Nhật, gói chính sách Abenomics có thể chưa phải là giải pháp toàn vẹn, nhưng đây vẫn là con đường đúng đắn để kéo Nhật Bản ra khỏi tình trạng giảm phát đã kéo dài suốt 2 thập niên và đem lại khuôn mặt mới cho nền kinh tế nước này.

Kinh tế Nhật đã trải hơn hai chục năm sa sút với bảy đợt suy thoái. Năm 2010 vừa bị Trung Quốc qua mặt về GDP để tụt xuống hàng thứ ba thế giới. Lý do sâu xa là do tỷ lệ dân số lão hóa cao, khiến mức tiêu thụ sút giảm và hàng hóa mất giá. Trong khi đó, kinh tế Nhật vẫn có ưu điểm là nơi đầu tư ổn định khiến thiên hạ bỏ tiền mua đồng yen để tìm cơ hội kiếm lời trên thị trường Nhật. Kết hợp hai chuyện: 1) dân số và tiêu thụ giảm khiến kinh tế bị giảm phát và 2) nội tệ lên giá dẫn tới hiện tượng giá cả trong nước tụt đều làm người dân càng tiết kiệm và hoãn chi tiêu để chờ khi giá hạ hơn nữa. Hoàn cảnh éo le ấy khiến doanh nghiệp Nhật điêu đứng. Ðầu tư giảm vì mức lời sụt dẫn tới việc cắt lương và mở ra vòng xoáy lẩn quẩn: lương hạ càng đánh sụt mức tiêu thụ và làm kinh tế đình trệ.

Chiếm đa số áp đảo sau cuộc bầu cử cuối tháng 12/2013, chính quyền của Thủ tướng Abe áp dụng chính sách cải cách táo bạo, được gọi là Abemomics, nhắm vào ba hướng (gọi là “ba mũi tên”). Thứ nhất là cố tình gây lạm phát qua biện pháp tăng chi để bơm tiền vào kinh tế theo cái ý... dọa nạt - Hãy mua ngay đi kẻo mai này hàng lên giá! Thứ hai là cải tiến môi trường kinh doanh để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư bằng cách giảm thuế doanh nghiệp. Mũi tên thứ ba toàn diện hơn nhắm vào việc cởi trói cho nền kinh tế để qua đó nâng cao thu nhập đầu người cho toàn dân trong suốt 10 năm tới và nhân lên gấp đôi tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nhật Bản, mở rộng sức cạnh tranh cho khu vực kinh tế tư nhân. Khác với hai vế đầu của chương trình vực dậy kinh tế do ông Abe chủ xướng, mũi tên thứ ba chủ yếu là một chương trình cải tổ dài hơi và tác động đến toàn bộ cơ cấu của nền kinh tế Nhật Bản.

Công nhân làm việc trong nhà máy của Công ty Toyota Đông Nhật Bản.

Kết quả ban đầu là thị trường hồ hởi, tăng cùng mức lời doanh nghiệp và chỉ số cổ phiếu tăng vọt cùng uy tín của ông Abe và đảng LDP. Nhưng tăng chi mà giảm thuế thì gây bội chi nặng hơn, khiến chính quyền Abe phải đi vay khi mức nợ công đã lên tới mức kỷ lục toàn cầu. Bội chi và đi vay càng nhiều thì lãi suất đi vay càng dễ tăng và mở ra một vòng luẩn quẩn khác: tốn thêm tiền trả nợ khi nhà nước vốn đang thiếu tiền. Vì vậy, việc cải thiện môi trường kinh doanh và giảm thuế lợi tức doanh nghiệp phải đi cùng một biện pháp thuế vụ khác: tăng thuế tiêu dùng, từ 5% lên 8%, kể từ tháng 4-2014. Biện pháp tài chính này lại đụng vào một thực tế là làm giảm mức tiêu thụ khiến tăng trưởng sụt, và gây phản ứng ngược về chính trị: giảm thuế cho tư doanh mà lại tăng thuế dân nghèo? Do đó khi có thông báo nền kinh tế Nhật rơi vào suy thoái hồi tháng trước, lập tức uy tín của ông Abe bị sụt giảm nghiêm trọng và tức khắc ông phải quyết định tạm hoãn tăng thuế, ít ra cho đến tháng 10/2015.

