Những gương sáng trong cuộc chiến chống tham nhũng

Thứ Tư, 02/01/2019, 15:48
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ước tính tham nhũng gây thiệt hại ít nhất là 2.600 tỷ USD. Trong khi đó, trong cuộc chiến chống tham nhũng, chính phủ nhiều nước hành động chưa đủ, cho dù nhiều nước đã tuyên chiến với tham nhũng khi đưa nhiều nhân vật, vụ việc tham nhũng ra ánh sáng. Nhìn lại cuộc chiến chống tham nhũng trong năm 2018, mới thấy nhiều việc phải tiếp tục làm.

Nạn tham nhũng "bẻ gãy" sự phát triển kinh tế

Theo đó, nhiều quốc gia vẫn không đạt được bất kỳ tiến triển nào. Theo thông tin từ Tổ chức Minh bạch quốc tế, tình trạng tham nhũng vẫn phổ biến ở nhiều nước châu Phi, các quốc gia đang rơi vào nội chiến như Syria, Yemen... Trong khi đó, các nước có trình độ phát triển cao như nhóm các nước Bắc Âu và châu Đại Dương vẫn nắm giữ những vị trí hàng đầu. Đại diện duy nhất của châu Á là Singapore vẫn xếp ở top trên với những chính sách minh bạch được nhiều quốc gia học hỏi.

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) cách đây hơn một tháng, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia thành viên tăng cường nỗ lực đấu tranh chống tham nhũng. Ông nhấn mạnh mọi người dân trên thế giới đang tiếp tục bày tỏ sự phẫn nộ trước nạn tham nhũng đã "ăn sâu bén rễ" trong các xã hội, đòi hỏi các bộ máy chính trị phải hoạt động một cách minh bạch và có trách nhiệm.

Trong bài phát biểu tại phiên thảo luận của HĐBA xung quanh chủ đề tham nhũng trong xung đột, ông Guterres kêu gọi "các nhà lãnh đạo thế giới nỗ lực nhiều hơn nữa để đấu tranh với tham nhũng, củng cố sự quản lý và xây dựng những thể chế đáng tin cậy có thể đảm bảo mang lại sự tiến bộ cho tất cả mọi người".

Theo ông Guterres, các chính phủ cần phải đảm bảo bộ máy tư pháp độc lập, xã hội trong sạch, lành mạnh, tự do báo chí và cơ chế bảo vệ hiệu quả những người chống tham nhũng. Cộng đồng quốc tế có thể hỗ trợ những nỗ lực này thông qua việc hành động hiệu quả hơn để chống nạn rửa tiền, trốn thuế và các luồng tài chính bất hợp pháp đang khiến nhiều quốc gia mất những nguồn lực vô cùng cần thiết và như vậy, tiếp tay cho tham nhũng.

Ông Guterres cảnh báo tham nhũng có thể là "ngòi nổ" cho xung đột. Xung đột càng lan rộng, tham nhũng càng có đất phát triển. Và ngay cả khi xung đột kết thúc, tham nhũng vẫn có thể cản trở sự phục hồi. Các cuộc khảo sát về tham nhũng trên quy mô lớn do Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của LHQ tiến hành cho thấy nạn hối lộ công chức đặc biệt phổ biến tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột. Tại đó, những thể chế như các cơ quan chống tham nhũng, truyền thông có thể bị suy yếu hoặc bị cản trở hoạt động.

Nhiều tội phạm tham nhũng đã bị bắt trong năm 2018. Ảnh: Hong Kong Lawyer.

Ông Guterres cũng kêu gọi các quốc gia thành viên tận dụng các tiến bộ công nghệ để mở rộng sự tham gia của dân chúng vào việc quản lý đất nước và tăng trách nhiệm. Hiện tham nhũng tồn tại ở tất cả các quốc gia, cả giàu và nghèo, phía Bắc và phía Nam, phát triển và đang phát triển. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ước tính tham nhũng gây thiệt hại ít nhất là 2.600 tỷ USD, hay 5% GDP. Còn theo Ngân hàng Thế giới (WB), các công ty và cá nhân mỗi năm chi tới hơn 1.000 tỷ USD để hối lộ.

