Những nghi ngờ mới về nguồn gốc đại dịch COVID-19
- Trung Quốc hoan nghênh WHO đến điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19
- Trung Quốc kêu gọi ngừng chính trị hóa việc nghiên cứu nguồn gốc virus SARS-CoV-2
- Trung Quốc cáo buộc Mỹ truyền bá thông tin sai lệch về nguồn gốc virus SARS-CoV-2
Bằng chứng chưa được xem xét
GS Marc Lipsitch chuyên về dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Harvard T. H. Chan cho hay, các nhà khoa học đã cùng ký tên vào một bức thư đăng tải trên tạp chí Science để kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng khoa học. "Những gì chúng tôi đang nói là bằng chứng hiện có không loại trừ nguồn gốc COVID-19 đến từ phòng thí nghiệm, cũng như không loại trừ nguồn gốc tự nhiên. Và thực sự cũng không có bằng chứng xác thực. Nó chỉ là thiếu khá nhiều bằng chứng ngay bây giờ. Và chúng tôi đang kêu gọi giải quyết vấn đề này vì đây là một câu hỏi quan trọng", GS Marc Lipsitch nói.
Trong khi đó, tờ Business Standard ngày 29-5 cho biết, từ năm ngoái, GS Angus Dalgleish (người Anh) và nhà khoa học Na Uy Birger Sorensen đã đưa ra kết luận về khả năng "virus SARS-CoV-2 xuất phát từ phòng thí nghiệm nhưng không được chấp thuận. Để khẳng định quan điểm của mình, hai nhà khoa học này đã cho đăng một bài báo dài 22 trang trên tạp chí Khám phá vật lý sinh học, giải thích rằng, trong quá trình nghiên cứu vaccine, họ đã phát hiện "dấu vết đặc biệt" cho thấy virus này không có nguồn gốc tự nhiên. Manh mối là một hàng 4 axit amin, tạo ra điện tích dương và liên kết với các tế bào âm tính của con người.
"Quy luật tự nhiên là bạn không thể có 4 axit amin dương trên một hàng. Cách duy nhất để có điều này là bạn phải tự tạo ra nó", GS Angus Dalgleish nhận xét. Bài viết của hai nhà khoa học này cũng khẳng định: "Giờ đây, chúng tôi không còn nghi ngờ gì nữa, về việc virus SARS-CoV-2 được thao túng có chủ đích, khiến chúng tôi bắt buộc phải xem xét lại các loại thử nghiệm. Chúng tôi nghĩ rằng đã có những loại virus được thiết kế theo phong cách retro. Họ đã thay đổi virus, sau đó cố gắng tìm ra nó theo một trình tự cách đây nhiều năm. Chúng tôi đã thấy các rò rỉ trong phòng thí nghiệm và chúng tôi biết điều đó đang xảy ra. Chúng tôi cũng biết từ các báo cáo mà chúng tôi tìm được rằng virus Corona được nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm An toàn sinh học cấp 2 hoặc 3". Cả hai nhà khoa học trên đều là những chuyên gia có uy tín: GS Angus Dalgleish là một giáo sư ung thư học ở London, được biết đến với công trình đột phá về vaccine HIV trong khi Birger Sorensen là một nhà virus học và là chủ tịch của Công ty dược phẩm Immunor - công ty đang phát triển một vaccine COVID-19 tên là Biovacc-19.
Ngày 26-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh cho cộng đồng tình báo nước này làm sáng tỏ thuyết âm mưu virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm Trung Quốc và phải đưa ra câu trả lời trong vòng 90 ngày.
Những nghi vấn
Rõ ràng, giả thuyết virus SARS-CoV-2 có thể là kết quả từ thí nghiệm khoa học đã làm nóng lên cuộc tranh luận của các nhà khoa học về hoạt động của những phòng thí nghiệm sinh học an toàn nhất thế giới hiện nay. Viện virus học Vũ Hán, nơi đang bị nghi ngờ làm rò rỉ virus là một viện nghiên cứu về virus học do Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) quản lý.
Tọa lạc tại quận Giang Hạ, Vũ Hán, Hồ Bắc, Viện virus học Vũ Hán có phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4 (BSL - 4) đầu tiên của Trung Quốc và có quan hệ chặt chẽ với Phòng thí nghiệm quốc gia Galveston ở Mỹ, Trung tâm International de Recherche en Infectiologie ở Pháp, và Phòng thí nghiệm Vi sinh quốc gia ở Canada. Gregory Koblentz, giám đốc Biodefense Graduate tiết lộ, BSL-4 được chế tạo để hoạt động an toàn và bảo mật với các vi khuẩn và virus nguy hiểm nhất có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng mà chưa có phương pháp điều trị hoặc vaccine: "Có hệ thống lọc HVAC, để virus không thể thoát ra ngoài qua khí thải. Bất kỳ nước thải nào ra khỏi cơ sở đều được xử lý bằng hóa chất hoặc nhiệt độ cao để đảm bảo rằng không có gì còn sống. Bản thân các nhà nghiên cứu đều được đào tạo chuyên sâu và mặc quần áo bảo hộ".
Thống kê cho thấy, có 59 BSL-4 trên khắp thế giới nhưng lại không có tiêu chuẩn quốc tế nào ràng buộc về công việc an toàn, bảo mật và có trách nhiệm đối với các mầm bệnh. Báo cáo có tên Mapping Maximum Biological Containment Labs Globally chỉ rõ, tai nạn có thể xảy ra, đôi khi ở các cơ sở cấp cao nhất, và thường xuyên hơn ở các phòng thí nghiệm cấp thấp. Chẳng hạn virus H1N1 ở người - cùng một loại cúm đã gây ra đại dịch năm 1918, bị rò rỉ vào năm 1977 tại Liên Xô (cũ) và Trung Quốc. Năm 2001, một nhân viên bị rối loạn tâm thần tại một phòng thí nghiệm ở Mỹ đã gửi các bào tử bệnh than ra khắp đất nước, khiến 5 người thiệt mạng.
Hai nhà nghiên cứu Trung Quốc tiếp xúc với SARS vào năm 2004 đã truyền bệnh cho những người khác, khiến một người thiệt mạng. Năm 2014, một số ít lọ thuốc đậu mùa đã được phát hiện trong một cuộc chuyển văn phòng của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ. Lynn Klotz, một nhà khoa học cấp cao tại Trung tâm Kiểm soát và không phổ biến vũ khí từng gióng lên hồi chuông cảnh báo trong nhiều năm về các mối đe dọa an toàn công cộng do các cơ sở như vậy gây ra. "Sai sót của con người chiếm hơn 70% các lỗi trong các phòng thí nghiệm, đồng thời cho biết thêm rằng các nhà nghiên cứu Mỹ phải dựa vào dữ liệu từ các yêu cầu của tự do thông tin để tìm hiểu về những sự cố này", Lynn Klotz nói.
Nhà sinh học phân tử Richard Ebright của Đại học Rutgers, nhận định, những sự cố này không có nghĩa là COVID-19 đã bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm và thực tế là chưa có bằng chứng khoa học nào ủng hộ kịch bản tai nạn trong phòng thí nghiệm đối với đại dịch này.