Nước Đức thời Angela Merkel và cuộc định hình tương lai EU

Thứ Tư, 20/09/2017, 15:32
Nước Đức sẽ bước vào cuộc bầu cử sẽ diễn ra ngày 24-9 tới. Adriaan Schout, một học giả có kinh nghiệm tại Clingendael - Viện Quan hệ quốc tế Hà Lan đưa ra nhận định: “Vấn đề không phải là ai sẽ trở thành thủ tướng mới của Đức mà là Đức sẽ quyết định tác động như thế nào đến tương lai của EU sau cuộc bầu cử”.

Khả năng thắng cử của bà Merkel rất cao

Ngày 24-9 là thời điểm bà Angela Merkel đánh cược sự nghiệp chính trị tiếp tục chạy đua vào chức thủ tướng, vị trí mà bà đã đảm nhiệm từ năm 2005. Nếu không có bất ngờ lớn, Thủ tướng đương nhiệm Merkel sẽ tiếp tục được bầu nhiệm kỳ thứ tư. Nếu đúng  như vậy, bà Merkel sẽ trở thành một trong số ít những nhà lãnh đạo Đức (cùng với ông Helmut Kohl và ông Konrad Adenauer) kéo dài 4 nhiệm kỳ liên tục.

Câu hỏi được đặt ra là làm sao có thể kéo dài nhiệm kỳ lâu như vậy trong một thế giới luôn có sự biến động khôn lường? Thực tế, Thủ tướng Merkel đã phải đối phó với sự “tỉnh giấc” của nước Nga, vốn làm phức tạp mối quan hệ của Moscow với các nước châu Âu, phải đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 mà theo đánh giá thì đây là một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất của châu Âu và đã đe dọa sự “tồn vong” của đồng euro, đồng thời cũng phải đối phó với việc nổi lên của chủ nghĩa dân túy trên khắp thế giới và đặc biệt là tại châu Âu trong khi nước Anh đã quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Nếu tái đắc cử, ưu tiên hàng đầu của bà Angela Merkel sẽ là một chương trình nghị sự EU mà bà muốn thực hiện cùng Tổng thống Pháp Macron.

Mặt khác, bà Angela Merkel đã phải hứng chịu những lời chỉ trích nặng nề ngay tại nước Đức vào năm 2010, thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng Hy Lạp. Dư luận cũng đặt ra câu hỏi làm thế nào mà bà Merkel có thể dành cả thời gian và tiền bạc cho các quốc gia thuộc “Club Med” (bao gồm các nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Italy...) trong khi người Đức phải vật lộn với những khó khăn của cuộc khủng hoảng và sức mua bị chững lại?

Báo chí cũng đã tìm cách thổi phồng câu chuyện ông Mario Draghi được bổ nhiệm vào chức vụ người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bởi chính bà Merkel đã ủng hộ ông Draghi, trong khi đáng ra một người Đức phải là người kế vị ông Trichet. Ngay cả chính sách tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn đã gây ra một bất ngờ lớn và điều này tạo ra một nguy cơ đối với bà Merkel xét trên khía cạnh chính trị.

Mặc dù, có rất nhiều tranh cãi về nhân vật Merkel, về sự thiếu vắng lực lượng đối lập có uy tín..., song điều không thể bàn cãi chính là thành tựu kinh tế của Đức - một yếu tố vô cùng quan trọng - dưới sự “chèo lái” của bà Merkel.

Vào năm 2016, tất cả những chỉ số kinh tế đều tốt đẹp đối với nước Đức. Berlin đã đạt kỷ lục về thặng dư thương mại vào năm 2016. Với trên 297 tỷ USD, Đức đã vượt kỷ lục thặng dư của Trung Quốc vào năm 2015. Con số thặng dư này chiếm 8,5% GDP, một kỷ lục nữa. Hơn nữa tỷ lệ thất nghiệp hiện chỉ còn 4,3% trong bối cảnh nền kinh tế Đức gần như đầy việc làm. Trong khi tỷ lệ này là 11% ở thời điểm bà Merkel lên nắm quyền. Do vậy, bà Merkel không bị mất đi sự ủng hộ của đại đa số người dân Đức.

