Nước Anh và Brexit: Những mâu thuẫn tiềm ẩn

Thứ Tư, 20/11/2019, 18:08
Với việc thủ lĩnh đảng Brexit của nước Anh, ông Nigel Farage rút gần một nửa số ứng cử viên của đảng này trong cuộc bầu cử sắp tới để đảm bảo rằng hàng trăm ghế hiện do đảng Bảo thủ nắm giữ sẽ không bị chia phiếu của những cử tri ủng hộ “ra đi”.

Xem ra Thủ tướng Anh Boris Johnson và nhà lãnh đạo đảng Brexit Nigel Farage đã tìm được tiếng nói chung trong tiến trình đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Dù quyết định này được coi như một sự hỗ trợ mạnh mẽ cho ông Johnson, song giới phân tích cho rằng nó vẫn tác động đến những gì sẽ xảy ra ngay cả khi ông Johnson giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 12-12.

Thậm chí, mối quan hệ của Anh với Mỹ và EU hậu Brexit cũng không dễ gì “xuôi chèo mát mái”.

Đoạn video ngắn được ông Johnson đưa ra tối 10-11 dường như là một chiến thắng đối với ông Farage. Thủ tướng đã đưa ra 2 cam kết cứng rắn làm hài lòng các đối thủ ủng hộ “ra đi” của mình: ông sẽ không kéo dài thời gian kết thúc việc rời EU vào tháng 12-2020 và ông sẽ theo đuổi một thỏa thuận thương mại tự do kiểu Canada với EU theo đó không có nhiều liên kết chính trị với khối này.

Ông Johnson đã nói bóng gió cả hai vấn đề này trước đây. Với cam kết của ông Farage, Thủ tướng Johnson sẽ chịu áp lực đáng kể phải thực hiện cả hai vấn đề này hoặc đối mặt với sự tái nổi dậy của đảng Brexit. Những cam kết này sẽ đưa Vương quốc Anh tiến tới một “vách đá Brexit” khác vào năm 2020, vì không mấy ai tin rằng họ có thể đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện giữa Anh và EU trong vòng 12 tháng.

Nếu ông Johnson và đảng Bảo thủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với thế đa số ít ỏi nhờ đảng Brexit đứng sang một bên. Ông Johnson sẽ nhanh chóng thông qua thỏa thuận Brexit của mình ở Hạ viện, có thể là trước Giáng sinh. Sau đó, Nghị viện châu Âu sẽ thông qua thỏa thuận này, có thể trong tháng 1-2020 và cuối cùng Vương quốc Anh sẽ rời EU vào ngày 31-1.

Hai bên sau đó sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại. Trong khi nước Anh sau khi rời EU mong muốn đạt được những tiến bộ thì EU trước tiên phải đạt được sự nhất trí của 27 thành viên, một quá trình có thể mất vài tháng. Cam kết của Thủ tướng Johnson về một thỏa thuận thương mại tự do lỏng lẻo chắc chắn sẽ dẫn đến những xung đột trong các quy định về sân chơi bình đẳng, sự thống nhất quy trình chuẩn về các quy tắc và quy định. Một thỏa thuận nhanh chóng, như một số người ủng hộ Brexit háo hức nói đến, sẽ là không thể.

Như chúng ta đã biết, tháng 7-2020 là thời điểm mà ông Johnson phải quyết định có gia hạn thời gian chuyển tiếp thêm ít nhất một năm nữa hay không. Nếu ông nói không như đã cam kết trong video, Vương quốc Anh sẽ hướng tới một sự ra đi hỗn loạn sau giai đoạn chuyển tiếp vào cuối năm 2020 - điều mà ông Farage sẽ hài lòng.

Nhưng, điều bí mật tồi tệ nhất ở Westminster là ông Johnson sẽ làm tất cả những gì có thể để tránh việc không có thỏa thuận. Quan điểm của ông là giữ cho các cuộc đàm phán thương mại diễn ra và trên thực tế giữ Vương quốc Anh ở lại EU trong nhiều tháng. Ông Johnson có thể phải đối mặt với áp lực từ chính đảng của mình, đặc biệt là từ nhóm nghị sĩ Bảo thủ. Nhưng, nếu có được thế đa số thuyết phục, ông sẽ có vốn chính trị để tiếp tục gia hạn và đàm phán.

