Nhật Bản và bài toán Trung Đông

Thứ Ba, 31/12/2019, 11:20
Đối với Nhật Bản, Trung Đông từ lâu đã trở thành bạn hàng dầu thô và khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, những bất ổn thời gian gần đây đe dọa đưa Nhật Bản vào cuộc khủng hoảng an ninh năng lượng, đặt ra yêu cầu thay đổi chiến lược để đảm bảo bình ổn quan hệ với các quốc gia Trung Đông.

Trong bối cảnh này, Thủ tướng Shinzo Abe đã có nhiều động thái quan trọng, như đến thăm Iran hay quyết định triển khai các tàu chiến tới Trung Đông cho mục đích điều tra và nghiên cứu, làm dấy lên nhiều câu hỏi về tham vọng thực sự của “xứ sở mặt trời mọc” ở khu vực này.

Những động thái mới

Cách đây chưa lâu, Thủ tướng Shinzo Abe được cho là nhân vật có thể hàn gắn những rạn nứt nghiêm trọng giữa Iran và Mỹ thông qua các chuyến công du đến hai quốc gia này, từ đó ổn định tình hình khu vực. Tuy nhiên, sứ mệnh thuyết khách của Thủ tướng Abe đã không đạt được kết quả như mong đợi, khi cả Mỹ và Iran đều đưa ra thông điệp đe dọa lẫn nhau.

Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi những căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Iran đã đẩy Tokyo vào thế khó khi phải xử lý mối quan hệ “tay đôi” giữa một bên là đồng minh an ninh truyền thống là Mỹ và bên còn lại là Iran - nguồn cung tới 80% lượng dầu nhập khẩu từ Trung Đông của Nhật Bản.

Giọt nước tràn ly xảy đến sau sự kiện một tàu chở dầu của Nhật Bản, cùng với Saudi Arabia và Na Uy, bị tấn công quanh eo biển Hormuz, khiến các bên liên quan liên tục đổ lỗi cho nhau. Những yếu tố nguy hiểm kiểu này khiến Nhật Bản đứng ngồi không yên vì bất cứ nguy cơ nào ngoài vòng kiểm soát sẽ khiến nguồn cung và hoạt động vận chuyển dầu mỏ bị gián đoạn.

Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết muốn xây dựng mối quan hệ hữu nghị với Tehran.

Trong bối cảnh này, Tokyo tuyên bố triển khai một số tàu chiến tới Trung Đông, được ủy quyền sử dụng vũ lực trong trường hợp cần thiết nhằm tăng cường bảo vệ các tàu thương mại Nhật Bản khi đi qua vùng biển trong khu vực (đặc biệt là eo Hormuz).

Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ tính đến khả năng điều động thêm tàu chiến để truy quét cướp biển quanh vùng Sừng châu Phi, giúp bảo vệ vùng biển ngoài khơi Vịnh Oman. Tuy nhiên, Tokyo cũng nêu rõ rằng các tàu này không thuộc lực lượng liên minh hải quân mà Washington đề xuất đối phó với Iran. Phía Tokyo còn gợi ý hỗ trợ hoạt động đảm bảo an ninh khu vực bằng các máy bay tuần tra, từ đó củng cố khả năng thu thập thông tin tình báo cho Tokyo.

Chưa dừng lại ở đó, Nhật Bản cũng cam kết phối hợp chặt chẽ với Mỹ để giải quyết các vấn đề Trung Đông, cũng như giúp xoa dịu căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Iran trong khu vực thông qua đối thoại hòa bình.

Lợi ích và tham vọng

Giới quan sát cho rằng, những động thái mới của Nhật Bản tiếp tục cho thấy tham vọng nâng cao vị thế của “xứ sở mặt trời mọc” ở Trung Đông. Không chỉ muốn bảo vệ lợi ích tại Trung Đông, Thủ tướng Abe đồng thời cần thỏa hiệp với các bên để tránh những nguy cơ chiến tranh tương lai. Nhật Bản đang thể hiện thiện chí, chứ không phải chống đối, với Iran để thắt chặt mối quan hệ song phương thân thiết nhiều năm qua.

Tokyo nhấn mạnh, việc đưa tàu chiến với nhiệm vụ chính là điều tra và nghiên cứu, chứ không tiến gần đến Vịnh Ba Tư hay xâm phạm lãnh hải bất cứ quốc gia nào, hoàn toàn không phải là động thái có thể khiêu khích Iran để khơi mào căng thẳng.

Bất chấp việc phụ thuộc nhiều vào Mỹ trên phương diện an ninh và dễ bị tổn thương trước áp lực từ Mỹ, Nhật Bản dường như đang tránh tham gia bất cứ liên minh nào có thể gây phương hại đến quan hệ Nhật - Iran. Điều này minh chứng ở việc Nhật Bản hoàn toàn “lặng im” trước Sáng kiến An ninh hàng hải, vốn được Mỹ thành lập để tăng cường hiện diện quân sự và thắt chặt an ninh trong Vịnh Ba Tư.

Trước đó, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif vào tháng 5 tại Tokyo, Thủ tướng Abe cho biết ông muốn xây dựng mối quan hệ hữu nghị với Tehran. Giới quan sát nhận định, việc Nhật Bản đáp ứng những kỳ vọng của Iran theo một cách nào đó có khả năng sẽ ổn định lợi ích của Tokyo và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng năng lượng.

Sự cẩn trọng ở Trung Đông còn được Nhật Bản thể hiện trong mối quan hệ với Mỹ, theo kiểu muốn giúp Washington xoa dịu căng thẳng để chứng minh vai trò đồng minh lâu năm. Trên thực tế, chính quyền Shinzo Abe đã phát đi nhiều tín hiệu sẵn sàng đóng góp cho sáng kiến hòa giải mâu thuẫn Mỹ - Iran mà không cần phải tham gia trực tiếp.

Tokyo tuyên bố triển khai một số tàu chiến tới Trung Đông, được ủy quyền sử dụng vũ lực trong trường hợp cần thiết để bảo vệ các tàu thương mại Nhật Bản.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Trump gần đây, Thủ tướng Shinzo Abe đã có ít nhiều tác động, khiến người đứng đầu Nhà Trắng tỏ ra nhẹ giọng, bày tỏ sự ủng hộ nỗ lực của Thủ tướng Abe đối với Iran và tuyên bố không tìm cách thay đổi chính quyền tại Tehran.

Sâu xa hơn, nhiều ý kiến nhận định ẩn ý của ông Abe khi thay đổi chiến lược ở Trung Đông chính là muốn thoát khỏi quy chế sau chiến tranh chịu ảnh hưởng rất lớn từ Mỹ. Theo đó, từ sau Thế chiến II, Nhật Bản phải tuân theo Hiến pháp hòa bình (mà Mỹ áp đặt), yêu cầu quốc gia này không được sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp quốc tế. Việc có thể triển khai các tàu chiến ở Trung Đông, nếu thành công, sẽ mở ra cơ hội thay đổi hiến pháp, giúp Nhật Bản có thể sở hữu quân đội thực sự và toàn diện.

Đây được coi như một trong những quyết sách đối ngoại quan trọng của Thủ tướng Shinzo Abe trong năm 2019, thể hiện rõ tinh thần hòa hảo với Iran nhưng đầy cứng rắn với Mỹ, trong bối cảnh Nhật Bản cần cân bằng quan hệ ngoại giao với hai quốc gia luôn âm ỉ nhiều xung đột này...

Trần Quân (tổng hợp)
.
.