Xây dựng một châu Âu mạnh mẽ theo phong cách Đức

Theo ông Adriaan Schout, trái  với cuộc bầu cử tại Hà Lan đầu năm nay và cuộc chạy đua vào điện Élysée của Pháp, điều được đặt cược trong cuộc bầu cử Đức không phải là đồng euro, mà cũng không phải là sự tồn tại của EU, vì cả bà Merkel và ông Martin Schulz đều ủng hộ châu Âu, mà là tương lai của Liên minh này sẽ được định hình như thế nào.

Nhờ vào tài lãnh đạo của bà Merkel, nước Đức đã không phải chịu đựng những khó khăn kinh tế; chủ nghĩa cực đoan chính trị được kiểm soát tốt; thảm họa của chủ nghĩa dân túy vẫn chưa thể bắt rễ. Bất chấp Brexit, EU đa phần vẫn nguyên vẹn, đồng tiền chung sau trải nghiệm suýt tan vỡ vẫn tồn tại và hoạt động tích cực. Một cuộc chiến ở Đông Âu về quyền tự quyết của Ukraine không bị ngăn chặn song đa phần được kiềm chế.

Thủ tướng Đức A.Merkel thân thiện với cả người dân Đức và những người nhập cư. Ảnh: Dawn.

Nhờ xử lý cẩn trọng các vấn đề tị nạn, từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Mali, bà Merkel và EU đang kiểm soát tốt hơn vấn đề di cư, một thách thức nổi trội trong thế kỷ qua. Không quá phô trương, Đức đã gia tăng thêm quyền lực trong các vấn đề quốc tế trong những năm qua và sẵn sàng tận dụng nó về mặt chính trị. Điều này đã làm thay đổi cán cân quyền lực của châu Âu, song bất chấp tất cả các tín hiệu cảnh báo lịch sử, Đức không tách biệt riêng ra hay một lần nữa lại trở thành kẻ chèn ép người khác.

Zsolt Darvas - học giả kỳ cựu của nhóm cố vấn Bruegel, có trụ sở tại Brussels tin rằng, cách tiếp cận của Đức đối với EU chắc chắn sẽ vẫn là quen thuộc vì Thủ tướng Angela Merkel có khả năng sẽ đứng đầu liên minh cầm quyền nhiệm kỳ thứ tư.

“Thành phần của quốc hội sẽ vẫn giữ nguyên, trong khi bà Markel sẽ tiếp tục trở thành thủ tướng và chính phủ sẽ không có nhiều thay đổi, điều đó có nghĩa là sẽ có một cách tiếp cận tương tự về quan điểm của Đức sau cuộc bầu cử”.

Kết quả các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo bảo thủ (CDU) của bà Merkel liên minh với đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo Bavarian (CSU) đang dẫn trước và dường như sẽ chiếm đa số trong tổng số 598 ghế tại Quốc hội liên bang Đức (Bundestag).

Học giả Schout nói thêm: “Bà Merkel dường như đang chịu áp lực tạo ra sự thống nhất với Tổng thống Pháp để có những bước tiến nhằm hội nhập sâu rộng hơn”.

Lịch sử đã trả công cho bà bằng cách đưa tới Emmanuel Macron, người đã trở thành Tổng thống Pháp và được bà coi là có khả năng cùng bà tạo nên một khu vực kinh tế châu Âu và đồng tiền chung ổn định và không thể đảo ngược, đủ mạnh để đảm bảo sự thịnh vượng ở lục địa này và ngăn chặn bất cứ chính sách hẹp hòi, chống tự do thương mại của chính quyền ông Trump hay của một Trung Quốc trỗi dậy ở phía Đông.