Ông Guterres hối thúc các quốc gia nỗ lực loại bỏ tận gốc nạn tham nhũng, vấn nạn đe dọa các nước phát triển và đang phát triển. Guterres cho rằng tham nhũng là hành vi phạm tội nghiêm trọng và không thể chấp nhận được. Ông nhấn mạnh những quốc gia chưa nỗ lực triệt để trong cuộc chiến tham nhũng sẽ chịu tác động nhiều nhất từ thực trạng này khi nạn tham nhũng "bẻ gãy" sự phát triển kinh tế, gây khó khăn cho doanh nghiệp và cản trở đầu tư. Guterres chỉ rõ xã hội không thể hoạt động công bằng và hiệu quả khi các quan chức, bác sĩ, cảnh sát đến chính trị gia, chỉ mưu đồ làm giàu cho bản thân hơn là thực thi nhiệm vụ của mình.

Guterres hối thúc các quốc gia thành viên lấy Công ước LHQ phòng chống tham nhũng làm nền tảng để tập hợp sự ủng hộ của người dân và chính giới trong cuộc chiến chống vấn nạn này. Theo ông Guterres là tình trạng tham nhũng và sự miễn trừ là hai yếu tố "ăn mòn", gây mất niềm tin trong người dân và kích động những người khác có hành vi tương tự. Ông Guterres nhấn mạnh  LHQ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nước thành viên trong cuộc chiến chống tham nhũng, từ việc chia sẻ các biện pháp phòng chống đến hỗ trợ các cơ quan phòng chống tham nhũng.

Chỉ thành công với những nỗ lực

Một trong những quốc gia năm qua thực hiện chống tham nhũng mạnh mẽ nhất ở Đông Nam Á nói riêng, ở châu Á nói chung là Malaysia. Trong một diễn biến mới nhất, ngày 5-11, Ủy ban Chống tham nhũng bắt giữ cựu Thủ hiến bang Sabah, ông Musa Aman với các cáo buộc tham nhũng. Ông Musa Aman, 67 tuổi sẽ phải ra hầu tòa với 35 tội danh liên quan đến hối lộ, tham nhũng.

Trước khi ông Musa bị bắt, các công tố viên cũng cáo buộc cựu Thủ tướng Najib Razak và cựu Phó Thủ tướng Ahmad Zahid thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau. Ông Najib đối mặt với 38 tội danh liên quan đến rửa tiền, lạm dụng quyền lực và lợi dụng tín nhiệm để phạm tội liên quan đến Quỹ Đầu tư nhà nước Malaysia (1MDB).

Để tăng cường sự minh bạch, theo tờ The Star, thu nhập hằng tháng của nhiều nghị sĩ Malaysia đã được đăng tải công khai trên cổng thông tin của Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC). Đây là yêu cầu của Thủ tướng Mahathir Mohamad nhằm ngăn chặn tình trạng tham nhũng. Ngoài việc cung cấp thông tin về thu nhập hằng tháng, các nghị sĩ còn phải công khai tài sản của mình.

Một quốc gia khác ở Đông Nam Á là Indonesia trong năm 2018 cũng đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng. Ngày 18-10, Cơ quan Chống tham nhũng Indonesia (KPK) đã tiến hành đột kích 10 địa điểm, trong đó có tư gia của Phó Chủ tịch Tập đoàn Lippo James Riady, như một phần trong cuộc điều tra tham nhũng liên quan đến dự án bất động sản Meikarta trị giá 21 tỷ USD của tập đoàn này. Cuộc đột kích được tiến hành sau khi KPK bắt giữ hai cố vấn và một nhân viên của Tập đoàn Lippo bị cáo buộc cố tình đưa hối lộ quan chức Indonesia để xin cấp phép sử dụng đất cho dự án Meikarta.

