Nước Đức quyết định đóng cửa sân bay Tempelhof, biểu tượng của đế chế Hitle

Thứ Bảy, 10/02/2007, 11:00
Tempelhof là sân bay nổi tiếng từ trước Chiến tranh thế giới II. Được xây dựng theo chỉ thị của trùm phát xít Adolf Hitler, tính đến nay Tempelhof đã hoạt động trên 70 năm. Nước Đức vừa quyết định sẽ đóng cửa sân bay lịch sử Tempelhof ở thủ đô Berlin vào khoảng tháng 10/2008.

Nước Đức vừa quyết định sẽ đóng cửa sân bay lịch sử Tempelhof ở thủ đô Berlin vào khoảng tháng 10/2008. Các chuyến bay thương mại đang tiến hành tại sân bay này sẽ được bố trí tại sân bay Schoenefeld nằm ở ngoại ô phía đông thành phố Berlin.

Dù kế hoạch đã có, song việc đóng cửa sân bay Tempelhof hoàn toàn không đơn giản vì có liên quan các vấn đề về lịch sử và các ý kiến trái ngược nhau trong việc bảo tồn hay chuyển đổi mục đích sử dụng sân bay.

Tempelhof là sân bay nổi tiếng từ trước Chiến tranh thế giới thứ 2. Được xây dựng theo chỉ thị của trùm phát xít Adolf Hitler, tính đến nay Tempelhof đã hoạt động trên 70 năm. Thoạt đầu, sân bay được thiết kế chỉ bao gồm 2 đường băng, nhưng vào thời đó được xem là công trình kiến trúc vĩ đại nhất châu Âu.

Khi các kiến trúc sư Đức Quốc xã vẽ bản thiết kế Tempelhof vào thập niên 30 thế kỷ XX, họ muốn nó tồn tại hàng thế kỷ. Nhìn bề ngoài, khu nhà ga được ốp đá quý, có hình thể góc cạnh, những cây cột cao trên 20 mét, có hầm sâu 3 tầng, và nhiều chi tiết trang trí mang ý nghĩa về thời vàng son của chủ nghĩa phát xít.

Sau chiến tranh, Tempelhof được quân Đồng minh (Mỹ và Tây Âu) tận dụng, biến thành trung tâm đầu não của cuộc không vận nổi tiếng trong những năm 1948-1949, mở đầu cho chiến tranh lạnh.

Những chiếc máy bay vận tải DC-3 được trẻ em Tây Berlin thời đó trìu mến gọi bằng cái tên “Máy bay thả kẹo” (Candy Bomber), vì chúng thả xuống các kiện nhu yếu phẩm cứu trợ trong đó có nhiều thùng kẹo sôcôla. Cuộc không vận mở màn cho chiến tranh lạnh diễn ra từ ngày 24/6/1949 và kéo dài trong suốt 15 tháng sau đó.

Sự kiện lịch sử bắt đầu sau khi xảy ra mâu thuẫn giữa quân Đồng minh và Hồng quân Liên Xô xung quanh việc kiểm soát toàn bộ thành phố Berlin sau Chiến tranh thế giới thứ 2, dẫn đến việc Hồng quân phong tỏa toàn bộ khu vực Tây Berlin, kể cả việc cắt nguồn điện cung cấp cho khu vực này.

Không quân Mỹ đáp trả bằng việc tổ chức cuộc tiếp tế bằng đường hàng không lớn nhất trong lịch sử với tổng cộng hơn 2,3 triệu tấn lương thực thực phẩm, than và các nhu yếu phẩm, tương đương 1 tấn trên mỗi đầu người dân Tây Berlin. Vào lúc cao điểm, máy bay tiếp tế cất và hạ cánh liên tục tại sân bay Tempelhof, cứ 90 giây một chuyến.

Đến ngày 12/5/1949, Hồng quân dỡ bỏ lệnh phong tỏa Tây Berlin, nhưng cuộc tiếp vận vẫn diễn ra cho đến khi các nguồn cung ứng trên mặt đất phục hồi hoàn toàn.

Ngày nay, Tempelhof vẫn là công trình kiến trúc lớn thứ 3 châu Âu xét về diện tích mặt bằng, sau Nhà đấu xảo Hoa Aalsmeer ở Hà Lan và Cung Nghị viện ở Bucharest, Romania. Còn những chiếc DC-3 cũng không còn làm nhiệm vụ “Candy Bomber” nữa, mà thay vào đó chỉ chở du khách đến tham quan di tích “cuộc không vận lịch sử” tại sân bay Tempelhof.

Cũng từ sau cuộc không vận lịch sử đó, quân đội Mỹ đã đóng tại Tempelhof cho đến khi nước Đức tái thống nhất vào năm 1993 mới rút đi. Từ đó cho đến nay, khoảng 1/2 diện tích mặt bằng khu nhà ga sân bay đã bỏ trống, không được sử dụng.

Giới luật sư Đức nhiều năm qua đã thúc đẩy việc đóng cửa sân bay Tempelhof. Lập luận của họ là, thủ đô Berlin tái thống nhất không còn cần thiết phải duy trì một lúc 3 sân bay có từ thời chiến tranh lạnh. Người ta cũng cho rằng, việc duy trì quá nhiều sân bay trong thành phố Berlin đang gây ra tiếng ồn vượt mức cần thiết, cũng như đe dọa độ an toàn cho các tòa nhà cao tầng được xây dựng xung quanh khu vực sân bay.

Tuy nhiên, Tempelhof hiện đang được bảo vệ bởi Luật Bảo tàng di tích lịch sử, theo đó sân bay này không thể bị phá hủy hay chuyển đổi thành khu mua sắm, như ý kiến của một số luật sư và kiến trúc sư. Nhưng, Tempelhof cũng khó có thể tiếp tục duy trì và phát triển trong tương lai, vì khu vực gần sân bay này hiện đã bị cấm lưu thông bằng đường hàng không.

Sân bay này hiện chỉ có khoảng 5 chiếc máy bay thương mại đang hoạt động, và trong năm 2006 tiếp nhận tổng cộng 600.000 hành khách, chỉ bằng 1/10 lưu lượng khách các sân bay khác của Berlin. Vả lại, không ai muốn tiếp tục “sống chung” với chứng tích của trùm phát xít Hitler.

Một số nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng đầu tư tại Tempelhof và đang vận động hành lang để sân bay này được tiếp tục hoạt động, vì họ cho rằng, Tempelhof không nhất thiết phải cạnh tranh với các sân bay khác mà ngược lại, nó có thể dùng làm ga trung chuyển hành khách hoặc quá cảnh tạm thời cho các sân bay lớn khác của Berlin.

Một lợi thế của Tempelhof là giao thông thuận tiện do vị trí nằm gần trung tâm thành phố. Do đó, một tổ hợp liên doanh do nhà đầu tư người Mỹ gốc Đức Fred Langhammer chủ trì cũng nảy ra một ý tưởng kinh doanh và đang đề xuất chính quyền biến Tempelhof thành một khu phức hợp y tế khổng lồ có thể tiếp nhận chữa trị khoảng 100.000 bệnh nhân mỗi năm, trong đó nhiều người giàu có có thể sử dụng dịch vụ vận chuyển bằng máy bay.

Hiện chưa có giải pháp nào được xem là khả thi cả. Tempelhof chắc chắn phải đóng cửa, nhưng cũng khó có thể biến thành các khu mua sắm hay trung tâm y tế do tư nhân đầu tư. Nhìn chung, quan điểm của chính quyền Berlin là biến nó thành khu công viên cây xanh của thành phố

Nguyên Khang (theo Washington Post)
.
.