Nếu tái đắc cử, ưu tiên hàng đầu của bà Merkel sẽ là một chương trình nghị sự EU mà bà muốn thực hiện cùng ông Macron. Trước hết, châu Âu cần độc lập hơn nữa về tài chính. Tổng thống Pháp, người đã cam kết “cải cách triệt để” EU, đã kêu gọi thành lập một ngân sách cho khu vực đồng tiền chung châu Âu mà sẽ tài trợ cho các khoản đầu tư và bình ổn nền kinh tế châu Âu trong thời kỳ khủng hoảng, cũng như thiết lập chức Bộ trưởng Tài chính và một nghị viện cho khu vực đồng tiền chung.

Bà Merkel ủng hộ những đề xuất của ông Macron về ngân sách eurozone nhưng sẽ chỉ là một ngân sách nhỏ. Bà cũng ủng hộ sáng kiến về chức vụ Bộ tưởng Tài chính, tuy nhiên vẫn phản đối bất cứ quỹ tài chính chung nào để giải quyết nợ cho eurozone.

Thủ tướng Đức A.Merkel chụp ảnh với người dân ở Berlin. Ảnh: Politico Europe.

Về đề xuất thiết lập Quỹ Tiền tệ châu Âu (EMF), đã được Thủ tướng Đức chấp thuận nhằm tạo cho eurozon khả năng đối phó với khủng hoảng mà không cần dính dáng đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có trụ sở tại Washington, cả hai chuyên gia đều nhận xét điều đó chỉ như sự đổi tên Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) đang tồn tại - cơ quan có chức năng giải cứu được thành lập năm 2012 để đối phó với cuộc khủng hoảng eurozone.

Darvas nói: “Tôi không mong có sự thay đổi lớn đối với hiệp ước khống chế ESM. Nó có thể được đặt tên lại là EMF nhưng điều đó chủ yếu chỉ là sự đổi tên”. Chuyên gia Gros bổ sung, thậm chí nhiều quyền lực hơn sẽ được chuyển từ Hội đồng châu Âu sang một EMF mới thì “sẽ không có ảnh hưởng đáng kể vì việc hoạch định chính sách ở cả hai cơ quan đều do các nước thành viên chi phối”.

Sau những tuyên bố “định hướng” về việc thúc đẩy xây dựng một châu Âu mạnh mẽ hơn, Đức bắt đầu có những động thái để cùng các nước thành viên EU khác hiện thực hóa mục tiêu này. Theo Reuters, Đức đã đề xuất cải cách hệ thống quỹ liên kết, theo đó các nước thành viên EU không đáp ứng các tiêu chuẩn của liên minh này về quy định luật có thể mất quyền tiếp cận nguồn tài trợ.

Động thái này sẽ gây ảnh hưởng lớn tại một số nước tiếp nhận quỹ tài trợ đó. Hungary và Ba Lan, cả hai nước đều nhận số tiền lớn, đã bị Brussels chỉ trích nhiều lần về việc không đáp ứng các tiêu chuẩn về luật.

Gương mẫu để tạo lập ảnh hưởng

Điều khiến bà Merkel quan ngại nhất là tình trạng thế giới dân chủ tự do. Bà thấy các nền dân chủ đang liên tục bị thách thức, hoặc bởi những người theo chủ nghĩa dân túy ngay bên trong các nền dân chủ này hoặc bởi những nhà độc tài chuyên quyền độc đoán xuất hiện ở trên khắp thế giới. Không để cho lịch sử lặp lại và châu Âu không quay trở lại chủ nghĩa dân tộc và dân túy, bà muốn EU phải mạnh và an toàn. Nếu châu Âu ổn về kinh tế và đưa ra một tầm nhìn đáng tin cậy cho tất cả, tư tưởng của bà được tiếp tục - đây sẽ là di sản giá trị nhất mà bà có thể để lại.