Chưa bao giờ cuộc chiến chống tham nhũng tại các nước ASEAN lại được đẩy cao như trong năm 2018. Mới đây, tại Diễn đàn Kinh doanh có trách nhiệm ASEAN 2018, diễn ra ở Singapore, báo cáo mang tên "Sự chia sẻ về liêm chính trong kinh doanh ở ASEAN" đã được công bố với kết luận các hoạt động chống tham nhũng tại các công ty niêm yết hàng đầu của khu vực ASEAN đang được cải thiện trong 2 năm qua.

Trong báo cáo do Mạng lưới trách nhiệm xã hội doanh nghiệp ASEAN (ACN) và Đại học Quốc gia Singapore (NUS) phối hợp thực hiện căn cứ trên thông tin thu thập từ 50 công ty lớn nhất về vốn hóa thị trường tại 5 quốc gia trong khu vực, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, nhằm đánh giá mức độ chia sẻ công khai của các doanh nghiệp này liên quan đến nỗ lực chống tham nhũng.

Theo đó, các công ty ở 5 nước ASEAN nói trên đạt mức trung bình 56% trong mức độ chia sẻ chung về thực hành chống tham nhũng, tăng 11% so với năm 2016. Trong số đó, Thái Lan duy trì vị trí dẫn đầu với tỷ lệ cao nhất là 67%, tăng từ 57% của năm 2016. Singapore đứng thứ hai với 55%, tăng từ 47%. Philippines và Malaysia cùng ở mức 53%. Indonesia vẫn ở vị trí thứ 5, nhưng đã được cải thiện từ 39% lên 51%.

Đáng chú ý, cam kết công khai chống tham nhũng đã tăng lên 70% trong năm 2018, so với mức 54% của năm 2016. Bên cạnh đó, tỉ lệ các lãnh đạo doanh nghiệp cam kết chống tham nhũng cũng được cải thiện đáng kể, từ 18% lên 38%. Nghiên cứu chỉ ra các công ty của Thái Lan, nơi pháp luật quy định sự chia sẻ về tuân thủ và minh bạch, luôn tốt hơn các công ty từ các nước ASEAN khác.

Biểu tình chống tham nhũng ở Kenya. Ảnh: AP News.

Bà Yanti Triwadiantini, Chủ tịch ACN, cho biết các nhà hoạch định chính sách và các công ty cần duy trì nỗ lực để nâng cao hơn nữa mức độ công khai và minh bạch trong cuộc chiến chống tham nhũng ở ASEAN. Những chuyển động mạnh mẽ trong khối các nước ASEAN được thể hiện qua tuyên bố cứng rắn của Thủ tướng Mahathir: Chỉ có thể đấu tranh chống tham nhũng thành công khi các nhà lãnh đạo cao nhất của chính phủ miễn nhiễm với căn bệnh trầm kha này.

Không chỉ tại châu Á, cuộc chiến chống tham nhũng trong năm 2018 cũng diễn ra mạnh mẽ ở các nước Nam Mỹ. Cụ thể, những vụ án tham nhũng lớn nhất đang dần đi tới hồi kết, những nhân vật “tai to mặt lớn” cỡ nào cũng bị đưa ra tòa. Mới đây nhất, ngày 16-10, Cảnh sát Liên bang Brazil đã đề nghị viện kiểm sát nước này truy tố 11 người, trong đó có Tổng thống Michel Temer, với các cáo buộc tham nhũng và rửa tiền.

Đề nghị trên được đưa ra trong bản báo cáo cuối cùng mà cơ quan này gửi Tòa án Tối cao về kết quả điều tra một vụ hối lộ lớn có liên quan trực tiếp đến ông Temer, trong đó có bằng chứng chống lại những người bị cáo buộc.