Bản tuyên ngôn của đảng Bảo thủ sẽ không được đưa ra trong vài tuần tới. Chỉ đến khi đó, chúng ta mới cảm nhận được không gian còn lại để ông Johnson luồn lách tránh một sự ra đi đột ngột. Thủ tướng đã vượt qua thời hạn 31-10 mà danh tiếng không mấy thiệt hại thì ông có thể tiếp tục lặp lại điều đó.

Tuy nhiên, nếu các cuộc đàm phán thương mại kéo dài sang năm 2021 và sau đó nữa, ông Farage sẽ cảm thấy bị phản bội bởi ông Johnson. Và ngay cả khi có một thỏa thuận, ông Farage có thể sẽ trở thành người bảo vệ chính của Vương quốc Anh khi công khai chỉ trích rằng bất kỳ thỏa thuận thương mại tự do nào đều là một sự phản bội. Bất kể điều gì xảy ra tiếp theo với Brexit, sự bất bình sẽ tiếp tục diễn ra.

Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cùng nhau tái khẳng định cam kết về một “mối quan hệ đặc biệt” giữa hai nước, sau khi nước Anh hoàn thành tiến trình Brexit, thông qua một “hiệp định thương mại tự do song phương mạnh mẽ”. Có thể nhận thấy đây là sự thay đổi lớn trong quan quan hệ giữa hai đồng minh mà mới chỉ ít ngày trước, Tổng thống Trump còn tuyên bố thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Anh Johnson đạt được với EU sẽ khiến cho Mỹ và Anh không thể đạt được một thỏa thuận thương mại tự do.

Tuyên bố bất lợi trên của Tổng thống Trump được đưa ra ngay trước chiến dịch bầu cử của Thủ tướng Johnson và đảng Bảo thủ, nó như một rào cản buộc ông Johnson phải lo lắng và tìm cách tháo gỡ. Giờ đây dường như nỗi lo lắng đó đã được giải tỏa trong một cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo: Hiệp định thương mại mà London mong muốn ký kết với Mỹ sẽ sớm được thúc đẩy.

Mối quan hệ với Mỹ trong lịch sử cũng như hiện tại luôn là vấn đề trọng tâm trong chính sách đối ngoại của nước Anh. Sau khi tiến trình Brexit hoàn thành, mối quan hệ này thậm chí còn quan trọng hơn nữa đối với nước này. Việc Anh rời EU sẽ là cơ hội tốt để hai nước tiếp tục thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương, nhất là sau khi một hiệp định thương mại tự do toàn diện so với trước đây được hai bên ký kết.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Anh với EU không giống Anh - Mỹ. Những năm qua, EU đã dần mất vị thế về kinh tế đối với nước Anh: giá trị hàng hóa của Anh xuất khẩu sang EU liên tục giảm, từ mức 54% (trong tổng giá trị xuất khẩu của Anh) những năm đầu thiên niên kỷ này giảm còn 44,5% trong năm 2017.

Tất nhiên, nước Anh không thể bỏ qua giá trị 44,5% này vì nó vẫn rất lớn đối với nền kinh tế nước này nhưng vai trò của Bruxelles trong hệ thống các mối quan hệ đối ngoại của Anh cũng sẽ bị giảm dần, nhất là khi Brexit hoàn thành. EU sẽ khó có thể là đối trọng so với ảnh hưởng quá lớn của Mỹ đối với nước Anh.

Như vậy, mối quan hệ giữa Anh với EU cũng như giữa Anh với Mỹ, không chỉ toàn là sự hợp tác, mà nó phức tạp hơn rất nhiều so với suy nghĩ của nhiều người. Thời gian tới, các mối quan hệ này sẽ vẫn còn nhiều điểm quanh co khúc khuỷu.

Quang Nguyễn
.
.