Những bìa sách phản cảm: Hậu quả của việc buông lỏng liên kết xuất bản
Theo một số nguồn tin, thì hình ảnh này từng xuất hiện trên diễn đàn Vietdesigner.net từ tháng 12/2012. Đây là hình ảnh được giới thiệu là ảnh manip (viết tắt từ manipulation - sự sáng tạo những điều không tưởng tượng ra được) mang tên “Cán cân Công Lý” từ thành viên RainyWarrior. Hiện diễn đàn Vietdesigner.net đã gỡ bỏ hình ảnh trên. Bìa cuốn sách luật này ngay khi được phát hiện đã gây phản ứng mạnh mẽ trên khắp các diễn đàn lớn nhỏ.
Chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Hoàng Cầm, Giám đốc NXB Lao động - Xã hội, ông Cầm cho biết: Trong chiều ngày 17/11 vừa qua, chúng tôi đã có văn bản báo cáo gửi Vụ Báo chí xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Cục An ninh thông tin - truyền thông (Bộ Công an) và Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) về sai phạm của quyển sách này. Theo đó, NXB Lao động - Xã hội ký quyết định cấp phép xuất bản sách này vào tháng 12/2013 theo giấy đăng ký xuất bản của Cục Xuất bản, in và phát hành cấp.
Sau khi Nhà sách Lao Động chuyển sách cho Văn phòng đại diện phía Nam nộp lưu chiểu sách, NXB Lao động - Xã hội phát hiện ra Nhà sách Lao Động đã thực hiện không đúng nội dung sách do NXB duyệt. Cụ thể, nhà sách tự ý bổ sung hình ảnh (hình ảnh diễn viên Công Lý) vào trang bìa sách; tự thay đổi tên sách “Luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành” (không có quốc huy và không có năm 2014) thành “Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014”. Ngay sau đó, khi Nhà sách Lao Động nộp lưu chiểu thì NXB đã phát hiện ra lỗi trên (vào tháng 7/2014) và NXB Lao Động - Xã hội đã có văn bản yêu cầu Nhà sách Lao Động không được phát hành và thu hồi toàn bộ số sách đã in và phát hành. Văn phòng đại diện phía Nam của NXB này chịu trách nhiệm giám sát việc thu hồi. Báo cáo cũng nêu rõ số lượng sách xin phép in là 1.000 cuốn, in thực tế là 500 cuốn, nộp lưu chiểu 20 cuốn và đã thu hồi được đến ngày hôm qua là 270 cuốn. Qua sự việc này, NXB Lao động - Xã hội cũng cam kết tích cực thu hồi và sẽ hủy toàn bộ sách trên.
Sách sai phạm. |
Sự việc bìa của cuốn sách “Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” chỉ là một trong số rất nhiều lỗi “ngớ ngẩn” mà nhiều NXB, nhà sách mắc phải trong thời buổi sách liên kết ồ ạt khó kiểm soát hiện nay. Họa sĩ Văn Sáng, người đã có thâm niên trong nghề vẽ bìa sách chia sẻ: “Tôi thực sự thấy đây là một sự nhầm lẫn tệ hại. Sự việc “bìa sách Công Lý” là một tiếng buồn của ngành xuất bản nói chung và của những họa sĩ vẽ bìa nói riêng. Thực sự thời bây giờ, để làm một cái bìa sách không phải khó, nhất là thời buổi công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, một người chỉ cần biết về kỹ thuật sử dụng phần mềm máy tính đã có thể copy được rất nhiều thứ trên mạng Internet biến thành của mình và cho ra một bìa sách đầy đủ thông tin. Cũng bởi vì thế, cái cần nhất là những cái đầu có ý tưởng, nếu thực sự là một ý tưởng tốt thì sẽ vẽ được những bìa sách đẹp, có ý nghĩa, còn nếu ý tưởng lệch lạc thì sẽ cho ra những bìa sách ngớ ngẩn. Để có một bìa sách ưng ý còn phải cần hiểu nội dung đã, nội dung sách sẽ quyết định hình thức sách. Vậy nhưng cũng có những cuốn sách đọc lên tôi thấy rất buồn cười như người làm bìa sách của Vũ Bằng “Từ miếng ngon Hà Nội đến món lạ miền Nam” thì họ vẽ vào bìa sách một bát mì tôm, đôi đũa và vài cọng hành. Tư duy như vậy là rất “ngớ ngẩn” vì đơn giản đây không phải là sách dạy nấu ăn mà là một cuốn sách văn học. Thời cụ Vũ Bằng viết cuốn sách này cũng chưa có đồ ăn nhanh như mì tôm nên minh họa như vậy chỉ làm giảm giá trị cuốn sách của cụ đi. Hay như bìa cuốn sách “Chiến tranh hòa bình” (Lev Tolstoi) thì họ chỉ vẽ đơn giản một khẩu súng và con chim hòa bình, với một sự diễn nôm rất thô thiển. Tôi cho rằng, thực trạng của việc liên kết xuất bản với khâu quản lý lỏng lẻo hiện nay sẽ tạo ra nhiều kẽ hở để cho một kiểu làm sách chụp giật, ăn xổi, kệch cỡm và đầy hài hước. Nếu không có một chế tài cụ thể thì thực sự sẽ không biết những sai phạm còn nặng đến đâu trong tương lai”.