Tại châu Phi, những quan chức hàng đầu, khi mắc tội tham nhũng đều bị bắt và đưa ra xét xử, một hành động trước đây rất hiếm khi xảy ra do hệ thống luật pháp đã bị tê liệt bởi chính những đồng tiền tham nhũng. Việc nhiều nhà lãnh đạo ở châu Phi cam kết đẩy mạnh chống tham nhũng, chủ nghĩa gia đình trị, cũng như tình trạng trốn tránh pháp luật, coi đây là những quốc nạn, làm xói mòn lòng tin của các nhà đầu tư, đồng thời bày tỏ quyết tâm thu hồi tài sản tham nhũng của các quan chức chính quyền được gửi ở các ngân hàng nước ngoài đã lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư và người dân châu Phi.

Ngọn cờ đầu

Theo “Sách Xanh về chống tham nhũng: Báo cáo về công tác chống tham nhũng đề cao liêm khiết tại Trung Quốc năm 2018” (dưới đây gọi tắt là “Sách Xanh về chống tham nhũng năm 2018”), trong năm qua, công tác chống tham nhũng ở Trung Quốc đạt được một số kết quả như: Thứ nhất, cải cách cơ chế giám sát của nhà nước đạt được hiệu quả bước đầu; cuộc đấu tranh chống tham nhũng giành được thắng lợi, tình hình chống tham nhũng có những bước chuyển biến lớn. Cường độ xử lý vấn đề tham nhũng không giảm, duy trì sự trấn áp mạnh.

Theo số liệu được công bố trên trang mạng của Ủy ban Giám sát quốc gia, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương, trong nửa đầu năm 2018, các cơ quan giám sát, kiểm tra kỷ luật trên phạm vi toàn Trung Quốc đã nhận được 1,68 triệu đơn thư tố giác, giải quyết 740.000 sự vụ, trao đổi, thẩm tra 154.000 trường hợp, lập án 302.000 trường hợp, xử phạt 240.000 người (trong đó xử lý kỷ luật đảng 201.000 người). Trong số này có 28 cán bộ cấp tỉnh, bộ trở lên, hơn 1.500 cán bộ cấp sở, cục, khoảng 10.000 cán bộ cấp huyện, phòng.

Không ngừng thúc đẩy cải cách giúp phòng chống tham nhũng từ gốc; hoàn thiện cơ chế, trình độ và năng lực quản lý đất nước. Triển khai nhiều loại hình giám sát phát huy hiệu quả, kịp thời uốn nắn sai sót. Trong năm 2018, nhiều lực lượng giám sát như tuần thị, tuần tra, Ủy ban Giám sát quốc gia, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật, tư pháp, kiểm toán đồng thời phát huy hiệu quả, sự giám sát của quần chúng và truyền thông cũng được tăng cường, qua đó phát huy vai trò kịp thời phát hiện, răn đe hiệu quả và uốn nắn xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật liên quan đến tham nhũng.

Ngoài ra, tăng quản lý, giám sát đối với vốn, tài nguyên, tài sản công ngày càng quy củ, hợp lý. Kiểm soát, giám sát cán bộ ngày càng trở nên hiệu quả. Đặc biệt, từ cấp cao nhất luôn xác định tiếp tục duy trì áp lực cao trong công tác chống tham nhũng, chiến dịch “đả hổ”, “diệt ruồi” rất được lòng dân. Kể từ Đại hội 19 đến nay, ý chí, quyết tâm chống tham nhũng tại Trung Quốc không thay đổi nhưng số lượng các vụ án tham nhũng giảm mạnh so với các năm trước.

Kể từ tháng 11-2017 đến tháng 8-2018, có 16 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị Ủy ban Giám sát quốc gia, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương lập án điều tra. Một nguyên nhân quan trọng là qua công tác xử lý nghiêm minh toàn diện tại Trung Quốc trong 5 năm qua, đối tượng tham nhũng tại Trung Quốc ngày càng ít đi. Những thành tích “đả hổ”, “diệt ruồi” trong năm 2018 tại Trung Quốc không dễ dàng có được, điều này cũng thể hiện rõ ưu thế và hiệu quả của bộ máy chống tham nhũng sau khi cải cách cơ chế giám sát quốc gia.

Hoa Huyền
.
.