Các chuyên gia về kinh tế Nhật Bản nói rằng, chương trình Abenomics có chựng lại nhưng ông Abe đã đi đúng hướng. Kết quả cuộc bầu cử hôm 14/12 đã chứng tỏ điều này. Theo giới phân tích, sau đây Thủ tướng Abe sẽ nhanh chóng bắn đi mũi tên thứ ba trong chính sách Abenomics của ông. Đó là nền tảng để đem lại tăng trưởng cho Nhật Bản trong một thời gian dài. Tuy vậy, mũi tên thứ ba đó không dễ dàng thuyết phục được công luận. Bởi đây là một mũi tên hết sức phức tạp, bao hàm rất nhiều thứ trong đó. Ông Abe vừa muốn đẩy mạnh khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, vừa muốn phụ nữ phải tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế, vào đời sống của các cơ sở sản xuất, vừa muốn mở của thị trường lao động đón các chuyên viên có tay nghề cao vào Nhật Bản làm việc.

Muốn đem lại một làn gió mới cho nước Nhật, thì ông Abe đã chủ trương tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp làm ăn, thành lập những quỹ hỗ trợ và khuyến khích các doanh nhân lao vào thị trường. Bên cạnh đó, Tokyo không ngừng đầu tư vào các lĩnh vực như công nghệ chế tạo robot. Chính vì phức tạp như vậy cho nên các biện pháp này không thể đem lại kết quả trong ngắn hạn. Theo các chuyên gia, cần từ 4 đến 5 năm thì mũi tên thứ ba của ông Abe mới có hiệu quả rõ rệt.

Nhưng việc giành quyền kiểm soát 2/3 Hạ viện sẽ còn giúp Thủ tướng Abe tạo đột phá cho những vấn đề mà ông rất thiết tha như quốc phòng và hiến pháp. Đây mới là điều khiến các quốc gia đối thủ của Nhật như Hàn Quốc và Trung Quốc lo ngại.

Trong năm vừa qua, ông Abe đã gây phản ứng dữ dội tại các nước láng giềng Đông Bắc Á qua việc đi thăm một ngôi đền tưởng niệm các liệt sĩ, kể cả các tội phạm chiến tranh đã tử vong trong Thế chiến II. Các nỗ lực của chính quyền ông nhằm duyệt lại các sách sử học để phủ nhận việc quân đội Nhật Bản cưỡng ép phụ nữ làm nô lệ tình dục trong thời chiến cũng đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình ở nước ngoài.

Giáo sư Park Hwee-rhak, Trường đại học Kookmin, nói việc ông Abe thoái lui trước các vấn đề gây nhiều xúc động này sẽ xoa dịu căng thẳng. Ông Park cho rằng Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản chưa sẵn sàng để nhìn vào lịch sử một cách khách quan. Vì thế ông hy vọng Thủ tướng Abe sẽ nhấn mạnh đến các chính sách thực tiễn có thể bảo đảm hòa bình hay thịnh vượng chung ở Đông Bắc Á, chứ đừng tập trung vào lịch sử.

Nhật Bản cũng có những khẳng định chủ quyền chồng chéo với cả Hàn Quốc và Trung Quốc đối với hai dãy đảo khác nhau ở vùng biển Hoa Đông. Các nước láng giềng gần nhất của Nhật Bản lo sợ về việc ông Abe ủng hộ việc thay đổi hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản để quân đội Nhật có thể tích cực hơn trong việc chống lại các mối đe dọa đến từ bên ngoài.

Hosaka Yuji, giáo sư khoa học chính trị Trường đại học Sejong, nói Nhật Bản quan tâm nhiều hơn về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Theo ông Yuji, trong khi Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự, Nhật Bản cũng cần phải củng cố khí tài của họ để không bị tụt hậu. Để làm được việc này, Nhật Bản cần phải có quân đội của chính mình nhưng việc đó đòi hỏi phải thay đổi hiến pháp. Mỹ ủng hộ việc phát triển quân đội Nhật, để Nhật Bản có thể đóng một vai trò lớn hơn trong liên minh giữa hai nước.

Có thể nói quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc chưa có dấu hiệu được xoa dịu trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới của Thủ tướng Abe.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.