Song giải quyết được vấn đề này rất khó: Làm sao tăng thêm quyền lực cho EU mà không làm suy yếu các nước thành viên? Làm sao đảm bảo được cho đồng euro mà không phải can thiệp quá nhiều tới chủ quyền của mỗi thành viên? Xét cho cùng, người châu Âu, kể cả bà Merkel, chẳng mấy mong muốn chuyển giao thêm quyền lực cho Brussels. Song nói rằng bà Merkel quan tâm tới việc giải quyết một thách thức lịch sử như vậy chưa thể trả lời được bà sẽ tiếp tục như thế nào.

Tỷ lệ ủng hộ dành cho Thủ tướng Merkel (bên phải) bỏ xa tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Schulz (bên trái).

Phần lớn các nước thành viên EU đang ủy thác an ninh của mình cho Mỹ kể từ gần 60 năm qua trong khuôn khổ NATO. Việc Mỹ giảm cam kết đối với an ninh châu Âu đang khiến châu lục này đặc biệt lo ngại. Tuy nhiên, thái độ của Đức đối với những vấn đề về quân sự đang có một sự thay đổi lớn.

Thủ tướng Merkel mới đây đã khẳng định rằng, “giai đoạn mà chúng ta có thể tin tưởng vào những quốc gia khác gần như đã qua” và “các nước châu Âu cần phải tự gánh vác trọng trách quốc phòng của mình”. Dường như đã có một ý tưởng rõ nét của Đức trong việc có thể kế thừa vai trò của Mỹ về việc đảm bảo an ninh châu Âu khi Sách trắng quốc phòng Đức năm 2016 đã khẳng định xu hướng nước Đức sẽ đóng vai trò là “một tác nhân trung tâm tại châu Âu”.

Nếu như Berlin từ chối tuân thủ yêu cầu của Mỹ là tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP, Đức vẫn phải tăng mạnh cho chi tiêu quốc phòng. Vì vậy, Đức đang đề nghị các quốc gia đang “cháy túi” sáp nhập một phần quân đội của mình vào quân đội Đức trong khuôn khổ thực hiện “Khái niệm Hợp nhất các quốc gia” (Framework Nation Concept- FNC) của NATO.

Đổi lại, lực lượng của các nước đối tác có thể được tạo điều kiện để thực hiện tốt nhất công nghệ quân sự dưới sự hỗ trợ của các lực lượng của Đức. Theo cách này, từng bước một lực lượng của châu Âu sẽ được hình thành, trong đó lực lượng nòng cốt là quân đội Đức.

Trong hai thập niên qua, vai trò của Đức trên thế giới ngày càng rõ nét. Nước Đức ngày nay là một cường quốc châu Âu nổi lên như một chủ thể trung tâm bằng việc duy trì sự ổn định trong khi thế giới xung quanh nó biến đổi. Sức mạnh kinh tế, khả năng quân sự cùng cách hành xử ngoại giao thận trọng và có trách nhiệm đang mang lại sự tin tưởng cho các nước EU.

Khi nước Anh đang rời bỏ sân khấu chính trị của châu lục; Pháp chìm đắm trong khó khăn kinh tế và cuộc chiến chống khủng bố; Tây Ban Nha và Italy đối diện với nạn thất nghiệp nghiêm trọng; Ba Lan và Hungary chỉ tập trung vào các vấn đề trong nước... Tiếng nói mạnh mẽ từ một nước Đức ổn định, có tiềm lực ngày càng có sức nặng.

Chính vì vậy, nếu Đức trở thành “người quyết định” của châu Âu, thì cũng không phải vì Berlin muốn theo đuổi vai trò đó, Washington Post bình luận. Nước Đức dưới thời Thủ tướng Merkel đang thể hiện một dạng lãnh đạo hậu hiện đại - thông qua làm gương và đồng thuận.

Nguyễn Hòa – Bảo Trân
.
.