Họa sĩ Trần Thắng (Công ty Starbook – Hà Nội, một công ty mỗi năm vẽ khoảng 600 bìa sách cho các nhà sách liên kết khi được biết chuyện về “bìa sách Công Lý” đã chia sẻ: “Theo tôi biết, hầu hết sách liên kết thì nhà sách quyết định và gần như không thông qua NXB duyệt, bởi vì yếu tố thị trường rất quan trọng. Đôi khi họa sĩ chỉ làm việc với nhà sách, có những bìa sách không liên quan đến nội dung nhưng bắt mắt, nhà sách vẫn quyết định in, mục đích làm sao bán được sách là quan trọng nhất. NXB chỉ thẩm định nội dung còn bìa sách gần như thả nổi cho nhà sách tự quyết. Nhìn bìa này thì thấy nhố nhăng, không tưởng tượng được tại sao lại có họa sĩ thiết kế thiếu văn hóa đến thế. Suy nghĩ thô thiển, nội dung về luật lại nghĩ ngay đến diễn viên hài Công Lý, họ tra vội Google kiếm được một hình minh họa vậy là ghép vào, tôi nghĩ họa sĩ này quá yêu thích chương trình “Đuổi hình bắt chữ” trên truyền hình. Hoặc nhiễm quá nặng các kênh giải trí truyền hình. Thiết kế bìa sách này không cần minh họa, chỉ cần quốc huy của Việt Nam là đủ. Tuy nhiên cũng có một số nhà sách rất cầu kỳ, rất đầu tư về bìa sách, đòi hỏi nghệ thuật và kỹ thuật cao, đôi khi gợi ý cho họa sĩ để có một phong cách riêng nhưng vẫn nêu bật được nội dung của sách. Có khi vẽ đi vẽ lại nhiều mẫu để lựa chọn một bìa phù hợp đủ 2 yếu tố nội dung và thị trường. Hiện nay, một thực trạng đáng báo động là các NXB thường phó mặc cho nhà sách từ khâu in ấn, phát hành, họ chỉ kiểm duyệt nội dung, còn bìa sách thì gần như là do nhà sách quyết định, mặc dù theo đúng luật, NXB phải ký duyệt vào văn bản đó. Cái bìa đối với một cuốn sách là rất quan trọng. Và vẽ bìa sách cũng phải có lương tâm nghề nghiệp. Mặc dù, có những bìa sách không liên quan đến nội dung mà chỉ theo yêu cầu chủ quan của tác giả, của nhà sách, có thể nội dung chỉ gắn với bất kỳ một kỷ niệm thân thiết của tác giả như yêu cầu hình ảnh quê hương có địa danh nổi tiếng, đặc thù công việc như thầy giáo phải có kính và sách, quốc phòng phải có màu xanh cây, sách truyền thống phải có nền trống đồng. Tệ hơn nữa là hình ảnh con cháu, gia đình đưa lên bìa… Có khi màu sắc bìa được quyết định bởi mệnh ngũ hành tương sinh của tác giả. Ví dụ tác giả mệnh thổ, yêu cầu phải màu vàng và đỏ, mệnh mộc phải xanh và đen… rất mê tín. Tôi không vẽ kiểu bìa như bìa “Công lý”. Tôi tôn trọng ý kiến của nhà sách, của tác giả, nhưng bìa sách nào để ảnh hưởng đến danh dự nghề nghiệp, tôi sẵn sàng không hợp tác. Có những bìa nhà sách yêu cầu vẽ đến 3 - 4 mẫu nhưng mẫu mình tâm đắc không được chọn, thuyết phục không được đành phải chấp nhận trong tiếc nuối”.
Theo thông tin từ ông Nguyễn Hoàng Cầm, Giám đốc NXB Lao động - Xã hội, đại diện NXB đã gọi điện thoại nhận lỗi với diễn viên Công Lý và muốn có một cuộc gặp gỡ chính thức cùng với anh, nhưng diễn viên Công Lý bận việc chưa sắp xếp được. Ông cũng cho biết, trong thời gian tới NXB cũng sẽ có cuộc kiểm tra toàn bộ, đặc biệt là ở Văn phòng phía Nam, truy tận cùng khâu sai sót và sẽ kỷ luật cán bộ, nhân viên phụ trách cuốn sách dẫn đến sai sót này.
Về phía Cục Xuất bản, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng cho biết, Cục cũng đang tiến hành thẩm tra, xác minh và sẽ xử phạt những sai phạm của NXB Lao động - Xã hội theo quy định. Ông cũng bức xúc cho biết rằng, sắp tới Cục sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra lại toàn bộ các khâu đối với xuất bản, đặc biệt là thắt chặt lại vấn đề sách liên kết xuất bản, bởi vì những sai phạm trong thời gian qua hầu hết do lỗi ở sách liên kết xuất bản.
Có những bìa sách khi làm tôi thấy tốt, nhưng vài năm sau nhìn lại tôi tự thấy ngượng - vì không hiểu sao mình lại ngô nghê đến thế. Trong các bìa sách đã làm, mảng bìa thơ tôi ưng ý hơn cả. Có lẽ bởi tính gợi mở của bìa thơ rộng hơn, tôi thấy mình được tự do hơn khi sáng tạo. Bìa sách hiện nay thừa sự tung tẩy, thiếu sự sâu sắc cần thiết. Hiện nay các loại sách có chung một kiểu bìa, hầu hết đều bóng bẩy, màu mè nhưng chẳng có cá tính. Có những bìa sách truyện cười dân gian mà bìa giống như sách trinh thám. Những chi tiết bất cập ấy thể hiện phần nào văn hóa và chiến lược xuất bản của chúng ta hiện nay. |